Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

KIM THANH VỚI “CHUYẾN ĐÒ CHỞ NỖI NIỀM XUỐI BẾN”



                 

                                                                            Nhà giáo nhà văn Kim Thanh


 KIM THANH VỚI “CHUYẾN ĐÒ CHỞ NỖI NIỀM XUỐI BẾN”

                                                 TRÊN DÒNG “SÔNG MAI’

                                                   NXB Văn Học  - năm 2011

                  Kim Thanh “… người đàn bà đa đoan, đa tình, đa tài …”. Đó là lời nhận định của tác giả Xuân Trường trong bài viết “Kim Thanh người đàn bà “Phía sau lần mong đợi”. Tập thơ chị in từ năm 2011, nhưng với tôi nó là tập thơ mới, chị mới tặng tôi trong lần tôi về dự Đại hôi nhà văn thành phố Hồ Chí Minh năm 2015. Với bảy mươi sáu bài thơ. Hồn thơ tác giả “…bước đi  đời người từ dòng sông ban mai xuôi theo dòng đời ra biển cả cho đến nắng xế chiều tà…”.(Tác giả tự bạch) Tôi muốn cùng chị xuôi dòng sông này từ thuở ban mai, nghĩa là từ một cái ngày xưa”bé tí teo” ấy mà chị của mình hết sức đáo để, đã biết “…nhìn anh e thẹn/má đào bâng khuâng…” đứng ở gốc cây ngô đồng “ngóng”  chàng trai hàng xóm đi gánh nước “ngoài sông”. Từ  “ngóng” thật dễ thương, tâm trạng cô bé lần đầu thấy lòng xao xuyến trước một người con trai, cứ muốn nhìn thấy ngưởi ta trong tâm trạng bồn chồn, thẹn thùng sợ bắt gặp, sợi tơ tình bấy giờ rất mong manh bởi cảm xúc nhẹ tênh của tuồi dây thì “trẻ con biết gi”. Theo thời gian cô bé tí tẹo ấy thành một thiếu nữ xinh đẹp gặp hoàng tử trong mơ:

“…Ngày anh đến, trái tim rạo rực

Hoa thắm sắc hồng vui trong gió

Một trời thơ còn đó êm đềm

Chuyến đò chở nỗi niềm xuôi bến…”

(Hoa Tigôn – trang 59)

 Chuyến đò tình xuôi bến trong niềm hân hoan, rạo rực, :”Trên thuyền đầy ắp một trời thơ!” Một khoảng trời đẹp quá, đầy hoa hồng, một cốc rượu tình yêu say đám ngọt ngào không kém phần mãnh liệt cháy bỏng:

”…Tình yêu ta tha thiết biết bao nhiêu!

Yêu sáng, yêu chiều, yêu trong giấc ngủ

Cả trong mơ cũng thấy bóng hình anh…”

(Thơ để mình anh đọc –trang 105)


           Định hình trong lòng chị một tình yêu chính chắn không ngại gian khó, thiếu thôn của thời chiến tranh chị vẫn nhớ hoài :   “…Một thời ta yêu nhau…” Cái thời không ai cân đo đong đếm trong tình yêu mà chỉ biết ;”…Nơi ấy không cần suy nghĩ/Chỉ tình yêu ngự trị..(Trăng vàng – trang 57) đối với chị đấy là hạnh phúc dù bữa cơm thiếu nhiều thứ, không gian tình yêu trong sáng, tươi đẹp, dù sự xa cách cũng không làm chị nãn lòng: “Đã yêu là đợi chờ thủy chung”. Dòng thơ chảy như một nốt nhạc ngân vang đầy niềm tin yêu vào cuộc sống, vào ngày thật cảm động đón người chồng về, vào niềm tin thắng lợi của một cuộc chiến tranh quá dài, dễ làm cho người ta mỏi mệt, nhưng với Kim Thanh thì :”Bầu trời xanh bao la…anh sẽ về”. Thương quá một Kim Thanh lãng mạn , dịu dàng một mực thủy chung với tình yêu với mái ấm mà mình chọn lựa, gìn giữ cho các con một sợi dây tình cảm gia đình trọn vẹn:

         Chờ đợi trở thành nỗi khắc khoải trong thơ Kim Thanh.  Cuộc đời hợp rồi tan đó lá chuyện bình thường, một vòng đời nghiệt ngã, ai mất, ai còn, ai đi trước, ai đi sau không ai biết được, người ở lại với muôn ngàn nỗi nhớ:

“Em tìm lại chốn ta ngồi

Một thời quen thuộc, nắng mưa xóa rồi.

….Bây giờ anh đã đi xa

Âm dương hai ngã, đường đời em đi.”

(Bâng quơ- trang 56)

         Thương quá “đường đời em đi”, tứ thơ chạm khắc hình ảnh một người đàn bà lẻ loi đi suốt con đường dài thăm thẳm của cuộc đời. Chỉ còn lại các con và tình bạn. Những đứa con chị lớn lên, lần lượt đi học ở phương trời xa.   

“…Con bé lớn lên đi học trời Tây

Xưa chờ bố, nay chờ con vò võ

Con đi rồi, tất cả theo con “

(Ngày ấy…nhớ hoài – trang 44-45)

 Người đàn bà đáng yêu này lại một mình:

“…Đâu đây giữa không gian

Hương ngọc lan ngào ngạt

Tiễn hồn ta phiêu bạt

Giữa đất trời mênh mang..”

                                       (Đêm Sài Gòn – trang 63)

          Mỗi chuyến đi thăm con, thăm cháu, mỗi bước chân đến nơi đâu đều được chị ghi lại trên trang thơ, nét đẹp, nét duyên dáng của từng con sông, từng thành phố nước Nga, Pháp…Nhưng có lẽ quê hương là dòng cảm xúc đẹp, nhất là khi chị viết về một Hà Nội nghìn năm:

“Hà Nội  soi mình đã ngót ngàn năm

Gió nhặt hương xưa, Hà Nội những chiếu…

Ôi! Hồ Gươm tha thiết biết bao nhiêu!

(Hồ Gươm vẫn xanh – trang 14)

       Tôi thích những câu thơ chị dành cho mẹ, một người mẹ đã đi vào cõi vĩnh hằng, không bi lụy nhưng tha thiết một niềm yêu thương vô hạn, hỏi mẹ như hỏi chính mình:

“…Bây giờ mạ ở nơi mô

Giường mây chiếu gió gửi vào hư không

Mẹ phiêu diêu cõi non bồng

Bóng mây còn lững trên đồng ngày xưa.”

(Mạ của con –trang73)

      Trong trái tim yếu đuối của chị thỉnh thoảng cũng xao động trước một câu thơ ai tặng, một sự chăm sóc ân cần, một cái nhìn say đắm…chị giật mình chợt hỏi:

       “Tình yêu đã đến rồi chăng?  Rồi tự mình trả lời “Ồ không, tình bạn trăng rằm đẹp ghê”. Một Kim Thanh đẹp kiêu sa, sang trọng nhưng lại trong sáng, hôn nhiên, rất đẹp trong tình bạn.  Trái tim nồng nàn vẫn ngân lên lời ru dạt dào cảm xúc. Với cách viết giản di, chân thật, không cầu kỳ, cách dùng từ  không nhiều tầng nghĩa khiến bạn yêu thơ đến với thơ chị thật nhẹ nhàng và dễ nhớ. Khép tập thơ lại tôi vẫn hình dung ra nụ cười của chị, nụ cười đầy nghị lực, bản lĩnh của con người biết vượt qua nỗi buồn, chị nói với lòng mình:

”Tất cả qua rồi, khép cửa lại thôi/

Ta đi về phía mây trôi/

            Và tôi tin rằng con sông đời chị sẽ không  “ đi về phía sóng dồi – mong manh” và mãi là con “Sông mai” trong lòng bạn yêu thơ.

                                                Trúc Linh Lan

                               Cần Thơ, đêm 19 tháng 7 năm 2015

                “

      

                   

       

           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét