CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA
Truyện ngắn của Nguyễn Đình Gấm
-Khù khờ thế mà vớ món sộp.
-Mèo già vớ được cá rán.
-Lão ta đã mua con Dream mới toanh cho thằng con trai lại vừa khánh
thành ngôi nhà đúc 2 tầng…
Cánh đi bãi về đang bàn tán lao xao. Người ta đồn rằng lão Huân bắt
được một hộp vàng, một bó đô la to đùng trong khi bới rác. Thằng Phán nói
giăng giăng.
-Hôm nọ khi uống rượu, lúc phê lão ta mới phun ra tháng trước vớ
được một bó đô la xanh mới cứng, to bằng cái gối, có lẽ phải dùng ba đời
không hết. Lão ta đổi đời rồi, lão Huân là triệu phú rồi.
Thế là, không ai bảo ai dân làng đều nhất tề gọi lão Huân là triệu phú
bãi rác.
Lão Huân nghe những lời đồn đại như vậy, thấy vui trong lòng. Lão bồi
hồi nhớ lại. Ngày trước ruộng ít, nhà nghèo lão phải đi cắt guột, đi lấy củi trên
núi rồi cả chặt trộm gỗ của lâm trường bán lấy tiền đong gạo nuôi ba đứa con
ăn học. Rồi guột cũng hết, củi cũng hết và lâm trường bắt mấy thằng trộm gỗ
cho đi tù, may mà lão không bị dính đòn. Tưởng như hết đất sống thì đùng
một cái, cánh đồng làng lão được qui hoạch là nơi đổ rác của thành phố. Cả
bốn thôn của xã Nam Sơn bao quanh bãi rác. Dần dà người dân rủ nhau đi bới
rác, móc rác đem bán lại cho các đầu nậu. Người ta gọi những người đi bới
rác, móc rác thu gom rác rồi phân loại từ bãi rác là “đi rác”, “đi bãi”. Nghề đi
bãi ra đời từ đó. Lúc đầu có vài chục người chủ yếu là người già và con trẻ
sau lên tới hàng trăm người có cả thanh niên trai tráng và người cao niên như
lão Huân.
Hàng ngày những chiếc xe chuyên dụng to kềnh ùn ùn trở rác từ thành
phố, từ thủ đô về đổ ở đây. Đúng là rác của người giàu có khác, chắc là từ nhà
ông to bà lớn cuộc sống no đủ, sung túc nên rác họ thải ra cũng thật phong
phú sắc màu. Thôi thì đủ cả: lon bia ngoại, nước giải khát Cô ca cô la, rồi
quần áo, giày dép, vải vóc, hộp các tông, giấy báo, chai lọ, túi ni lông…nghĩa
là trăm thứ bà rằn, tạp phí lù. Này cơm thừa canh cặn, đôi khi cả một tảng thịt
đông lạnh còn nguyên hay con gà quay, con cá rán bị thiu, bị thối. Rồi hộp
bao cao su ok, băng vệ sinh Sooctina…thôi thì thượng vàng hạ cám, đủ cả.
Chúng được thải ra từ các biệt thự cao cấp, các nhà chung cư cao tầng và cả
nhà bình dân, nhà nghèo của thủ đô vứt ra đường, xe đẩy của các chị em vệ
sinh môi trường gom lại đưa đến nơi tập kết rồi xe chuyên dụng của thành
phố chuyển về đây.
Từ ngày có bãi rác, người dân ở Nam Sơn bỗng dưng phải hứng chịu
hậu quả. Bãi rác ngày một to ra, ngày một cao lên và mùi của nó bốc ra bay
vào làng xóm, len lỏi vào từng nhà. Mùi thối, mùi khai, mùi chua: điều mà ai
cũng cảm nhận được ngay, dù là người dân, cán bộ hay nhà báo là nặng mùi,
là mùi khó ngửi khó chịu. Nhất là khi trở trời, thời tiết thay đổi thì nhà nào
cũng phải đóng chặt cửa chính, cửa sổ, lại còn lấy giẻ, lấy giấy mà nhét mà
chèn vào cửa chớp hay những khe hở. Nhà lão không có cửa thì đành bó tay.
Nhiều hôm đang ăn cơm, mùi xú uế xộc vào lợm cả giọng, ăn chả thấy ngon
nữa. Vậy mà gia đình lão đã sống chung với mùi, với khói từ bãi rác cả chục
năm rồi. Nó cũng quen đi hay là mũi lão đã bị điếc rồi cũng nên.
Bãi rác mỗi ngày một tràn lan rộng ra và cao lên ngất ngù. Máy xúc, xe
ủi làm việc liên tục suốt ngày đêm. Họ đào, san ủi, đốt rồi lấp đi. Chưa tiêu
hủy lớp này thì lại xuất hiện những đống rác to lù lù ngất ngưởng…rồi lại san,
ủi và lấp đi. Ai cũng biết là mất vệ sinh quá, ô nhiễm quá. Dân kêu lên thôn,
thôn kêu lên xã, xã kêu lên huyện rồi lên tận Thành phố, nghe nói cả Tổ chức
môi trường quốc tế gì đó cũng tới quan sát mà chả ăn thua gì. Thành phố cử
các đoàn xuống khảo sát, điều tra rồi đền bù thiệt hại cho dân làng. Họ còn
nói bà con cứ yên tâm, rồi sẽ có nhà máy với công nghệ hiện đại, tái chế rác
thành quần áo, đồ dùng, thành thực phẩm và nước giải khát nữa cơ. Bà con cứ
yên tâm. Lão Huân cũng được lĩnh hơn một chục triệu đồng tiền đền bù. Cầm
bó tiền lớn trong tay lão xúc động rơi nước mắt luôn mồm cám ơn cán bộ,
cám ơn Chính phủ. Đời lão chưa có được số tiền lớn như vậy bao giờ. Nhưng
khi tiền hết, vì tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, mới thấm thía việc
phải ở chung với rác, luôn hít thở khí uế nặng mùi của rác thật là một cực
hình.
Ai cùng than thở, ghét rác, chửi rác vậy mà có một số thì hoan nghênh
rác, tuy bụng thầm ghét mà lại thích có nhiều rác, muốn mỗi ngày có nhiều
rác mới để mà bới, mà nhặt bán lấy tiền. Đã hơn chục năm nay, các hộ của
Nam Sơn sống bằng nghề bới rác, móc rác, đã tăng nhanh, dễ tới gần 300
người có đăng ký hẳn hoi. Lão Huân cũng vậy, nhờ cần cù đi bãi mấy năm
nay mà gia đình lão đã thoát nghèo, cơn bĩ cực đã qua. Lão mắng con: “Chớ
coi thường, khinh khó người đi bãi, móc rác con ơi. Nhờ bố đi bãi mà các con
có cơm ăn áo mặc, có tiền cho chị em chúng mày học hành đấy”. Hàng ngày
lão dậy sớm từ ba giờ sáng để đi bãi. Khi trời còn tối om, đất còn ngái nồng,
sương đêm vẫn nặng hạt, bao người còn đang ngon giấc thiêm thiếp trong
không khí mát mẻ từ đêm về sáng thì người đi bãi lục tục gọi nhau í ới. Đội
quân đi bãi có tới hàng trăm người đủ cả ông già bà cả, thanh niên trẻ con.
Mỗi người đeo trên đầu một chiếc đèn soi, như đèn soi ếch, một cái móc sắt
và lủng lẳng cái bao tải. Ai nấy chăm chú vào công việc bới, móc, nhặt rác
mặc cho những cỗ máy to lớn kềnh càng, gầm rú ầm ầm, đang san, đang ủi
bên cạnh. Họ vừa làm vừa trò chuyện râm ran, thi thoảng có tiếng reo lên như
vừa bắt được vàng. “Ôi, một con gà quay, nhưng thối mất rồi, tiếc quá”. Có
tiếng suýt xoa. Riêng lão Huân thì chẳng thèm để ý đến ai, chẳng nói chẳng
cười, chỉ chăm chăm vào rác. Đó là kinh nghiệm xương máu của lão, phải
nhìn kỹ không bỏ sót một thứ gì, đặc biệt phải chú ý những hộp sắt tây, những
bình gốm, lọ sứ, nhất là túi xách của các bà, cặp bỏ đi của các ông…vì trong
đó có khi là cả một gia tài. Lão cứ cho tuốt vào bao tải, đem ra hồ rửa sạch,
phân loại nào sắt, đồ nhựa, giấy ni lông, bìa các tông…rồi đầu nậu, ông chủ
rác sẽ mua tất.
Thực ra, có nguyên nhân sâu xa là khi còn trẻ lão đã từng nhặt được 10
ngàn đồng, lúc ấy giá trị lắm, mua gạo ăn được cả tuần. Từ đó lão có thói
quen, khi ra đường, nhất là buổi sớm là lão có ý quan sát nhìn sang vệ đường,
nhất là bờ cỏ, chỗ khuất, biết đâu có ai đêm qua đi đường đánh rơi cái gì. Nhờ
tính tẩn mỷ ấy mà lão gặp may. Lão đã vớ được một xấp đô la ở trong cái cặp
khi bới rác. Lão ôm về nhà đóng chặt cửa, rón rén mở ra xem. Toàn tiền mới
cứng soàn soạt, in hình ông tây, tai to mặt lớn, mắt xanh mũi lõ, với hàng chữ
số rất dài. Lão chỉ quan tâm đến con số 100, vì lão nghe người ta kháo nhau
đó là “tờ xanh”, “tờ trăm đô”, là tiền của Mỹ, mỗi một tờ có số 100 đổi ra hơn
một triệu tiền của mình chứ lão có nhìn thấy bao giờ đâu. Cánh đi bãi cũng
lan truyền mụ Liên béo có lần bới được mấy tờ, đổi ra được hơn một chục
triệu. Ở trong buồng một mình lão đếm đi đếm lại được đúng 150 tờ xanh.
Lão lấy ra hai tờ còn lại gói kỹ mấy lần bằng giấy báo và túi ni lông bên
ngoài, dấu biệt xuống gầm giường. Nhà lão từ khi đi bãi, trong nhà ngoài sân
đầy các thứ nhặt từ bãi rác về. Một số cặp, túi xách, chai lọ, tiếc của lão để
đầy trong gầm giường. Suốt đêm ấy, lão trằn trọc không sao ngủ được, thi
thoảng lại dậy lôi bao tải ở gầm giường ra, sờ nắn bó tiền, rồi bỏ ra đếm thấy
vẫn còn nguyên lại gói gém kỹ càng, cho vào bao tải để vào tận góc trong
gầm giường mới lên giường ngủ tiếp.
Sáng sớm hôm sau lão lọc cọc đạp xe ra phố huyện đổi tiền. Lão chờ từ
6 giờ sáng đến tận 8 giờ, các hiệu vàng bạc mới mở cửa. Một mụ dòng dòng
béo tốt, đeo lỉnh kỉnh nào vàng ở tay, ở chân ở cổ, nhìn lão từ đầu đến chân.
Rồi mụ ta thờ ơ cầm hai tờ xanh mà lão đưa cho, búng tay vào đồng tiền, rồi
phẩy mấy cái nghe lạch phạch. Rồi mụ lại đưa vào soi ở dưới cái đèn có ánh
sáng màu vàng. Rồi không nói gì, mụ xỉa tiền, ném trả lão 3 triệu. Lão vui quá
cầm ngay tiền đi ra không thèm để ý đến khuôn mặt bự phấn, lạnh tanh của
mụ chủ cửa hàng. Chỉ hai tờ giấy mỏng tang mà đổi được một cục tiền dày
cộp. Lão đạp xe về nhà mà trong lòng khấp khởi, đầu óc mông lung như đang
bay trên trời.
Thế rồi lão cứ đổi dần vài tờ một, ở những nơi khác nhau, vì lão sợ dân
làng biết. Lão mua xe Dream cho thằng con trai cả, rồi lão làm căn nhà mới
hai tầng ở vườn đằng trước, nay bỗng nhiên nó là mặt đường liên huyện giờ
xe đi lại suốt ngày.
Làng xóm ngạc nhiên về cái sự phất lên như diều gặp gió của nhà lão.
Người ta đoán già đoán non rằng lão đi bãi bới được vàng, vớ được đô la. Có
lần say rượu lão mới lộ ra bới được mấy chục tờ xanh. Con trai lão khoe với
chúng bạn có hơn trăm tờ. Cánh đi bãi thì kháo nhau lão vớ được 500 ngàn
đô. Có người lại nói chính mắt y nhìn thấy lão lôi ra một hộp tây toàn là vàng,
có tới hàng trăm lượng. Thây kệ thiên hạ, chẳng dấu nữa lão bảo tớ vớ được
100 tờ xanh, giảm đi 50 tờ so với thực tế.
Cuộc sống của lão thay đổi, gia đình lão cũng thay đổi, con cái lão cũng
thay đổi. Không phải giờ lão đã có nhà đúc, có ti vi mới, có xe Draem mà suy
nghĩ và hành xử cũng khác trước. Lão ngẫm các cụ nói “đói cho sạch rách cho
thơm” không đúng. Bằng cớ là cuộc đời lão, gia đình lão nghèo đói nhục lắm.
Nhớ khi phải đi vay gạo nói xùi bọt mép, van xin chả được; có lần đã tính
theo bọn chúng đi chặt gỗ trộm. Nghèo đói là hèn, là khổ; đói thì ăn tạp, rách
thì mặc bẩn…Lão thấy từ khi có tiền thì lão khôn hơn, đi đứng đoàng hoàng,
cười nói to hơn. Trước kia, lão suốt ngày cứ lầm lũi, ra đường chả dám nhìn
ai. Con trai lão thay đổi nhiều nhất. Học lớp 11, sang năm thi đại học, bao
nhiêu hi vọng đổi đời lão đặt vào nó. Lão thường dăn dạy nó: “Đời bố coi như
xong rồi, con phải cố mà học. Không học thì chẳng thể ngóc đầu được đâu
con ạ, lại theo đít con trâu nhục lắm. Con phải đỗ đại học để nở mặt nở mày
với họ hàng làng xóm, để thoát khỏi kiếp nghèo”. Thế mà từ khi nhà có tiền,
có nhà mới xe mới, không hiểu sao lão chểnh mảng chuyện đôn đốc nhắc nhở
con học hành như trước. Đôi khi nhớ ra, lão nhắc thì con nó nói: “Bố ơi con
học không vào. Làm toán như đánh vật; học văn học sử như chui vào rừng
rậm ấy…”. Lão ậm ừ, rồi gật gù nói: “Cha bố anh, đúng là giỏ nhà ai, quai
nhà ấy, bố mẹ anh chỉ giỏi cày cấy, gánh phân, bắt cua bắt tép, chỉ giỏi đi
bãi…Thôi không học được thì bỏ, đi bãi với bố cho khỏe”. Trước kia thỉnh
thoảng lão bắt nó tham gia phân loại rác, sợ ảnh hưởng đến học hành của nó.
Hôm nay nghe nói vậy ông con reo lên, hoan hô bố. Thế là từ đó con trai lão
bỏ học, nó theo lão đi bãi, buổi đực buổi cái. Lão truyền hết kinh nghiệm đi
bãi bao năm cho nó, cả bí quyết phải chú ý luôn quan sát ven đường, vệ cỏ,
gốc cây xem có ai đánh rơi cái gì không. Nhớ moi móc cho kỹ nhất là trong
những cặp da, cặp số thường có đô la, những hộp thiếc thường có vàng. Lão
hướng dẫn cách phân loại rác, cách cân và bán cho đầu nậu sao cho không bị
hớ. Từ đó cả nhà lão cả 5 khẩu chuyên đi bãi. Từ khi vớ được bó đô la, có tiền
lão cứ thầm nghĩ, cười tủm tỉm một mình. “Nghề đi bãi thế mà lại hay”. Cánh
đi bãi rồi cả làng xóm gọi lão là triệu phú bãi rác. Lão nghe cũng thấy sướng.
Nhưng có điều lạ là từ sau khi vớ được món sộp, giờ cả nhà đi bãi mà thu
nhập chẳng nhiều thêm, lão thấy ít được “rác ngon”, không có “rác đẹp” như
mọi khi nữa…nhưng trong thâm tâm lão vẫn nghĩ, không nói ra, rằng “giàu
tại phận trắng tại da”, biết đâu có ngày vợ mình, thằng con trai mình lại bới
được một hộp thiếc đựng toàn là vàng thỏi vàng miếng, hay vài cái nhẫn, cái
lắc, cái dây chuyền của nhà giàu bỏ quên nhỉ, lúc ấy thì đổi đời.
Đôi khi, lão mơ hồ nhận ra sự thay đổi nhanh chóng của thằng con trai
lớn. Mới một năm mà nó đã trở thành người khác. Cao lớn, đẹp trai, tóc vuốt
keo đen nhức, áo phông quần bò, hút thuốc phì phèo, phóng xe máy vù vù. Nó
có nhiều bạn mới, cả ở thôn bên cạnh và ngoài phố nữa. “Ừ thì mình khổ mãi
rồi, cả đời cơ cực nhem nhuốc, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc; đến đời
con cái cũng để cho chúng được tự hào với bạn bè; nó được tự do bay nhảy
chứ. Ai giàu ba họ ai khó ba đời. Các cụ nói thật chẳng sai. Miễn là nó phải
lao động, chịu khó đi bãi là được”. Một thời gian sau con trai lão đề xuất chị
em nó ở nhà phụ trách khâu phân loại, giặt rũ, phơi và bán rác. Chúng nó tinh
ranh hơn, tính toán giỏi, đi được xe máy, bán và thu tiền. Cứ vài ngày lại nộp
tiền cho lão và báo cáo còn nợ bao nhiêu chưa trả. Mỗi tối nó xăng xái phóng
xe đi đòi nợ, có khi đến đêm mới về, người sực mùi thuốc mùi rượu. Lão hỏi
thì nó nói, “bố yên tâm đi, chúng nó vào cầu đãi con chồn, chỗ làm ăn quen
biết chả lẽ từ chối”. Lão nghe cũng có lý nhưng vẫn nhắc nó, cẩn thận đấy con
nhé…rồi đi ngủ sớm.
Lão càng ngày càng béo ra, có da có thịt trông sởn sơ lắm. Vì lão ăn
được, cái khoản thịt ba chỉ lão ăn không chán, uống vài cốc bia cỏ rồi lăn ra
ngủ đến hơn ba giờ sáng dậy đi bãi. Cuộc sống yên ả trôi, lão bằng lòng với
mình…Bỗng một hôm, có bọn anh chị xăm trổ đầy người, hùng hổ kéo đến
đầy nhà. Chúng xông đến đòi đuổi vợ chồng lão ra khỏi nhà. Lão sốc, kinh
hoàng không hiểu điều gì xảy ra. Một thằng có tuổi hơn, dáng chừng là ông
chủ, trông hầm hố mà mặt lạnh tanh, nói nhẹ nhàng với lão:
“Này ông già xem, giấy biên nhận vay nợ có đủ cả. Cái nhà này con trai
ông đã thế chấp vay tiền chúng tôi. Ông có tiền thì nôn ra, không thì cuốn xéo
nhanh cho chúng tôi nhờ”.
Lão kinh hoàng, ngớ ra không tin ở tai ở mắt mình nữa. Lão ức tưởng
chết ngay được. Té ra con trai lão lao vào chơi lô đề trên phố đã gần một năm
nay rồi. Việc nó ở nhà phân rác, bán rác, đòi nợ chỉ làm vì. Lão giận tím mặt,
quát mắng nó thì mặt nó cứ câng câng, trả lời tưng tửng: “Con cũng muốn
giàu có nhiều tiền để người ta khỏi khinh mình. Đi bãi hết thời rồi, chẳng may
bố vớ được một lần thôi. Mấy tháng trước con vào cầu đỏ thắng được hơn hai
trăm triệu, không ngờ cứ đen hoài, phải vay nợ, phải cắm sổ đỏ nhà rồi, bây
giờ bố có còn tiền giấu ở đâu đưa ra cho con chuộc về”.
Lão kêu lên: “Mày giết bố rồi, trời ơi, con ơi là con”.
Thế rồi, cả nhà lão lại quay về ở căn nhà cũ nát, nhìn ra ngôi nhà đúc
khang trang hai tầng nay là nhà người khác. Ngay cả đồ đạc, ti vi, xe máy
giường tủ cũng bị chúng tịch thu gán vào nợ hết cả và xí xóa. Vì cậu con trai
quý tử nợ quá nhiều, đã dốc vốn vay nợ đánh nốc ao con 18, nhân ngày sinh
nó tròn 18 tuổi. Nào ngờ hôm ấy đề về 28, thế là hết.
Ngay sau khi dọn về nhà cũ, ông Quang bạn đi bãi đến báo với lão một
tin mới: “Thành phố có lệnh cấm người bới rác rồi. Đã có công nghệ mới, từ
nay không còn đi bãi nữa”. Lão nghe xong, ôm ngực ho sù sụ. Thi thoảng lão
vẫn ho về chiều, về đêm tới sáng. Lão định đi viện kiểm tra nhưng mải đi bãi,
lần lữa mãi rồi thôi. Từ ngày vớ được bó đô la, lão béo khỏe ra, ăn ngủ tốt nên
quên béng mất mình đang có bệnh.
Mấy ngày sau, cả làng nghe tin sét đánh: lão Huân bị ung thư phổi giai
đoạn cuối rồi. Chưa hết bàng hoàng thì lại có tin công an huyện về làm hồ sơ
cho thằng con trai của lão đi trại cai nghiện. Xóm làng xót xa cho lão Huân.
Nhiều người cùng đi bãi với lão Huân thì giật mình thon thót. Ông Quang nói
đổng: “Chả biết thế nào mà lần, đúng là của thiên trả địa”.
Sóc Sơn năm 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét