Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

NGUYỄN HUY, CÔ ĐƠN VÀ KHÁT VỌNG



NGUYỄN HUY, CÔ ĐƠN VÀ KHÁT VỌNG
(Đọc “Đi về phía mặt trời” - Thơ Nguyễn Huy
NXB Hội nhà văn năm 2005)

Nguyễn Thị Lan

1. Trong bài thơ “Trước biển lúc không giờ” có một khổ thơ như những câu thơ định mệnh của Nguyễn Huy.
“Em có biết một đời ta lận đận
Cõi lang thang không hẹn lối đi về
Tìm mê mải một bóng hình tri kỷ
Một con đò neo lại bến sông quê”
Bài thơ viết vào một ngày đầu thu năm 2005, đó là thời điểm tác giả đã đi qua gần 60 mùa thu của cuộc đời, gần hết một kiếp người mà vẫn “lận đận”, “lang thang, vẫn mải miết đi tìm “một bóng hình tri kỷ”, vẫn ao ước một nơi “neo lại” con thuyền cuộc đời. Khổ thơ đã bộc lộc một cách khá đầy đủ trạng thái tinh thần, trạng thái sống của Nguyễn Huy.
“Đi về phía mặt trời” là tập thơ thứ hai của Nguyễn Huy sau tập thơ đầu ”Giữa hai đợt sóng” (NXB Thanh niên 2004). Có gì khác giữa hai tập thơ? Cái khác chăng có lẽ ở tập thơ này Nguyễn Huy hướng nội nhiều hơn. Anh trở về với lòng mình sau những mất mát, đổ vỡ không tránh khỏi. Người làm thơ giờ đây lại buồn hơn, cô đơn hơn và khao khát hơn.
2. Cũng như ở tập thơ trước, hoài niệm về nét đặc biệt trong tâm cảm của Nguyễn Huy và cũng là nét đẹp dễ nhận thấy trong thơ anh. Những đề tài như: trường cũ, bến cũ, bạn cũ, quê cũ…thường đi về nhiều trong thơ Nguyễn Huy. Hình như với Nguyễn Huy cái tốt đẹp đã ở lại phía sau. Hình như giữa các hàng chữ trong câu thơ anh vang lên câu hỏi: “Những ngày xưa đâu rồi?”. Cái ngày xưa ấy là tuổi thơ êm đềm với bao mộng đẹp:
“Bao mơ ước gửi theo làn mây trắng”
                                           (Đối diện với mùa thu)
Trong cái vòm hạnh phúc của tuổi thơ ấy có tiếng ve ngân, có chút nắng gửi lại cây bàng, có chiếc lá thu đậu nhẹ xuống sân trường, có tiếng trống trường thao thức…
Cái ngày xưa ấy là “lối cũ” mà con thuyền trong mộng của Nguyễn Huy vẫn thường đi về:
“Gió ơi có về lối cũ
Cho ta gửi chút lửa lòng
Hong lại những ngày xa ấy
Để người ấm giữa đêm đông”
                               (Giọt mưa đêm)
Cái ngày xa ấy là cố hương với “xanh xanh hàng dừa”, với “bao chiều thơm mùi rơm rạ”, với kỷ niệm tuổi thơ “tôi với em cùng thả thuyền lá tre”.

Nhớ về ngày xưa thơ Nguyễn Huy thấm đẫm một nỗi buồn nhưng bản tính anh hiền lành nên nỗi buồn của anh mang âm điệu dịu nhẹ.
3. Nhưng buồn và cô đơn là anh em sinh đôi. Buồn là trạng thái tâm hồn của Nguyễn Huy. Cô đơn là trạng thái sống của Nguyễn Huy. Trên con đường đời xa thẳm thiếu người bạn đồng hành cùng sẻ chia, gánh vác, Nguyễn Huy không khỏi cảm thấy lẻ loi, cô độc. Nghiêng viết về những nỗi cô đơn và nỗi buồn đã trở thành ám ảnh của thơ Nguyễn Huy. Hơn một lần nhân vật trữ tình của Nguyễn Huy “đối diện với mùa thu” để nghe tiếng vọng của tuổi thơ. Một mình “trước biển lúc không giờ” người thơ càng thấm thía:
“Ta mới hiểu ba phần tư nước mắt
Cuộn về đây từ bao ngả đắng cay”
Thơ Nguyễn Huy là cái Đẹp mang bộ mặt Buồn
Nếu cô đơn là mặt trái của tình yêu thì càng cô đơn Nguyễn Huy càng khao khát. Không phải ngẫu nhiên mà cả tập thơ có rất nhiều bài mà người làm thơ lấy tứ thơ “đợi” và “tìm”. Lên núi anh “đợi mặt trời trên Yên Tử”’ xuống biển anh “đợi mặt trời trước biển lúc không giờ”. Mặt trời vẫy gọi, mặt trời thắp sáng bao câu thơ của Nguyễn Huy. Cái vầng mặt trời ấy không chỉ là một thực thể của vũ trụ, nó còn mang một ý nghĩa biểu tượng. Đó là vầng mặt trời hạnh phúc mà con người đang cô đơn và giá lạnh kia hướng về, mơ về. Cái vầng sáng lung linh ấy hứa hẹn những niềm vui, ấm áp, hy vọng…
Nhưng hạnh phúc ở đâu mà để người thơ phải mòn mỏi đợi:
“Bao nhiêu tháng đợi ngày chờ
Nửa đời trăng lạnh bây giờ vẫn không”
                                                    (Không đề)
Để con tim anh phải khao khát:
“Ôi! Sóng gió và con tim gọi mãi
Chẳng một lời đáp lại giữa hư không”
Cái khát vọng hạnh phúc trong anh đã kết tinh trong bài “Tìm về với biển”. Cả bài thơ Nguyễn Huy chỉ nói về “đi” và “tìm” hạnh phúc.
Phải chăng, trong ý nghĩa nào đó như quy luật tất yếu: khi con người tự vươn lên, vươn tới khát vọng thì càng thấy mình cô đơn và càng cô đơn khát vọng của con người càng cháy bỏng?
Thơ Nguyễn Huy cũng hay nói về mùa xuân. Có mâu thuẫn không khi lòng người lạnh giá anh lại hay nói về mùa xuân ấm áp? Tập thơ có hàng loạt bài thơ viết về mùa xuân: Tin xuân, Với mùa xuân, Nẻo đường xuân, Mùa xuân đến, Mặt trời mùa xuân. Phải chăng vì thế có bạn đọc cho rằng ở tập thơ này Nguyễn Huy “vui hơn”? Có lẽ không phải thế. Những bài thơ viết về mùa xuân đó nó “tố cáo” anh, nó “mách” với chúng ta rằng lòng người làm thơ đang là mùa đông lạnh giá. Trong một cố gắng nỗ lực, tự vượt lên rũ nỗi buồn, người làm thơ khao khát một sự đổi thay, ấm áp, quần tụ, bớt cô đơn và mùa xuân đã gieo vào lòng anh hạt mầm hy vọng đó.
Những câu thơ xuân của anh lấp lánh niềm vui và hy vọng:
“Xôn xao làn gió ấm
Từ phương trời xa xôi”
                           (Tin xuân)
“Lòng náo nức đợi một ngày xuân mới
Cánh én trở về bay liệng giữa trời xanh”
“Cứ ngỡ đã qua cái thời vụng dại
Vẫn thấy tuổi mình xanh mãi với mùa xuân”
                                                     (Với mùa xuân)
Chiến thắng hoàn cảnh và tuổi tác, “thơ xuân” của Nguyễn Huy ngời hy vọng.
4. Buồn và cô đơn nhưng Nguyễn Huy không đóng kín lòng mình. Thông thường khi con người đã “bị thương” thì ít để ý đến “vết thương” của kẻ khác. Nguyễn Huy thì không thế. Đọc thơ anh có nhiều bài viết về niềm trắc ẩn của anh với con người.
Đó là một thoáng bâng khuâng, buồn khi gặp lại bạn cũ. Gọi bạn nhưng bạn cố tình lánh mặt, anh không trách mà chỉ thấy thương:
“Em chẳng nói, nhìn anh em chẳng nói
Bước vội vàng. Đâu một nét vô tư
Thôi em đã qua thời con gái
Đành vờ quên bạn cũ gọi bên hè”
…“Ta vô tình gặp lại một thoáng xưa
Ngọn gió sang mùa vương dài lối nhỏ
Kỷ niệm cũ rưng rưng đầy mắt nhớ
Em ngập ngừng ngoảnh lại phía chiều đi”
                                                          (Mắt nhớ)
Đó là một chút thương cảm đứa cháu gái con người bạn cũ ”sớm bước vào đời dang dở tình yêu”, vất vả lo toan trong cảnh một mẹ, một con:
“Chiều nay về thăm lại làng quê
Chén rượu rưng rưng bố mừng gặp chú
Một thoáng bâng khuâng mây trời Yên Phụ
Một chút buồn thương cháu tuổi đôi mươi”
                                        (Một chút bâng khuâng)
Những câu thơ ấy mang chứa tình thương thầm kín anh dành cho con người.
5. Nguyễn Huy đi nhiều, đi đến đâu cũng gởi lòng mình - thơ ở đó. Thơ Nguyễn Huy có nhiều địa danh, bởi vì con người đa cảm ấy hễ đi đến đâu là gắn bó ở đấy, nhớ nhung về đấy. Người làm thơ có tài chuyển hóa những địa danh bình thường của mọi vùng quê thành những tên thơ: Kiếp Bạc, Côn Sơn, Lục Đầu Giang, Bạch Đằng Giang, Bắc Viên, Hưng Yên, Yên Tử…
Nhưng cái địa danh nhiều nhất vẫn là vùng sông Chu (Thanh Hóa) quê anh. Trong thơ Nguyễn Huy những tên đất, tên sông, tên làng, tên núi của quê anh vang lên như những nốt nhạc trầm xao xuyến: nào là sông Chùy, sông Mã, đồng Nhân, Ao Chúa; nào là xóm Dinh, đồng Sối, núi Vạc, Nam Ngạn, Hoàng Long… Đó là “cõi đi về” của thơ anh, là nơi mang từ trường tình thương của kẻ xa quê. Cái không gian xứ Thanh nghèo khó mà nhân hậu qua thơ Nguyễn Huy thành một không gian thơ sâu nặng, nghĩa tình nhớ thương quyến luyến vô cùng:
“Một dải sông Chùy in bóng núi
Chiều xuống Đồng Nhân khói phủ mờ
Ao Chúa, xóm Dinh thời xa ấy
Bồi hồi cuốc gọi trắng đêm mưa”
                                            (Bến sông Chùy)
Phải có một tâm hồn rộng mở, một năng khiếu thi ca mới có thể nhào nặn những chất liệu thô ráp của đời sống thành chất liệu của thơ ca như vậy.
6. Nếu có thể dùng một vài từ để khái quát đặc điểm thi pháp thơ Nguyễn Huy thì đó là: nhẹ nhàng, dịu hiền, tinh tế. Trong thơ anh người đọc hay bắt gặp những không gian xa vắng trong đó có những cử động, âm thanh se sẽ, dịu nhẹ, mơ hồ: một ngọn gió heo may xao xác, một làn gió ấm xôn xao, một giọt mưa bên thềm tí tách, một chiếc lá thu đậu xuống sân trường, một ngọn gió vương dài lối nhỏ, một làn khói bếp bâng khuâng, một con sóng bồi hồi, một cánh cổng đóng âm thầm, một vùng biển thao thiết… Cảnh ấy là của con người ấy.
Một đặc điểm nữa trong thi pháp thơ Nguyễn Huy đó là sự nhịp nhàng, cân đối trong câu thơ. Thơ anh nghiêng về cổ điển. Đó là thứ thơ dễ đọc, dễ đồng cảm. Nó như giọt nước mưa mát mẻ, trong lành. Có thể coi đó là sở trường của Nguyễn Huy từ đó cũng bộc lộ những sở đoản của thơ anh. Thơ Nguyễn Huy “hiền” quá., anh còn thiếu những khoảnh khắc đột xuất và bất ngờ trong thi tứ để làm lạ cho thơ mình. Thơ Nguyễn Huy thường thiên về những đề tài thuần túy tình cảm, ít có những bài thơ có khuynh hướng vươn tới trí tuệ nhằm đạt cái hay ở nhận thức. Bạn đọc ngày nay với sự trưởng thành của cảm xúc còn mong muốn các nhà thơ đáp ứng đòi hỏi trí tuệ của mình, dẫn họ sâu vào những cảm xúc trí tuệ, kích thích tư duy nơi họ và “đòi hỏi” này thơ Nguyễn Huy ít đáp ứng được. Công bằng mà nói thơ Nguyễn Huy cũng có những bài bàng bạc ý vị triết học (bài “Ta và cái bóng”), tuy nhiên những bài thơ như thế còn thưa thớt.
7. Thơ Việt Nam từ những năm sau đổi mới (1986) đang quyết liệt đi tìm cách thể hiện “cái tôi”. Không ít “cái tôi” của một thứ “người hiện đại” thực dụng, bản năng, tăm tối bước vào lãnh địa thơ. Đọc thơ Nguyễn Huy ta bắt gặp một “cái tôi” hiền dịu, nhân hậu, trong lành. Tình cảm thơ anh nhìn chung là tình cảm đẹp, nó làm giàu thêm cho tâm hồn người đọc. Và đó là một đóng góp không nhỏ của thơ anh với thơ ca Hải Dương đương đại
Hải Dương, đầu Hạ 2007













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét