Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

SƠN LA SAY của Vũ Nho với lời bình




Cảm nhận bài thơ "Sơn La say"  của tác giả Vũ Nho

                      Nguyễn Văn Thưởng

Sơn La say
Sơn La cảnh lạ ai bày
Có người say tít ở đây quên về

Tôi say ai hát Chiềng Lề
Say mềm mại bước ai xoè Chiềng Xôm
Say lăn tăn búp tay thon
Say nôn nao dáng ngực tròn của ai
Say long lanh với mắt nai
Say rừng rực thắm nét môi ai cười
Inh lả ơi! Soong noọng ơi!
Miên man say cả một trời cỏ hoa
Nhịp rừng gần , nhịp núi xa
Vòng xoè nghiêng cũng đang ngà ngà say
Mắt sóng sánh tay cầm tay
Rượu cần ai uống cho ai mê người
Nào thêm một coóng nữa thôi
Để tôi say kết một đời Sơn La


            Bài thơ " Sơn La say ", nhà giáo, nhà thơ, Tiến sĩ Vũ Nho sáng tác đã in trong "Thi nhân miền cổ tích" của 30 nhà thơ, ra mắt công chúng kỉ niệm ngày sinh của Bác Hồ, ngày 19 tháng 5 năm 2019, tại xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đó là một bài thơ hay viết theo thể lục bát, một thể thơ dân tộc gần gũi với ca dao, dễ đi vào lòng người. Ngay câu lục bát mở đề đã hấp dẫn người đọc, tựa như là một câu ca dao thay cho lời đề từ: "Sơn La cảnh lạ ai bày /Có người say tít ở đây quên về" Đó là một câu  lục bát khái quát được nội dung bài thơ - cảnh và tình người. Cảnh thì lạ và đẹp, còn người thì cứ say, say tít, đến nỗi quên về. Vào đề rất khéo, khiến người đọc háo hức tìm câu trả lời. 


                                                                        Nhà giáo Nguyễn văn Thưởng

 
           Cái hay của bài thơ bắt đầu như vậy. Năm câu lục bát tiếp theo, làm rõ nội dung mà câu  khái quát đã đặt ra. Người say, say tít,  say quên về là ai? Say cái gì? Say thế nào... Tác giả tự trả lời:  "Tôi say". Từ "say" được dùng  tới bảy lẩn, cấp độ say tăng dần: từ "say" đến "say lăn tăn", "say nôn nao" cho đến cao độ "say rừng rực". Đặc biệt đối tượng say được lần lượt liệt kê là những hình ảnh tuyệt đẹp của con người Sơn La, đem đến cho chính tác giả, người đọc những cảm xúc lành mạnh, trong sáng, những mỹ cảm. Đó là "ai hát Chiềng Lề", là "bước ai xòe Chiềng Xôm" ( Tên các bản Thái ở Sơn La), là "búp tay thon", là "dáng ngực tròn của ai", là "long lanh mắt nai", là "rừng rực thắm nét môi ai cười", là "cả một trời cỏ hoa". Đặc biệt là hình ảnh: "Mắt sóng sánh tay cầm tay/ Rượu cần ai uống, cho ai mê người" khắc họa vòng xòe  quanh vò rượu cần, một hình đẹp của văn hóa  đặc trưng vùng Tây Bắc. Người viết say tiếng hát, say bước xòe, say vẻ đẹp hình thể của những  người con gái Sơn La. Rồi say thiên nhiên  say rừng  gần , say núi  xa, say “một trời cỏ hoa”, say văn hóa của người Sơn La là múa xòe và uống rượu cần.
                Sự hòa hợp giữa hai con người - người say và đối tượng được say - một sự phát triển luận lý, một kết cục nhân văn là cái lý do "quên về" của người con trai. Hai câu kết: "Nào thêm một coóng nữa thôi/ Để tôi say kết một đời Sơn La" giá trị như một tuyên ngôn của tình yêu, thẳng băng dứt khoát, mãnh liệt.
            Trên đất nước ta chắc chắn sẽ còn những tác phẩm Cao Bằng say, Hà Giang say, Tây Nguyên say... tiếp tục ra đời làm đẹp cho Tổ quốc và con người Việt Nam. Đọc xong bài thơ"Sơn La say" của tác giả Vũ Nho, dù tuổi đã cao, lòng tôi cũng thấy náo nức. Nếu còn trẻ trung, chắc cũng dám say như thế. Mong rằng tuổi trẻ tìm đọc bài thơ, để cảm nhận, suy ngẫm và hành động. Xin chân thành cảm ơn tác giả Vũ Nho, một nhà thơ vẫn đang miệt mài cống hiến cho đời.
                                     
                                                                        Thái Bình,ngày 20 tháng 5 năm 2019

1 nhận xét:

  1. Cám ơn bác Nguyễn văn Thưởng, một nhà giáo gốc Hà Nôi. Bác Thưởng năm nay đã 84 tuổi.
    Chúc bác trường thọ!

    Trả lờiXóa