Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Mấy suy nghĩ về nhà văn và văn hóa nói năng





  MẤY SUY NGHĨ NHỎ VỀ NHÀVĂN VÀ VĂN HÓA NÓI NĂNG

                                Vũ Nho

Không phải ngẫu nhiên mà văn chương là một bộ phận quan trọng làm nên văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Bởi văn chương phản ánh tâm tư tình cảm, ước mơ và khát vọng của mọi người. Nó cũng phản ánh lời ăn tiếng nói của mỗi cá nhân và mỗi thời đại. Ngày xưa, ông bà, tổ tiên ta đã coi lời ăn tiếng nói là thước đo để đánh giá phẩm hạnh con người:

                Người thanh tiếng nói cũng thanh

                Chuông kêu sẽ đánh bên thành cũng kêu

Hoặc :

                Chim khôn tiếng kêu rảnh rang

                Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe

Không ai ưa kiểu ăn nói cục cằn, thô lỗ kiểu “dùi đục chấm mắm cáy”. Và tất nhiên không thể ưa lối ăn nói tục tằn, mỗi câu là một lời chửi thề, văng tục.

                Nhà văn cũng là một người bình thường như mọi người, nhưng anh ta phải khác mọi người ở ý thức về lời ăn tiếng nói của mình. Bởi nhà văn là một người tích cực sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với mọi người trong tác phẩm và trong đời sống thường ngày.Đứng về một khía cạnh nào đó mà xét, nhà văn là người của công chúng.


                Tất nhiên, trong tác phẩm của nhà văn có đủ mọi hạng người, từ vị chính khách sang trọng cho đến tên trộm cướp, từ người phụ nữ hiền thục, đoan trang cho đến cô gái đi bụi, làm ô-sin, gái gọi cao cấp hay một gái mãi dâm rẻ tiền trong  động. Ngôn ngữ của mỗi nhân vật cần phải phù hợp với địa vị, tính cách, nghề nghiệp và vị trí xã hội  của họ. Vì vậy họ có thể chửi thề, văng tục, dùng ngôn từ “chợ búa” một cách tự nhiên. Nhà văn càng hiểu biết ngôn ngữ, kể cả tiếng lóng nghề nghiệp của nhân vật thì sự miêu tả càng sinh động, hấp dẫn.

                Trong phạm vi mấy ý kiến nhỏ này, tôi chỉ đề cập đến ngôn ngữ  nói trong đời thường của các nhà văn và ngôn ngữ  viết khi có điều cần  thảo luận, tranh cãi với  đồng nghiệp hay bạn đọc.

                Về ngôn ngữ đời thường, không ít các nhà văn ăn nói nhẹ nhàng, cẩn trọng và hầu như không  phô phang văn chương và khác hẳn với ngôn ngữ văn chương trong tác phẩm. Nghĩa là bạn không thể nào nhận ra họ là nhà văn, bởi họ khiêm tốn và nói năng bình dị như bất kì một công dân nào. Và có khi bạn còn thấy họ quá khiêm nhường, giản dị. Theo tôi đấy là sự khiêm nhường, giản dị của một người có văn hóa cao. Họ biết rằng tiếng nói của nhà văn chính là giá trị cá tác phẩm mà họ sáng tạo để phục vụ bạn đọc. Và họ không cần phải thu hút sự chú ý của mọi người trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày. Nhưng có một số ít nhà văn, kể cả nhà văn trẻ, hình như muốn tạo ấn tượng với mọi người rằng tôi là nhà văn đây. Và là nhà văn, một nghệ sĩ ngôn từ thì tôi có “quyền” ăn nói thoải mái, phóng túng. Bởi vậy mà họ nói tục “tự nhiên như ruồi”. Họ gọi đồng nghiệp là thằng, là con, con mụ ấy... một cách thoải mái. Họ oang oang, lớn tiếng bình luận “ văn thằng ấy chẳng có đ...gì, nhạt như nước ốc” hoặc tất cả những gì liên quan đến bộ phận sinh dục, chất thải bài tiết...đều được tuôn ra một cách mạnh mẽ nhất, tự nhiên nhất. Hình như những người nói cảm thấy như thế mới đích đáng, như thế mới đã, như thế mới xứng đáng với ngôn ngữ của nhà văn bàn về văn chương. Tôi còn nhớ một lần trên mạng đọc bài tường thuật về trao đổi xung quanh cuốn sách sex nào đó, người viết đã “gỡ băng  ghi âm” những ý kiến của một số nhà văn...Có thể một vài người khi đó có tí men cay của rượu bia kích thích, nhưng quả tình nói năng như thế trong một buổi họp mặt trước đông đảo công chúng thì...thật khó chấp nhận. Những ý kiến bình luận của người đọc ở dưới bài viết đó cho thấy công chúng phản ứng mạnh mẽ kiểu nói năng xô bồ, thiếu hàm lượng văn hóa và lịch sự của những người làm văn chương vốn mặc nhiên được xã hội thừa nhận là “tao nhân mặc khách”.

                Nhân tiện đây, xin nói về các ý kiến bình luận trên các trang mạng mà chúng ta thường gọi ngắn gọn là CÒM. Không hiếm nhà văn có các trang Web hay FB hoặc Blog riêng.  Nhiều bạn đọc và cả nhà văn đã tham gia phần CÒM. Thú thật, trước mỗi vấn đề mà nhiều người bình luận, tranh luận, tôi rất hứng thú đọc phần CÒM. Có các nhà văn ghi rõ họ tên và chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Nhưng tôi biết có  nhiều người ẩn đằng sau “nikname” để nói ra những điều rất thô lỗ, bỉ ổi, nói thẳng ra là khá chối tai về vấn đề bàn bạc, nhân đấy “xỉa” vào bạn bè, đồng nghiệp mà anh ta không ưa. Không phải là không có nhà văn trong số những người nấp sau cái tên ảo để bình “loạn”. Tôi nghĩ việc làm đó cũng là một việc làm không đàng hoàng, không văn hóa, không xứng đáng với người mang danh nhà văn.

                Bây giờ xin nói đôi chút về văn hóa trong tranh luận của các nhà văn chúng ta. Thật ra tranh luận về học thuật, về văn chương thì không phải đến bây giờ mới có. Ngày xưa các cụ đã tranh luận rồi. Nhưng tôi thấy các cụ tuy tranh luận nảy lửa, nhưng lời lẽ thường ôn tồn, xưng hô thường đúng mực hoặc là tiên sinh, hoặc là ông... Cái văn hóa trong tranh luận thể hiện khá rõ đó là những người có học nói chuyện với nhau.

                Nhưng các cuộc tranh luận mà tôi được chứng kiến thì  phần lớn thiếu đi điều đó. Cái nguyên nhân cơ bản, theo thiển  ý của tôi là sự “cả giận mất khôn”. Có nhà văn, nhà giáo đáng kính khi tranh luận đã gọi đổi thủ của mình là kẻ “đái bậy” và không thèm dây vào. Có nhà văn nhân vì mình được nổi tiếng muốn phát ngôn ấn tượng đã gọi tất cả các nhà thơ là “những người vô học” và dè bỉu họ một cách vô lối. Rồi một nhà văn, khi được đồng nghiệp góp ý cho tiểu thuyết lịch sử của mình thì đã sửng cồ lên, dùng các lời lẽ rất thiếu văn hóa để “rủa xả” nhà văn kia, và đòi “kiện” cả ban chấp hành Hội nhà văn vì đã không đánh giá đúng văn tài và nhất là “sự trung thành với chính sử” của người viết. Thú thực, trước đó, tôi cũng có chút cảm tình với nhà văn này vì chuyện oan trái ở một tỉnh lẻ. Nhưng khi đọc bài viết của anh ấy trên mạng thì những cảm tình không còn chỗ nữa. Thay vào đó là một nỗi buồn về văn hóa tranh luận của anh.

                Người xưa tổng kết “văn nhân tương khinh” với ý người văn thường khinh nhau. Quả thật người làm văn vốn có cá tính và lòng tin rất mạnh nên thường không phục nhau, âu cũng là một lẽ thường. Nhưng không phục là để anh phấn đấu vươn lên để băng hoặc vượt, chứ không phải không phục là đồng nghĩa với khinh thường, ghen ghét, đố kị hay bài xích.

Có nhà văn quan niệm một cách rất hồn nhiên và ấu trĩ rằng cạnh tranh trong văn chương là cạnh tranh khốc liệt, là cá lớn nuốt cá bé. Nhà vănđó hồn nhiên khoe rằng khi chưa nổi tiếng, anh ta tránh xa những “con cá lớn”, còn bây giờ thì anh không sợ nữa. Một quan niệm như vậy nên sau này anh ấy coi thường đồng nghiệp, nói năng bất cẩn là tất nhiên. Bởi vì  văn chương như một mâm cỗ tiệc các nhà văn nấu cho công chúng. Tất nhiên, nhà văn lớn, tài cao thì chế biến những món cao cấp, đắt tiền trong mâm cỗ đó. Nhưng các nhà văn không kiệt xuất, tài không cao thì có thể chỉ góp vào mâm cỗ đó chút rau thơm, lát chanh, quả ớt, hoặc bát canh, đĩa nộm. Nhưng tôi đoan chắc rằng thiếu cái đó, mâm cỗ văn chương kia sẽ kém đi giá trị. Người ta sẽ ngấy, khi luôn luôn chỉ dùng một, hai món cao cấp, đắt tiền. Bởi vậy, làm gì có kiểu quan hệ nhà văn với nhà văn theo kiểu cá lớn nuốt cá bé? Đất văn chương mênh mông, không thiếu gì chỗ cho anh bộc lộ tài năng. Và mỗi người tùy vào văn tài, góp một phần nhỏ của mình vào mâm cỗ đó. Hà cớ gì phải bài xích nhau, nuốt lẫn nhau. Tôi cho rằng nhà văn hiểu thấu sự vất vả nhọc nhằn của nghề nghiệp, biết rõ sự khắc nghiệt của thời gian khi sàng lọc, càng phải thương yêu, kính trọng nhau hơn. Vâng! Thương người như thể thương thân! Và không có lí gì không vận dụng tinh thần của câu ca dao đầy tình nhân ái của dân tộc:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một giới thì thương nhau cùng

Thương yêu, quý trọng nhau, kính mến nhau là cái gốc quyết định tính chất văn hóa của những lời trao qua đổi lại với nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi cầm bút nhà văn thận trọng thế nào, thì khi phát ngôn, nhất là phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nghĩ nhà văn cũng phải thận trọng, cân nhắc ngôn từ chi li như thế. Bởi vì bạn đọc đang nhìn vào anh với tư cách một nhà văn, một người có văn hóa làm ở lĩnh vực văn hóa, tinh thần.

Tôi không gàn dở đòi hỏi tất cả các nhà văn nói năng một kiểu trịnh trọng, ngang bằng sổ ngay. Nhà văn là người có cá tính mạnh, nên ngôn ngữ cũng có màu sắc cá nhân khác nhau. Nhưng dù cá tính hay bản sắc đến đâu thi ngôn ngữ đó cũng phải đảm bảo tính trong sáng, chuẩn mực và thanh nhã. Cái biên độ ấy hoàn toàn đủ rộng cho nhà văn tạo lập và giữ bản sắc riêng trong nói năng, giao tiếp bên ngoài tác phẩm.

Các bậc tiền nhân ví von so sánh một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi; rồi sảy chân đỡ được, sảy miệng không đỡ được. Thiển nghĩ là một nhà văn, dù là phát ngôn công khai hay không công khai dưới một cái tên ảo, cần hết sức chú ý đến văn hóa của lời nói. Văn hóa trong ngôn từ hàng ngày, văn hóa trong ngôn từ trên các phương tiện truyền thông là điều mỗi nhà văn phải có ý thức giữ gìn. Đấy cũng là một cách góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa chung của chúng ta và phải chăng đó cũng là một trong các thiên chức của mỗi nhà văn.

                                Những ngày cuối tháng 12 năm 2012

 Tham luận gửi Hội thảo ngày 27/12/2012 của Hội nhà văn Hà Nội.

3 nhận xét:

  1. Văn là Người mà, phải không thầy.Đọc bài tham luận này của thầy thật thấm thía.Nhà văn chân chính đích thực luôn pro từ Tác phẩm đến Con người ngoài đời!Chúc thầy cuối tuần vui vẻ, mạnh khỏe để có nhiều bài hay cho chúng em "khai trí".

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn lời khen của THANH HƯƠNG. Hổng dám "khai trí" đâu, nhưng bàn bạc, trao đổi với nhau thì được. Mừng không bị tận thế. Thi thoảng ghé quán mới và để lại lời bình để biết rằng NGƯỜI đã tới!

      Xóa