Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Đời ta rồi thua cả loài cỏ dại

Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân

Đời ta rồi thua cả loài cỏ dại
                                                                                        Vĩnh Nguyên

Đời ta rồi thua cả loài cỏ dại
Thua cả đám liu chiu dế trũi dế mèn
Là khi ta nằm dài đáy huyệt
Đám liu chiu cỏ dại mọc đè lên!

Không ai tránh được giờ kết thúc
Đức Mẹ hiện ra đâu đó năm nào?
Người sùng đạo tin là có thật
Còn người thường chỉ biết thương nhau

Anh và em trước sau gì cũng vậy
Khi rễ cây hút tuỷ ống xương khô
Bao đốt xương ta rỗng như ống trúc
Ai còn hát theo chi vào những nấm mồ?

Đời ta rồi thua cả loài cỏ dại
Ta cứ tin như thế vững lòng hơn
Để bàn tay với bàn tay lại nắm
Và làn môi tìm tới nụ môi hôn…


Lời bình của Hoàng Dân

Khổ thơ thứ nhất dẫn ra một sự thật hiển nhiên:
Đời ta rồi thua cả loài cỏ dại
Thua cả đám liu chiu dế trũi dế mèn
Là khi ta nằm dài đáy huyệt
Đám liu chiu cỏ dại mọc đè lên!
Khi đã “nằm dài đáy huyệt” thì không chỉ có cỏ dại, dế trũi, dế mèn… “đè lên”; mà còn có thể có nhiều thứ uế tạp khác chất đống tầng tầng lớp lớp rất nặng mùi, ví như: rác thải y tế, xác động vật chết… và cả  cặn bã của những đồng loại còn sống được thản nhiên thải ra…

Xem ra cái câu “Chó chết hết chuyện” chưa thuộc loại “chuẩn không cần chỉnh” nhỉ? Tất nhiên chó ở câu tục ngữ này là ẩn dụ dùng để chỉ người, chứ chó (theo nghĩa đen) làm gì có cái diễm phúc sang trọng được “nằm dài đáy huyệt”!
Hai câu cuối của khổ ba:
Bao đốt xương ta rỗng như ống trúc
Ai còn hát theo chi vào những nấm mồ?
lại nói đến một khía cạnh khác cũng khá thú vị, nó gần như là một luật chơi của cõi nhân sinh. Người ta chỉ rót mật vào tai, chỉ tụng ca sự anh minh sáng suốt… của ai đó khi còn sống, cụ thể hơn là khi đang có quyền ban phát bổng lộc cho kẻ khác; còn khi xương đã “rỗng như ống trúc” thì, xin lỗi, người đó chỉ còn là một cái “bồ” đựng những lời mạt sát, thoá mạ, nguyền rủa…
Ai đó mà còn được thế gian “hát theo” cả khi đã vùi sâu trong mồ thì người đó phải là bậc Thánh hoặc ít ra cũng là người được nhân dân suy tôn là Thánh; mà người như vậy thì trong ức triệu may ra chỉ có một vài. Họ là những bộ xương khủng long hoá thạch.
Khổ thơ cuối:
Đời ta rồi thua cả loài cỏ dại
Ta cứ tin như thế vững lòng hơn
Để bàn tay với bàn tay lại nắm
Và làn môi tìm tới nụ môi hôn…
thì câu đầu được lặp lại như muốn nhắc nhở những người hay quên “ta là ai?”, nhưng đến câu thứ hai đã phát triển thành một nhận thức cần thiết: “Ta cứ tin như thế vững lòng hơn”. Đúng, phải tin rằng, cuối cùng thì ta sẽ trở về cát bụi và phải vui vẻ chấp nhận mọi sự “chà đạp” sau đó. Tức tối cũng chẳng ích gì. Sợ hãi cũng chẳng giải quyết được gì. Cái gì đến sẽ đến. Nhưng như thế không có nghĩa là nhắm mắt buông xuôi, thủ tiêu mọi khát vọng khi còn sống, hãy để cho “làn môi tìm tới nụ môi hôn…”!
Chết rồi thì ta đành chịu thua cả cỏ dại lẫn giun dế. Nhưng sống thì dứt khoát ta phải hơn lũ cỏ dại và giun dế. Hơn cái gì và hơn như thế nào? Hơn là có tình yêu. Hơn ở chỗ hãy hôn nhau nồng nàn, say đắm…
                                                                                            Tối chủ nhật, 23.3.2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét