Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Bulukhin Nguyễn hầu chuyện bác BOBI

Thứ Sáu, ngày 06 tháng 3 năm 2015

HẦU CHUYỆN BÁC BOBI



Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới của Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, nxb Đà Nẵng 1997


Con dấu của Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, có bụi trúc ở giữa

Sau một thời gian im hơi lặng tiếng bổng nhiên bác BOBI “tái xuất giang hồ” và đọc khá kỹ bài TẢN MẠN TRE của bu. Bác có nhận xét  khá dài, với câu cuối cùng: “BOBI tôi có vài suy nghĩ và thắc mắc như vậy mong bu tiên sinh chỉ giáo”.  Bu tui tóm tắt cái “thắc mắc như vậy” của bác BOBI như sau:
I- Câu “vị xuất thổ thời tiên hữu tiết, đáo lăng vân xứ dã hư tâm” đối không chuẩn. Vị () là phó từ có nghĩa “chưa” không thể đối với đáo () là động từ có nghĩa đến. Xuất () là động từ chỉ sự xuất hiện, không thể đối với lăng () là tính từ chỉ sự cao vút. Như vậy đây không phải là câu đối  mà là 2 câu thơ  vịnh tre trúc.
II- Nếu ví tre trúc như người, thì hai câu thơ trên đã đánh giá rất thấp tính cách con người, bên ngoài có vẻ cứng cáp nhưng thực chất lòng rổng không. BOBI Chưa hình dung ra được tại sao “những mắt tre trúc lại là một thứ tuệ nhãn nhìn thấu suốt triết lí sâu xa.” Tài liệu nào nói ông Ngô Đình Diệm treo câu đối trên ở đầu giường ngủ.
      Bu tui xin hầu chuyện bác BOBI theo từng mục trên:
I -  Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ, và luật bằng trắc cân xứng với nhau . Có ba loại câu đối:
1) Câu tiểu đối là những câu 4 chữ trở xuống
2)  Câu đối phú là những câu làm theo các lối đặt câu của thể phú
3)  Câu đối thơ là những câu làm theo thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn. Những câu này phải theo đúng luật bằng trắc của hai câu “thực” hoặc hai câu “luận” trong lối thơ ngũ ngôn hoặc thơ thất ngôn. (1)
   Về hình thức đối thì có  “công đối” và “khoan đối”. “Công đối” là đối chỉnh, “khoan đối” là đối không chỉnh. Yêu cầu đối chỉnh được đặt ra nghiêm ngặt trong thi cử và trong thù ứng, còn thông thường thì người ta đối linh hoạt, chấp nhận cả hai (2).
    Bu tui cho rằng, câu “Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết, đáo lăng vân xứ dã hư tâm” có hình thức khoan đối (đối không chỉnh). Tuy các từ không đối nhau thật chỉnh, nhưng đối ý vẫn đạt được. Vị xuất thổ thời (chưa nhú lên khỏi mặt đất)  đối với đáo lăng vân xứ (vươn cao chạm đến mây trời). Tiên hữu tiết (thoạt đầu đã có đốt) đối với dã hư tâm  (vốn dĩ ruột trống không). Thưởng thức câu đối và thơ Đường mà không chấp nhận hình thức khoan đối và một số lỗi cá biệt thì có lẽ phải đưa bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu ra khỏi sách “Những nền văn minh thế giới”.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Con chim hạc màu vàng ( động vật) không đối được với áng mây màu trắng (hiện tượng thiên nhiên). Tiếp theo nên “xóa sổ” bài Đèo Ba Dội của bà Chúa thơ nôm Hồ Xuân  Hương. Câu “Một đèo, một đèo lại một đèo”. Không theo luật  “ nhị, tứ, lục, phân minh”, đúng ra  chữ đèo thứ 4 phải trắc, chữ một thứ 6 phải bằng. Cuối cùng bỏ luôn bài thơ “Độc Tiểu Thanh Kí” của Đại thi hào Nguyễn Du do thất niêm hai câu cuối.
Bất tri tam bách dư niên hậu       (câu 7)
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như    (câu 8)
Đúng ra chữ “tri” phải trắc để niêm với chữ “vận” của câu 6 ở trên,  chữ “hạ” phải bằng để niêm với chữ  “hồ” câu 1 (3).
    Bác BOBI cho rằng :  Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết. Đáo lăng vân xứ dã hư tâm  là hai câu thơ vịnh tre trúc  chứ không phải hai câu đối.  Xin thưa, hai câu trên chính là hai câu đối thơ như như mục 3 đã nói. Nó thỏa mãn “nhị, tứ, lục, phân, minh”, không “công đối” nhưng đã “khoan đối”. Nó thỏa mãn yêu cầu “thực” hoặc “luận” của thơ thất ngôn bát cú.  Nhưng đã là “thực” hoặc “luận” thì đương nhiên nó có thể là hai trong số 8 câu của một bài thơ bát cú. Tiếc là chưa ai tìm ra bài thơ nào có hai câu đó, chỉ biết rằng các trang mạng, cũng như cá trang giấy vẫn gọi nó là câu đối nói về cây tre.
II- Bác BOBI viết “Nếu ví tre trúc như người thì BOBI tôi nghĩ rằng hai câu thơ trên đã đánh giá rất thấp tính cách con người: Trông bên ngoài có vẻ đẹp đẽ cứng cáp (vì nhiều mắt, nhiều đốt), nhưng thực chất là trong lòng rỗng không”.
Đấy là bác BOBI nhìn cây tre với  kích thước hình học và kết cấu vật lý. Riêng bu tui cùng nhiều trang mạng, trang giấy, khác xem Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết. Đáo lăng vân xứ dã hư tâm là một cây tre biểu tượng văn hóa nhằm ngợi ca ý chí phấn đấu và sự tu tĩnh của con người. Khi chưa vào đời (vị xuất thổ thời) đã có tư chất (tiên hữu tiết) khi trưởng thành (đáo lăng vân xứ) không tích cóp cho triêng mình (dã hư tâm). Trong vanthekt.bogspot.com Sói Đồng Hoang viết “một tài liệu có ghi đó là đôi câu đối được ông Ngô Đình Diệm khảm trai và treo ngay đầu giường ngủ của mình”. Vanthekt. blogspot.com còn cho biết  “Dưới chế độ Ngô Đình Diệm, tất cả các khuôn dấu của cơ quan chính quyền, kể cả khuôn dấu của tổng thống đều có hình bụi trúc ”(4)
      Khi viết TẢN MẠN TRE, bu tui có tham khảo mục  “TRE” của sách TỪ ĐIỂN BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA THẾ GIỚI (5). Trang 946 viết : “Cũng không nên quên sức gợi của tiếng tre kẻo kẹt, một vài bậc hiền minh coi là tiếng hiệu của sự thông tuệ”. Bác BOBI thấy không, hai thân tre cọ vào nhau phát ra tiếng của sự thông tuệ thì  “Mắt tre được cho là một thứ tuệ nhãn nhìn thấu suốt triết lí sâu xa” là hệ quả tất yếu mà thôi.  “Biểu tượng văn hóa là chị em sinh đôi của lí trí, nguồn cảm hứng cho các khám phá và cho tiến bộ. Uy tín ấy có được phần lớn là do các hư cấu viễn tưởng có giá trị tiên báo mà khoa học dần dần đã xác minh…” (6). Với cách nhìn biểu tượng văn hóa thì người Pigmée ở vùng Ituri Trung Phi, cho rằng Thượng Đế Arebati  có ba vật báu là sấm, chớp và con tắc kè hoa. Con vật sáng thế này đã sáng tạo ra loài người cho nên được sùng kính (tr 853). Dân Hy Lạp xem ruồi là con vật thiêng, có liên quan với một số danh xưng của Zeus (7)và Apollon (8)(tr 785). Hai thông tin này hẳn giúp bác BOBI không quá xa lạ với biểu tượng văn hóa của cây tre mà bu tui đã đề cập tới.
******
(1) Việt Nam Văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm nxb Đồng Tháp 1983.  Trong thơ bát cú thì thực là câu 3 và câu 4, luận là câu 5 và câu 6.
(2) Thi Pháp thơ Đường của Nguyễn thị Bích Hải nxb Thuận Hóa 1995. Về hai câu thơ của Thôi Hiệu bà Bích Hải nhận xét “đối không chỉnh nhưng vẫn  rất là hay”trang 182.
(3) Bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du:
Tây hồ hoa uyển tẩn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận  kì oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Chữ hồ thứ 2 của câu đầu vần bằng nên bài thơ này thuộc luật bằng. Để cho đúng niêm toàn bài thì thì chữ tri câu 7 phải vần trắc để niêm với chữ vận ở câu 6, chữ hạ câu 8 phải  vần bằng để niêm với chữ hồ trong câu 1
(4) Xem hình ảnh ở đầu bài
(5) Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới (Huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, Dạng thể, các hình, màu sắc, con số) của Jean Chevalier, Alain Gheerbrant nxb Đà Nẵng 1997
(6) Trích lời mở đầu của Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới.
(7) Vị thần tối cao trong tôn giáo tiền Ấn Âu
(8) Vị thần Hy Lạp cổ đại

6 nhận xét:

  1. Thời TT Ngô Đình Diệm không phải chỉ có con dấu mới có hình bụi trúc, mà nhiều hình ảnh, vật dụng khác cũng có hình trúc. Trên đồng tiền xu mệnh giá 1 đồng, 50 xu, một mặt có hình ông Diệm mặt kia có hình bụi trúc (hình dạng bụi trúc giống như trên dấu ấn ảnh bác Bu đưa bên trên). Đặc biệt trên đồng 50 xu phát hành năm 1960 ghi 50 SU (SU chữ S), thì ở năm phát hành 1963 ghi 50 XU (XU chữ X).
    Trên mạng trong một tấm hình khác có chân dung ông Diệm, phía sau là cờ, bụi trúc, bên dưới có câu: Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM - TIẾT TRỰC TÂM HƯ. Nghĩa đen của câu TIẾT TRỰC TÂM HƯ là "đốt thẳng lòng rỗng không", chính là để chỉ Cây Trúc.
    Cho nên tôi nghĩ nếu có tài liệu nói ông Diệm treo câu đối:
    Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết
    Đáo lăng vân xứ dã hư tâm
    (未 出 土 時 先 有 節
    到 崚 雲 處 也 虚 心)
    Là hoàn toàn có thể có.
    Trả lời
    Trả lời
    1. Rất cảm ơn bạn PNH đã đưa những bằng chứng về cây trúc và tổng thống Ngô Đình Diệm
  2. Bài viết rất chặt chẽ, đọc thát ý, Sỏi tâm phục, khẩu phục các huynh.
    Blog thế mới đã, mới đáng. Thật may mắn được làm bạn đọc của blog.
    Trả lời
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Hòn Sỏi đã đọc và có nhiều thiện ý với tác giả
  3. Hihi ...thế hệ của tụi em không rành về chữ nghĩa , nhất là chữ Nho . Giờ qua thăm anh Bu được nghe các bậc tiền bối trao đổi với nhau về ngữ nghĩa mà em đây cảm phục vô cùng !!!!
    Trả lời
  4. Cám ơn những băn khoăn, thắc mắc của bác Nano Bobi.
    Cũng rất cám ơn bác Bu về lời giải đáp chặt chẽ, tường minh!
    Cám ơn bác Hiệp cung cấp thêm chi tiết!
    Trong lần bình luận trước, tôi đã nói ý kiến của mình. Xin phép bác Bu cop bài này và bài trước về Blog nhà để nhiều người cùng được đọc.

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn sự ưu ái của bác Vũ Nho

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như đã thưa chuyện bên trang của bác Bulukhin Nguyễn, đây là bài viết hay, bổ ích cho nhiều người. Blog của VN tôi có nhiều bạn giáo viên Ngữ văn. Vì thế tôi tin các bạn ấy sẽ thú vị khi đọc bài này và có ích cho việc dạy học.

      Xóa