Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

VƯƠNG QUỐC CHIM HOẠ MI (*) (Truyện ngắn) K.Pauxtovxki




Triệu Lam Châu

VƯƠNG QUỐC CHIM HOẠ MY
Nhân những ngày văn hoá Nga đang diễn ra tại Việt Nam, Triệu Lam Châu xin đăng lại trên Sân trời của mình truyện dịch Vương quốc chim hoạ my (Triệu Lam Châu dịch) của nhà văn Nga xuất sắc K. Pauxtốpxky (1892 – 1968). Pauxtốpxky và Sôlôkhốp là hai nhà văn được Hội nhà văn Liên Xô đề cử để dự Giải Nôben văn học năm 1965. Và năm ấy giải Nôben văn học đã được trao cho nhà văn Sôlôkhốp (Nga) – tác giả Bộ tiểu thuyết Sông Đông êm đềm.
Truyện dịch Vương quốc chim hoạ my đã được trao Giải nhất toàn quốc trong cuộc thi dịch văn học năm 1994, do Hội nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn học tổ chức.
Xin trân trọng gửi tới Quý vị và bạn đọc gần xa…(5/8/2015)
                                                                                          
      K. Pauxtốpxky  (Nga)

VƯƠNG QUỐC CHIM HOẠ MI (*)
(Truyện ngắn)

  Nơi phiá trên lò sưởi tại bức tường nhà của nhà văn Sêkhốp (1) ở thành phố Yanta, có treo một bức tranh phong cảnh rất bình dị của hoạ sĩ Lêvitan (2). Tranh vẽ một đống cỏ giữa buổi hoàng hôn muộn mùa thu, khi những hạt sương chiều lạnh lẽo đọng trên cành lá.
  Lêvitan gửi lại cho Sêkhốp bức tranh này như một tặng phẩm gợi nhớ về nước Nga xa xưa yếu dấu.

  Bức tranh ấy rất bình dị, bình dị như mọi bức tranh Lêvitan. Ta có thể đứng ngắm hàng một, hai giờ liền những bức tranh kia, mà cuối cùng vẫn không hiểu nổi đâu là sức mạnh của những sắc màu đượm buồn ấy, đâu là bí ẩn của người hoạ sĩ lặng thầm chinh phục trái tim ta.
  Bí ẩn (nếu điều đó có thể gọi là bí ẩn) ở chỗ Lêvitan đã thể hiện tất cả sức mạnh tình yêu của chúng ta đối với Tổ Quốc thân yêu. Ông cho chúng ta thấy một tình yêu sâu lắng, mà từ trước tới nay chưa được biểu hiện đầy đủ sắc độ của nó.
  Miền trung nước Nga là một vùng đất kỳ lạ. Cứ ngắm kỹ gió mang bộ trang phục lá của rừng tới chân trời thu xanh ra sao, hay chứng kiến đôi mắt cậu bé có mái tóc bạch kim với chiếc còi trong tay, sáng lên niềm hạnh phúc rụt rè thế nào, cái cậu bé đang ngồi trên sườn đồi cát và khẽ huýt sáo vang kia – dẫu chỉ chứng kiến ngần ấy thôi, thì trái tim ta lập tức sẽ bị chinh phục mãi mãi bởi vẻ đẹp sáng tươi, tinh khiết như mạch nước nguồn của miền đất ấy.


  Làm sao cưỡng lại được uy lực sâu xa của nước Nga đối với con người. Hàng triệu người đã tìm thấy Tổ Quốc thứ hai của mình là nước Nga.
  Cuộc đời Lêvitan đã khẳng định hoàn toàn điều đó. Đối với tôi, khi đã ở tuổi trưởng thành, miền trung Nga là vùng đất đẹp nhất thế gian. Điều ấy lúc đầu đã làm chính bản thân tôi ngạc nhiên, vì tôi vốn lớn lên ở miền nam.
  Lúc hai mươi tuổi, lần đầu tiên tôi nhìn thấy miền trung Nga. Hồi đó là mùa thu. Tôi đi từ Kiép đến Matxcơva. Ở gần Matxcơva tôi nhìn qua cửa sổ toa tàu thấy một dòng sông nhỏ xanh đậm một màu chàm kỳ ảo, được phủ đầy lá vàng. Tôi nhoài người ra cửa sổ và lòng bỗng nghẹn lại. Hồi ấy tôi chưa hiểu vì sao mình lại nghẹn ngào như thế.

  Giờ đây tôi hiểu rõ rằng lúc ấy mình nghẹn ngào vì sung sướng, vì được tiếp xúc bất ngờ với vẻ đẹp của đất nước trong không gian se lạnh hơi thu ngoài cửa sổ.
  Mặt trời tháng chín toả ánh dìu dịu xuống gương mặt tôi. Lòng choáng ngợp tôi ngắm nhìn những khu rừng huyên náo, nét rung rinh của nhũng cây bạch dương và hoàn diệp liễu, ánh ngời của nhũng con suối long lanh, những đồng cỏ mượt, những cánh rừng thông trải rộng đến chân trời, những ngọn núi xa xanh với những con đường vòng leo lên đỉnh theo hình xoắn chôn ốc, mà đường nét của chúng đều đặn cân đối như những bức tường điện Kremlanh.

  Quê hương mới lần đầu tiên thoáng hiện và làm mê hoặc hết cõi lòng tôi như thế đấy.
  Ngày sau đó trong lần đầu tiên tới Matxcơva, tôi đến thăm Viện bảo tàng hội hoạ Trêchiacốp. Vừa bước vào phía bên sườn gian trên, bất chợt lòng tôi lại nghẹn ngào. Nước mắt bỗng trào ra ràn rụa (lúc ấy tôi rất ngượng vì nước mắt của mình) – trước mặt tôi đây là bức tranh “Mùa thu vàng” của Lêvitan. Bức tranh ấy đi vào trong tiềm thức của tôi, như sự biểu lộ một vẻ đẹp trang trọng và cao thượng, mà trước đó thậm chí tôi không thể tin rằng lại có một vẻ đẹp như vậy tồn tại trên thế gian này.
  Suốt cả bảy ngày ở Matxcơva khi ấy, tôi đều đến Viện bảo tàng kia để lặng lẽ, nao lòng và kinh ngạc chiêm ngưỡng tranh Lêvitan.

  Tất cả đều xao động trong tâm hồn tôi. Tôi cảm thấy rằng có một điều gì đó thật bí ẩn đã đến với tôi. Song hồi đó tôi chưa thể hiểu nổi điều ấy là gì.
  Sự kiện trọng đại nhất xảy ra trong đời tôi, ấy là việc tôi đã tìm ra mảnh đất yêu dấu của mình. Tôi đã yêu nó đến tận đường gân cuối cùng trên từng chiếc lá sồi nhỏ bé. Tôi đã sẵn sàng hiến dâng cho miền đất ấy tất cả sức mạnh tâm hồn và trái tim trẻ trung của tôi.
  Ý nghĩa thực sự của những từ như “Mảnh đất thiêng liêng”, “Quê hương”, “Tổ Quốc” lần đầu tiên đến với tôi vào hồi đó.
  Từ đấy đến giờ miền trung Nga đối với tôi thực sự là một mảnh đất thiêng liêng. Tôi thường hình dung thấy nó như lần đầu tiên mình đã gặp: Nó được bao phủ bởi một tấm lưới bàng bạc mùa thu quý giá và đầy ánh lấp lánh dịu nhẹ của mặt trời.

  Để hiểu thấu được Lêvitan, ta phải đắm mình vào lòng sâu Tổ Quốc và giao hoà trực tiếp với tất cả những gì gọi là chất thơ của tâm hồn ông.
  Lần “gặp gỡ” đầu tiên giữa tôi với Lêvitan là ở Viện bảo tàng hội hoạ Trêchiacốp. Song còn có một cuộc gặp gỡ nữa gây ấn tượng rất mạnh, một trong những cuộc gặp gỡ “bên trong” (nếu có thể nói được như vậy) với người hoạ sĩ đã mất từ lâu. Thực tế đã không có những cuộc gặp gỡ ấy, nhưng tôi vẫn thường có cảm giác rằng Lêvitan như đã ở nơi đây và chỉ có ông mới có thể biểu hiện cho chúng ta thấy vẻ đẹp lộng lẫy của Tổ Quốc: Những khoảng trời xanh lam im ắng cùng với mặt nước sông, hồ lặng gió, như chờ đáp lại tiếng kêu của bầy chim di cư.
  Cuộc gặp gỡ ấy xảy ra trong rừng hoang cách Matxcơva không xa. Đó là nơi hẻo lánh, đường đi tới đấy rất xấu. Tôi đành phải đi xe ngựa và đi đò ngang qua những dòng sông giữa rừng để tới nơi ấy.

  Mùa xuân đã trôi qua. Bầu trời đêm xanh dịu lấp lánh trên những cánh rừng màu xám. Cả bầu không khí cứ thoang thoảng mùi hương ẩm ướt lành lạnh của cỏ cây đã nảy lộc hết mình.
  Tôi thiếp đi trên xe. Sau đó tôi thức dậy bởi tiếng xe kêu cót két, rồi nó dừng lại trên bờ cát dốc hướng xuống bến sông. Người xà ích uể oải gọi:
- Ê, Ximiôn, cho sang đò đi!
- Được, được! – Một giọng khàn khàn trả lời từ trong màn sương. – Lại một tay láu táu nữa đến làm hoảng loạn cả đàn chim của tôi. Kẻ thô tục vẫn hoàn toàn thô tục.
- Xui xẻo quá! – Người xà ích nói đùa. – Chỉ mong sao khỏi phải qua cái bến đò quái quỷ ở rừng chim này. Quả thật đây là vương quốc chim hoạ mi.

  Chúng tôi cùng im lặng. Bên kia sông, phía trên những ngọn cây sẫm tối đã bắt đầu hửng sáng.
  Ánh bình minh tinh khiết le lói xuất hiện trên bầu trời. Thấp hơn một chút, ở tận mép bờ trái đất có treo một vầng trăng lung linh mờ ảo.
  “Lêvitan đấy!” – Không hiểu sao tôi chợt nghĩ thế và trái tim tôi lại bỗng xao động như thời thanh xuân.
  Xung quanh đều rất im lặng. Hẳn người đưa đò chưa định chở chúng tôi sang sông. Ông chỉ ngáp mỗi một lần.
  Bất chợt trong lùm cây có một cái gì đấy thận trọng kêu leng keng, như thể ai đó đang rung một chiếc chuông nhỏ xíu. Lập tức ngay lúc ấy liền vang lên tiếng chim hoạ mi cao vút, lan toả trên sông, rồi đổ vào khoảng giữa lùm cây hoa súng và xuxác (3).
  Chim hoạ mi nín lặng để nghe ngóng, rồi sau đó lại thả xuống dòng sông những âm thanh mới lạ và nực cười, như thể nó xả ra hỏi cổ họng mình những giọt sương đêm…
- Này, đã nghe thấy gì chưa? – Người xà ích hỏi. – Bây giờ nó phân tán đi những gì mình có. Sau đó chúng lại tụ về - đấy chính là một cái đẹp.
- Đồ vô giáo dục! – Một giọng khàn khàn bỗng vang lên từ trong màn sương. – Còn chờ đến cậu giải thích nữa. Hãy im nghe nào. Bây giờ nó sẽ hót bài “Tiếng sáo”. Cậu hãy giữ chắc con ngựa của mình, kẻo nó phóng đi mất.
  Người xà ích không tức giận. Anh ta chỉ nói thầm với tôi:
- Bây giờ mới là khởi đầu.
  Quả thật, một phút sau đấy, trong các bụi liễu dọc hai bờ sông đều vang lên tiếng hót của cả bầy chim hoạ mi như theo một hiệu lệnh nhất định.
  Có lẽ nhờ được bắt đầu như thế, nên buổi sớm mai đã ửng hồng lên nhanh hơn. Đã hiện rõ sắc màu đỏ tươi của những áng mây treo lơ lửng từ đêm qua trên khắp cả vùng rừng.

  Tiếng chim hoạ mi lúi lo náo động. Bình minh đã mở những chân trời mờ ảo của mình. Hình như ở phương đông lúc ấy, nơi sau mái rừng vòng cung kia là một miền đất không tên bình lặng, rực rỡ ánh hào quang.
  Và không hiểu sao tôi lại nghĩ:
 “Bình minh Lêvitan…”
  Sau đó chúng tôi đi đò qua sông, rồi cùng ngồi một lúc bên chiếc lều của người đưa đò.
  Với vẻ tự hào ông chỉ cho tôi xem sáng chế cuối cùng của mình, đó là một cái hố tròn nhỏ, phía trên miệng được che bởi mấy cành liễu.
- Đấy! – Người đưa đò nói. – Hình mẫu cuối cùng của tôi ở đó. Ở Matxcơva các anh có tủ lạnh, thì ở đây tôi cũng có tủ lạnh. Anh thử thò tay xuống xem. Lạnh buốt lắm! Con gái tôi mang sữa đến cho bố. Sữa để trong này chưa được chua mấy đâu. Con gái tôi kia kìa, nó còn nhỏ dại lắm.

  Tôi ngoái lại nhìn thấy một đứa bé gái đang ngủ trên tấm phản gỗ.
  Cô bé mỉm cười trong mơ. Tia mặt trời đầu tiên thắm như sơn màu vàng da cam, rơi xuống những nhành lá khô của mái lều.
  Cô bé thở dài trong mơ. Tôi cứ liên tưởng rằng cả đất nước đều giống cô bé ấy: Vui tươi, nhút nhát mà nhạy cảm với đôi mắt màu tro và mái tóc vàng. Và tôi lại nhớ về Lêvitan với lòng biết ơn cùng bao nỗi vấn vương…
  Rừng thông trải dài bên kia sông. Tất cả trong rừng đều rất niềm nở: Cả những người có ngoại hình xấu xí, bình dị nhất cho đến những chiếc tai nấm ruýt-xuyn (4) nhơm nhớp và những bông hoa trắng của cây dâu tây.
  Tôi lại nghĩ về Lêvitan và nhận ra rằng trên quê hương yêu dấu của mình mọi điều đều tốt đẹp, kể cả những bông hoa rừng yếu ớt. Nếu ai đó nói rằng chúng ta không bao giờ được gặp ông nữa, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy đớn đau…

                                                                                         Triệu Lam Châu
                                                                            (Dịch từ nguyên bản tiếng Nga)

 

 (*) Tác phẩm dịch này đã được trao giải nhất toàn quốc Cuộc thi dịch văn học nước ngoài ra tiếng Việt năm 1994, do Hội nhà văn Việt Nam, Tuần báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn học tổ chức.
(1) A. Sêkhốp (1860 – 1904): Nhà văn Nga vĩ đại.
(2) I. Lêvitan (1860 – 1900): Hoạ sĩ Nga, người thể hiện thành công nhất nét diệu huyền của mùa thu Nga.
(3) Xuxác: Một loại cây ở vùng sông nước, có củ giàu tinh bột, có thể ăn được.
(4) Ruýt-xuyn: Một loại nấm có màu sắc rực rỡ.

2 nhận xét:

  1. " Để hiểu thấu được Lêvitan, ta phải đắm mình vào lòng sâu Tổ Quốc và giao hoà trực tiếp với tất cả những gì gọi là chất thơ của tâm hồn ông." Đúng thế đấy ạ. Truyện hay. Cảm ơn bác Vũ Nho đã giới thiệu.

    Trả lờiXóa