Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

EM SẼ ĐẾN - Bùi Hải Đăng

Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Lan

EM SẼ ĐẾN
                                               Bùi Hải Đăng
Anh khao khát trăng này em sẽ đến
Ngõ rêu phong chợt ấm gót xinh mềm
"NHÀ BÊN SÔNG" nghe mái chèo khỏa nước
Mắt buông hiền, mi chớp sáng ngoài hiên...

Vòm trời cũ đã bao mùa quên lãng
Trong chiều nay mở hết chân trời!
Vầng trăng hẹn, ngập chìm trong quá vãng
Lại nghiêng thuyền mộng ảo hướng xa xôi...

Em sẽ đến, lặng nhìn ngoài khung cửa
Nghe chiều buông vàng rực đón thu tàn
Con sông nhỏ chảy mềm như ngọn gió
Buông hồn neo thả mặc chốn lang thang....

Anh khao khát trăng này em sẽ đến
Ngõ rêu phong chợt ấm gót xinh mềm
"NHÀ BÊN SÔNG" nghe mái chèo khỏa nước
Mối tình đầu đắng đót thuở hoa niên!
                                                                 Cầu Ràm, thu 201




Lời bình của Nguyễn Thị Lan

1/ Bài thơ là niềm mong ước của tình yêu
Câu mở đầu nhân vật Anh chân thành bộc bạch:
“Anh khao khát trăng này em sẽ đến”
Cách mở như thế người xưa gọi là "Mở cửa thấy núi” gọi thẳng tâm trạng của nhân vật trữ tình ."Anh khao khát” anh mong đợi mùa trăng này em sẽ đến bên anh….
Từ mơ ước ấy cảnh và người trong thi phẩm hiện ra như trong một thế giới siêu thực,thế giới mộng ảo, thế giới của những giấc  mơ đẹp về tình yêu đầu đời trong trắng với những cảm xúc trinh nguyên.

Em đến mang đến tất cả . Biết bao trìu mến khi nhân vật trữ tình nghĩ về “em”?. Trong tưởng tượng của “anh’ , “em” phải đến vào một mùa trăng với “ gót xinh mềm” Đó là mùa của sáng trong thơ mộng.
” Em” đến với hơi ấm, với “mắt buông hiền mi chớp sáng”. “Em” đến đó “lặng nhìn ngoài khung cửa”. Chỉ “lặng nhìn” thôi không nói nhưng cũng làm xao động trái tim anh, một trái tim cô đơn và biết ơn…
“Em” hiện ra thật đẹp và càng đẹp hơn trong thế giới thoáng chốc hạnh phúc của “anh” . Bởi hạnh phúc là một thế giới kỳ diệu nhưng không vững bền, nó chỉ hiện ra trong khoảnh khắc, nó mong manh hư ảo khó nắm bắt …nó như một hồi âm, một ánh trăng huyền ảo xa xôi…
“Em” đến như có phép màu , cảnh vật được hồi sinh: “ Ngõ rêu phong” cổ tích lạnh lẽo “chợt ấm”, vòm trời cũ chìm trong quên lãng bao mùa chiều nay cũng “mở hết” đến tận “chân trời” “ Vầng trăng hẹn, ngập chìm trong quá vãng” lại hiện về rọi ánh sáng xuống con thuyền mộng ảo của anh. “Em đến ” thu tàn chiều nay lại vàng rực ngoài khung cửa (Có phải màu vàng thần tiên trong những bức tranh tôn giáo thời  Phục hưng hay cái màu vàng lộng lẫy trong tuyệt tác “Mùa thu vàng” của danh họa Lêvitan ?) và dòng sông trước nhà “anh” hôm nay lại trữ tình hơn,thơ mộng hơn: “Chảy mềm như ngọn gió”mang hồn anh lang thang đến bến bờ hạnh phúc….
Hình tượng em trong bài thơ vừa thực vừa mộng, là cõi hư bổ sung cho cõi thực mà nhân vật trữ tình đang sống. Rộng hơn đó là nơi lui về trú ẩn của những khát vọng”anh” không thực hiện được ở ngoài đời. Phải chăng “em” là cội yêu, nguồn nhớ là niềm hy vọng ngóng trông của “anh”. Đọc bài thơ tôi bâng khuâng cảm thức như thế!
2/ Nhưng bài thơ không chỉ “ vẽ “ chân dung “em” trong mơ ước của: ”anh” nó còn là bức chân dung tinh thần tự họa của chính nhân vật trữ tình. Người đọc nhận ra ở đây sự giầu có, phong phú của một trạng thái cảm xúc.
Biết bao khao khát, hân hoan, náo nức khi “anh” luôn tâm niệm “Em sẽ đến”. Điệp khúc “em sẽ đến “ vang lên suốt bài thơ như nỗi khắc khoải mong chờ…Biết bao dịu dàng, âu yếm, thương yêu trong hình ảnh ”gót xinh mềm” của em…Biết bao mộng mơ, say đắm với “con thuyền mộng ảo”trôi về phía trời xa…
Nhưng tình yêu trong bài thơ là tình yêu thuở ban đầu. Nó đẹp và buồn. Đẹp vì nó gây ấn tượng sâu đậm :” Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm hồ dễ có ai quên; (Thế Lữ) . Buồn vì mộng đẹp không thành. Buồn vì giữa hai người giờ đây là khoảng cách mà trớ trêu thay ” khoảng cách tạo ra cái đẹp”, khoảng cách càng nhân lên nỗi “khao khát” trong anh…
Chính vì vậy một nỗi buồn giăng mắc khắp cả bài thơ. Ở cuối bài nó đọng lại thành giọt “đắng đót” . Một điệu buồn không da diết, không se thắt ruột gan mà bâng khuâng tinh nhẹ. Nỗi buồn đó là sản phẩm tất yếu của một tâm hồn đa cảm và cô đơn. Ở đây người thơ như “trở về” với ký ức, sự “trở về” ấy là ngọn gió ngân vang vừa buồn bã,vừa thương nhớ…
3/ Bài thơ đẹp cả ý và lời:
Vẻ đẹp của bài thơ là vẻ đẹp cổ điển và sang trọng . Những từ ngữ tinh tế và gợi cảm như: Rêu phong, vòm trời cũ, quên lãng, quá vãng, mộng ảo, xa xôi, thu tàn, lang thang, đắng đót, hoa niên…gợi cái gì xưa cũ như trong ký ức trong hoài niệm. Hệ thống từ ngữ đó thích hợp với tâm trạng của nhân vật trữ tình…
Bài thơ giầu nhạc tính .Thể thơ tám chữ với âm điệu nhịp nhàng,cân đối ,hài hòa đủ mềm mại để hợp với những rung chuyển của tâm tình muốn bộc lộ;nó như những vòng mơ gợn sóng, như những xung động của ý thức.
Hình ảnh trong bài thơ đẹp ,phong phú với những ngõ rêu phong,với nhà bên sông, vớí mùa thu vàng rực, với sông nước,với gió trăng… Có những hình ảnh vừa thực,vừa mộng “Con sông nhỏ chảy mềm như ngọn gió / Buông hồn neo thả mặc chốn lang thang”.  Hình ảnh thơ gợi mở mà bao la bát ngát, vừa hư ảo mênh mang vừa mở ra một chân trời với bao khát vọng…
Bài thơ giầu phép  trùng điệp. Sự lặp lại của các điệp ngữ “Em sẽ đến” và hai khổ thơ (khổ đầu và cuối) không những đạt được cùng một lúc những xúc cảm điệp trùng, những hình ảnh những ý thơ liên tiếp mà còn làm cho nhịp thơ tạo ra nhạc tính được tăng thêm nhờ sự cộng hưởng của âm thanh. Những âm thanh nối nhau,nương tựa vào nhau, hô ứng nhau như những làn sóng đuổi nhau trên mặt nước hồ thu…
Và trên hết truyền cảm hơn là giọng điệu của bài thơ. Toàn bộ thi phẩm là một giải phổ rộng lớn có dịu dàng âu yếm, có lắng nhẹ mênh mang, có mong mỏi khát khao, có đắm say ngây ngất, có man mác buồn bã…Sự có mặt của sự luân chuyển những màu sắc giọng điệu ấy làm cho mạch thơ trở lên mềm mại, biến hóa. Có thể dùng hình ảnh giọt nước để liên tưởng đến giọng điệu của tác giả trong bài thơ “ một chút trong vắt,một chút long lanh,một chút dịu dàng”.
4/ “Em sẽ đến” là một bài thơ hay về tình yêu, đẹp về nỗi buồn.
Bài thơ là một giấc mơ nhưng cũng chính là hoài niệm. Bùi Hải Đăng viết bài thơ này khi anh đã bước vào tuổi thu, đã đi qua bao buồn vui của cuộc đời . Nó lắm bâng khuâng và phảng phất buồn nhưng cao hơn là sự trân trọng tôn thờ là khát vọng yêu thương – Một biểu hiện đặc trưng của trái tim con người và cũng là nhu cầu nhân tính cao nhất của con người. Nhà thơ đã tìm ở đây sự cao cả, sự vùng dậy, sự vĩnh cửu có sức hồi sinh của tình yêu. Chính vì vậy mà bài thơ hướng tới cõi thiện, cõi đẹp, đem đến những cảm xúc lành mạnh thuần khiết cho người đọc. “Em sẽ đến “ một thi phẩm đáng nhớ của Bùi Hải Đăng.
5/ Vĩ thanh;
Khi viết những dòng cuối cùng này tôi gọi điện tò mò hỏi tác giả : “Em trong bài thơ là ai vậy?” Bùi Hải Đăng bật mí : “ Đây là nhân vật anh tưởng tượng”. Thế là rõ, tác giả bài thơ đã tự đốt lửa sưởi ấm trái tim mình bởi anh rất cô đơn, cái cô đơn định mệnh của người nghệ sĩ… Bùi Hải Đăng còn băn khoăn “ Hình như bài thơ hơi yếu mềm…?”. Tôi muốn nói với anh:Thật may thay! Từ những phút yếu lòng, từ tâm trạng cô đơn ấy Bùi Hải Đăng mới có một bài thơ  lay động lòng người đến thế!
“Em sẽ đến”, một giấc mơ về tình yêu của Bùi Hải Đăng.
                     
                        Hải Dương, đầu xuân Nhâm Thìn (2012)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét