Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2025

CHÙM "TÌNH"

 Chùm “TÌNH”

PHẠM CÔNG TRỨ

pham_cong_tru 

Tình yêu, thứ tình cảm bí ẩn nhất, là đặc sản của tâm hồn chỉ có ở con người, là món quà vô giá mà Thượng đế hào phóng ban tặng cho nhân thế.

William Shakespeare, văn hào đã có nhiều câu văn được xếp vào hàng danh ngôn của mọi thời, đã viết “Tình yêu là đốm lửa của cuộc sống, là sự thăng hoa của tình bạn, là sự hợp nhất của tâm hồn. Nếu nói cảm tình của nhân loại có thể phân biệt đẳng cấp, tình yêu luôn thuộc về một cấp cao nhất”. Yêu khắp muôn loài và chúng sinh là tình yêu tôn giáo, là siêu tình yêu, chỉ dành cho các đấng bậc phật chúa, thánh thần. Chữ tình, theo nghĩa hẹp, là tình trai gái, là “chàng và nàng” ngày trước, “anh và em” hôm nay.

Tình yêu thì do Thượng đế ban phát chứ nụ hôn, anh em sinh đôi của tình yêu, thì là phát minh của chính con người, được xem ngang với phát minh ra lửa thuở hồng hoang. Tuy nhiên, nếu hỏi nụ hôn đầu tiên bắt đầu từ bao giờ, ở đâu, ai phát minh ra nó, thì sẽ không có câu trả lời xác thực, kể cả gõ google. Chỉ biết là con người biết  “khóa môi” nhau rất sớm, đâu đó như ở thời Lưỡng Hà cổ đại, thuộc vùng Trung Cận đông thì phải. “Nụ hôn là con dấu trên khế ước tình yêu”, cũng Shakespeare, vừa thực dụng vừa văn hoa bảo thế. Tuy hai chữ “khế ước” ở đây có hơi hướng giao kèo dân sự, song đó là chuyện của hôn nhân và gia đình sau này, còn nụ hôn là thuần túy của chữ “Tình” viết hoa, có nhung có tuyết.

Là một từ gốc Hán, chữ “Tình” () gồm bộ tâm đứng và chữ thanh ghép với nhau, có nghĩa là tình khởi đi từ tâm của mỗi con người với ý là rõ ràng, trong sáng. Ngoài ra, chữ “ái” () có nghĩa là yêu, gồm bộ tâm (con tim) và chữ thụ (chịu đựng). Diễn nôm ra, thì tình yêu hay tình ái chẳng những là trong sáng, là hiến dâng cho nhau mà còn bao hàm cả sự chấp nhận, chịu đựng nhau, hy sinh cho nhau, một cách tự nguyện. Như vậy, nhận diện chữ “tình” cần được chia đều cho cả hai phía cho và nhận, hạnh phúc và khổ đau mới là thuận lẽ, mới hạn chế được “nào ngờ”, “biết vậy”, “giá như”, nếu có trong và hậu hôn nhân sau này. “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù”, cổ nhân đã cảnh giác lũ cháu con mới lớn thừa nhiệt huyết, mà thiếu trải nghiệm khi lao vào trời tình, bể ái bằng một câu thành ngữ truyền đời như thế. Phía trời Tây, văn hào J.W. Goethe thì tỏ ra uyên bác khi lý giải rằng “Tình yêu là lý tưởng, hôn nhân là thực tế, sự nhầm lẫn giữa thực tế và lý tưởng bao giờ cũng dẫn đến hậu quả tai hại”.

Tính ra đã có không biết bao nhiêu những ví von thi vị, cùng những ẩn ngữ, mật ngữ, hảo ngữ xung quanh hai chữ “tình yêu”. Đại để như: “Trong tình yêu, hành khất và vương giả đều như nhau”; “Khi yêu một người đàn bà chột, anh ta thấy thiên hạ như thừa ra một mắt”; “Chỉ cần thiếu một người, vũ trụ vắng tất cả“Tình yêu có thể khiến điều nghịch lý thành có lý, biến nhà vua thành thằng khờ, biến thằng khờ thành triết nhân”; “Tình yêu là một con quỷ, cho nó ăn no nó sẽ chết để cho nó đói khát nó sẽ sống lâu”. Lại có người bảo “khi yêu ai cũng là nhà thơ”, rồi thì “là thi nhân đồng nghĩa với tình nhân”. Văn hào Victor Huygo khẳng định: “Tình yêu có những quy luật riêng mà trí tuệ không thể hiểu được”. Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh thì ỡm ờ “Yêu là nhớ ít tưởng nhiều/ Yêu là chẳng biết mình yêu cái gì/ Yêu nhau đâu bởi hàng mi/ Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi/ Yêu là yêu, có thế thôi...”. Những câu văn vẻ hữu tác và vô tác (giả) ấy cũng chẳng rõ đã lọt vào bộ nhớ và “làm tổ” trong tâm trí hắn tự bao giờ nữa.

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”; Bóng hoa lay động bức tường/ Phải chăng người ngọc tỏ đường tới đây (Phất tường hoa ảnh động/ Nghi thị ngọc nhân lai);“Lòng ta chôn một khối tình/ Tình trong giây phút mà thành thiên thu”. Thì ra, dù là bên ta, bên Tàu, hay bên Tây, thì cái thứ tình cảm được gọi là tình yêu thuở chớm hé ấy, cũng nói chung một thứ ngôn ngữ của kỳ hoa dị thảo. Cần chi nhiều, chỉ với hai câu thất ngôn của Thế Lữ, hai câu ngũ ngôn của Nguyên Chẩn, hai câu sonnet của Félix Arvers, là đã đủ lưu danh cùng hậu thế. Lưu danh, vì họ, với một cảm quan trời phú, trong lúc thăng hoa đã nói hộ nỗi lòng của bao người cái giây phút địa chấn tinh thần một đi không trở lại, song dư chấn thì mãi còn ngọt ngào lưu luyến của đời người. Nói cách khác, họ đã chọn đúng giây phút trời cho, cả đời mới có một lần, để “vĩnh cửu hóa”, “thiên thu hóa” cái nỗi lòng của người đang yêu và được yêu.

Song, cũng chẳng đâu lại có những nỗi sầu đau, day dứt, xa xót đến tuyệt vọng như khi mắc phải lưới tình, càng giãy dụa càng như bị thít chặt hơn. Mới thử ngó vào cõi yêu vậy mà “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu đã phải cay đắng thốt lên “Yêu, là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”. Lăn lóc trong trường tình, “ông vua thơ tình” Nguyễn Bính đã tự thú rằng“Yêu sao yêu mãi thế này/ Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu”. Không níu kéo được người tình trong mộng, “thi sĩ đồng trinh” Hàn Mặc Tử như rơi vào trạng thái “chết lâm sàng” “Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn kia hóa dại khờ”. Tình yêu có muôn nẻo đến và cũng có bấy nẻo đi. Chả phải ngẫu nhiên mà người ta lại đi ghép chữ “tội” với chữ “tình” = tội tình: “Đầu xanh có tội tình gì/ Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi” (Kiều). Người ta còn ghép chữ “bệnh” với chữ “tình” = bệnh tình. Thì đấy, khi đi thăm người bệnh, câu cửa miệng của khách đến thăm chẳng là: “Bệnh tình của bác bây giờ thế nào rồi?”.

Trong biết bao thứ bệnh của nhân sinh có một thứ bệnh gọi là “bệnh tương tư”:“Nắng mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Ông trời cũng mắc bệnh ấy huống chi tôi! Tương tư đâu chỉ là bệnh của riêng anh trai quê đa tình Nguyễn Bính, trước đấy hàng trăm năm cụ thượng Nguyễn Công Trứ đã hơn một lần tự hỏi “Tương tư không biết cái làm sao?”, “Khi đứng khi ngồi khi nói chuyện/ Lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao/ Trăng soi trước mặt, ngờ chân bước/ Gió thổi bên tai, ngỡ miệng chào”. “Năm thê bảy thiếp”, vậy mà ở tuổi dối già cụ vẫn ỡm ờ hỏi“cái tình là cái chi chi?”. Giả vờ thế thôi, chứ liền đó cụ đã đoan quyết ngay rằng“Dẫu chi chi cũng chi chi với tình”.

Ngược dòng tình sử, tìm về thần thoại Hy Lạp, thì thần tình yêu Eros được khắc họa như một cậu bé, xinh xắn với đôi cánh trên vai, nhưng lại bịt mắt. Thần mù lòa, vì theo như lý giải của Shakespeare “Ái tình không nhìn bằng mắt mà bằng tâm hồn”. Với đôi cánh thiên thần và bộ cung tên (mũi tên vàng và mũi tên đồng), Eros có thể thoải mái bay lượn, và, thích thì “bắn”, nghĩa là rất êm dịu, chứ không “bùm”. Nạn nhân của thần sau khi bị xuyên thủng tim sẽ đắm đuối yêu người khác giới đầu tiên họ gặp, nếu mũi tên ấy bằng vàng. Ngược lại, họ phải thù ghét nhau đến tận xương tuỷ, nếu nhận lấy mũi tên đồng. Do thần Eros là một đứa trẻ hay táy máy mà lại thiếu trách nhiệm với việc mình làm nên đã gây ra nhiều chuyên dở khóc dở cười trong cõi tình nơi thế gianTình yêu đích thực chỉ có một còn đồng dạng của tình yêu, hay cận tình yêu, thì vô số. Có lẽ người Hy-La cổ dựng lên ái thần với đôi mắt mù lòa là để biện minh cho cái sự dễ nhầm lẫn, ngộ nhận rất người và rất đời ấy.“Tình tôi như một mũi tên/ Đã ra khỏi nỏ là quên đường về”, hắn cũng bị mũi tên Eros ám ảnh, song đã đánh tráo cây cung thần kỳ của ái thần bằng cây nỏ bình dân của anh tiều phu quê mùa.

Tuy không thờ thần Eros, song sự sung sướng hay đau khổ của tình yêu bên phương Đông thì cũng vẫn thế. Yêu chính là muốn ở bên một người, không muốn rời xa người đó dù chỉ một giây. Hai chữ “tương tư” (ovesickness) nguyên nghĩa chỉ là sự cùng tưởng nhớ nhau, khi phải xa nhau. Vậy mà như có phép màu, tương tư đã khiến cho thời gian chờ đợi cũng như co giãn theo cái nhịp đập của con tim kẻ đang yêu “Nhất nhật bất kiến/ như tam thu hề” (Kinh Thi). Tương tư đã khiến nàng Nương Ý Nương, sống vào thời vãn Đường, rút ruột làm ra hẳn một thiên “trường tương tư”, trong đó có những câu được liệt vào hàng “kinh điển” của thơ tình: Người bảo sông Tương sâu/ Tương tư sâu gấp bội/ Sông sâu còn có đáy/ Tương tư chẳng bến bờ…”. Cũng là “đường tình, sông tình”, song với Sergei Yesenin, người xứ Bạch Dương, thì thành ra “Con đường tình không lối/ Con sông tình không bờ/ Ai chồn chân mỏi gối/Ai mái chèo bơ vơ…”.

Thậm chí bệnh tương tư còn theo ca dao len vào tận cửa thiền, trêu ghẹo cả kẻ tu hành: “Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư/ Ốm lăn, ốm lóc cho sư trọc đầu…”. Vẫn là truyện tình, chuyện tương tư nơi cửa thiền, song “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng không phải là sự “ghẹo sư” mà là câu chuyện về sự hòa giải đẹp và đượm buồn giữa tình yêu và tôn giáo, ở đây là Phật giáo. Mối tình của chàng sinh viên Ngọc và ni-cô Lan ở chùa Long Giáng có duyên mà không có phận, nên nó mãi lãng đãng của một “Hồn bướm mơ em”.

Cứ theo lý luận của Đông Y, thì tương tư là “tâm bệnh”, là bệnh phạm vào chữ “tình”, như người mang trong mình gánh nặng“một ngày nặng gánh tương tư một ngày” (Kiều). Người mắc bệnh này không nóng, không lạnh, không nhức đầu đau bụng, sổ mũi, nhưng cứ hết bồn chồn lại ủ ê.  Từ “tâm bệnh”, nếu không chữa chạy tương tư sẽ dần chuyển thành “thân bệnh”, khiến tinh huyết của bệnh nhân hao mòn, suy kiệt, thậm chí rồi đời. Bệnh này nhiều khi thuốc men bất lực, thầy thuốc cũng bó tay. Phương thuốc tốt nhất là phải tìm duyên xưa mà se lại, hoặc là se duyên mới thay vào, thì mới mong“họa dần dần bớt chút nào được không?”.

Trong truyện cổ tích “Trương Chi - Mỵ Nương” thì nàng Mỵ đang ủ ê, sầu não trong “lầu tây” vì đột nhiên vắng tiếng sáo của chàng  ngư phủ họ Trương vọng tới, vậy mà khi được giáp mặt chàng, thì nàng vỡ mộng và đột nhiên khỏi bệnh. Éo le thay, chàng Trương lại cảm nàng Mỵ, ốm tương tư rồi ôm mối hận tình gieo mình xuống dòng Tương (hay dòng tương tư?) trong nỗi cô đơn tuyệt vọng. Truyện kết thúc có hậu theo mô-tif cổ tích phương ĐôngMỵ Nương chạnh lòng nhớ lại mối tình đã qua. Một giọt nước mắt của nàng rơi xuống chén và tự nhiên chén ngọc tan ra thành nước”. Chi tiết giọt nước mắt Mỵ Nương rơi xuống làm chén bạch đàn vỡ đôi được hiểu là sự giải thoát cho sự ẩn ức cùng nỗi ấm ức của linh hồn Trương Ch i.

Không bằng lòng với cái kết có hậu (happy ending) nhuốm màu cải lương này, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (kẻ có công đưa “cứt” vào văn học - chữ của tiến sĩ mĩ học Đỗ Văn Khang) tác giả của truyện ngắn “Trương Chi”, viết “Tôi - người viết truyện ngắn này - căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy”. Từ bi kịch của một tình yêu éo le về thân phận trong cổ tích, Nguyễn Huy Thiệp đã “bẻ ghi” truyền thống để thành ra bi kịch của sự vong thân, của bệnh cô đơn không có thuốc giải của người nghệ sĩ thời hiện đại. Dù gì, thì dân gian với cái nhìn nhân hậu đã bất tử chàng Trương bằng một làn điệu xẩm“Ngày xưa có anh Trương Chi/ Người thì thậm xấu hát thì thậm hay…”. “Thậm xấu”, mà lại “thậm hay” của chàng nghệ sĩ bình dân họ Trương mới đáng nói, chứ cái cô Mỵ lá ngọc cành vàng “cấm cung” nơi “lầu tây” thì có nước non gì cái giọt nước mắt rơi muộn!

Cảm thán về bi tình éo le này, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác khúc “Trương Chi” mở đầu bằng một đoạn nhạc réo rắt, khêu gợi Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ/ Trầm trầm không gian mới rung thành tơ” và kết thúc bằng một giai điệu chơi vơi, âm dương khuất lấp “Người ra đi với cuộc phân ly/ Đâu bóng thuyền Trương Chi?”. Bóng thuyền của chàng Trương trên dòng Tương của Văn Cao chính là sự giai điệu hóa, lãng mạn hóa cái “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” của Nguyễn Du lục bát cổ điển xưaTát nước theo mưa, hắn cũng có mấy câu “Tiếng ai như tiếng Trương Chi/ Chết rồi tình vẫn hiện về vấn vương/ Mắt ai như mắt Mỵ Nương/ Chỉ mê tiếng hát chẳng thương mặt người…”.

Từ si tình đến mê muội rất gần, từ mê muội đến hoang tưởng cũng chỉ một đoạn ngắn. Càng lý tưởng hóa, càng si tình, lụy tình, thì càng dễ thất vọng khi tình yêu bị ngáng trở hay thần tượng bị đổ vỡ. Ví dụ cho trường hợp này không gì thuyết phục hơn là dẫn ra mấy vần thơ tình của các thi sĩ Nga, toàn cỡ thi bá, thi hào. V.Mayakovsky “nhà thơ thép” của nước Nga Xô-Viết thời đang lên hăm hở, tự tin định nghĩa “Yêu nghĩa là chạy thốc vào sân/ Vung búa rìu, giang tay bổ củi…”. Ấy vậy mà vào cuối đời, ở tuổi U40,  cũng đã phải thốt lên chua chát “Vấp vào đời phàm tục/ Tan vỡ chiếc thuyền tình”. Những dòng thơ này viết ít lâu trước khi ông gí súng ngắn vào chính giữa ngực mình và… xiết cò. Chẳng có bằng chứng nào về mối liên hệ trực tiếp giữa đàn bà và cái chết của ông, song chuyện tan vỡ chiếc thuyền tình trước đó cũng ít nhiều làm trầm trọng thêm cơn khủng hoảng toàn diện không cơ cứu vãn của nhà thơ Bolshevik này.

S.Esenhin, tác giả con đường tình, con sông tình nói trên, là một mỹ nam có trái tim dễ tan chảy trước phái đẹp. Ông bị đường tình, sông tình dẫn đi mãi, đi mãi cho đến khi chồn chân mỏi gối, để phải hậm hực thốt lên rằng “Người ta yêu em đến sờn mòn/ Người ta chiều em đến nhàu nát”. Hai câu bi tình này “con ngựa bất kham” Yesenhin dành riêng cho “người đàn bà bốc lửa” - Ducan Isadora, một vũ nữ lừng danh người Mỹ, hơn ông 17 tuổi. Ra đi ở tuổi ba mươi bằng một chiếc cà vạt tự treo cổ mình sau bốn lần kết hôn và rất nhiều say đắm khác, “con họa mi của nước Nga” hạnh phúc hay bất hạnh trên con sông tình, con đường tình định mệnh của mình, thì chắc chỉ mình ông biết.

M.Lermontov, bậc đàn anh của hai thi tài nói trên, kẻ đã tự thú “ba lần tôi yêu, ba lần tuyệt vọng”, thì lại tỏ ra cao thượng khi viết rằng “Không phải tại em, lỗi thuộc về số phận/ Khi sắp tới đây em đổi dạ thay lòng”. Thần tượng sụp đổ, song nhà thơ vẫn quả quyết rằng “Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng/ Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ!” dù trước đó ông đã lạnh lùng thông báo “Không, tôi nào nữa yêu em/ Mộng xưa đau đớn, cuồng điên qua rồi”. Như vậy, quả thực có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu cách yêu, cũng như cách đắc tình hay thất tình. Vậy nên tình yêu mới không mòn sáo, mới là lý do để nữ tác giả “Trường tương tư” nói trên viết“Nhập ngã tương tư môn/ Tri ngã tương tư khổ” (Bước vào cửa tương tư/ Mới biết tương tư khổ) và tỏ ý hối tiếc “Sớm biết nỗi đau lòng/ Xưa đừng cùng quen biết”.

Đúng là đoạn tình ai có qua cầu mới hay!

Truyện Kiều ai cũng bảo là triết lý của chữ “tâm”,  song ngẫm ra thì lại như là triết lý của chữ “tình”. Với câu “Phong trình cổ lục còn truyền sử xanh”, thì rõ ràng Nguyễn Du đã khẳng định cuốn “Đoạn trường tân thanh” của ông là một truyện “phong tình”, hay “ngôn tình”, như cách nói bây giờ. Theo đó, ái tình đã là cái án “chung thân” trói buộc nàng Kiều vào kiếp đoạn trường không lối thoát “Lại mang lấy một chữ tình/ Khư khư mình buộc lấy mình vào trong”. Dưới cái nhìn nhà Phật, thì ái dục (không chỉ là tình đôi lứa mà là cái tình cảm yêu gét nói chung của con người) và vô minh là cội nguồn của đau khổ, của luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, người sống một đời, hỏi có ai lìa được chữ tình, đoạn được chữ ái? Chúng ta đều vì yêu mà gắn bó vì ái mà sinh ra, cũng vì ái tình mà sầu khổ. Ái tình, dù sung sướng hay khổ đau, cũng là một điều rất thiêng liêng, rất đáng được tôn thờ, bởi như một thi sĩ nào đó đã nói “tất cả đều qua đi, chỉ có yêu thương là còn lại”.

Tình yêu không đơn thuần là tình dục song cũng không tách rời tình dục. Tình dục trong tình yêu là biểu hiện cao nhất của sự hòa hợp hai thể xác và sự thăng hoa của hai tâm hồn khác giới.“Tình yêu có hít có hôn/ Có thương có nhớ có hờn có mong/ Tình yêu có ngực có mông/ Thiếu hai cái đó là không có gì” hắn cũng đã từng trần tục hóa tình yêu như thế. Đạo sư Osho, tác giả của sách “Tâm lý bí truyền”, cực đoan hơn khi cho rằng, ngay cả trong hôn nhân ham muốn thân xác mà không có tình yêu thì chẳng khác gì… mại dâm. “Vạn ác dâm vi thủ” (trong một vạn điều ác thì dâm dục là đứng đầu) là quan niệm của cả tam giáo Nho-Lão-Thích. Chữ “dâm” ở đây không chỉ là sự dâm đãng, mà ám chỉ về dục vọng, ham muốn của con người nói chung, trong đó có dục tình.

Phía trời Tây dù không quan niệm  “vạn ác dâm vi thủ” nhưng các triết gia, các khoa học gia lớn, như I.Newton, H.Cavendis, A.Nobel, A.Schopenhauer vẫn suốt đời độc thân. Là bác học thì thường lập dị, hay phải chăng họ đều tôn thờ quan điểm của I.Kant:“Người đàn ông nếu muốn không tầm thường thì đừng lấy vợ”! Không lấy vợ, nhưng có nhiều người tình thì sao? Câu phát ngôn ưa thích của triết gia Schopenhauer là “Người đàn ông duy nhất không thể sống thiếu phụ nữ, đó là bác sĩ phụ khoa”! Soren Kierkegaard, một triết gia kiêm thần học khác đã viết rằng:“Những ai muốn trở thành thiên tài, anh hùng và thi sĩ, đều nhờ một người thiếu nữ mà họ không cưới làm vợ”. Ông đã từng hứa hôn nàng Regina Olsen trẻ trung xinh đẹp và được nàng ưng thuận, vậy mà chỉ ít lâu sau ông lại viết thư xin hủy bỏ hôn ước. Người ta đồ rằng Kierkegaard không đủ can đảm bước vào đời sống hôn nhân, vì cho đến cuối đời ông vẫn thú nhận trong nhật ký là rất yêu nàng.

Socrates, một triết gia lừng danh thời cổ Hy Lạp vẫn thường bị vợ đay nghiến, mặc dù mụ Xanthippe, vợ ông, cũng chẳng phải là một quý bà cao sang gì. Dưới mắt mụ, Socrate là một kẻ du thủ du thực chỉ đem về cho gia đình một ít danh tiếng tăm hão mà không bao giờ đem về một lợi ích vật chất thiết thực nào. Bị vợ xem thường, chẳng những không tự ái, mà vị triết gia này vừa ý nhị, vừa hóm hỉnh bảo với môn đệ rằng “Dù gì thì cũng nên kết hôn, nếu lấy được người vợ hiền thì bạn sẽ hạnh phúc; nếu không, bạn sẽ trở thành một triết gia”. Thi hào R.Tago khuyên người ta: “Hãy tin vào tình yêu, mặc dù đó là nguồn đau khổ. Đừng đóng trái tim lại - Hoa sen thích được nở dưới ánh mặt trời rồi tàn úa hơn là sống mãi mãi chỉ là một cái búp”. Còn triết gia Tagore thì quả quyết rằng “Cái đẹp chỉ đơn giản là thực tại được nhìn bằng đôi mắt của tình yêu”.

Thời 4.0 bây giờ, cánh trẻ lại tếu táo với nhau trên “phây” rằng:“Yêu là khổ, không yêu thì “lỗ”. Thà chịu khổ chứ không chịu lỗ” thì cũng là sự suồng sã hóa cái mệnh đề đã cũ rích “thà đau khổ vì yêu còn hơn không bao giờ được yêu”. Còn ca dao hiện đại chẳng biết là ca ngợi hay bỉ bôi phái đẹp, khi bảo rằng“Có người nhờ vợ thành ông/ Có người vì vợ mất không cơ đồ”. Dân gian cũng chí lý khi cho rằng “bi kịch của tình yêu là mê một cái nốt ruồi mà cưới cả một cô gái”. Dù vậy, dân gian vẫn lạc quan, thậm chí rất táo bạo khi để em gái quan họ trong “cây trúc xinh” ca rằng:“Anh Tư không yêu tang tình là em đi lấy í/ Lấy í lấy đạo bùa, qua lới í như phải yêu...”. 

Theo quan niệm thế gian thì tình yêu, tình vợ chồng là câu chuyện của duyên số, duyên phận. Mà đã là duyên số trời định thì… phải chiều. “Duyên phận i i ta phải chiều y, này ai ơi y đôi thời đôi chúng ta thời này duyên i, ới phận đôi ta thời duyên y phận - ta phải i i chiều i i i … được xem là cái đoạn lâm li quy phượng nhất trong vở chèo cổ “Lưu Bình-Dương Lễ”. Vẫn là chuyện “phải chiều” sang hát xoan, hát ghẹo Phú Thọ thì đã nhuốm màu “phú lý” tình, ấy là “Duyên phận phú lý phải chiều là đôi chúng ta/ Duyên phận phú lý phải chiều/ Cái dây tơ hồng tình xe vấn vít/ Cái sợi chỉ điều bà Nguyệt khéo xe là đôi chúng ta/ Duyên phận phú lý phải chiều”.

Yêu một người là làm cho người đó trở lên trong suốt, là “biến vịt giời thành thiên nga”. Thị Nở, cứ theo văn Nam Cao thì chẳng những xấu vào loại “ma chê quỷ hờn”, mà còn dở hơi, ngồi đâu ngủ đấy nữa, ấy vậy mà trong mắt anh Chí, một khi tỉnh rượu, thì “Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên”! Thiết nghĩ, lấy tên truyện “Chí Phèo”, thay cho “Đôi lứa xứng đôi”, tuy có khắc họa rõ chân dung, chân tướng anh Chí, song như thế vô tình lại làm mờ mất chân dung Thị Nở. Thiếu Thị Nở thì Chí Phèo chỉ còn là một truyện vụ án hình sự hấp dẫn, không hơn không kém. Ai bảo thị dở hơi, chứ thị là người đàn bà duy nhất đã nấu cho “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” hơn một bát cháo hành, trong khỉ cả làng từ lớn đến bé chỉ chăm chăm hóng hớt, rồi bình phẩm về sự hành xử không giống ai của anh Chí. Chính cái hơi cháo hành đã khiến Chí Phèo càng uống càng tỉnh, rồi dẫn chân hắn đến nhà Bá Kiến, chứ không đến nhà bà cô Thị Nở. Trước khi rút dao đâm kẻ thù rồi tự xử Chí đã kịp để đời một câu hỏi xuyên thế kỷ, ấy là “Ai cho tao lương thiện?”.

Thơ, về bản chất, ra đời là để tụng ca cái đẹp. Trăng sao, mây gió là cái đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên, là “vú mộng mơn man” của muôn đời thi sĩ, thuộc nòi tình. Cái đẹp của thế nhân kết tinh ở người thiếu nữ, được khái quát thành cái tên mĩ miều là “nàng thơ”, là “bóng hồng”.“Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa” (Cá lặn chim sa, nguyệt thẹn hoa nhường), là những hình dung từ mĩ diệu nhất, cũng là ước lệ nhất, dùng để khắc họa dung nhan của “tứ đại mỹ nhân”của nước Tàu xưa: Tây Thi “trầm ngư”, Chiêu Quân “lạc nhạn”, Điêu Thuyền “bế nguyệt”, Quý Phi “tu hoa”. “Nhất tiếu khuynh nhân thành/ Tái tiếu khuynh nhân quốc”(Lý Diên Niên); “Diễm sắc thiên hạ trọng/ Tây Thi ninh cửu vi (Lý Bạch) chỉ là hai ví dụ trong hàng núi thi-nhạc-họa tụng ca vẻ tuyệt sắc của “giai nhân”, cũng như quyền uy của cái đẹp.

 Ấy vậy mà cả tứ đại mỹ nhân kể trên cũng không thoát được lời nguyền “hồng nhan bạc phận”, đúng như lời than của cô Kiều:Người mà đến thế thì thôi/ Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!”. Đời họ có thể bỏ đi, chứ nhan sắc, tài hoa của họ thì còn sống mãi vì chúng được lưu danh trong sử sách, lãng đãng trong giai thoại và nhất là được tẩm ướp trong thi ca nhạc họa. Thiên “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị với hai câu kết Thiên trường địa cửu hữu thì tận/ Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ (Trời dài đất rộng có kỳ/ Hận nầy dằng dặc còn ghi muôn đời” là một ví dụ điển hình cho cái gọi là hận tình!

Chẳng biết Mỵ Nương con vua Hùng thứ mười tám ở đất Phong Châu xưa kiều mị đến cỡ nào nhưng Nguyễn Nhược Pháp, trong thi phẩm độc đáo “SơnTinh, Thủy Tinh”, đã viết“mê nàng bao nhiêu người làm thơ”. Là bên thua cuộc trong cuộc đua vì người đẹp (do không có voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, thứ không thể tìm thấy ở dưới nước), mà cho đến nay Thủy Tình vẫn âm thầm tìm cách trả thù Sơn Tinh, cho thỏa lời nguyền “Núi cao, sông hãy còn dài/ Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”. Cái ghen của thần Nước (hà bá) quả là ghê gớm, song theo lý giải của thi nhân họ Nguyễn thì“Cũng bởi thần yêu nên khác thường!”.

Yêu đi liền với ghen. “Có yêu thì mới ghen” - người đời bảo thế. Thậm chí có người còn tán tụng rằng “ghen là gia vị của tình yêu”. Có nghĩa ghen là thứ không thể thiếu ở bất cứ cuộc tình nào, nếu không muốn nó nhạt nhẽo, ôi thiu. Tuy nhiên, đã là gia vị thì chỉ cần nêm nếm vừa đủ. Nếu thiếu hụt hoặc thừa thãi thì thực đơn là món “tình yêu” sẽ biến chất. Ca dao cũng như vào phe bênh vực cho người có máu ghen “Ớt nào là ớt chẳng cay/ Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng!/ Vôi nào là vôi chẳng nồng…”. Nhưng ca dao cũng bảo: “Ghen vợ ghen chồng, không nồng bằng ghen ăn”. Cũng nhờ “sâu sắc nước đời”, khấu đầu kêu trước sân rồng“Rằng tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng…”, mà cái người đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt là Hoạn Thư đã được kẻ, vốn một thời là tình địch nay là quan tòa Thúy Kiều, tha bổng. Cái sự “tha bổng” cho “chính danh thủ phạm” này đến nay vẫn còn là một đề tài đàm tiếu chưa dứt của người đời về cái sự chưa cận nhân tình của “ân đền, oán trả” dưới cái nhìn của nàng Kiều.

Còn ghen như mụ vợ cả của nàng Tiểu Thanh sống vào đầu đời nhà Minh bên nước Tàu thì mới đúng là “Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen”. Vì ghen với tài sắc của Tiểu Thanh mà mụ vợ cả bắt nàng sống biệt lập trên núi Cô Sơn. Nàng chết rồi, mà mụ vẫn ghen, đem hình ảnh cùng tập thơ của nàng đốt đi cho tuyệt tích. May sao trời thương nên ngọn lửa vẫn để sót một số bài và được người đời chép lại đặt tên là “Phần dư”. Thi hào Nguyễn Du đã “chiêu tuyết” cho nàng bằng hai câu thơ để đời “Chi phấn hữu thần liên tử hậu/ Văn chương vô mệnh luỵ phần dư” (Son phấn có thần chôn vẫn hận/ Văn chương không mệnh đốt còn vương).

Tình yêu cũng đồng hành với lãng mạn. Lãng mạn chắp cánh cho tình yêu, tạo nên độ bay bổng, thăng hoa của cuộc tình. Tình yêu mà thiếu đi sự lãng mạn thì sẽ dần trở nên tẻ nhạt, nhàm chán. Tuy nhiên, cũng giống như ghen, lãng mạn cũng là gia vị cho tình yêu thêm ngọt ngào, cho nên cũng cần “nêm nếm” cho vừa độ. Cỗ xe hôn nhân trên muôn nẻo đường đời, nếu lỏng lẻo quá sẽ gẫy trục, mà chặt chẽ quá sẽ mút col. Tự cởi, hay tự tháo là quy luật của chiếc bù long bắt vít tình yêu trên đường tình nhiều hoa thơm cỏ lạ song cũng lắm ồ gà, ổ voi. Thấu hiểu được sự uẩn khúc trong tình trường, nhà thơ Thuận Hữu đã có mấy câu dễ được số đông đồng cảm: “Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ/ Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ/ Đừng có trách chi những phút xao lòng!”.

Trong tình yêu thì si tình có lẽ là thói xấu dễ tha thứ nhất, dù vẫn biết rằng “yêu là tự nguyện từ bỏ 2/3 thể xác” và “khi đã hết yêu nhau không ai không lấy làm thẹn rằng đã yêu như vậy”. Trong “tam độc” theo quan niệm của Phật giáo là tham sân si, thì si mê (trong đó có si tình) đứng hàng thứ ba, sau tham đắm và sân hận. Chẳng biết I. Kant đã có lần nào rơi vào trạng thái si tình chưa, mà vị triết gia “duy tâm chủ quan” người Đức suốt đời sống độc thân này đã có câu mà sau này thường được đám “hậu bối” trích dẫn“Cái đẹp không nằm trên má hồng người thiếu nữ mà trong mắt kẻ si tình”. Hay là thế, nhưng thực ra Kant cũng chỉ diễn giải có tính triết học cái mệnh đề mà bậc thầy Platon, trước đó hàng nghìn năm, đã không úp mở khi bảo  rằng Cái đẹp nằm trong mắt của người ngắm”.

 Nhà tiểu thuyết và kịch gia người Nga gốc Ukraina N. Gogol cho rằng: “Khi một người bắt đầu yêu thì người ấy y như chiếc đế giày ngâm vào nước để rồi có thể uốn nắn theo ý mình”. Với Silva Kaputikian, nữ sĩ người Armenia, thì trong tình yêu chỉ nên tin vào đôi mắt - “cửa sổ của tâm hồn”, khi nàng thay mặt cô gái trách người tình rằng“Sao mà anh ngốc thế/ Không nhìn vào mắt em”. Nữ thi sĩ Nga Onga Bergol đã làm nhói lòng bạn đọc khắp bốn phương khi bà “nhớ lại chuyện ngày quá khứ” của một tình yêu đã lỡ “Dù chuyện xong rồi, anh đã xa cách thế/ Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo!”.

Ở ta, nhà thơ Lưu Quang Vũ khi đang dạo “vườn trong phố” với “rối rít trong lòng một nỗi em em” ông chợt chạnh lòng ngoái nhìn lại “nơi ấy” và thú nhận rằng“Nếu em biết bây giờ tôi khác lắm/ Thuở cùng em kiếm củi ven đồi”. Đến lượt mình, nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng từng ngoái lại “một thời như thế” và cũng thú nhậnMái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc/ Nỗi vui buồn cũng khác những ngày xưa”. Chao ôi, biết nói gì khi cái ngày xưa thân ái, bồng bột, mộng mơ đã lặng lẽ ra đi không một lần ngoái lại! Mà nghe đâu như Người ta bảo: cả em giờ cũng khác/ Đã con bồng, con dắt, nhớ chi tôi...”. Cho dù vậy thì “Có sao đâu: trái mùa thu vẫn thắm/ Mây mùa thu vẫn trắng những chân trời”.

Thời nay, có lẽ dễ đồng tình với quan điểm cho rằng, hai chữ tình yêu gắn liền, chứ không hoàn toàn trùng hợp, với hai chữ hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì thì lại không sẵn có “mẫu số chung” thì dễ gì mà chia sẻ. Hạnh phúc cũng lại cũng không có “mật mã” thì mong chi mà giải mã.Hạnh phúc là đấu tranh”, đứa học sinh cấp ba tỉnh lẻ là hắn ở cuối những năm 60 thế kỷ trước, đã có lần hì hụi bình luận mệnh đề nổi tiếng này của K.Mars trong một đề thi học sinh giỏi văn. Sau những giờ “lên đồng” viết kín hơn sáu tờ phê-đúp trong khoảng 180’ (không kể thời gian chép đề)  hắn đã hùng hồn kết luận rằng, quan niệm về hạnh phúc của K.Marx là đầy đủ nhất, triệt để nhất, cách mạng nhất.

Nhận thức là một quá trình, từ ngu nhiều đến ít ngu hơn. Phải va vấp nhiều, hắn mới kịp nhận ra rằng mệnh đề “hạnh phúc là đấu tranh” chỉ là chân lý với Marx và những đồng chí cùng quan điểm “Người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì đó là người hạnh phúc nhất”. Câu của triết gia Aristotle “hạnh phúc phụ thuộc vào bản thân ta” hơn hai nghìn năm trước mới gần với chân lý tuyệt đối, vì nó thỏa mãn mọi người ở mọi thời đại. Những tư tưởng lớn thường gặp nhau. Nhà Phật cũng đã dạy, tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận hạnh phúc như thế ấy. Sung sướng hay khổ đau đều do tự cảm, tự nghiệm: thấy đủ thì đủ, thấy thiếu thì thiếu. Ham muốn bao giờ cũng sinh ra so sánh, và vì so sánh mới có đau khổ. Càng so sánh lại càng đau khổ vì hạnh phúc không phải so sánh mà có được. Hạnh phúc dưới cái nhìn nhà Phật, là sống trọn từng ngày, từng phút, từng giây, thậm chí từng sát-na.

Áp vào cõi tình, nghĩa là quan niệm về hạnh phúc thế nào thì tình yêu cũng có khuôn mặt hao hao như vậy. Theo đó, nếu ai cho hạnh phúc chỉ đơn thuần là thâu nhận thì sẽ thường nhận trái chua, thậm chí trái đắng, còn nếu ai cho hạnh phúc là ở dâng hiến, là cho đi thì họ lại thường được tưởng thưởng trái ngọt, vị thơm. Bậc thầy tâm linh Osho quan niệm “Tình yêu nghĩa là cho đi, nó không hề biết gì về đòi hỏi”, rằng “Tình yêu mà đòi hỏi thì không phải là tình yêu”, và “Đừng dành dụm tình yêu của bạn và đừng tính đếm. Đừng hà tiện. Bạn sẽ đánh mất tình yêu. Ngược lại, hãy để cho tình đâm hoa kết trái, hãy chia sẻ, hãy phân phát tình, hãy để cho tình lớn lên”. Lại nữa, nếu ai quan niệm tình yêu là đích đến của hạnh phúc thì người đó sẽ sớm thất vọng, vì đến rồi chẳng biết đi đâu, mà tình yêu nếu chỉ đơn thuần là hưởng thụ thì cũng mau chán. Còn ai đó cho rằng tình yêu là hành trình kiến tạo hạnh phúc thì người đó sẽ khám phá ra rất nhiều những kỳ hoa, dị thảo, dù rằng không sống trong vườn Địa đàng nơi nước Chúa.

Nhà văn hiện sinh, triết gia Albert Camus, dù cho đời là một chuỗi những phi lý, vẫn viết rằng:“Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc khi bạn cứ mải mê truy tìm hạnh phúc gồm có những gì. Bạn sẽ không bao giờ có được một đời sống đích thực nếu bạn cứ tiếp tục tra vấn ý nghĩa của chính đời sống ấy”. Giản dị, trung dung hơn nên dễ được số đông đồng cảm là quan niệm của nhà văn Scotland Allan:“Hạnh Phúc là có việc gì đó để làm, người nào đó để yêu, và có điều gì đó để hy vọng”. Dưới cái nhìn của nhà Phật, hạnh phúc cũng như bất hạnh có tính tương đối vì bị chi phối bởi luật “vô thường”.“Không có con đường dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc chính là con đường” Đức Phật đã khẳng định thế.

Không dám định nghĩa hạnh phúc, càng không nhận mình là người hạnh phúc, song vào lúc tâm trạng bối rối, hoang mang hắn đã viết “Tôi đã yêu và đã từng cay đắng/ Nhưng tôi tin hạnh phúc ở đời/ Tôi trân trọng cuộc đời trân trọng lắm/ Có lẽ nào đời chật hẹp với riêng tôi”. Và quả thực, có dịp ngoảnh nhìn lại thì hạnh phúc không mỉm cười giang rộng tay chào đón, song cũng không hoàn toàn chối bỏ hắn. Đời không thật hào phóng nhưng cũng không quá chật hẹp. Có chăng là tự trách mình, như  Nguyễn Bính đã tự thú Vụng tính bỏ rơi đi hạnh phúc/ Xảy ra đánh vỡ mất thiên đường”. Mệnh đề “con cá mất là con cá to”, nếu áp vào cõi tình thì cấm có sai.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ vào những năm tháng ở rừng Trường Sơn đầu những năm 70 thế kỷ trước, là ấn tượng về những cuốn sổ tay của một số chiến hữu cùng đơn vị mà hắn có dịp xem được. Chao ôi, trong đó bên cạnh những dòng lưu bút, những chàng trai tuổi mười tám đôi mươi chép đâu phải là những “vần thơ thép” mà tuyền là những bài thơ tình: Nguyễn Bính đan xen với Xuân Diệu, rồi thì “màu tím hoa sim”, “đồi thông hai mộ”, “T.T. Kh”...  toàn thuộc loại “buồn rớt, mộng rớt” đang bị cấm kỵ. Chép lẫn của nhau thôi, chờ đêm xuống bật đèn pin lên mà chép, bởi nếu chuyện đến tai chính trị viên đại đội thì phiền toái đấy, thậm chí bị “tước quân tịch đuổi về địa phương” chưa biết chừng!

Cũng vì chép lẫn của nhau nên có nhiều chỗ nhầm lẫn, lỗi chính tả sai be bét. Bên những bài thơ ấy, thường còn được minh họa hình quả tim với một mũi tên xuyên qua, cùng vài giọt huyết tình đang rớt xuống! “Bút Trường Sơn ghi dòng tâm sự/ Mực Cửu Long tô thắm chữ tình”; Xa nhau tình cảm dạt dào/ Ai ơi đừng tiếc một hào hai xu”; “Không phải mùa hoa hoa không nở/ Không phải thư mình đừng bóc xem”… là những dòng hắn đọc thấy, nghe thấy. Thì ra dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình yêu và thi ca với nhiều cung bậc vẫn cứ có mặt. Càng gian khổ, đớn đau thì lại càng thăng hoa tỏa sáng. Những cuốn sổ lem nhem đời lính chiến nơi rừng rú ấy được cất tận đáy ba lô, thỉnh thoảng chủ nhân của nó lại bí mật mang ra ngắm nghía, rồi trùm chăn thậm thọt trao đổi với nhau, cười rích rích.

Hắn cũng có thơ tình, nói như cụ Nguyễn Du thì hắn cũng thuộc “giống hữu tình” (Cho hay là giống hữu tình), còn nói như ông Nghè Chu Mạnh Trinh thì thuộc “nòi tình” (Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu…). Song, phần nhiều cái gọi là thơ tình của hắn chỉ là dư âm của cuộc tình. Có thể bạn đọc bảo đó chưa phải là thơ tình, chỉ là thơ tán gái mà lại là  nhát gái, dại gái nữa, thì cũng có sao. Theo họ, đích thực thơ tình thì không cỡ Puskin, Hainơ, Esenhin… thì chí ít cũng phải như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… Không là thi sĩ của muôn người, cho mọi thời mà chỉ là thi sĩ của một thời, cho một người là “em”, thì với kẻ vốn không nhiều cao vọng như hắn cũng đã có thể xem là đủ. Chẳng biết có ai đồng điệu không, chứ trong cõi tình nói chung, thì tình yêu thi ca là mối tình đẹp nhất, bền vững nhất, quyến rũ nhất. Đẹp nhất vì nàng thơ không vị lợi. Bền vững nhất vì ai phản bội nàng thì phản bội chứ nàng không phản bội ai. Quyến rũ nhất vì nàng kiêu sa đỏng đảnh, ve vãn thì dễ, chứ cố tình chiếm đoạt, độc quyền sở hữu thì khó, cực khó.

Trong tình trường không mấy oanh liệt gặp lúc mệt mỏi, đớn đau hắn đã dằn dỗi “Lòng buồn tôi tự hỏi tôi/ Có nên viết nữa hay thôi… thơ tình?”. Vậy mà không lâu sau vẫn là hắn khi hồi tâm lại thì “Nhưng dẫu vậy dù sao tôi vẫn viết/ Có những điều chỉ thể nói bằng thơ”. Rồi bâng khuâng tự hỏi “Sao mà lạ thế tim ơi/ Thề không yêu nữa thế rồi… lại yêu/ Lại mong lại nhớ lại phiêu/ Cái đầu lại phải cúi chiều con tim”. So với cái đầu thì con tim cực rắc rối, và dễ lầm lẫn. Lầm lẫn trong tình riêng thì còn dễ cảm thông, chiếu cố, chứ nhầm lẫn trong tình chung, liên quan đến việc nước, chuyện quốc gia đại sự, thì thành ra tội đồ. Với thời gian, đời thơ lừng lẫy Tố Hữu, cũng như những người thơ khác, sẽ phải hứng chịu quy luật dần lãng quên của người đời, song thiển nghĩ những câu như “Tình thương vô ý gây nên tội/ Tôi đã tù, sao bắt nó tù?”, và nhất là “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm lẫn để trên đầu…” thì có lẽ vẫn còn được người đời nhắc đến, chừng nào vẫn còn những gian tình Trọng Thủy đời mới.

Tuổi thanh xuân ăn gì cũng thấy ngon, đi đâu cũng thấy lạ lẫm, nhìn thiếu nữ nào cũng thấy đẹp, cũng như phải lòng, hắn đã có lần tụng ca “Vầng trăng mười bốn lên ngôi/ Em thần tượng của một thời thi ca”. Thần tượng đổ, thời thi ca cũng đứt gãy, song dư chấn của nó thì còn dài dài. Dù vậy, đó vẫn là những ký ức tinh thần mong manh buồn, vì buồn và mong manh nên mới đẹp, rất đáng để gã trân trọng nâng niu, cất giữ nơi đáy sâu tâm hồn. Trong cõi mông lung trời tình, bể ái, đã có lúc hắn lên giọng “Tình tôi như một mũi tên/ Đã ra khỏi nỏ là quên đường về” để rồi lại chùng xuống ngay “Mỗi dòng thơ, một mảnh đời/ Dứt ra mà gửi cho người mình yêu!”. Đúng là:

Thất tình hay nói chữ yêu

Bất tài hay nói những điều cao xa

Dù chữ “tình” có muôn vạn nẻo đến và đi, song tựu trung lại ở hai dạng là “đắc tình” và “thất tình”. Đắc tình thì có thể là bịa đặt, thêm thắt cho mùi mẫn, kiểu như“làng này khối đứa phải lòng mình đây”, nhưng thất tình thì cam đoan là... thật 100%. Mà trong cõi tình, hình như thất tình, bị phụ tình, hay gặp sự éo le, ngang trái thì mới có thơ, mà thường là thơ hay. Chứ đã đắc tình rồi thì cứ lặng im mà thụ hưởng, chứ còn thơ thẩn làm gì nữa cho nó… rách việc!

Trước khi ngừng dòng miên man, nhì nhằng, huyên thuyên này, tự đáy lòng xin được gửi đến những “bóng hồng” hoặc thật hoặc ảo, đã đi qua cuộc đời hay giữ vai “nàng thơ” của hắn một thời lòng biết ơn, cùng với lời chúc phúc dù có hơi vụng về và khí muộn mằn:

                                    Mỗi năm, một tuổi… em già

Trong thơ em mãi vẫn là xinh tươi

anh_cua_trung_nguyen_11

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét