Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

VẨY BÚT LÀM MƯA GIÓ

Ngày mai, 14 tháng 9, tại 19 Hàng Buồm, Hội nhà văn Hà Nội tổ chức hội thảo kỉ niệm 100 năm ngày sinh của  nhà thơ Trần Huyền Trân với tiêu đề " VẨY BÚT LÀM MƯA GIÓ" ( một  phần câu thơ của tác giả). VuNho Ninh Binh xin giới thiệu một trong các bản tham luận của nhà thơ Bùi Văn Kha.



ĐỌC THƠ TRẦN HUYỀN TRÂN THẤY LÒNG TA BÌNH TĨNH LẠI
                                                                        Bùi Văn Kha
     
Có lẽ người yêu Thơ Mới không ai không bị bài “Uống rượu với Tản Đà” làm năm 1938 ám ảnh:
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này.
Rót đi, rót rót đi thôi
Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Lời say sưa mới là câu chân tình.
     Thêm hơn một chút là bài Khi đã về chiều:
Hồn thơ về lánh bụi hồng
Quyển vàng, tóc bạc nằm chung một lều
Có đàn con trẻ nheo nheo
Có dăm món nợ eo sèo bên tai
Nghiên son lớp lớp bụi mờ
Mọt ôn tờ lại từng tờ cổ thi. (cũng năm 1938).
     Hay bài Viếng nhau:
Hôm nao vút cánh chim hồng
Mình không thẹn bóng, bóng không thẹn mình
Rày sao eo óc gia đình
Men cay càng gửi bất bình càng cay. (bài này làm năm 1939 khi Tản Đà mất).
     Tôi dừng một chút ở 3 bài trên, tự hỏi: Bút pháp của Trần Huyền Trân là gì? thấy Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam mở cửa đón chàng thanh niên hai mươi mấy tuổi mà trước đó đã hẹn lòng mình rằng 39 nhà thơ là đã đủ rồi, dù ai gõ cửa cũng mặc, cho dù là một thiên tài, chỉ giới thiệu đôi lời về cái mới của hình ảnh thơ, cái giọng điệu nhẹ nhàng da diết của cảm xúc thơ mà không nói thêm gì.
     Rồi sau này, do ảnh hưởng của quan kiến mới mà Hoài Thanh, nhà phê bình văn học ghép thêm nhà lý luận văn học chủ chốt, nhà phát ngôn văn học nhà trường chính yếu tóm tất cả Thơ Mới vào dòng Văn học lãng mạn để thoát li hạ thấp nó, mà phân biệt nâng cao cho dòng Văn học hiện thực phê phán và dòng Văn học cách mạng. Có biện minh tất yếu lịch sử thì đấy cũng chỉ là dùng thế giới quan chính trị để đánh giá tư tưởng nghệ thuật chứ không  từ văn bản tác phẩm để chỉ ra bút pháp tác giả.
     Đọc Trần Huyền Trân tôi chỉ thấy một bút pháp trữ tình truyền lại cái hiện thực, cả những sáng tác trong giai đoạn Thơ Mới cũng như trong và sau Cách mạng tháng Tám. Nếu như giai đoạn 1930 – 1945 là thơ hiện thực trữ tình, thì sau này, từ 1946 trở đi, là thơ hiện thực cách mạng trữ tình. Dù là gì thì thơ Trần Huyền Trân vẫn lấy sự chân thực về mỹ cảm, về hiện thực cuộc đời, về khung cảnh ngoại diên quê hương con người làm chất liệu chính của thơ ca.

     Viết về Tản Đà lấy cái tiếp nối nguồn đau của thi nhân muôn thuở nhưng buồn mà không hạ đi cái cốt cách của nhà nho tài tử thì đấy là mỹ cảm chân thực của niềm kính trọng. Nó khác hẳn với Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vĩ dù đây cũng là một tuyệt tác văn chương. Nhắc đến “có đàn con trẻ nheo nheo/ Có dăm món nợ eo sèo bên tai” tưởng có cái kết của Tú Xương nhưng người thơ trẻ lại chốt một câu buồn như cái buồn của Ông đồ vũ Đình Liên “Nghiên son lớp lớp bụi mờ/ Mọt ôn tờ lại từng tờ cổ thi” – cũng là để vận đến mình. Mà câu chữ toàn là Quốc ngữ. (Tôi nói điều này vì tận đến những năm 1936 – 1938, nhiều nhà Nho khi biên khảo,làm sách vẫn dùng khá nhiều phương ngữ,từ Việt âm cổ,…Tản Đà thì khác, khi ý đến mà chưa có từ mới thì người mượn cái áo để mặc dù hồn cốt của mình vẫn chẳng đổi thay. Xem Thề non nước hay Hầu trời, Cảm thu tiễn thu,…).
     Giờ tôi lại theo mạch thời gian để tiếp mạch thơ với Mưa đêm lều vó:
Mưa lũa ao bèo mưa trắng đêm
Cây bờ ngơ ngác nước đang lên
Lều tôi kiến đã bò lên mái
Bà lão chài lo chửa có thuyền.

Vó nghèo được nước đã lê thê
Đàn cá giang hồ nhảy nhót đi
Cả cụm bèo xanh nằm cạn mãi
Cũng như cất cánh gọi không về.

Tôi ở lều gianh Cống Trắng này
Chạnh lòng cá nhảy với chim bay
Đêm sầu kẽo kẹt ngư bà thức
Giăng phải hồn tôi một lưới đầy.
     Thực là đầy một hiện thực, nghèo, tù túng, về tất cả, đến cả tâm hồn cũng thế. Mãi 4 năm sau mới có Tống biệt hành của Thâm Tâm.
     Nhưng trước Thâm Tâm 3 năm , trong thân li khách đã là một Trần Huyền Trân tâm trạng cũng theo thể Hành:
Thôi thế anh về - Tôi đi đây
Cây nào có gió không thèm lay?
Chim nào có gió không thèm bay?
Lòng nào có máu không thèm say? – Lưu biệt, làm năm 1939.
     Người sau bảo đấy là câu thơ lãng mạn, thậm chí có lẽ hơi “bốc giời” (chữ nương theo Thúc Sinh, có bản là bốc rời, tôi thích bốc giời theo Kiều Lẩy giọng của bà tôi xưa).Thực ra câu thơ trữ tình hiểu cách nào cũng thuận, nhưng tách bạch nó cũng giống như nói Thận tàng Tinh, Tâm tàng Thần, Phế tàng Khí. Ba phủ Thận Tim Phổi lưu ba hồn tinh thần khí hợp thành linh hồn (hay tinh thần, tâm hồn) thì chất liệu vẫn mây gió đấy mà câu thơ thoát tục thăng hoa. Ngay cả bài chỉ nói về lứa đôi mà sao nghe chua xót:
Biết yêu thì khổ có thừa
Hình dung một thoáng tương tư chín chiều
Xa nhau gió ít lạnh nhiều
Lửa khuya tàn chậm mưa chiều đổ nhanh
Bóng đơn đi giữa Kinh thành
Nhìn duyên thiên hạ nghe tình người ta
     Thì ai bảo là thoát ly hiện thực nào? Nó là cái tôi cá nhân trong đời mưa gió lấy cái tương phản để tự mình cảm nhận đậm chất thị dân có học. Cái tài ở đây là chỉ có mấy câu mà vượt khuôn khổ Đường thi về ảnh, tự, nhịp, điệu ở chỗ nói cảnh mà cũng nói tình, nói hai mà như nói một, nói khẩu ý mà cũng nói thân. Cái này lại phải vịn vào “cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Chắc rằng khi đến với Tản Đà, Trần Huyền Trân đã nặng một hành trang Đoạn Trường Tân Thanh rồi.
     Mà lãng mạn như thế là hay lắm chứ! Nó lớn hơn cái quy kết trước đây lấy văn nghệ phục tùng chính trị - đinh ốc và bánh xe của môn xã hội học dung tục. Câu thơ: “Tôi nghe xa lắm làn mây trắng/ Rời bóng Kinh thành lững thững đi” – Đôi mùa, làm năm 1940 mà đến tận khoảng năm 70 Quang Dũng mới hạ được câu “Mây ở đầu ô mây lang thang/ Ôi chật làm sao góc phố phường”. Nhưng câu thơ năm 1940 nó toàn cảnh hơn, câu thơ sau này chỉ là thân phận , hoàn cảnh.
     Tại vì:
Xót mấy người thơ mài ngọn thép
Vẫn cầy luống tóc, vẫn mơ hương
Vẫn trồng hương sắc, vun danh tiết
Mà mấy loài hoa vẫn hải đường. (Gửi Thâm Tâm – năm 1943).
     Năm 1942, trong “Thơ lên đường đề tựa thơ Trần Huyền Trân”, Thâm Tâm viết:
Ngâm thôi
                 Quăng bút cười ha hả
Đây một loài hoa khác hải đường
     Thì xa hơn là Kiều “Hải đường mơn mởn cành xuân”, lại cũng là một sự bất lực của hiện trạng:
Để ngán cho đời ngươi với ta
Lầm than vàng đá đất trăng hoa
Bút dầm biển mực chưa thành sóng
Đã phải câm lòng khúc tráng ca.
     Cho là giai đoạn này Trần Huyền Trân đã sang một tâm thức mới: Trữ tình cách mạng, mà sau đây tôi xin dẫn, thì cái không chịu nổi của hiện thực giai đoạn 41 – 45 đưa vào Thơ Mới phỏng có mấy người. Không đồng hành với một cái gì lớn lao hơn mình thì chỉ có bế tắc và suy đồi như điều cũng đã xảy ra với nhiều nhà thơ ở thời điểm này. Hoặc vẫn quanh quẩn “nhặt lấy cho tôi… lá vàng/ hoa tàn/ đem về chắn lối nẻo xuân sang”, “Đưa tay lên thoa những hàng kính vỡ”, “gỡ tay vướng để theo lời gió nước”, …lãng mạn đích thực đấy, nhưng thời đã khác rồi.
     Chiều rồi chim nhớ bóng tre
Lòng không quê quán…biết về nơi nao
Đêm về trời đợi trăng trong
Đêm về ta đợi đất hồng lửa lên – Giữa đường – 1942.
     Hay:
Đêm nằm buồn nghiêng gối
Thầm nói: Xót nhau không – Không đề, 1941.
     Đấy là lúc nhà thơ đã chọn con đường tranh đấu cách mạng, nhưng không phải ngẫu nhiên, không phải xu thế. Cái ấy chỉ một phần. Phần lớn là lòng chia sẻ, lòng bất bình đã có sẵn như trong câu “Men cay càng gửi bất bình càng cay”. Điều này được đặc biệt nhấn mạnh trong “Cái thai hoang làm năm 1942” mà chất hiện thực gắn liền hình tượng bà mẹ và đứa con chất nặng trên vai mình một tồn tại xã hội:
Con sẽ ra đời! Con của ai?
Ngoài này đang lắm bước chông gai
Gì nuôi con đói lòng dao cắt?
Gì đắp che cơn rét buốt giời?

Thuế sống rồi con gánh nặng nề
Rồi con viết mướn hay may thuê?
Về đâu nương náu? Đi đâu thoát?
Hay sớm đi hoang? Tối ngủ hè!

Con sẽ dùng chi đôi cánh tay?
Dùng chi cho thỏa chí lòng say?
Dùng chi cho thỏa cánh hồn bay?
Dùng chi? Dùng chi thời loạn này?
Ta đã đi qua thế giới mù
Đất trời tao loạn tựa hoang vu
Muôn hồn bay bổng – không còn cánh
Cả chuyện yêu đương…cũng hóa thù.
     Lại nghĩ đến câu thơ Trần Dần năm 1989 “Tôi khóc cho những người bay không có chân trời/ và khóc cho những chân trời không có người bay”. Dù là hay nhưng vẫn là câu thơ cô kết, giới hạn, thiếu một hào khí chất giọng lớn, mà chỉ có cái đớn đau của một thân phận lớn.
     Ở bài Lòng chiến sĩ (kính dâng Phạm Ngũ Lão):
Thuở ấy ra quân lớp lớp dài
Mẹ già phẩy áo hẹn tương lai
Lòng con nặng giục mầm hoa nở
Gió bốn phương lùa lộng chí trai
Mặt trận đêm nay mừng chiến thắng
Rượu nồng sôi máu đỏ - Ô hay!
Men buồn nhẹ bấc trong lòng vắng
Thoáng bóng ai trong cốc rượu đầy.
Bà mẹ già kia cũng thế thôi
Lời mong nhớ lắm đã câm lời
Lòng mong nhớ lắm tơ lòng đứt
Mắt lóa chờ con khép chặt rồi.
Chao ôi binh lửa! Ôi binh lửa!
Đây một hồn thiêng chết nữa đây
Chao ôi Binh lửa! Ôi binh Lửa!
Ai dẹp lòng ta trận giặc này. – làm năm 1938. Ở đây là sự phân thân kiểu Phân tâm học, điều mà vào thời ấy có ảnh hưởng vào văn học nước ta, nhưng ở văn xuôi nhiều hơn. Thực ra tiểu thuyết bây giờ dung cũng nhiều. Nhưng mượn một hình tượng danh tướng để nói hiện thực này thì Trần Huyền Trân nối được Đặng Trần Côn rồi.
     Đến bài Những người chưa chết làm năm 1944 lúc bắt đầu trận đói khủng khiếp năm Ất Dậu ở 9 tỉnh đồng bằng Bắc bộ:
Ruộng đồng trơ trụi cỏ khô
Mưa xuân rữa nốt phân gio thành mùn
Con trâu, con chó không còn
Khắp vùng dân đói dần mòn kéo đi
Vai mang đời sống lặc lè
Tráng phu năm trước, tử thi buổi này
Đàn ông sót lại bao tên
Chôn người để đợi người đem chôn mình
     Ta thấy đấy là lời người Việt ghi lại cái tang thương trên đất Việt. Điều này trong Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh khi nhắc đến những nhà thơ thuần Việt ít chịu ảnh hưởng Pháp có Trần Huyền Trân. Và khi đã đến tột cùng đau khổ thì con người tìm cái sống ở nơi tưởng chết. Điều ấy có nhiều trong tác giả Rau Tần và cũng chính là điều làm ta bình tĩnh. 2 năm sau, khi Pháp đánh chiếm Hải Phòng, rồi ngày Toàn quốc kháng chiến, Trần Huyền Trân có Hải Phòng 19 – 11- 1946, và Tạm biệt em Nhà hát Thủ đô ơi, bộc tả cái cảm xúc bồng bột hăng say công nông binh xuất thân từ mọi lớp người trong xã hội mà kiên quyết cách mạng. Sự nhập cuộc ấy là đóng góp tiếng nói lúc bắt đầu thời kỳ mới của nhà thơ theo tiếng gọi non sông.
     Tôi xin kết bài viết này ở “Vô tận nguồn hương”:
Xưa trùm chăn lều cỏ
Đời loạn nào có yên
Tóc bồng mây song cửa
Lòng hiu hắt đĩa đèn
Ngẫm người ta hoa đất
Tưới nước mắt yêu thương
Thơ mang tình đất nước
Vẫn vô tận nguồn hương!
     Để viết một dòng cuối rằng: Thơ Trần Huyền Trân đích thực là thơ hiện thực trữ tình của văn học Việt Nam. Đọc ông thấy lòng ta bình tĩnh lại.
    
          
    
    








    




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét