Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

VŨ BÌNH LỤC - NGƯỜI CÓ DUYÊN VỚI VĂN THƠ CỔ





VŨ BÌNH LỤC - NGƯỜI CÓ DUYÊN  VỚI VĂN THƠ CỔ
                                          Vũ Nho
Có một điều lạ là những người tuổi Mậu Tí ( 1948) thường là người gắn với duyên bút mực. Và sức viết, sức in thật đáng nể. Nhà thơ kịch tác gia Lưu Quang Vũ với sự nghiệp đồ sộ, nhà thơ Trịnh Thanh Sơn với tuyển tập hàng nghìn trang khổ lớn, nhà văn Nguyễn Hiếu với hơn hai mươi tiểu thuyết ( chưa kể thơ, kịch, phê bình, truyện ngắn) và nhà giáo nhà văn Vũ Bình Lục.
Ông Vũ Bình Lục  được giải cao về thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, đã in đến 8 tập thơ riêng và một tập thơ chọn. Tính đến năm 2017, đã in 21 đầu sách gồm thơ, tiểu luận, tùy bút, bút kí và bình thơ. Tác giả thông báo sắp in thêm 6 tập sách nữa. Điều đáng nói là Vũ Bình Lục toàn in sách bìa cứng sang trọng [ các cuốn Giai phẩm với lời bình (5 tập), tùy bút, thơ tuyển,  “Hồn thiền trong thơ Lí Trần”, Bình giải thơ Nguyễn Trãi (2 tập) đều bìa cứng mà hầu hết bạn bè văn chương vô cùng thán phục]. Theo thông báo trên trang FB của tác giả, 5 tập sách bìa cứng “ Giải mã kho báu văn chương” vừa được nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018.
Là một người lính từng cầm súng trực tiếp chiến đấu ở chiến trường khu Năm thời chống Mĩ, nhưng duyên nghiệp của Vũ Bình Lục lại gắn với nghề dạy học. Và ông giáo Vũ Bình Lục làm thơ viết văn, viết bình giải các tác phẩm của tiền nhân có trong chương trình Ngữ văn THPT, mở rộng ra các tác phẩm của các tác giả trong lịch sử thời Lí - Trần, các tác giả lớn khác như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát.



         Vũ Nho chủ trang

 
 Viết nhiều mảng như vậy, nhưng có lẽ tên tuổi của Vũ Bình Lục gắn liền với việc bình giải các áng văn chương cổ chữ Hán và chữ Nôm.  Nghiên cứu các tác phẩm Hán –Nôm đòi hỏi  sự vượt khó ghê gớm, nhất là đối với người không chuyên về Hán –Nôm. Vượt qua giới hạn về trình độ chữ Hán vốn khiêm tốn, Vũ Bình Lục đã miệt mài, cẩn trọng đọc kĩ các tài liệu của người trước. Rồi so sánh, đối chiếu, và dựa trên những dự cảm nhạy bén của mình, đưa ra cách hiểu hợp lí nhất đối với văn bản của người xưa.
Phải có một niềm say mê lớn; phải có một ý thức cao; phải có sự kiên trì, tỉ mỉ,…Nói tóm lại là phải có “duyên” với văn học cổ mới có đủ bình tâm để theo đuổi công việc nghiên cứu, bình giải, những áng thơ cổ với những điển tích, điển cố, với cách viết bằng thứ chữ Hán, chữ Nôm càng ngày càng xa với mọi người.
Nói về việc tinh tuyển, không phải là Vũ Bình Lục không có đóng góp.  Thành tựu nghiên cứu về thơ Lí -Trần của nước ta có một bước phát triển mới. Nếu so với các bài thơ thời Lí- Trần được tuyển trong “ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X- thế kỉ XVII” nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1962 thì quả thật số bài thơ được tuyển trong sách của Vũ Bình Lục đã vượt khá xa. Tuy nhiên, tác giả cũng đã thừa hưởng thành quả của các cuốn sách “Thơ Văn Lí –Trần”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978 và “ Tuyển dịch thơ đời Lý- Trần” của Đinh Văn Chấp, NXB Lao Động, 2010.  Mặc dù trong quá trình tuyển chọn, tác giả đã đối chiếu, bổ khuyết, điều chỉnh một số chú thích sai hoặc không phù hợp. Nhưng nhìn chung, cái công ở đây là có, nhưng không nhiều.
Phần đóng góp quan trọng của Vũ Bình Lục chính là phần dịch thơ và bình giải.
Về dịch thơ, tác giả đã nghiền ngẫm kĩ nguyên tác, thêm nữa, với vốn liếng khá dày của một người làm thơ đã có 8 tập thơ in, đã từng được giải cao trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Vũ Bình Lục đã cung cấp nhiều bản dịch khá hay về thơ của tiền nhân. Có một số bài chưa có bản dịch thơ, thì bản dịch của Vũ Bình Lục lại càng quý. Những bài đã được tiền nhân dịch, Vũ Bình Lục cung cấp một cách cảm khác, nhất là cách diễn đạt khác, cho người đọc thấy vẻ lung linh của bài thơ nguyên tác. Thơ Lý-Trần có nhiều bài có vị thiền, nhiều bài “kệ” ý tứ thâm sâu phải có hiểu biết nhất định về đạo Phật mới có thể hiểu được. Rồi từ hiểu mà chuyển thành thơ để người khác cũng hiểu và rung động với người xưa. Việc ấy không phải ai muốn là có thể làm được. Mặt khác, thơ của người xưa cách chúng ta gần một ngàn năm với những điển tích đòi hỏi phải tra cứu công phu mới tránh được hiểu “sai một li đi một dặm”. Như tác giả có bộc bạch : chỉ riêng việc hiểu hai sự vật “áo chiến bào” và “cờ Hán” trong thơ Nguyễn Trung Ngạn, phải mất cả một ngày để săm soi tài liệu. Bên cạnh đó chắc chắn không tránh khỏi khó khăn là rào cản ngôn ngữ.
Nhìn một cách tổng thể, những bản dịch thơ của Vũ Bình Lục về cơ bản là thành công. Nhiều bài thơ chữ Hán, sau khi dịch nghĩa vẫn có cảm giác khó hiểu, nhưng Vũ Bình Lục đã chuyển sang bản dịch thơ một cách tinh tế, dễ hiểu và dễ cảm. Một số bản dịch đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn tín, đạt, nhã.
Phần đóng góp  nhiều nhất theo cách đánh giá của  chúng tôi là phần bình giải của tác giả tập sách.
Nếu ở các tập giai phẩm với lời bình trước của Vũ Bình Lục, phần lời bình là phần quan trọng nhất, viết tung tẩy, phóng khoáng, thì ở  các bài bình thơ c, phần bình được viết thận trọng hơn, chắc chắn hơn và tất nhiên có vẻ “khô khan” hơn. Cũng đúng thôi, vì ở đây bình cho đúng, cho trúng cũng đã là một thành công lớn rồi. Với thơ cổ thì giải ( chúng tôi hiểu gồm chú giải, giải thích) là một phần rất quan trọng. Chú giải đúng, giải thích đúng điển cố, từ ngữ, hình ảnh là đã góp phần quan trọng vào việc cảm và hiểu, thưởng thức bài thơ. Việc giải đúng sẽ làm cho lời bình chính xác, thỏa đáng chứ không rơi vào bình tán chủ quan.
Xin dẫn ra vài ví dụ mà  chúng tôi tâm đắc với người làm sách.
-  Bàn lại với các cụ Đào Phương Bình và Nam Trân việc dịch thơ thành máu giặc hay máu người, Vũ Bình Lục viết : “ Trộm nghĩ, cụ Đào và Nam Trân, có lẽ chưa chuyển tải được đầy đủ tình ý của tác giả ở hai câu kết này. Trần Minh Tông viết “ tưởng rằng máu người chết trận vẫn chưa khô”, nghĩa là máu giặc xâm lăng như còn đỏ ngầu trên dòng sông Bạch Đằng, và cả máu của những anh hùng hữu danh và vô danh con dân nước Đại Việt ta nữa chứ! Máu ta, máu giặc cùng hòa vào dòng sông, đều cùng là máu người cả, bởi “ máu người không phải nước lã”. Những chiến binh phía Nguyên Mông, chỉ là những nông dân vô tội, bị ép buộc phải cầm vũ khí, phải chết một cách vô nghĩa vì quyền lợi và tham vọng bẩn thỉu của bọn cầm quyền ngạo mạn, sao chẳng đáng thương? Nên chi vua Trần Minh Tông mới viết là “ máu người chết trận” ( thác nghi chiến huyết), chứ không chỉ là “máu giặc”, đủ thấy một tấm lòng thương người không biên giới, một minh triết nhân văn sâu rộng đến nhường nào!” ( trang 218 tập “Hồn Thiền trong thơ Lí- Trần”).
- Nhân bàn về sai lầm của vua Trần Minh Tông và sự ân hận của nhà vua, Vũ Bình Lục biện giải : “ Bậc thánh nhân chưa hẳn là đã toàn bích. Đến như Lê Lợi là vị vua anh hùng, nhưng ông ấy cũng phạm những sai lầm nghiêm trọng, quá tin bọn xu thời hiểm độc, nên đã giết hại một số trung thần khai quốc. Lại đến như vua Lê Thánh Tông, một vị vua sáng, anh hùng, có công lớn với đất nước, cũng là người minh oan cho Nguyễn Trãi sau này. Minh oan cho Nguyễn Trãi là sáng suốt rồi, nhưng không dám minh oan cho bà Nguyễn Thị Lộ, thì đó lại là một sự thiếu trung thực. Cuối đời, Lê Thánh Tông cũng mắc sai lầm nghiêm trọng, nghe sàm tấu mà giết hại mấy trung thần. Chả thấy các vị vua ấy có lời hối hận nào được ghi vào sử sách hay văn chương cả. Thế mà thiên hạ vẫn hết lời ca ngợi Lê Lợi, Lê Thánh Tông, là bởi vì người ta nhìn thấy rừng, chứ không chỉ nhìn vào cây, không chỉ biết có cây vậy!” (  sách đã dẫn trang 220).
- Nhân chữ Thẹn trong bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, tác giả bình “ Đó chính là sự thẹn thùng có liêm sỉ của một nhân cách lớn, muốn vươn tới đỉnh cao của người quân tử chính danh. Thơ của ông cha ta thời trung đại, cũng thấy thể hiện không ít chữ thẹn thùng, ví như Chu Văn An, ví như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiên Tích, Lý Tử Tấn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, rồi cả Nguyễn Khuyến chẳng hạn…Thẹn thùng được thể hiện như một uyển ngữ, vừa là tâm trạng, vừa là thái độ và trong đó ngầm chuyển tải thông điệp về ý chí của con người cá nhân ở những cấp độ và màu sắc khác nhau” ( sách đã dẫn trang 257-258).
- Vũ Bình Lục đã tranh luận nhẹ nhàng với các tác giả sách “ thơ văn Lý Trần, tập III “ nếu dịch Oanh hoa là mùa xuân, không sai, nhưng mà lại không ăn nhập với câu cuối. Chả lẽ Mùa  xuân lại làm rối nắng mai, tức nắng xuân hay sao? […] Chúng tôi dịch ra thơ : Oanh hoa hưng phế chẳng màng/ Vô tư đùa dỡn với chàng nắng mai là có thể chuyển tải đúng tinh thần nguyên tác chăng? “ (  sách đã dẫn trang 321).
 Tất nhiên, như đã nói, viết về thơ chữ Hán, chữ Nôm của tiền nhân, ngay đến các bậc túc nho cũng còn có khi có lỗi, huống hồ một người chỉ được đào tạo để dạy Ngữ văn bậc Trung học, chỉ tự học, tự đào tạo mà trưởng thành. Chắc chắn trong hàng ngàn trang bình giải thơ cổ tác giả Vũ Bình Lục khó tránh khỏi có sơ suất, khiếm khuyết.  Nhưng bỏ công sức, thời gian và cả tiền bạc nữa để tìm hiểu thơ của tiền nhân và viết  những cuốn sách độc đáo như thế, quả là một việc đáng ghi nhận và biểu dương, khích lệ. Viết những dòng này, chúng tôi cũng muốn bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ đối với sức lao động và sáng tạo to lớn của người bạn đồng tuế, đồng nghiệp.
                                               Hà Nội, tháng 3/2018
Bài đăng trên Quân Đội Nhân Dân cuối tuần, số 1180 ngày 12/8/2018. Đây là bản gốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét