ĐÔI ĐIỀU VỀ MÙA XUÂN
TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH
VÀ NGUYỄN VIỆT CHIẾN
(Tham luận tại Hội thảo Nhà văn Hà Nội:
Mùa Xuân trong thi ca - đầu Xuân Quý Mão - 2023)
NGUYỄN THỊ THIỆN
Mùa xuân là khởi đầu của một năm, mùa của chồi non lộc biếc và muôn hoa khoe sắc. Mùa xuân khiến lòng người tràn đầy niềm vui và hy vọng đã khơi nguồn để nhiều thi nhân có sáng tác hay. Qua một số bài thơ, người viết nhận thấy mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính (1918 - 1966 - Vụ Bản, Nam Định) rất phong phú dung dị mà tinh tế, mang đậm hồn dân tộc. Mùa xuân trong thơ Nguyễn Việt Chiến (sinh 1952 - Thạch Thất Hà Nội) là những dòng cảm xúc suy tư thao thiết về quê hương và con người.
- Thơ xuân Nguyễn Bính căng tràn sức sống, gắn với nhiều phong tục cổ truyền
Nguyễn Bính (1918 - 1966) là nhà thơ chân quê trong trẻo mà tinh tế có biệt tài tả cảnh và tả tình, một đỉnh cao trong thơ Việt viết về đề tài mùa Xuân. Trong bài ”Mùa xuân xanh”, thi sĩ vẽ nên một bức tranh tươi sáng và êm dịu: “Mùa xuân là cả một mùa xanh/ Giời ở trên cao, lá ở cành/ Lúa ở đồng trên và lúa ở/ Đồng nàng và lúa ở đồng quanh”. Ngôn ngữ thơ quả là thi trung hữu họa, tái hiện bức tranh xuân với sắc xanh là gam màu chủ đạo bao trùm toàn bộ không gian. Trên cao tít là bầu trời xanh, ở độ cao vừa là sắc xanh của cây và cành lá, dưới thấp mở ra xa cả chiều dài và bề rộng là màu xanh của đồng lúa đang thì con gái. Cảnh xuân nhìn thật mát mắt bởi cánh đồng lúa xanh rập rờn như sóng biển. Nói “Mùa xuân là cả một mùa xanh” quả là cô đọng vừa gợi tả, vừa gợi cảm. Đến với thơ Nguyễn Bính, người đọc còn được cảm nhận rõ những nét đặc trưng của mùa xuân đất Bắc.
Làn mưa bụi tháng Giêng chỉ Bắc bộ mới có: ”Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” (Mưa xuân). Về bài thơ này, nhà văn tài danh Chu Văn Sơn có viết: “Không biết Nguyễn Bính đã chọn “Mưa xuân” hay mưa xuân đã chọn Nguyễn Bính mà cho mãi tận sau này ông vẫn bị làn mưa huyền hoặc ấy hút hồn… Mưa xuân không chỉ giăng tơ cho trời đất. Mưa xuân còn giăng tơ vào hồn người…” Thơ của Nguyễn Bính cho thấy cảnh vật rất sinh động. Trong cảnh xuân ấy, con người xuất hiện hiền từ và đáng mến. Chân dung các cụ ông, cụ bà thôn quê hiện lên chỉ qua những nét chấm phá: “Có những ông già tóc bạc phơ/ Rượu đào đôi chén bút đề thơ/ Những bà tóc bạc hiền như Phật/ Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa” (Thơ xuân). Thơ xuân Nguyễn Bính đậm phong vị lễ hội, gắn với những phong tục cổ truyền.
Với người Việt nói chung, Hà Nội nói riêng, lễ hội lớn nhất trong năm là Tết Nguyên Đán, tổ chức vào những ngày đầu tiên của năm theo Âm lịch. Lễ tiết này mang ý nghĩa tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới, cúng lễ tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ và các bậc tiền nhân. Chỉ qua bài “Tết của mẹ tôi” Nguyễn Bính đã tái hiện được nhiều phong tục ngày Tết và vai trò của người phụ nữ trong việc duy trì những nét văn hóa cổ truyền của ông cha. Trong bài, thái độ, tình cảm người con đối với mẹ xiết bao yêu thương trìu mến, quý phục và biết ơn: “Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều,/ Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều./ Sân gạch tường hoa, người quét lại/ Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu”. Dùng lối thơ tự sự và thủ pháp liệt kê, tác giả đã nói lên rất nhiều việc làm của người mẹ, qua đó, người đọc thêm trân quý tính nết lam làm của người phụ nữ trong gia đình, hiểu được những phong tục đẹp: Tết đến phải sửa sang bài trí nhà cửa và bàn thờ sao cho đẹp, hợp với hoàn cảnh. Các gia đình tự sản xuất nguyên liệu phục vụ Tết: “Nuôi hai con lợn tự ngày xưa/ Mẹ tôi đã tính “Tết thì vừa”./ Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó / Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ”. Không chỉ lau dọn nhà cửa từ trong ra ngoài, Tết đến còn là dịp mua sắm đồ lễ: ”Này là hăm tám tết rồi đây/ (Tháng thiếu cho nên hụt một ngày),/ Sắm sửa đồ lễ về việc tết,/ Mẹ tôi đi buổi chợ hôm nay”. Sắm lễ ngày Tết không thể thiếu trầu cau, vàng hương và ngũ quả. Bên cạnh đó mẹ còn “mua pháo chuột và tranh gà” - những vật phẩm đặc trưng thể hiện sự chăm lo về đời sống tinh thần cho mọi người. Tranh gà thường là dòng tranh dân gian Đông Hồ để ngắm cho vui mắt vừa gửi gắm trong đó mong ước phú quý và sức khỏe. Đốt pháo tạo không khí rộn ràng hứng khởi và quan trọng hơn là để xua đuổi điều tà, điều xấu theo quan niệm của người xưa. Công việc chuẩn bị cho Tết thật là nhiều: ”Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà/ Cỗ bàn xong cả từ hôm qua/ Suốt đêm giao thừa, mẹ tôi thức/ Lẩm nhẩm câu kinh Đức Chúa Ba”. Cỗ ngày Tết có nhiều món đặc trưng, bánh chưng, giò nem... đủ cả. Điều đáng nói nữa là Tết đến được mặc quần áo mới, cùng nhau đi chúc Tết và mừng tuổi. Phong tục lâu đời đó vẫn được tiếp nối trong các gia đình: “Sáng mồng một Tết, sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương”.
Người Việt thường tắm rửa nước lá thơm của cây rau mùi già ngày tất niên và quan niệm được mừng tuổi là may mắn. Trẻ em sẽ nhận lì xì từ ông bà, cha mẹ cùng những lời chúc tốt đẹp. Đặc biệt, khai bút đầu xuân là việc không thể thiếu bên cạnh việc răn dạy cho con cháu tiếp tục giữ vững truyền thống hiếu học, còn có ý nghĩa động viên mọi người luôn phải cố gắng, vươn lên để lập thân. Việc làm quan trọng này không ai khác, do người cha đảm trách: “Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên/ Bút lông dầm mực, viết lên trên,/ Trên những gì gì, tôi chẳng biết/ Giữa đề năm tháng, dưới đề tên”. Những dòng chữ viết - trước đây là chữ nho, nay là Tiếng Việt - mở đầu của năm mới thường gửi gắm ước vọng điều tốt lành, may mắn đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng và đề cao sự học.
Chỉ một bài thơ thất ngôn trường thiên, Nguyễn Bính đã làm sống dậy những phong tục cổ truyền đón xuân, in đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và ngợi ca đức tính đảm đang khéo léo của phụ nữ Việt Nam - người luôn nuôi giữ ngọn lửa ấm áp trong mỗi gia đình.
- Nét tương đồng, khác biệt trong thơ xuân của Nguyễn Bính và Nguyễn Việt Chiến
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (1952 - Thạch Thất, Hà Nội) đến với thơ sau Nguyễn Bính tới nửa thế kỷ. Điều thú vị là thơ xuân của hai tác giả có những nét tương đồng và cả khác biệt, tuy mọi sự so sánh đều khập khiễng. Ở đây tôi mạnh dạn nói về
mấy bài cùng viết về mưa xuân. Với Nguyễn Việt Chiến là “Mưa tháng giêng”. Bài thơ ra đời tháng 1 năm 1992, đăng trên báo thời bấy giờ; sau in trong tập “Hoa hồng không vỡ”, NXB Phụ nữ, 2015. Về “Mưa tháng giêng”, tác giả đã chia sẻ: “… Mỗi khi mùa xuân đến, trong tháng Giêng se lạnh ở phương Bắc, trong cái huyền ảo và bảng lảng của mưa bụi và sương khói kia, tôi lại thấy bồi hồi xao xuyến”. Thi phẩm ghi lại cảm xúc của nhà thơ trước không gian sương khói của mùa xuân như thế. Chẳng rõ vô tình hay hữu ý, bài thơ là một sự tiếp nối Mưa xuân của Nguyễn Bính. Có điều, không gian thơ mưa xuân của Nguyễn Bính ở làng quê. Còn không gian mưa xuân trong thơ Nguyễn Việt Chiến là nơi phố thị. Thể thơ Nguyễn Bính dùng là thất ngôn, còn Nguyễn Việt Chiến dùng thể thơ ngũ ngôn: “Tháng giêng mưa ngoài phố/ Mưa như là sương thôi/ Những bóng cây dáng khói/ Như mộng du bên trời”. Mưa xuân trong thơ của hai thi nhân đều nhẹ nhàng như sương giăng, như bụi rắc, phủ khắp cả đất trời khiến không gian mùa xuân trở nên huyền ảo, thơ mộng lạ thường. Nhưng tâm trạng của chủ thể trữ tình trong mỗi bài có sự khác biệt. Nguyễn Việt Chiến viết: “Tháng giêng mưa trên tóc/ Những người đi lễ chùa/ Theo giọt mưa cầu phúc/ Tiếng chuông từ bi mơ”. Cảnh vật như có hồn, đến cả tiếng chuông chùa cũng biết từ bi và mơ mộng. Còn Mưa xuân của Nguyễn Bính lại gắn với hội hát chèo làng Đặng, được cảm nhận qua tâm trạng của một thiếu nữ. Trong thi phẩm, Nguyễn Bính hóa thân vào hình tượng cô gái “Em là con gái trong khung cửi/ Dệt vải quanh năm với mẹ già”, mong giúp mẹ mưu sinh. Còn mưa xuân trong thơ Nguyễn Việt Chiến lại được cảm nhận trực tiếp qua lăng kính tâm hồn của chính nhà thơ, với những gì chủ thể trữ tình quan sát và rung động. Người thơ cảm nhận: mưa xuân như vô số hạt bụi rơi trên tóc những người đi lễ chùa, mưa quyện hòa theo những lời cầu phúc và tiếng chuông chùa. Mùa xuân được hội tụ ở hình ảnh cô lái đò với ánh mắt “Trói tôi bằng vu vơ”: “Tháng giêng mưa dưới bến/ Mỏng mai cô lái đò/ Mắt mưa em lúng liếng/ Trói tôi bằng vu vơ”. “Lúng liếng” là từ láy âm gợi tả ánh mắt sắc sảo, linh hoạt của ngườu con gái trước mùa xuân.
Cả hai bài thơ đều bộc lộ những rung động tinh tế của tâm hồn, toát lên nỗi buồn xa vắng của lòng người do mưa xuân gợi lên và đều có sự xuất hiện của thiếu nữ với mùa xuân. Tục ngữ của ông cha có câu ”Người ta là hoa đất”. Cô gái thanh tân trong cả hai thi phẩm chính là hiện thân, cũng là kết tinh vẻ đẹp của đất trời, của mùa xuân và tuổi trẻ: “Tháng giêng mưa như cỏ/ Non xanh đến tận trời/ Trước vô cùng năm tháng/ Thơ mình - sương khói thôi”. Trước mùa xuân, nhà thơ nhận thấy cái hữu hạn của cuộc đời và của thơ mình. Bài này được nhạc sĩ Việt Hùng phổ nhạc, ca sĩ Hà Trần, Vân Khánh thể hiện đã phát sóng trên truyền hình VTV1 nhiều lần trong dịp Tết Quý Mão 2023). Nguyễn Việt Chiến còn có những bài thơ khác viết về mùa xuân như “Ta của Xứ Đoài” viết năm 2000. Bài thơ tái hiện bức tranh quê hương Xứ Đoài nên thơ nên nhạc và tiếng lòng thi nhân yêu mến thiết tha với cảnh, với người. Bằng ngôn từ đậm chất quê kiểng, tinh tế, tác giả tái hiện vẻ đẹp trữ tình của sông Đáy khi chiều buông, của núi Ba Vì khi nắng lên. Đặc biệt hình ảnh “mây trắng Xứ Đoài” trên đỉnh Tản Viên - ngọn núi Tổ hội tụ khí thiêng cả một vùng đồng bằng Bắc bộ rộng lớn từng đi vào thơ Quang Dũng như một biểu tượng tuyệt đẹp của quê hương núi Tản sông Đà, giờ đây đi vào thơ của lớp người sau có sự khác biệt “Trời trong mây biếc rủ nhau về” Sự khác ấy là do thời điểm quan sát và góc nhìn. Cảnh vật trang nhã, mang vẻ đẹp đặc trưng của Xứ Đoài. Trước thiên nhiên ấy, chủ thể trữ tình khao khát học từ mẹ thiên nhiên: “Ta học mùa xuân cách tặng hoa / Đến nở cùng em dưới mái nhà / Hồn quê mộc mạc trong hoa cỏ / Ta bờ bến cũ, Em - phù sa”. Mùa xuân là mùa của sự sinh sôi, của hoa tươi, sắc thắm. Hoa và người như những lớp phù sa cùng bồi đắp cho bến bờ, tô điểm cho quê hương và cuộc sống thêm tươi đẹp. Con người có những lúc thoáng buồn sẽ trở về với quê hương”Để vắng xa kia gió lấp đầy”.
Mùa xuân 2024 tươi đẹp đang đến mang lại nhiều dự định và hy vọng tốt đẹp về tương lai. Kính chúc mọi người, mọi nhà vạn sự tốt lành. Trân trọng cảm ơn hai nhà thơ đã có những thi phẩm về mùa xuân thật tuyệt, truyền đến cho chúng ta thêm yêu cuộc đời, con người và quê hương đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét