ĐỘC ĐÁO PHONG TỤC TẾT VIỆT
QUA BÀI THƠ “TẾT CỦA MẸ TÔI” -
NGUYỄN BÍNH
(Đăng Diễn đàn Văn học Nghệ thuật số đặc biệt
Xuân Quý Mão 2023 - trang 44 - 45)
NGUYỄN THỊ THIỆN
Tết Nguyên Đán có tầm quan trọng nhất trong trong các lễ hội với người Việt, được tổ chức vào những ngày đầu tiên của năm theo Âm lịch. Lễ tiết này mang ý nghĩa tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới, cúng lễ tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ và các bậc tiền nhân. Chỉ qua bài “Tết của mẹ tôi”, nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) đã tái hiện được nhiều phong tục ngày Tết và vai trò rất quan trọng của người phụ nữ trong việc duy trì, bảo lưu những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Tết có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống người Việt nên người vợ - nội tướng của mỗi gia đình - ngày thường đã quanh năm đầu tắt, mặt tối, chăm lo cho chồng con, mỗi năm Tết đến lại phải “lo liệu đủ trăm chiều”, chủ động có kế hoạch từ trước nhiều công đoạn. Trong bài, nhà thơ dùng từ “Me tôi” nói về người mẹ thân sinh ra mình - có lẽ do ảnh hưởng ở một số vùng dưới thời Pháp thuộc. Thái độ, tình cảm người con nói về mẹ xiết bao yêu thương trìu mến, quý phục và biết ơn: “Tết đến me tôi vất vả nhiều,/ Me tôi lo liệu đủ trăm chiều”. Với lối kể chuyện tự nhiên và thủ pháp liệt kê, tác giả đã nói lên nhiều việc làm cụ thể của người mẹ cũng như các gia đình khác. Nét độc đáo của bài là qua lời thơ kể những việc làm của mẹ cha, người đọc thấy rõ nhiều phong tục tập cổ truyền dịp Tết ở Việt Nam.
1- Tết đến phải sửa sang bài trí nhà cửa và bàn thờ sao cho đẹp, hợp với gia cảnh. Đón Tết, mọi chỗ trong nhà đều được dọn dẹp phong quang, quét vôi lau chùi cho sáng sủa, “sân gạch tường hoa” nhờ vậy trông mới hẳn lên. Theo phong tục và nhất là ở thời điểm bài thơ ra đời, khoa học chưa phát triển. Mong muốn năm mới được an lành, mẹ còn “vẽ cung tên”, “trồng cây nêu” để trừ ma quỷ và điều tà ác, mong an lành đến cho mọi người.
2- Tự sản xuất các nguyên liệu phục vụ Tết. Bởi là Tết cả, chiếm thời gian dài nhất, những món ăn cũng mang nhiều ý nghĩa nhân sinh nhất nên dù cuộc sống thường ngày còn thiếu thốn, nhiều gia đình phải ăn độn thêm khoai sắn, để có được đủ thực phẩm, lương thực trong những ngày Tết nhất. Các gia đình ở quê vẫn theo phương cách tự sản tự tiêu: chăn nuôi lợn, gà, cấy lúa nếp tẻ, đỗ để dành. Thậm chí nhiều nhà còn cất đi cả từ chiếc mo cau khô để dành bó giò: “Nuôi hai con lợn tự ngày xưa/ Me tôi đã tính “Tết thì vừa”./ Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó/ Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ”. Người Việt Nam quan niệm ngày Tết, ông bà cũng về trên ban thờ quây quần bên con cháu, nên gia đình nào cũng lau dọn, rửa bàn thờ cho thật kỹ, bày biện cho đẹp mắt. Có như vậy các bậc liệt tổ liệt tông mới phù hộ cho gia chủ làm ăn thuận lợi trong năm.
3- Đi chợ sắm Tết hài hòa vật chất và tinh thần. Không chỉ lau dọn nhà cửa từ trong ra ngoài, Tết đến còn mua sắm nhiều đồ lễ: ”Này là hăm tám tết rồi đây/ (Tháng thiếu cho nên hụt một ngày),/ Sắm sửa đồ lễ về việc tết,/ Me tôi đi buổi chợ hôm nay”. Đồ lễ ngày Tết không thể thiếu trầu cau, vàng hương và ngũ quả. Bên cạnh đó mẹ còn “mua pháo chuột
và tranh gà” - những vật phẩm đặc trưng chỉ ngày Tết mới có thể hiện sự chăm lo về đời sống tinh thần cho mọi người. Tranh gà thường là dòng tranh dân gian Đông Hồ để ngắm cho vui mắt và thể hiện mong ước về cuộc sống. Nếu là tranh gà trống gửi gắm khát vọng mang lại phú quý, sức khỏe
cho gia chủ. Còn tranh gà mái cùng bầy con đông đúc nói lên khát vọng về sự sinh sôi đông đàn
dài lũ đúng như quan niệm của ông cha ta qua câu tục ngữ “Một mặt người bằng mười mặt của”. Mẹ đi chợ Tết còn không quên mua cả “pháo chuột” để sẽ “đốt inh nhà” khiến mọi người được vui tai. Tục đốt pháo không thể thiếu trong những ngày Tết xưa vì người dân tin làm như thế có thể xua đuổi
tà ma và những điềm gở trong năm. Tuy nhiên từ năm 1995, tục này đã bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật.
4- Cỗ ngày Tết có những món ăn đặc trưng. Công việc chuẩn bị cho Tết thật là nhiều: “Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà/ Cỗ bàn xong cả từ hôm qua/ Suốt đêm giao thừa, me tôi thức/ Lẩm nhẩm câu kinh Đức Chúa Ba”. Một việc quan trọng ngày Tết là chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên. Muốn vậy phải giết gà, mổ lợn, đồ xôi, chuẩn bị mọi nguyên liệu làm các loại bánh và chế biến cỗ. Phổ biến mâm cỗ Tết có: bánh chưng, dưa hành, giò thủ, nem rán, gà luộc, thịt đông, canh mọc hay măng miến và chè kho. Một số nơi còn có bánh gio, bánh gai, bánh mật. Vì thế, mâm cỗ cũng có thể thay đổi ít nhiều theo tập quán của người dân miền Bắc, Trung hay Nam và đặc điểm cá tính, năng lực bếp núc, hoàn cảnh kinh tế của gia chủ. Để có được ngẩn đấy món ăn, người phụ nữ trong gia đình phải khéo léo, sáng tạo và đảm đang mới làm nổi. Thế nên trước đây, bài thơ “Cảnh Tết” của Cụ Nguyễn Khuyến cũng có những câu đậm không khí Tết như: “Trong nhà rộn rịp gói bánh trưng/ Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt”. Rõ ràng là cỗ ngày tết của người Việt mang nhiều đặc trưng nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
5- Tết là dịp sắm sửa và được mặc quần áo mới. Trước đây, dệt vải và may mặc chủ yếu là thủ công nên mua sắm quần áo mới khá đắt đỏ. Tết là dịp người phụ nữ của gia đình mua sắm quần áo cho các thành viên để mọi ngược được diện trang phục mới, đón một năm mới đầy hi vọng. Trước đó, người mẹ nhà thơ đã căn dặn các con rằng: ngày Tết sẽ ”Mặc quần, mặc áo, lên trên nhà/ Thắp hương, thắp nến lễ ông bà,/ Chớ có cãi nhau, chớ có quấy/ Đánh đổ, đánh vỡ như người ta...” Đầu năm làm mọi việc phải cẩn thận nhẹ nhàng, ứng xử hiếu kính và chu đáo, quanh năm sẽ được may mắn. Đúng sớm mồng một, thi nhân còn nhớ: “Tôi mặc một chiếc quần mới may/ Áo lương, khăn lượt, chân đi giày”. Mặc nghiêm cẩn vậy để sang bên ngoại chúc Tết, cầu chúc ông bà trường thọ an khang và những điều tốt đẹp.
6- Chúc Tết, mừng tuổi là phong tục lâu đời vẫn được tiếp nối trong các gia đình xưa nay: “Sáng mồng một Tết, sớm tinh sương/ Me tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương”. Người Việt thường tắm rửa nước lá thơm của cây rau mùi già trổ hoa ngày tất niên và quan niệm được mừng tuổi là may mắn. Trẻ em sẽ nhận lì xì từ ông bà, cha mẹ cùng những lời chúc tốt đẹp. ”Mở hàng” là được quà nhận mừng tuổi đầu tiên của cha mẹ năm mới, chỉ “năm xu rưỡi”, món tiền nhỏ cốt lấy may. Xin nhớ đó là con số lẻ, thể hiện mong ước về sự phát triển. Nhưng cuộc sống hiện đại ngày nay có sự thay đổi, không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng được mừng tuổi. Phong tục này gần đây dần bị biến tướng. Không ít kẻ cơ hội đã lợi dụng tết để biếu xén rất nhiều quà cáp những đối tượng cần nhờ vả bằng quà đắt tiền, tiền mặt, thậm chí bằng cả đô la. Điều này làm mất đi vẻ đẹp của nếp văn hóa mừng tuổi truyền thống.
7- Khai bút đầu xuân là một cách để khích lệ, răn dạy cho con cháu tiếp tục giữ vững truyền thống hiếu học, cố gắng, vươn lên để lập thân. Việc làm quan trọng và thanh cao này không ai khác là người cha, trụ cột của mỗi gia đình đảm trách: “Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên/ Bút lông dầm mực, viết lên trên,/ Trên những gì gì, tôi chẳng biết/ Giữa đề năm tháng, dưới đề tên”. Những dòng chữ viết - trước đây là chữ nho, nay là Tiếng Việt - mở đầu của năm mới thường gửi gắm ước vọng điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc đồng thời cũng thể hiện thái độ tôn trọng và đề cao sự học.
Chỉ một bài thơ thất ngôn trường thiên, ngôn từ gợi cảm, âm hưởng thơ in dấu phong cách dân gian, thi sĩ của đồng quê Nguyễn Bính đã làm sống dậy những phong tục nhiều mặt ngày Tết, in đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, giúp người đọc hiểu rõ vai trò quan trọng và đức tính đảm đang của người phụ nữ. Những nét đẹp văn hóa, văn minh gắn kết tình người ngày Tết Việt vẫn rất cần được mọi nhà, mọi người duy trì và phát huy trong giai đoạn đất nước ta hội nhập quốc tế toàn cầu ngày nay để vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc Việt.
Sau đây là văn bản bài thơ.
TẾT CỦA MẸ TÔI
Nguyễn Bính
Tết đến me tôi vất vả nhiều,
Me tôi lo liệu đủ trăm chiều.
Sân gạch tường hoa, người quét lại
Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu.
Nuôi hai con lợn tự ngày xưa
Me tôi đã tính “Tết thì vừa”.
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ.
Này là hăm tám tết rồi đây
(Tháng thiếu cho nên hụt một ngày),
Sắm sửa đồ lễ về việc tết,
Me tôi đi buổi chợ hôm nay.
Không như mọi bận, người mua quà
Chỉ mua pháo chuột và tranh gà,
Cho các em tôi, đứa mỗi chiếc
Dán lên khắp cột, đốt inh nhà.
Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà
Cỗ bàn xong cả từ hôm qua
Suốt đêm giao thừa, me tôi thức
Lẩm nhẩm câu kinh Đức Chúa Ba.
Me tôi gọi cả các em tôi
Đến bên mà dặn: “Sáng ngày mai
Các con phải dậy sao cho sớm
Đầu năm, năm mới phải lanh trai.
Mặc quần, mặc áo, lên trên nhà
Thắp hương, thắp nến lễ ông bà
Chớ có cãi nhau, chớ có quấy
Đánh đổ, đánh vỡ như người ta...”
Sáng mồng một Tết, sớm tinh sương
Me tôi cấm chúng tôi ra đường
Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi
Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương.
Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên
Bút lông dầm mực, viết lên trên,
Trên những gì gì, tôi chẳng biết
Giữa đề năm tháng, dưới đề tên.
Me tôi thắt lại chiếc khăn sồi,
Rón rén lên bàn thờ ông tôi
Đôi mắt người trông thành kính quá
Ngước xem hương cháy đến đâu rồi.
Me tôi uống hết một cốc rượu
Mặt người đỏ tía vì hơi men,
Người rủ cô tôi đánh tam cúc
Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen.
Tôi mặc một chiếc quần mới may
Áo lương, khăn lượt, chân đi giày,
Cho tôi sang lễ bên quê ngoại
Người dặn con đừng uống rượu say.
Xong ba ngày tết me tôi lại
Đầu tắt, mặt tối, nuôi chồng con,
Rồi một đôi khi người giã gạo,
Chuyện trò kể lại tuổi chân son.
(Nguồn: Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời,
NXB Văn học, 2003)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét