THÚY VÂN
Vũ Nho
Nhân vật Thúy Vân là người em sinh đôi của Thúy Kiều. Bởi thế nên cả trong Kim Vân Kiều (KVK) và trong Truyện Kiều (TK), hai cô Thúy Kiều và Thúy Vân đều được coi là con đầu lòng. Dĩ nhiên, Thúy Kiều sinh trước nên được coi là chị. Thúy Vân chắc sinh sau, được gọi là em.
Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Trong khi so sánh đoạn mở đầu giữa Kim Vân Kiều với Truyện Kiều, chúng tôi đã nêu lên 9 điểm khác biệt giữa Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Tử (xin xem mục 1 của phần thứ 2). Chín điểm đó, chủ yếu liên quan đến nhân vật Thúy Kiều và Thúy Vân. Ở đây chúng tôi chỉ nhấn mạnh thêm rằng Nguyễn Du đã tả Thúy Vân khá kĩ lưỡng với các chi tiết dễ hình dung, và điểm quan trọng là nhà thơ Việt Nam đã miêu tả có tính chất dự báo số phận của hai người đẹp "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Nhưng Thúy Vân sẽ có cuộc đời êm ả, suôn sẻ bởi vì sắc đẹp của Vân được thiên nhiên tự nguyện "thua, nhường" ; còn Kiều sẽ long đong, vất vả, đau khổ vì sắc đẹp của nàng gây ra sự đố kị, "ghen, hờn" của thiên nhiên.
Trong so sánh Kim Vân Kiều với Truyện Kiều đoạn Kim Trọng gặp hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, (xin xem mục 2 của phần thứ 2) chúng tôi cũng chỉ ra 14 điều khác biệt. Nhưng đối với Thúy Vân thì chỉ có 2 điều liên quan. Đó là Thúy Vân của Nguyễn Du cùng với Thúy Kiều tự động tránh Kim Trọng, không đợi em trai nhắc nhở:
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.
Và điều nữa là Thúy Vân không bàn tán về chàng Kim với chị gái. Vân muốn chị lấy quách chàng Kim rồi "kéo cả em vào", rồi còn trách chị "chằng đầu buộc chân, kiếm lời rào đón mãi mãi". Nguyễn Du bỏ các chi tiết này, làm cho hình ảnh Thúy Kiều, và nhất là Thúy Vân đẹp hơn, nền nã và tế nhị hơn.
Trong đoạn so sánh việc Thúy Kiều "trao duyên" cho Thúy Vân giữa Kim Vân Kiều và Truyện Kiều, chúng tôi đã chỉ ra chín điều thay đổi của Nguyễn Du khi cấu trúc, sắp xếp nội dung chứa trong 4 hồi vào một đoạn thơ liền mạch. Những thay đổi đó chủ yếu liên quan đến nhân vật Thúy Kiều. Với Thúy Vân chỉ có những thay đổi nhỏ không đáng kể. Đó là Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân ngay sau khi quyết định bán mình và mẹ hai người đi theo bọn sai nha (KVK). Không có chuyện Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân. Bên đèn ghé đến ân cần hỏi han rồi nhân đấy Kiều trao duyên cho em như trong TK. Và Nguyễn Du cũng để cho Thúy Kiều nói liền một mạch sau khi lạy Thúy Vân, không để cho Thúy Vân đối thoại với Kiều như trong KVK.
Người ta thường chê trách Thúy Vân có tình cảm hời hợt, không sâu sắc. Vân cười khi Kiều khóc:
Vân rằng chị cũng nực cười
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.
Vân ngủ say "chợt tỉnh giấc xuân"trong khi nhà bị "gia biến", người chị ruột thức trắng đêm.
Xin cải chính cho Thúy Vân. Thật ra trong KVK, khi Kiều khóc nức nở, Thanh Tâm Tài Tử chỉ viết: "Thúy Kiều đề xong bài thơ lại khóc nức nở. Thúy Vân, Vương Quan thấy vậy kiếm lời can gián: Cớ sao chị lại đứng trước ngôi mộ vô chủ để thở vắn than dài, thực là khéo dư nước mắt. [. . . ] Vương Quan: Chị khéo nực cười, sao mà lại nghĩ viển vông như vậy? Ở đây là chốn mộ địa, âm khí nặng nề, đứng lâu không tiện, xin chị mau trở lại nhà" (Truyện Kiều đối chiếu, trang 55-56).
Đem gán lời của Vương Quan vào cho Thúy Vân, Nguyễn Du muốn làm rõ sự khác biệt của Thúy Vân với chị mình.
Mặt khác, Vân "chợt tỉnh giấc xuân" không phải là cô đi ngủ bỏ mặc chị. Trong Kim Vân Kiều, Thúy Kiều sau khi quyết định bán mình, sau khi trao duyên, sau khi tự thỏa thuận với Mã Giám Sinh và dặn dò mẹ, chính Kiều chủ động bảo Vân đi ngủ:
"Nàng bèn quay lại nói với Thúy Vân:
Em ơi, lúc này mà mẹ chưa về, chắc chắn rằng đêm nay, mẹ phải ở lại bên nhà Chung lão, thôi, chị em mình đi ngủ kẻo khuya. Chẳng ngờ lúc tinh thần mỏi mệt, vừa mới dứt câu thì nàng đã thấy choáng váng không kịp cởi áo, nằm vật xuống giường, thiếp đi lúc nào không biết.
Lạ thay, nàng vừa chợp mắt, bỗng thấy Kim lang từ cửa bước vào. [. . . ]
Nàng sợ hết hồn, nhìn lên ngọn cây lại thấy con quạ lửa rất lớn, bay xuống đỉnh đầu, làm nàng thất kinh thét lên một tiếng "chết rồi!". Thế là giật mình tỉnh dậy, nhìn sang chiếc án chỉ thấy ngọn đèn lơ mơ. Chàng Kim đâu tá, em Vân nằm đây.
Ôi thôi quả là một giấc mộng, đời ta rồi cũng kết quả như thế đó thôi" (Truyện Kiều đối chiếu, trang 122-124).
Tiếp theo, Kiều thức dậy làm 8 bài thơ "Kinh mộng giác" rồi ngồi than khóc cho đến lúc tàn canh. [. . . ]
"Thúy Vân thức dậy thấy thế, liền hỏi chị dậy lúc nào?
Kiều đáp: Em ơi, mới rồi vào quãng nửa đêm, chị đây có một giấc mơ quái gở. Cứ trong mộng thì thân chị ắt phải lưu lạc tha phương" (Truyện Kiều đối chiếu, trang 135).
Vì Nguyễn Du bỏ giấc mơ của Thúy Kiều, cũng bỏ đoạn Kiều giục Vân đi ngủ, thành ra người đọc hiểu rằng Vân "quá vô tâm". Sự việc này xảy ra ở hồi thứ tư của KVK. Tuy vậy, Nguyễn Du không hề tùy tiện khi cho Vân ngủ say và chợt tỉnh giấc xuân như vậy. Ở hồi thứ bảy tiếp theo, Thanh Tâm Tài Tử viết: "Còn nhà họ Vương thì luôn mấy ngày mệt mỏi, nên cũng thu xếp đi ngủ. Nhưng riêng Thúy Kiều thì đâu có nhắm được mắt. Trong lúc cả nhà ngủ say thì nàng vẫn còn trằn trọc. Nàng không thể nào quên được chàng Kim. [. . . ] Lúc ấy đã sang canh ba mà Kiều vẫn còn ngồi khóc nức nở, làm cho Thúy Vân chợt tỉnh, ngồi nhổm dậy hỏi:
Chị ơi, đêm đã khuya rồi, sao chị còn chưa đi ngủ" (Truyện Kiều đối chiếu, trang 155 - 156). Chỉ có sự khác biệt là Nguyễn Du đã cấu trúc lại 4 hồi, nên sự "chợt tỉnh" của Thúy Vân được đẩy lên sớm hơn.
Nhưng chúng ta cần thấy rằng, dù sao Kiều vẫn là chị, là người sắc sảo quyết định mọi việc, Vân chỉ là cô em ngoan ngoãn tuân theo. Vậy thì Vân có thể làm gì khác hơn là nghe lời chị, cùng đi ngủ? Hoặc là cả nhà mỏi mệt ngủ say, thì Vân cũng là một thành viên, sao nàng không thể ngủ như mọi người? Trách cứ Thúy Vân e là quá khe khắt.
Nguyễn Du đã để cho Vân ngủ say như thế, cũng là để muốn làm rõ tính cách của Thúy Vân, nhà thơ Việt Nam cũng thêm hai tiếng "ân cần" vào thái độ của Thúy Vân.
Khi nói về tính cách của Thúy Kiều và Thúy Vân khác nhau, chúng tôi có may mắn được biết tiểu thuyết bằng thơ "Épghênhi Onhêghin" của A. Pushkin. Hóa ra hai nhà thơ vĩ đại của hai dân tộc ở hai phương trời không có giao lưu văn hóa nhưng đều giống nhau khi nói về tính cách phức tạp, đa cảm của hai người chị là Thúy Kiều và Tachiana, tính cách giản đơn, có phần chất phác, nông cạn về tình cảm của hai cô em "mặt tròn" Thúy Vân và Onga. Các nhà tâm lí học cho rằng những người mặt tròn, "phúc hậu" đời sống tâm lí thường đơn giản. Có lẽ vì thế chăng mà họ không quá nhạy cảm, không dễ bị tổn thương cho nên cuộc sống suôn sẻ?
Cũng trong hồi thứ bảy, Thúy Vân phải "hô hoán" sau khi Kiều nói chuyện, dặn dò cô và ngất xỉu.
"Vậy em hãy nên vì chị, lạy tạ chàng Kim, và nói với chàng: Chị đây cảm tấm tình sâu của chàng, nhưng mà kiếp này đã lỡ, kiếp sau chị sẽ báo đền. Nói xong thì nàng ngất xỉu, chân tay lạnh ngắt như đồng.
Thúy Vân thấy vậy hô hoán ầm lên. Ông bà và Vương Quan giật mình tỉnh dậy, chạy xô vào phòng. Kẻ gọi người lay, tìm phương cấp cứu. [. . . ] Nghe tiếng cha mẹ hỏi, nàng từ từ mở mắt, liếc qua chung quanh thấy toàn người nhà, bấy giờ nàng mới ấp úng thưa với cha mẹ:
Con đây còn một chút tâm sự, nói ra luống những thẹn thùng, nhưng chẳng nói ra, thì lại phụ với tấm lòng người khác?
Ông bà vội hỏi: Con có việc gì cứ nói cho cha mẹ hay. Nhưng nàng lại chỉ khóc hoài chứ không nói thêm gì nữa. Bấy giờ Thúy Vân mới đem câu chuyện gặp gỡ chàng Kim kể qua một lượt, và đưa bức thư cùng các tờ bồi cho cha mẹ coi" (Truyện Kiều đối chiếu, trang 157).
Chúng ta rất khâm phục khi Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều của mình ngất đi khi trao duyên cho Thúy Vân tương ứng với hồi thứ 4. Còn việc ngất ở hồi thứ 7 này nhà thơ Việt Nam không nhắc lại nữa, mà nối tiếp luôn vào cảnh cả nhà hốt hoảng chạy chữa:
Cạn lời hồn dứt máu say
Một hơi lặng ngắt đôi tay giá đồng
Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng
Một nhà tấp nập kẻ trong người ngoài
Kẻ thang người thuốc bời bời
Mới dầu cơn vựng chưa phai giọt hồng.
Nguyễn Du cũng không nhắc chuyện Thúy Vân hô hoán. Còn việc kể lại của Thúy Vân cho cả nhà nghe thì Nguyễn Du đã cho nàng Vân của mình ý tứ hơn khi nói hộ chị câu chuyện mà người chị "chỉ khóc hoài chứ không nói thêm gì nữa". Nhà thơ viết:
Hỏi sao ra sự lạ lùng
Kiều càng nức nở nói không ra lời
Nỗi nàng Vân mới rỉ tai
Chiếc thoa này với tờ bồi ở đây.
Vâng, Thúy Vân của Nguyễn Du đã nói nhỏ, nói thầm cho cha mẹ hay. Việc "rỉ tai" là một việc làm tế nhị, tinh tế mà Nguyễn Du đã dành cho Thúy Vân, một người "hoa cười, ngọc thốt đoan trang"!
Sau này Thúy Vân chỉ là một người con gái thụ động, ngoan ngoãn làm theo lời trao duyên của chị. Nàng kết duyên với Kim Trọng, nàng mơ gặp chị mình. Và công việc chủ động nhất của Thúy Vân ấy là chủ động đề nghị làm lễ cưới cho chị gái với Kim Trọng.
Tàng tàng chén cúc dở say
Đứng lên Vân mới giãi bày một hai[. . . ]
Quả mai ba bảy đang vừa
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì.
Cô Vân ấy không nói ngay từ đầu, mà phải đợi khi uống rượu dở say mới giãi bày. Bởi dẫu sao thì việc ấy cũng là một việc khó nói. Trong KVK, Thanh Tâm Tài Tử cũng viết "Trong khi chén cúc dở say, Thúy Vân đứng lên thưa với cha mẹ rằng: Con đây muốn bẩm một việc." (Truyện Kiều đối chiếu, trang 437). Đối với nhân vật Thúy Vân trong đoạn này, nhà thơ Việt Nam và nhà văn Trung Quốc không có gì khác biệt.
Tuy nhiên, nếu xem xét chi tiết như trên chúng tôi trình bày, thì Thúy Vân của Nguyễn Du cũng khác với Thúy Vân của Thanh Tâm Tài Tử. Mà khác biệt lớn nhất là Thúy Vân của Nguyễn Du nói ít hơn, đúng với tinh thần nhà thơ mô tả "hoa cười ngọc thốt".
Cũng nhân thể nói thêm là sau này một số bạn đọc và nhà thơ Việt Nam nói rằng trong Truyện Kiều, người khổ nhất là Thúy Kiều trải 15 năm lưu lạc với hai lần làm con hầu, hai lần làm ở lầu xanh. Người khổ thứ hai chính là Thúy Vân. Bởi Vân không được yêu, Vân thực hiện sự giao phó của chị "chắp mối tơ thừa" với chàng Kim. Chàng Kim lúc nào cũng chỉ nhớ về Thúy Kiều, thương Thúy Kiều.
Đó là cách nói, cách nghĩ của thời bây giờ. Nguyễn Du đã không nhắc lại những lời Vân nói với chị ở trong Kim Vân Kiều, những nhà thơ đã để cho cả Vân và Kiều cùng e lệ khi gặp Kim Trọng. Rồi khi chàng Kim ra về, nhà thơ không viết: Kim đà lên ngựa, Kiều còn ghé theo. Cũng không viết Chàng đà lên ngựa, nàng còn ghé theo. Nguyễn Du viết: Khách đã lên ngựa, người còn ghé theo. Chữ "người" ấy là để cho cả Vương Quan, và nhất là Thúy Vân và Thúy Kiều cùng nhìn theo chàng Kim vậy. Mặt khác, một chàng trai như Kim Trọng là niềm ao ước của các tiểu thư. Nếu như Thúy Vân không cảm mến chàng, Vân cũng có thể từ chối không nhận "trao duyên" cơ mà. Thúy Vân trong KVK cũng chẳng đã từng nói chị mình lấy chàng Kim rồi kéo cả mình vào đó thôi. Thúy Vân lấy Kim Trọng, Nguyễn Du ca ngợi:
Người yểu điệu, kẻ văn chương
Trai tài gái sắc, xuân đương vừa thì.
Vân với Kim Trọng sao lại coi là không có tình yêu được?
Nhà bình luận Kim Thánh Thán có viết về nhân vật Thúy Vân ở hồi một như sau: "Còn như Thúy Vân thì tác giả chỉ điểm một nét lờ mờ. Vì nó thuộc về mối tình xa, bởi nó xa nên khi gặp hai Kiều thì trong đó chỉ thấp thoáng hình ảnh Thúy Vân. Lần thứ hai mối tình của Vân lại thấp thoáng trong lúc chị em trò chuyện. Lần thứ ba lại thể hiện ở chỗ đôi má đỏ hừng, rồi chạy vào giường đi ngủ. Như vậy là tả một cách rất kín đáo" (Truyện Kiều đối chiếu, trang 46-47). Đó là nhân vật Thúy Vân của Thanh Tâm Tài Tử. Với Nguyễn Du, nhà thơ Việt Nam đã bỏ hết cuộc đối thoại của hai chị em, cả chi tiết "má đỏ hừng", nhưng chúng ta vẫn thấy một nàng Vân có cảm tình với Kim Trọng và có "mối tình xa" với chàng.
Trích " Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều" Nxb Thanh Niên tái bản 2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét