Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

ỨC TRAI VỚI MÙA XUÂN Ở Côn Sơn - Vũ Nho

                                                                               Vũ Nho - Chủ trang

ỨC TRAI VỚI MÙA XUÂN Ở Côn Sơn
( Bình bài thơ Trại đầu xuân độ  và Mộ xuân tức sự)
                                   Vũ Nho

Theo cụ Đào Duy Anh, hai bài thơ “Trại đầu xuân độ” ( Bến đò xuân đầu trại) và “ Mộ xuân tức sự” ( Cuối xuân tức cảnh) trong tổng số 99 bài thơ chữ hán của “Ức Trai thi tập”, Nguyễn Trãi viết khi ông lui về ở ẩn tại Côn Sơn. Lúc này, nhà đại trí thức Nguyễn Trãi đã không được tin dùng, đã bị nghi kị, gièm pha và lạnh nhạt. Tuy bị buộc phải về ẩn dật nơi rừng suối, lòng ngổn ngang bao nỗi niềm tâm sự, nhưng mặt khác ngay khi còn làm quan, Nguyễn Trãi lại ước ao:
    Như kim chỉ ái sơn trung trú
    Kết ốc hoa biên độc cựu thư
    ( như nay ta chỉ thích ở trong núi
    Làm nhà bên hoa mà đọc sách xưa)
                        Ngẫu thành
    Có phải thế chăng mà mùa xuân đến trong thơ Nguyễn Trãi vẫn mơ mộng, trong sáng và đầy sức sống. Dù chỉ có hai bài với 8 câu thơ xuân, nhưng nét xuân trong thơ Nguyễn Trãi vẫn in đậm dấu ấn tài hoa của một thi hào lớn, một cốt cách lớn sáng trong vằng vặc tựa sao Khuê.

                                 TRẠI ĐẦU XUÂN ĐỘ
              Độ đầu xuân thảo lục như yên
              Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên
              Dã kính hoang lương hành khách thiểu
              Cô chu trấn nhật các sa miên
                                 BẾN ĐÒ XUÂN ĐẦU TRẠI
              Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
              Lại có mưa xuân nước vỗ trời
              Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
              Con đò gối bãi suốt ngày ngơi
                                 Khương Hữu Dụng dịch
Xiết bao là thú vị khi ta được chiêm ngưỡng cảnh xuân quê hương đất Việt trên dưới năm trăm năm về trước. Một cái trại nhỏ, một bến đò ngang, dòng sông trôi mơ màng, nước và trời hòa lẫn. Tất cả cảnh vật được nhìn qua làn mưa mỏng của mùa xuân nên có màu sắc mơ hồ huyền ảo thật lạ lùng. Đầu tiên là sắc cỏ xuân:
              Cỏ xanh như khói…
              Với Nguyễn Trãi, cỏ cũng đã từng “rờn rờn xanh” trong câu thơ “ vọng trung ngạn thảo thê thê lục” ( Vân đồn). Nhưng đây là trường hợp duy nhất cỏ xanh như khói. Trong thơ Nguyễn Du, khi thì “ Cỏ non xanh tận chân trời”, khi thì “ Một vùng cỏ mọc xanh rì” cũng chưa thấy cái sắc xanh như khói ấy. Mà chả riêng gì sắc cỏ, bầu trời và dòng sông cũng có sự tương hợp lạ lùng. Trời như gần lại, thấp xuống, còn dòng sông thì nước đầy lên, tưởng có thể vỗ sóng vào bầu trời như lụa. Cảnh sắc thật êm đềm, tĩnh lặng, mơ màng. Tuy vậy, nhìn kĩ vẫn thấy là cảnh động. Một sự chuyển động nhẹ nhàng, kín đáo : ngọn cỏ vờn, bụi mưa bay, làn sóng vỗ. Đơn sơ mà đầy sức sống mùa xuân.
              Bài thơ như một bức tranh. Bầu trời, mặt nước, sắc cỏ, con đường nhỏ chạy giữa cánh đồng như là nền tôn thêm vẻ đẹp cho con thuyền đang nằm gối bãi:
              Cô chu trấn nhật các sa miên
              Thuyền côi gối bãi ngủ thâu ngày
    Thật khác xa với sự nhộn nhịp của bến đò nơi thành thị làm ăn xô bồ “ eo xèo mặt nước buổi đò đông”, cũng không có cái sống động phơi phới của nhịp chèo đang rộn ràng khua nước. Phải yên tĩnh lắm, vắng vẻ lắm nên con thuyền mới thành ra thuyền côi ( cô chu) đơn chiếc bên sông. Và cũng yên tĩnh lắm nên con thuyền mới có thể mơ màng chìm trong giấc ngủ. Cảnh sắc ấy gợi nhớ chuyện Nguyễn Trãi lánh cõi trần tục, tránh chốn bụi hồng nơi đô hội phồn hoa. Cảnh trần đấy, nhưng đã thấy thấp thoáng cõi tiên. Thành ra con thuyền giờ cũng mang một vẻ riêng. Con thuyền của Nguyễn Trãi trong thơ đã từng gối bãi, nhưng không cô đơn, chan hòa trong ánh trăng và giữa cảnh non nước tươi đẹp:
              Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
              Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu
                                 Bảo kính cảnh giới 26
Đó còn là con thuyền từng băng băng lướt trên sông Bạch Đằng đầy không khí lịch sử hào hùng:
              Biển lùa gió bấc thổi băng băng
              Nhẹ kéo buồm thơ lướt Bạch Đằng
                                 Bạch Đằng hải khẩu
Nhưng có lẽ ngoài con thuyền thực đậu nơi bến vắng, con thuyền còn kí thác một tâm sự cô đơn, muốn nguôi quên, muốn chìm vào nơi hẻo lánh để di dưỡng tinh thần không gợn chút bụi trần của nhà thơ. Nguyễn Trãi vốn tinh tế, hào hoa. Vả chăng ông cũng không muốn đem phô bày tâm sự “ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” của mình; không muốn mượn cảnh xuân mà trút niềm canh cánh, làm hỏng bức tranh xuân. Thành ra, chuyện tâm sự là có, nhưng nó thấp thoáng, nó quyện vào cảnh xuân hết sức yên tĩnh, mơ mộng của một bến đò lồng lộng vẻ đẹp vừa thực vừa mơ.
              Bây giờ chúng ta hãy rời bến đò để ghé thăm Ức Trai nơi phòng sách vào lúc cuối xuân.
              MỘ XUÂN TỨC SỰ
              Nhàn trung tận nhật bế thư trai
              Môn ngoại toàn vô tục khách lai
              Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão
              Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai

              CUỐI XUÂN TỨC CẢNH
              Trọn ngày thong thả khép phòng văn
              Khách tục bên ngoài chẳng bén chân
              Khắc khoải quyên kêu xuân đã muộn
              Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân
                                 Đào Duy Anh dịch
Không gian trong bài thơ này thu hẹp lại. Trong bài thơ bến đò, nó mở ra với dòng sông, với bầu trời, với con đường, với cánh đồng. Còn ở đây nó thu vào trong phòng sách mà Nguyễn Trãi đóng cửa suốt ngày. Nếu ở bài thơ trước “ hành khách thiểu” thì ở đây “ toàn vô tục khách lai” – một đằng có người, nhưng ít; còn một đằng là không hề có một ai. Nếu trong bài thơ “ Mạn thuật 5”, Nguyễn Trãi còn ngỏ cửa ( Thú thanh phong, lều một gian. Ngỏ cửa nho, chờ khách đến), thì ở đây ông đóng cửa suốt ngày. Có nhà nghiên cứu quá nệ vào chữ “tục” ( tục khách) và căn cứ vào sự cao khiết của Nguyễn Trãi mà giảng như đinh đóng cột rằng tục khách là “kẻ tầm thường, thiếu nhân cách, ham danh lợi, không thanh cao”. Không hẳn là như thế. Tục khách ở đây là khách ở cõi tục, khách của cõi trần, của đời thường mà Nguyễn Trãi đã rời bỏ, đã lánh xa. Không có khách tục, vậy là chốn phòng văn khác nào tiên cảnh, tách biệt với những ồn ào, náo nhiệt, bụi bặm của trần gian. Nguyễn Trãi như đang ẩn giữa rừng nho biển thánh, trọn ngày đắm mình trong sắc hương tư tưởng, đạo đức của tiền nhân giữa những áng cảo thơm. Thật là một cách ở ẩn độc đáo của người trí thức. Nhưng không chỉ có thế. Đóng cửa đấy, nhưng mùa xuân vẫn tràn qua cửa khép bằng âm thanh tiếng cuốc, bằng mùi hương của hoa xoan. Thành ra đóng cửa mà vẫn giao cảm. Đóng cửa phía cõi tục để mở hồn về phía cõi tâm và cõi thần tiên.
    Khắc khoải quyên kêu xuân đã muộn
    Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân
Thoáng qua, người ta dễ nghĩ đến tứ thơ của Mãn Giác thiền sư:
    Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
    Đêm qua sân trước một nhành mai
Nhưng hai thi sĩ lớn của hai thời đại đâu có chuyện lặp lại nhau? Trong thơ Nguyễn Trãi, mùa xuân đang già ( xuân hướng lão) trong tiếng cuốc kêu khắc khoải, mùa xuân đang chuyển với mưa bụi, với hoa xoan. Và chớ nên tách bạch hai câu thơ này với hai câu thơ trước vốn gắn bó hài hòa, gợi một phòng sách đầy hương tư tưởng giữa một sân đầy mưa, dưới một vòm  lộc xoan đã thành xum xuê, và sau cùng là dưới một vòm hoa đã nở, đang nở dưới mưa nhuần. Ở đây có nét xuân nghe thấy ( tiếng cuốc), có nét xuân nhìn thấy ( mưa bụi, hoa xoan) nhưng xin đừng quên nét xuân cảm thấy ( hương xoan). Nét xuân cảm thấy mới là cơ bản. Phải chăng với lí do này mà Nguyễn Trãi đã phải cẩn thận ghi chú dưới bài thơ : “ Sách Nhĩ nhã nói cây xoan tháng ba nở hoa thơm phức cả sân”. Vậy là Nguyễn Trãi cảm xuân từ tiếng cuốc và từ mùi hương. Nhiều người giảng bài thơ này thường quên một sân hương xoan thơm phức của Ức Trai. Từ tiếng cuốc kêu vọng vào, từ mùi hương lọt vào, Nguyễn Trãi cảm nhận hoa xoan đang nở, cảm nhận cả mưa xuân lất phất ngoài phòng trai, cảm nhận cả cái yên tĩnh tuyệt đối, vắng lặng tuyệt đối “Môn ngoại toàn vô tục khách lai”.
    Bài thơ có nhan đề “ mộ xuân tức sự”. Phải chăng nhà thơ chỉ ghi lại toàn sự việc? lẽ nào đằng sau chuyện “xuân hướng lão” mà hoa xoan vẫn bừng nở đầy sân kia không ngụ một chút lòng Ức Trai? Lẽ nào đó không phải là một nỗi niềm trước cảnh thiên nhiên : lòng ưu dân ái quốc mãi mãi tràn đầy, mãi mãi như sức xuân bất chấp tuổi tác, bất chấp thời gian?
    Cái hay của bài thơ là ở chỗ tâm sự của nhà thơ hài hòa trong cảnh xuân, đằm sâu trong sắc xuân, chứ không mượn cảnh xuân mà bộc lộ. Niềm tâm sự ấy càng làm cho bức tranh xuân thêm lộng lẫy thêm vì nó mang hồn người viết.
                                                              Hà Nội, tháng XII, 1990





4 nhận xét:

  1. Nỗi niềm tạm lắng vào trong / Ung dung xuân sắc trải lòng thi nhân...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Nguyễn Xuân Lai đã ghé trang. Hôm nay sau khi nghe TS Trần Trọng Dương nói về ngôn ngữ thơ Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập, thế kỉ XV, về nhà lục và đưa lên bài viết về thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi. Cũng là một cách tưởng nhớ tiền nhân,

      Xóa
  2. Tuổi tên tinh biển nay còn lại
    Bia đá ngàn năm cỏ mọc tràn
    Nguyễn Trãi
    Bài bình hay quá .Lời bình trau chuốt nhẹ nhàng nhưng cũng cuộn trào nêu bật được nhân cách cua đại thi hào.Đẹp như dáng núi Mã Mây trong một sáng xuân
    Bình thơ người khác mà như bình thơ của mình vậy, nhập hồn vào ý thơ Bác đã trài hết lòng mình
    Đây cũng như là một lời tri ân của Bác gửi tới đại thi hào Nguyễn Trãi cảm ơn bác Nho
    P/s Ngạc nhiên hơn nữa bài binh này được viêt cach đây 1 5 năm tôi dọc cứ cảm thấy như vùa mới đươc viết hôm qua

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Alaykum Salam đã ghé trang và chia sẻ!
      Tôi viết bình thơ đã lâu. Cũng có bài được bạn bè, đồng nghiệp khích lệ. Vả lại, nghề dạy học, muốn không dạy suông và thuyết phục học trò thì phải có thêm nghiên cứu, phê bình! Có được bài viết được vài người trong giới khen là khó thay mà cũng vui thay!

      Xóa