Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

“SẬP HẦM” VÀ KÌ VỌNG CỦA NGƯỜI VIẾT





“SẬP HẦM” VÀ KÌ VỌNG CỦA NGƯỜI VIẾT
Đọc “ Sập hầm”, tiểu thuyết của Nguyễn Cao Thâm, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018
                                                 Vũ Nho
Nguyễn Cao Thâm là người của mỏ. Anh lăn lộn với nghề mỏ và những người thợ mỏ. Tác  giả  từng làm  bảo  vệ  gác kho thuốc nổ,  từng  làm thợ lò, rồi làm Phó quản đốc phân xưởng, chỉ huy sản xuất ở Công ty Xây lắp mỏ Mông Dương…Khi chuyển sang  làm báo, anh làm Phó tổng biên tập tạp chí Than. Một tạp chí của ngảnh mỏ. Anh là nhà báo, nhà văn của mỏ, nên có thể nói vốn sống về mỏ của anh thật dồi dào. Cái vốn sống ấy, anh đã thể hiện trong các bài báo, trong các tập sách chân dung, kí sự, phóng sự. Và mới nhất, năm 2018 là trong tiểu thuyết “ Sập hầm”, ấn hành tại nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Cuốn tiểu thuyết khoảng 300 trang, chỉ vẻn vẹn 4 chương và phần mở đầu “Cái búa chém” dài 2 trang rưỡi,  nói về vật dụng của thợ lò bậc cao mà nhân vật Thạch Ngầu  dùng chặt chân Tổng giám đốc khi gặp tai nạn “sập hầm”. Bốn chương sách có nhan đề khá  ngắn gọn: Chương 1. Những người “lập dị”; Chương 2. Than “thổ phỉ”; Chương 3. Sập hầm; Chương 4. Cuộc chiến trong lòng đất. Trong mỗi chương lớn lại gồm những “đoạn” có nhan đề rất khơi gợi như : “Người hèn “toàn tập”; “Ông giám đốc bị cách chức”; “ Người cẩn trọng”; “Cái bắt tay định mệnh”; “ Cuộc mặc cả lúc bốn giờ sáng”; “ Kẻ độc tài”; “Quả báo”,… Mỗi một đoạn trong chương là một câu chuyện, một mắt xích nối các nhân vật xoay quanh sự kiện  làm  than, “sập hầm”,  cuộc vật lộn của các nhân vật trong đường hầm lò sập, cuộc cứu nạn của những người bên ngoài.

Tác giả tiểu thuyết đã dựng lên chân dung các nhân vật liên quan đến việc đào than, sập hầm, trong đó nổi bật là ông Thạch Ngầu, thợ mỏ bậc cao; rồi Tổng Giám đốc Văn Chèo, vốn là một tay đào than thổ phỉ; và một lãnh đạo cỡ tỉnh với biệt danh “Quán Triệt”, vị công dân số 1. Cô nhà báo Hồng Ngọc, nhân tình của vị lãnh đạo. Tai nạn sập hầm là tai nạn  từng xảy ra ở vùng mỏ mà tác giả được chứng kiến. Chuyện dùng búa chém chặt chân đồng nghiệp trong tai nạn để cứu mình và cứu bạn cũng là chuyện  dân mỏ ai cũng biết. Việc hư cấu của nhà văn chỉ là tạo ra một cuộc “sập hầm”  tưởng tượng để các nhân vật bị kẹt trong tình thế hiểm nghèo, bị đối diện với  cái đói,  cái khát, nỗi sợ hãi cái chết. Trong hoàn cảnh đó, bản chất của nhân vật  tốt và xấu đã bộc lộ một cách trần trụi, mãnh liệt nhất.
Ấn tượng  của người đọc về nhân vật quan cỡ tỉnh không chỉ là từ ngữ cửa miệng của ông ta : “Quán Triệt” khi ông đi phát biểu, mà là sự sa đọa trong lối sống, sự cấu kết với “doanh nghiệp” để đục khoét tài nguyên.  Quán Triệt là em trai bà Bí thư tỉnh ủy. Tác giả thông qua lời một nhân vật khác , người lái xe để bình luận về vị  quan chức Giám đốc sở này: “ Không! Ông không phải là người! Ông là con quỷ đội lột người! Ông nham hiểm, ông tráo trở. Ông tham lam bỉ ổi. Chính ông đã đẩy chúng tôi xuống địa ngục này” ( trang 245). Cô nhà báo, nhân tình của ông ta cũng nói thẳng về bản chất của ông ta : “Ông giàu sụ, ông đầy tiền; ông đầy đất, ông có hai biệt thự, vậy mà ông vẫn lập mưu cướp đất hương hỏa của anh trai ông. Cháu ruột  ông, học hành bằng cấp tử tế, xin vào cơ quan ông, ông còn bày trò thi cử gạt cháu ông ra để tiếp nhận người khác chỉ vì tiền. Ông thừa mứa vẫn đối xử thậm tệ với ruột thịt mình như vậy” ( tr.245). Khi bị kẹt trong hầm lò, ông Thạch Ngầu hỏi Văn Chèo về sự hùn vốn của ông Quán Triệt, nghe xong, ông Thạch đã phải văng tục : “ Mả cha thằng Quán Triệt! Tiên sư bọn ăn trên ngồi trốc bóc lột dân đen! Vậy thì mày không thể chết, Chèo ạ. Mày phải sống để vạch mặt bọn khốn nạn. Tao cũng vậy. Tao với mày phải sống để trả nợ cuộc đời” ( trang 266).
Tác giả đã cố ý sắp xếp để vị Công Dân Số Một Lê Quán ( Quán Triệt) cùng chung một đoạn hầm sập với Công Dân Số Hai của cơ quan là Ca Men và nhà báo Hồng Ngọc là nhân tình của ông ta. Ca vốn là nhân viên lái xe của ông Quán Triệt. Ca “biết hết mọi chuyện bí mật của ông Quán Triệt; nó thay mặt ông Quán Triệt nhận hối lộ và đưa hối lộ; nó dắt gái cho ông Triệt…”. Anh chàng như một tôi tớ của ông chủ, hầu hạ ông ta, vợ ông, con cháu, anh em họ hàng, và cả cô nhân tình của ông nữa. Anh ta đóng vai tận tụy, trung thành “như diễn viên siêu hạng”. Chỉ khi trong đoạn hầm sập, anh ta mới có cơ hội trở thành kẻ “độc tài” trả thù cho những ngày cúc cung tận tụy như một con chó.
Hông Ngọc thừa nhận, chính là cô là “đĩ bút” như Ca Men rủa xả. Hồng Ngọc làm báo, nhưng bài viết, tin tức của cô đều từ những “sếp lớn” đưa cho. Để có được những tư liệu hay hợp đồng quảng cáo, cô  đánh đổi bằng cả thân xác mình. Với tay chủ tịch Yên Bình cô đổi tình dục lấy hợp đồng quảng cáo hai trăm triệu. Cô làm người tình của Quán Triệt để có tiền, có xe đi. Ca Men mắng mỏ Hồng Ngọc : “ Mày biết nghề đĩ bút là gì không? Là cái nghề viết thế nào cũng được. Có tiền thì mày khen. Không có tiền thì mày chửi.” Anh ta còn mỉa mai cô : “Nhưng cái giá làm đĩ của cô em như vậy cũng chưa phải là cao đâu nhé. Anh biết có những em nhờ làm đĩ mà được lên chức, lên quyền. Đó mới là đĩ siêu hạng.” ( tr.271).
Và trước cái chết, cả ba nhân vật bộc lộ mình một cách trần trụi, tranh giành can nước, túi bánh. Không có tình nghĩa thủ trưởng với lái xe. Không có quan hệ nhân tình nhân ngãi. Không có tình cảm của  con người với  con người.
Cô nhà báo Hồng Ngọc đã nói trắng phớ ra  với ông Quán Triệt rằng “Tôi là con khốn nạn. Ông cũng khốn nạn. Ông Ca cũng khốn nạn. Chúng ta đều khốn nạn” ( trang 277).
Vị “Tổng giám đốc công ti Thành Đạt” Văn Chèo là một nhân vật biếm họa khác. Vốn là một tay có “bệnh” thích nhòm trộm chị em, Chèo đã lần mò xem chị em tắm sông. Không thỏa, chú chàng còn rình xem chị em ở nhà tiêu ( nhà vệ sinh) ban ngày. Rồi rình xem người đàn bà chửa…bị chị ta vứt nắm tro vào mặt kèm câu chửi tục. Ra mỏ làm, Chèo lại rình mò nhà tắm của chị em để xem. Bị “lộ” vì hắt xì hơi, Chèo chuồn vào nhà ông Thạch Ngầu để lại tiếng xấu cho ông. Văn Chèo, theo đánh giá của Phượng Bốc “là thằng vô học, vô văn hóa”, là “cái thằng thổ phỉ học lớp hai khai lớp bốn”. Công ti của Chèo là sân sau của Quán Triệt, thực chất là  biến tướng của tổ chức đào than thổ phỉ!  Nhàn, nhân vật tiếp viên được Văn Chèo đưa về phụ trách nhà văn hóa đã nói thẳng vào mặt Tổng giám đốc : “Đừng vội tưởng có lãnh đạo bảo kê, chống lưng; mấy bài báo tung hô mà vội huênh hoang nhá! Sập tiệm đến nơi rồi! Một doanh nghiệp mà làm giàu bằng sự chụp giật của một gã nhà quê lưu manh thì chỉ lừa phỉnh được những kẻ sính lợi nhất thời, sớm muộn cũng sập tiệm, đừng hòng mà nói đến văn hóa doanh nghiệp nhá!” ( trang 152). Công ti trá hình ấy nhưng Văn Chèo chịu chơi, biết bỏ tiền để thu phục người giỏi như kĩ sư Nhật, như ông thợ cả Thạch Ngầu. Vì làm ăn kiểu chụp giật của lối lấy than thổ phỉ, không đầu tư gia cố hầm lò nên sự cố sập hầm xảy ra. Chèo tiếc của đã bỏ ra đầu tư  mà chưa thu hồi được vốn nên bất chấp hiểm nguy, xuống lò ngày giáp tết. Rồi Chèo bị kẹt chân và  để cứu Chèo, ông Thạch Ngầu đã phải  dùng búa chém chặt đứt bàn chân đó.
Văn Chèo, Thạch Ngầu và Đang bị kẹt trong một đoạn đường lò khác. Trong hoàn cảnh  bi đát còn hơn cả ba nhân vật Lê Quán, Hồng Ngọc và Trần Ca, nhưng họ đã chống chọi với nguy hiểm, với sự tuyệt vọng và tìm mọi cách để liên hệ với lực lượng cứu hộ. Chính ông Thạch, người được đào tạo ở Liên xô đã hết sức bình tĩnh phán đoán và xử lí các tình huống dưới hầm. Cái chết của Đang do bất cẩn không làm ông Thạch nao núng hay buông xuôi. Mặc dù Văn Chèo hứa  chi thưởng rất nhiều tiền, nhưng ông Thạch, hay Đang đi vào chỗ nguy hiểm không chỉ vì tiền, mà cái chính là vì cái tình của con người với con người. Các nhân vật khác như Văn Văn, bà Lan què, Nhật “Điếc”, những công nhân có mặt trong đợt cứu nạn lúc năm cùng tháng tận đều thể hiện tình cảm của những người làm mỏ. Họ xuống lò để cứu nạn, bất chấp lời phản đối lạc lõng của Phượng Bốc, nhân danh công đoàn bảo vệ quyền lợi của công nhân.
Có thể nói tác giả đã khắc họa được một loạt chân dung  đa dạng của những người làm mỏ. Từ giám đốc bị cách chức đến Tổng giám đốc đương chức; từ người  kĩ sư nhiều bằng nhưng chỉ có thể làm việc vặt như ông Lùng đến kĩ sư xịn nhưng không được sử dụng hết năng lực như Nhật. Rồi người lái xe cho sếp, nhà báo, người bán quán. Không có chuyên môn và không lăn lộn với mỏ không thể nào viết về cuộc sập hầm và cứu nạn sinh động như vậy. Một ưu điểm khác cần ghi nhận  là chất hài hước trong tác phẩm. Tác giả đã miêu tả chế giễu ông Quán Triệt bận rộn, hứa nói ngắn gọn nhưng lại tràng giang đại hải.  Hàng loạt các “sự kiện” thấm đẫm chất hài và bi hài. Việc bình thơ ở nhà văn hóa, việc “sáng tác” thơ, nhạc của Tổng giám đốc Văn Chèo,  việc ghi chép tỉ mỉ của ông Lừng.  Rồi mối tình của Đang với chị Nhàn, ông Thạch Ngầu với cô Hà. Cả việc đóng vai người dẫn chương trình của ông Thạch Ngầu và cái cười đặc trưng “ê hề hế” của ông…
Tôi cho rằng viết về  “sự cố” sập hầm do người  lãnh đạo văn hóa thấp quen đào than thổ phỉ liên kết với người có quyền chức, lại mua ngòi bút của nhà báo ca ngợi, tô vẽ,..chính là nguyên nhân của sự “sập hầm” và có thể dẫn đến sụp đổ hệ thống hầm lò, gây ra thảm họa cho dân mỏ.  Đơn giản vậy thôi. Nhưng vậy cũng đủ làm nên thành công của tiểu thuyết.
Trong khi đó, tác giả lại cho rằng thông điệp mà anh muốn hướng tới người đọc và cũng chính là kì vọng của  người viết là : “ Vụ sập hầm được miêu tả trong tiểu thuyết “Sập hầm” cũng như những thảm họa thiên nhiên trên thế giới là kết cục về dục vọng tham lam vô độ của con người. Tôi tin rằng dục vọng tham lam của mọi cá nhân cũng như dục vọng của mọi quốc gia sẽ bị trừng phạt vì sự tàn phá điên cuồng của họ, dẫn đến sự sụp đổ lớn hơn, tai họa với loài người khủng khiếp hơn! Chỉ có sự kìm chế dục vọng và tình thương yêu giữa con người với con người mới cứu được thảm họa thế giới” ( Lời tác giả).
Có lẽ muốn  nhấn mạnh “thông điệp” này, tác giả đã cho anh chàng Ca Men lái xe  “ nho nhe”  nhắc lời  Lão Tử để nhục mạ ông Quán Triệt “Tất cả là tại cái lòng tham vô đáy của ông! Ông có biết Lão Tử dạy “Tri chỉ” và “Tri túc”  nghĩa là gì không? Đó là sống trên đời phải biết dừng và biết đủ. Một khi lòng tham vượt quá giới hạn thì ắt sẽ phải chịu sự trừng phạt, ông hiểu không?” ( tr. 255).
Nhưng  mấy câu nói như thế là chưa đủ cho thông điệp, nhất là người viết lại muốn nói đến “ dục vọng của mọi quốc gia”.
Tôi tán thành với sự tự đánh giá tỉnh táo : “Do năng lực có hạn nên tác giả chưa làm sáng tỏ thông điệp trên” ( Lời tác giả). Thông điệp quá  lớn  lao ấy, tác giả  kì vọng nhưng chưa làm sáng tỏ thì cũng không vì thế mà tiểu thuyết “ Sập hầm” kém đi giá trị.  Với kinh nghiệm sống và viết lâu năm của tác giả, đây vẫn là một tiểu thuyết thành công về  mỏ và những người thợ mỏ.
                                    Hà Nội, 14 tháng 5 năm 2018



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét