Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

HỊCH NHƯ MỘT MÔ THỨC TU TỪ TRONG THƠ TỐ HỮU



HỊCH NHƯ MỘT MÔ THỨC TU TỪ TRONG THƠ TỐ HỮU

                                   NGUYÊN
                               Thứ hai, 16 Tháng 3 2015 06:51
                                font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Hịchlà lời kêu gọi chiến đấu. Nó là diễn ngôn hiệu triệu. Thơ Tố Hữu về cơ bản là thơ kêu gọi, tuyên truyền. Từ ấy không chỉ là lời thề tâm huyết, mà còn là lời kêu gọi thanh niên đứng lên phá gông xiềng của chế độ tù ngục thực dân - phong kiến.
Việt Bắc, Ra trận là lời kêu gọi giết giặc lập công, thống nhất đất nước. Gió lộng là lời kêu gọi chinh phục thiên nhiên, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với Tố Hữu, cứu nước, hay xây dựng chủ nghĩa xã hội đều là làm Cách mạng. Đường Cách mạng là “đường thiên lí”. Ở tuổi hai mươi, nhà thơ kêu gọi thanh niên “Dậy mà đi”, “Đi, bạn đời ơi, đi! Cả cuộc đời”.  Ngoài thất thập (1992), ông vẫn không thôi cất lên tiếng thơ mời gọi “lên đường”, “đi tới”: “Ta đi tới, quyết không lùi bước. Cho đến ngày cạn sức, tàn hơi”. Xét cho đến cùng, bài nào của Tố Hữu cũng đều là tiếng gọi lên đường, là lời hiệu triệu đấu tranh, là tiếng kèn xung trận. Cho nên, có thể nói, “hịch” là mô thức tu từ cốt lõi, có vai trò trọng yếu trong thơ Tố Hữu. Tôi dùng khái niệm “mô thức tu từ” để chỉ các thể loại diễn ngôn đã hoàn bị, bộ xương cấu trúc của nó đã đông chắc, đã hóa thành “hình thức thế giới quan” (thuật ngữ của G.D. Gachev), hay “hình thức quan niệm” (thuật ngữ của Trần Đình Sử). Chúng được văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa sử dụng như một công thức diễn ngôn nhằm biến thi pháp sáng tạo thành thi pháp của cái truyền thống, điển phạm, qua đó, làm cho phát ngôn của nó thực sự thành một quyền lực.

Hịch văn, từ Dụ chư tì tướng (cuối thế kỉ XIII) của Trần Quốc Tuấn, cho tới Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến(1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao giờ cũng sử dụng một kiểu kết cấu, nhắm vào một chủ đề bất di bất dịch. Đó là kiểu kết cấu chia văn bản thành hai phần. Ngoài nội dung kêu gọi, hiệu triệu, phần quan trọng nhất của hịch văn là vạch tội kẻ thù. Có thể gọi “hịch văn” là văn kể tội. Tôi cho rằng, ở Việt Nam, không một nhà thơ nào có tài kể tội giặc như Tố Hữu. Phải vạch ra những tội ác “trời không dung, đất không tha” của kẻ thù và nỗi thống khổ khôn cùng của Tổ quốc, của nhân dân để chuẩn bị cho lời hiệu triệu tiêu diệt chúng. Lấy bài Hầm người trong Từ ấy, hay Bắn trong Việt Bắc  làm thí dụ. Hầm người có 7 khổ, sau khổ mở đầu, 4 khổ tiếp theo chỉ tập trung vẽ ra hình ảnh ngột ngạt của một xã hội ngục tù: “Nơi rộng mênh mông không giới hạn. Cơ chừng xây trải mấy muôn năm. <…> Ngổn ngang xương lạnh đầy ao huyết. Giữa lúc tầng cao, dội tiếng người”. Bốn khổ thơ vạch tội này truyền cho người đọc tâm trạng “uất nặng”  “khí hận rung hầm lặng” để chuẩn bị cất lên lời hiệu triệu: “Này phá, dô ta! Này ta phá. Dô ta! Cho mở cửa hầm sâu”. Bài Bắn cũng vậy, tất cả có 5 khổ, khổ cuối là lời kêu gọi, ba khổ giữa tố cáo tội ác của kẻ thù với hình ảnh man rợ: “Bao đồng chí của ta bay giết. Chặt đầu cắm cọc phơi khô. Chị em ta bay căng thịt lõa lồ. Con em ta, bay quăng thân vào lửa. Lúa ngô ta bay cướp về cho ngựa. Xóm làng ta bay đốt cháy tan hoang”. Hầu hết các bài thơ trong Từ ấy có kết cấu hai phần như thế. Nhiều bài thơ trongViệt Bắc, Gió lộng, Ra trận cũng có kết cấu như vậy. Lối kết cấu hai phần, trước: vạch tội, sau: kêu gọi, còn được sử dụng rộng rãi ở nhiều đoạn, nhiều khổ trong các bài thơ trường thiên của Tố Hữu, như Ba mươi năm đời ta có Đảng, Trên đường thiên lí, Theo chân Bác
Cũng như “Thệ”, “Hịch” bao giờ cũng là tiếng nói cất lên trong không gian “tôn ti”. Chẳng hạn, trong Từ ấy, chủ thể phát ngôn của những lời hiệu triệu được trao vào vai ngườichiến sĩ đại giác ngộ. Người đại giác ngộ là người sở đắc chân lí. Đối tượng lắng nghe lời hiệu triệu của người sở đắc chân lí là những vú em, lão đầy tớ, đứa bé đi ở, cô gái giang hồ, những “trai quí, gái yêu” còn “Bâng khuâng đứng trước đôi dòng nước”, hoặc cả “Một khối người <…> Đang mải cuốc cày, cưa, kéo, đẩy. Như nhau, không biết một ngày vui”…Trong Bài ca mùa xuân năm 1961, cả nước lắng nghe lời hiệu triệu của Bác Hồ:
Nào đi tới! Bác Hồ ta nói
Phút giao thừa, tiếng hát đêm xuân
Kế hoạch năm năm. Mời những đoàn quân
Mời những bàn chân tiến lên phía trước
Tất cả dưới cờ, hát lên và bước.
Lời Bác Hồ là “lời non nước”. Tiếng nói của Bác là “Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”. Ta hiểu vì sao, trong Bài ca xuân 68, lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vang lên như vậy:
Tiến lên!
                                      Toàn thắng ắt về ta!
Hệt như hịch văn, mọi lời hiệu triệu trong thơ Tố Hữu đều là lời của Cha già dân tộc nói với “chúng con”, lời của đất nước non sông, của lãnh tụ nói với “chiến sĩ đồng bào”. Nó là tiếng nói cất lên từ trên cao truyền xuống phía dưới, vang xa muôn phương:
Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng .
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu.
Với ý nghĩa như thế, “hịch” trong thơ Tố Hữu thực sự là lời nói phong cách hóa. Trong Thi pháp thơ Tố Hữu, đặt sáng tác của tác giả này vào bối cảnh thi ca trước 1945, Trần Đình Sử đưa ra nhận xét quan trọng: “Tố Hữu đã tạo ra một giọng thơ quyền uy duy nhất hấp dẫn lúc ấy…”[1]. Tôi cho rằng, “giọng thơ quyền uy” này chính là điệu giọng hịch văn như một phong cách lời nói trong sáng tác của nhà thơ. Từ trong bản chất, nó là giọng “độc thoại” được phong cách hóa với tham vọng vắt kiệt nghĩa đối tượng bằng một phát ngôn duy nhất.
Trong thơ Tố Hữu, giọng hịch vănđầy“quyền uy” thể hiện ngay ở cặp đại từ nhân xưng của ngôn ngữ nhà binh được sử dụng để chỉ quan hệ “địch – ta”: “Bay – Choa” (Choa đói choa rét, bay thù chi choa”. “Bay coi Tây – Nhật là cha”), “Chúng ta - Chúng nó, Chúng bay (Chúng nó là vật, ta đây là người”. “Chúng bay chui xuống đất.Chúng bay chạy đường trời”).  Giọng quyền uy được tăng cường bởi những cặp hình ảnh tượng trưng làm nổi bật sự đối lập gay gắt giữa “Chúng ta” với “Chúng nó”. Mỗi “chúng ta” là một “ngôi sao” (“Mỗi con người nhấp nhánh một ngôi sao”), ai cũng là“thiên thần” ( “Như thiên thần bay giữa trăng sao” ). “Chúng nó” là thú dữ, như“hổ”, “rắn” (“Cũng loài hổ báo ruồi xanh”. “Như hổ mang chực bắt được mồi”), hoặc súc vật bẩn thỉu, như “dê”, “chó”, “mèo” (“Lũ chúng nó rầm rầm rộ rộ. Mắt mèo hoang mũi chó, râu ). Xã hội “ta” là “Thiên đường” (“Miền Bắc, thiên đường của các con tôi”). Xã hội của “chúng nó” là “hố thẳm không cùng” (“…Biết bao thân tù hãm. Đọa đầy trong những hố thẳm không cùng), là “hầm người” (“Nơi rộng mênh mông không giới hạn <…> Nhô nhúc - trời ơi! Một khối người”) , là “lò sát sinh” (“Ôi nhân loại! Địa cầu cháy bỏng. Lò sát sinh ngập máu xương rơi. Lũ đế quốc như bầy quỉ sống. Nướng người ăn nhảy nhót reo cười”). “Ta nay” là “hoa” (“Ta làm sen thơm ngátgiữa đầm”), là“ban ngày” (“Nay thêm sông biển, lại thêm ban ngày), là “vui và ánh sáng” (“Ngày mai đây tất cả sẽ là chung. Tất cả sẽ là vui và ánh sáng”). “Xưa”, dưới ánh thống trị của “chúng”, tất cả chỉ là “máu” (“Sân đìnhmáu chảy…”. “Lò sát sinh ngập máu xương rơi” ), là“đêm”, là  “bóng tối” (“Ôi những đêm xưa, tối mịt mùng”.“Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm”, “Lần đêm bước <…> Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi” ).
Giọng “quyền uy” của phong cách hịch văn được cất cao trong thơ Tố Hữu bởi những lời kêu gọi hành động đáp trả quyết liệt tội ác man rợ của kẻ thù theo nguyên tắc: “Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu”. Giặc “đốt nhà”, “giết người”, “cướp nước ta, cắt cổ dân ta”, thì “ta” kêu gọi:
Cầm dao, cầm súngxông ra phen này!
Đánh cho giặc Nhật tan thây.
Vằm cho nát mặt cả bầy Việt gian.
Diệt trừ phát xít Việt gian”.
Hoặc:
Ơi các anh xung kích dưới cỏ âm thầm.
Hãy sẵn sàng tay mác nhảy lên đâm.
Giết, bắt sống, không mống nào được thoát!
Anh đại bác gầm lên trong tiếng hát”
Cuối cùng, giọng hịch văn đầy “quyền uy” thể hiện rõ nhất qua hệ thống nhan đề tác phẩm, qua lớp từ và câu mệnh lệnh thức được sử dụng dầy đặc trong thơ Tố Hữu. Một loạt bài thơ của ông có nhan đề được đặt bằng các từ, hoặc các mệnh đề mệnh lệnh: Đi đi em, Liên hiệp lại. Giờ quyết định, Dậy lên thanh niên, Tranh đấu, Quyết hi sinh, Dậy mà đi, Đi, Giết giặc, Hãy đứng dậy  (Từ ấy), Bắn, (Việt Bắc) … Hai chữ “ra trận” giống như một mệnh lệnh được Tố Hữu sử dụng đặt tên cho cả một tập thơ, tập: Ra trận. Có thể tìm thấy nhiều hô ngữ hàm ý kêu gọi, hiệu triệu, như “hỡi”, “ơi”, trong vô số câu thơ của Tố Hữu: “Thi sĩ hỡi”. “Hỡi những tù nhân …!”. “Bạn đường ơi” “Kiêu hãnh chút, bạn đời ơi!”. “Hỡi người bạn! Vui lên đi! Ất Dậu”.“Hỡi những con khôn của giống nòi”.“Hỡi tất cả những người đang sống’.“Ơi các anh xung kích”… Đặc biệt, thơ Tố Hữu đầy ắp những câu mệnh lệnh: “Đi đi em!”. “Đi, bạn ơi, đi! Biệt tháng ngày!”. “Nào đi tới!”. “Đi ta đi! Khai phá rừng hoang!”. “Này hãy nghe cả lâu đài xã hội. “Hãy cắt đứt những dây đàn ca hát”. “Hãy đứng dậy ta có quyền vui sống”. “Này phá, dô ta ! nào ta phá”. “Quyết chiến đấu nào ta liên hiệp lại!”. “Đứng lên đi, xây dựng cuộc đời chung”. “Tiến lên, quân giải phóng!”  “Tiến lên giành quyền sống”. “Hãy nhằm hướng phương đông mà tiến”. “Hãy nhớ lấy lời tôi”. “Anh chị em ơi! Hãy giương súng lên cao chào xuân 67”
Chính các cặp đại từ nhân xưng, những hình ảnh tượng trưng tương phản, các hô ngữ hàm ý kêu gọi, những câu mệnh lệnh thức được sử dụng trong thơ Tố Hữu đều là câu trúc biểu nghĩa vốn có sẵn của hịch văn.  Những cấu trúc biểu nghĩa có sẵn này đã mang lại cho thơ ông giọng điệu đầy “quyền uy”, khi thì hào sảng, lúc quyết liệt, đanh thép. Nhưng nên nhớ, đây là đặc trưng của phong cách thể loại, chứ không phải là sản phẩm của ý thức sáng tạo cá nhân.
 

[1]Trần Đình Sử.- Thi pháp thơ Tố Hữu.- Nxb “Tác phẩm mới”, 1987, tr. 51. 


Chép lại từ VĂN HÓA NGHỆ AN

2 nhận xét:

  1. Hỡi những con khôn của giông nòi
    Những chàng trai quý gái yêu ơi
    Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước
    Chọn một dòng hay để nước trôi
    Tố Hữu
    Đất nước một thời máu và nước mắt , một thời hào hùng một thời hào hoa .Tố Hữu một thời quyền uy , một lời nói ra là chân lý ,thanh niên Miền Bắc thời đó ai cũng thuộc thơ Ông,thậm chí những người lính ra chiến trường hành trang mang theo là cuốn.sổ tay chép dăm bài thơ của ổng
    Nhiều ý kiến khen chê ,mà chê thì nhiều hơn , Ngày nay người ta dần quên lãng ,theo tôi cũng đúng thôi .Bởi vì Tố Hữu là người của thời chiến ,trong chiến tranh đất nước cần những người như vậy,thời gian chưa đủ dài ,mà lòng người đang rối .Theo tôi cứ để lịch sử ngủ yên,mai sau khi đất nước phát triển ,xã hội văn minh lớp trẻ có trình độ có cái nhìn khách quan hơn sẽ phán xét không chỉ riêng Tố Hữu mà với tất cả chúng ta
    Bác Lã Nguyên nhận xét rất đúng thơ Tố Hữu mang tư tưởng " HỊCH " xuyên xuốt trong toàn bộ trong các tác phẩm của Ổng
    Cảm ơn bác Nho cảm ơn bác Lã Nguyên

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Alaykum Sa lam đã ghé trang và để lại cảm nhận. Lã Nguyên là bút danh của PGS TS La Khắc Hòa, ĐHSP Hà Nội. Tôi có quen anh ấy khi tu nghiệp ở Leningrat ( nay là Sanh. Peterburg)

      Xóa