Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Nhìn lại những lần đổi mới môn Văn

n học trong Nhà trường NHÌN LẠI NHỮNG LẦN ĐỔI MỚI BỘ MÔN VĂN - TIẾNG VIỆT THÀNH MÔN NGỮ VĂN
Apr 1, 2012 7:33 AMPublicPageviews 187 10
   
  

 NHÌN LẠI NHỮNG LẦN ĐỔI MỚI

BỘ MÔN VĂN - TIẾNG VIỆT THÀNH MÔN NGỮ VĂN

                                                        PGS.TS. Vũ Nho

Tóm tắt : Bằng kinh nghiệm của người trong cuộc, tác giả đã nhìn lại những mặt được và chưa được  trong những lần thay đổi chương trình môn NV các năm 1985, 2002 và 2006.
With the insider's experience, the author has reviewed the advantages and disadvantages in the changes of Literature in 1985, 2002 and 2006.

Trước khi bước vào việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 với tinh thần “căn bản và toàn diện”, rất cần có một sự nhìn nhận khoa học quá trình đổi mới môn học, bổ ích để xây dựng chương trình riêng của môn Ngữ văn (NV) lần này.
Là người có tham gia trực tiếp và gián tiếp vào những lần thay đổi trên, chúng tôi muốn nhắc lại những bước đi và nhận thức trong “lộ trình” đổi mới (hoàn toàn không có ý “phê phán” hay “tự phê phán”), mà chỉ nhằm nhìn nhận, đánh giá lại vấn đề một cách trung thực và khách quan.
    1. Trong nhà trường Việt Nam, trước cuộc đổi mới năm 1985, ở cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), chỉ có Giảng văn là chính. Bên cạnh đó, HS được học tiếng Việt (TV) một cách hết sức đơn giản với các loại từ, cách đặt câu; viết một số bài văn giải thích, chứng minh và bình luận về tạo lập văn bản; hầu như không học về lí thuyết tập làm văn. Còn nhớ, khi chúng tôi học ở khoa Văn-Trường Đại học sư phạm (giai đoạn 1966-1970), môn Phương pháp giảng dạy (khi đó gọi là “Giáo học pháp”) chủ yếu được học phương pháp giảng văn, rồi học phương pháp dạy bài văn học sử; còn phương pháp dạy TV và Tập làm văn chỉ học cách trả bài và cách chữa lỗi.
    Cuộc thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới ở THCS và THPT từ năm 1985 có mấy điều chú ý:
    Thứ nhất, chúng ta đã học theo nhà trường Xô viết, gọi tên môn Giảng văn (hay môn Văn) thành tên mới là môn Văn - TV (nhà trường Xô viết là môn Tiếng Nga và Văn học); đồng thời có sách Văn, TV, và Tập làm văn. Lúc đó, có một vấn đề đặt ra là môn Văn - TV được coi là “hai môn riêng” hay “gắn liền”? Việc kiểm tra mỗi môn theo đề độc lập, như vậy sẽ tính điểm tổng kết như thế nào (môn Văn riêng, môn TV riêng hay hai môn chung một điểm)? Nếu tính riêng, GV bộ môn sẽ phải làm việc gấp hai lần vì phải đảm bảo số điểm kiểm tra miệng, 15 phút, một tiết, kiểm tra học kì - vậy họ có được tính tiền lương “làm thêm” khi dạy và cho điểm hai môn học hay không? Không có tiền để làm việc này. Vì vậy, giải pháp là Văn, TV (điểm Tập làm văn tính vào điểm TV) tuy kiểm tra riêng, nhưng số lần kiểm tra chỉ tương đương một môn học, và điểm tổng kết cũng chỉ tính là một cho Văn - TV.
    Thứ hai, chúng ta đã quan niệm một cách phiến diện về tác phẩm văn chương. Lúc đó, mọi người đều cho rằng những tác phẩm văn chương chỉ gồm những tác phẩm văn chương “hư cấu” (Fixtion); còn văn chương “không hư cấu” (Nonfixtion) trước đó (như các bài hồi kí, văn nghị luận) đều bị coi là ít “chất văn” và đưa ra khỏi chương trình. Bởi vậy mà HS hầu như chỉ được học những tác phẩm thơ, truyện, kịch. Kết quả là tác phẩm Tuyên ngôn độc lập bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa ra khỏi sách Văn THPT và chỉ học ở phần Làm văn với tư cách là bài mẫu của văn nghị luận. Một cuộc tranh luận lớn đã xảy ra trước “sự kiện” này.   
Với chương trình và sách giáo khoa THCS cũng có một sự mất cân đối. Văn học dân gian được học nhiều hơn hẳn các phần khác, với tất cả các thể loại (thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, ca dao,  tục ngữ, vè). Đây là một điều nhất thiết cần điều chỉnh sau này khi xây dựng Chương trình NV THCS (được ban hành từ năm 2002 và 2006).
    Thứ ba, đã có một quan niệm ấu trĩ và máy móc về sự toàn vẹn tác phẩm nghệ thuật. Muốn làm khác cách giảng văn trước đây, đặc biệt là khác biệt với “trích giảng văn học” phổ biến, những tác giả làm chương trình và SGK lần này đã cố gắng để học sinh được tiếp cận với tác phẩm một cách trọn vẹn. Vì quan niệm như vậy nên một số truyện rất dài và truyện vừa được trích nguyên văn hoặc hai, ba chương (như: truyện Bầy chim thiên nga,  Lão Hạc, Bố của Xi-mông; chương 1 truyện Ta rát- Bun ba…) dẫn đến “quá tải” cho cả người dạy và người học. Sau này, khi điều chỉnh quan niệm “toàn vẹn”, tránh việc trích văn bản quá dài, các tác giả lại sa vào “thái cực” khác: những văn bản như Cô bé bán diêm, Bố của Xi-mông, Lão Hạc, Lặng lẽ Sa Pa, Làng… đều được rút ngắn, lược bỏ nhiều đoạn.
    Khi xây dựng chương trình “tích hợp” cho môn NV, ít nhất, chúng ta đã thấy được tính chất gắn bó liên môn, xuyên môn của ba phân môn Văn - TV - Tập làm  văn. Không còn là ba phân môn độc lập với ba cuốn sách giáo khoa riêng rẽ, tất cả đều được thể hiện tích hợp chặt chẽ đến từng đơn vị bài học. Một văn bản là “văn liệu” cho phân môn Văn, sẽ được sử dụng để làm ngữ liệu cho phân môn TV và tiếp tục làm văn liệu cho phân môn Tập làm văn. Bài học được cấu tạo như thế thống nhất từ lớp 6 cho đến lớp 9.
    Tuy nhiên, cần thấy rằng, đến cấp THPT, tinh thần tích hợp này ở bộ môn đã không được quán triệt một cách triệt để. Bài học không tích hợp chặt chẽ mà có độ “thoáng”nhất định, với thời lượng cho mỗi phân môn khác nhau. Trong phân môn TV, do đã được học kĩ ở THCS nên chỉ củng cố là chính, mở rộng và nâng cao. Bộ môn NV ở THPT cũng không đơn giản như ở THCS, thể hiện ở việc vừa chú trọng đến thể loại tác phẩm, lại phải chú ý đến tiến trình  lịch sử. Vì vậy, yêu cầu và chất lượng tích hợp có khác biệt.
    Thứ tư, trong lần thay đổi cơ bản năm từ 1985, về mặt “phương pháp bộ môn” cũng  có những sai lầm, ngộ nhận. Những người làm SGK đã coi “đọc sáng tạo” là phương pháp cơ bản, bao trùm nên chủ trương giờ Văn là “giờ đọc văn”. Sau mỗi bài ở SGK NV6 đều có mục “Hướng dẫn đọc” (đã có trường cao đẳng sư phạm nghiên cứu khoảng ba chục kiểu đọc). Điều này đã được phê phán và điều chỉnh kịp thời, vì vậy SGK NV7 sau đó đã bỏ hẳn mục trên.
    Cũng chính từ lần thay đổi đó, tiết Giảng văn đã được thay bằng giờ học Văn với việc chú trọng hoạt động phân tích tác phẩm văn học và chấp nhận 4 phương pháp cơ bản của dạy học Văn (như các trường học của Xô viết) là: đọc sáng tạo, tái hiện, gợi tìm, nghiên cứu. Sau này có thêm “Dạy học nêu vấn đề”, nhưng được xem như là một kiểu dạy học chứ không phải là phương pháp.
    Khi có chuyên gia Australia sang giúp xây dựng “chương trình tích hợp” (được ban hành năm 2002), về cơ bản các vấn đề phương pháp đã giải quyết xong; và khái niệm “đọc hiểu” được nhấn mạnh. Đã có những bài viết, cuốn sách coi “đọc hiểu” là một phương pháp mới tiếp cận tác phẩm. Nhưng thật ra, đây chỉ là một phương diện của dạy học Văn, là “kĩ năng bộ phận của kĩ năng đọc” (1) chứ không phải là hoạt động riêng của môn Văn vì bất cứ môn học nào cũng đòi hỏi đọc hiểu.
    2. Có thể thấy, chương trình môn NV được ban hành tháng 5/2006 là một tiến bộ quan trọng, thể hiện cả việc nhận thức lẫn kĩ thuật xây dựng chương trình. Lần đầu tiên đã có một chương trình nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12; khẳng định tên gọi môn học ở cấp tiểu học là TV, ở THCS và THPT là NV; được trình bày theo mạch kiến thức kết hợp với yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng; có phần thời lượng dành cho NV địa phương; văn bản nhật dụng (chủ yếu là loại văn bản không hư cấu) được chính thức coi là văn bản văn học; xuất hiện hai chương trình: không nâng cao (thường gọi là cơ bản) và nâng cao.
Bên cạnh đó, chương trình tự chọn với một số chủ đề và gợi ý thực hiện cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, cần thấy rằng, “tự chọn” là một vấn đề khá mới mẻ và khó thực hiện bởi chưa có “truyền thống”, cơ sở vật chất và giáo viên chưa thể đáp ứng; chưa kể lại có khái niệm tự chọn bắt buộc (đã tự chọn lại còn bắt buộc!) và tự chọn theo nguyện vọng riêng. Vấn đề cho điểm và tính điểm tự chọn như thế nào trong tương quan với điểm chung của môn học cũng chưa được nghiên cứu thấu đáo. Chắc chắn cần tiếp tục hoàn thiện điều này trong lần xây dựng chương trình mới sau năm 2015,.
    3. Chương trình môn NV do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2006 đã được: biên soạn theo tinh thần “giảm tải”, giảm lí thuyết hàn lâm, tăng thực hành; chú ý vùng miền, tính địa phương; tăng khả năng tự học; xem xét từ góc độ “4 trụ cột giáo dục” của UNESCO (học để biết, học để làm, học để tự khẳng định, học để cùng chung sống); chuyên gia giáo dục nước ngoài tư vấn (từ các dự án phát triển GD THCS và THPT); thí điểm cẩn thận; có sự góp ý để điều chỉnh tại Hội nghị Đánh giá CT và SGK tháng 5/2008 tại Hà Nội (vì đã bộc lộ một số điểm bất cập khi triển khai đại trà). Chương trình đã tiếp thu những điểm mới, tiến bộ của chương trình các nước tiên tiến và dựa trên kinh nghiệm làm chương trình và thực tiễn của nhà trường Việt Nam. Muốn xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có chương trình môn NV, nhất thiết phải xem xét và đánh giá một cách khoa học, khách quan chương trình đã có; chỉ ra nhưng ưu điểm cần kế thừa và những nhược điểm cần khắc phục.
--------
(1) Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn. NXB Giáo dục, H.2006.                        

Bài đăng trên  Tạp chí Giáo dục, số 280, kì 2 (2/2012)





  • Hường Vũ
    • Hường Vũ

    • Apr 21, 2012 3:23 PM


    Vâng, em cảm ơn thầy ạ.
    • Vu Nho Ninh Binh
      • Vu Nho Ninh Binh

      • Apr 21, 2012 4:01 PM


      Luôn luôn vui khi được trao đổi những chuyện trường, lớp, chuyện nghề với Hường Vũ!
  • Hường Vũ
    • Hường Vũ

    • Apr 19, 2012 7:46 AM


    Em đồng ý với thầy! Cảm ơn thầy nhiều lắm.
    Nhưng vấn đề là ở chỗ:
    - Các em viết ra điều em nó nghĩ thì điểm không cao bằng biết chép lại cái gì t..
    • Vu Nho Ninh Binh
      • Vu Nho Ninh Binh

      • Apr 19, 2012 8:11 AM


      Tôi biết như thế. Nếu tôi với bạn là một cặp GK, chắc chắn tôi sẽ đề nghị cho điểm cao em học sinh có ý tưởng riêng. Và bạn cũng dễ dàng đồng ý ..
  • Hường Vũ
    • Hường Vũ

    • Apr 18, 2012 10:23 PM


    Hiệu quả của dạy văn là làm cho học sinh đi thi được điểm cao ?
    Biết viết ra được cái gì em nó nghĩ ?
    Hay nó yêu quý cô văn vì cô nó đã đem đến cho em nó bao điều thú vị ?
    Hả thầy?
    • Vu Nho Ninh Binh
      • Vu Nho Ninh Binh

      • Apr 19, 2012 7:32 AM


      Tôi nghĩ là nên có cả hiệu quả tức thì và hiệu quả lâu dài.
      Nếu chúng ta chỉ chú trọng đến những tâm hồn cao xa bát ngát trong tương lai mà để cá..
  • chi
    • chi

    • Apr 7, 2012 12:32 AM


    Em cũng ké chút tâm sự vì em không phải dân văn chương nên chỉ xin nói một sự thực. Đổi mới là rất tốt nhưng em cứ nghĩ đổi mới sự nhìn nhận các..
    • Vu Nho Ninh Binh
      • Vu Nho Ninh Binh

      • Apr 7, 2012 7:21 AM


      Chuyện ấy thì quả thật là nan giải. Có điều là trong nguyên tắc dạy học có một nguyên tắc là làm mẫu và bắt chước. Ngay trong đời sống người lớn, ..
  • Phong Lan
    • Phong Lan

    • Apr 6, 2012 2:48 PM


    Nhưng em xinh thật đấy. Ảnh cưỡi xe máy vừa chụp đầu tháng 3/2012. Ảnh kia không phải ngồi bên thành giếng mà bên bờ Hậu Giang ở Ninh Kiều, vừa chụ..
    • Vu Nho Ninh Binh
      • Vu Nho Ninh Binh

      • Apr 6, 2012 3:03 PM


      Tôi nghĩ cô Phong Lan ( xin lỗi gọi thế cho trẻ nha) chả cần đến anh em họ hàng nhà bin La Đen Đỏ gì hết! Tay nào không khen bài viết thì đầu óc có ..
  • Phong Lan
    • Phong Lan

    • Apr 6, 2012 9:14 AM


    Thầy ơi, em chả biết đổi mới, đổi cũ thế nào, cải tiến, cải lùi ra sao, chỉ biết trẻ con bây giờ ít cháu viết được câu chuẩn, bài nào cũng giống ..
    • Vu Nho Ninh Binh
      • Vu Nho Ninh Binh

      • Apr 6, 2012 2:43 PM


      Bạn nên biết rằng tôi không thuộc trường phái " Nịnh đầm" đâu nha! Hơi bị dè sẻn ( tiết kiệm cho sang, hoặc là keo kiệt nếu ghét) lời khen đấy! Như..
  • Hường Vũ
    • Hường Vũ

    • Apr 5, 2012 9:24 PM


    Người ta nói thầy giáo già con hát trẻ mà thầy!
    Em ở TP.HCM thầy ạ.
    • Vu Nho Ninh Binh
      • Vu Nho Ninh Binh

      • Apr 5, 2012 9:30 PM


      Cám ơn bạn đã động viên!
      Chúc nhiều niềm vui và may mắn!
  • Hường Vũ
    • Hường Vũ

    • Apr 4, 2012 10:52 PM


    Em chào thầy. Em đã đọc sách thầy viết từ lấu. Hôm nay mới biết nhà thầy.
    Ngày trước theo đoàn đi viết bộ sách GK mới cho Sở, nghĩ là sẽ dùng ở S..
    • Vu Nho Ninh Binh
      • Vu Nho Ninh Binh

      • Apr 5, 2012 7:25 AM


      Chào bạn Hường!
      Tôi thuộc thế hệ già rồi, hoặc quá hơn nữa thì như ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên.
      Cám ơn sự trân trọng của bạn!
      Xin lỗi không rõ bạn ở sở nào!
  • Vu Nho Ninh Binh
    • Vu Nho Ninh Binh

    • Apr 1, 2012 3:55 PM


    Đúng như vậy. Nhưng chẳng bao giờ sách có thể làm mọi người hài lòng. Ngay sách Ngữ văn cũng thế. Phải sau 2015 người ta mới bắt tay vào xây dựng ch..
  • Private comment

2 nhận xét:

  1. Chào "Người trong cuộc" ! Bao giờ thầy của em cũng tuyệt vời ( không "nịnh đầm" đâu thầy ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiển nhiên là không NỊNH ĐẦM rồi!
      Vì đồng chí VN giới tính NAM, sang Thái 2 lần nhưng không chuyển giới!
      Đề nghị huongcoco tăng cường ghé quán mới nha!

      Xóa