Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Đằng sau Tuyên ngôn Độc lập

Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh (bài David G. Marr, 1995)

Một tư liệu đương thời duy nhất mà David Marr có sử dụng là bài xuất hiện ngày 9/9/1945, của tác giả Tung Hiệp. 

Dưới là bản dịch của nhóm Nghiên cứu Quốc tế.
---

Đằng sau tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh (P1)

By The Observer01/09/2015
t5bac1
Nguồn: David G. Marr, “Hồ Chí Minh’s Independence Declaration”, Essays into Vietnamese Pasts,  K. W. Taylor & John K. Whitmore chủ biên (New York: Cornell University Southeast Asia Program, 1995), trang 221-231.

Biên dịch: Duy Đoàn | Hiệu đính: Nguyễn Tiến Văn

Nói về mặt chính trị, Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh đọc trước đám đông ở Hà Nội vào ngày 2/9/1945 là một trong những văn bản quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Đối với nhiều người thì nó biểu trưng cho hồi cáo chung của sự cai trị ngoại quốc, mặc dù chuyện này còn cần đến chín năm thử thách bằng máu lửa. Chắc chắn nó đánh dấu việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH), tiền thân của hệ thống nhà nước ngày nay, mặc dù ông Hồ đã cẩn trọng gọi tên chính quyền của mình là lâm thời, đợi tổng tuyển cử cả nước và ban hành hiến pháp.
Cơ bản hơn thì bản Tuyên ngôn chứa đựng một thế giới quan đầy kịch tính, một lịch sử cô đặc, một vài khẳng định táo bạo, những cụm từ sinh động, và hình tượng đầy cảm xúc – tất thảy những điều này nhằm cố gắng thu hút trí tưởng tượng của trước tiên là những khán thính giả trực tiếp trong số hàng mấy trăm ngàn người, và sau đó là của hàng triệu người Việt Nam khi họ nghe lại hoặc đọc nó trên báo chí. Cùng với hình ảnh trực quan của một quý ông mảnh khảnh lúc tuyên bố độc lập cho Việt Nam sau 80 năm chịu ách nô dịch, những điều Hồ Chí Minh nói với người dân ngày ấy đã giúp tiếp nhiên liệu cho cuộc tranh đấu sau đó chống trước tiên là việc quay lại của người Pháp, và tiếp sau là người Mỹ. Trớ trêu thay, tuy những phần then chốt trong bản Tuyên ngôn không nhắm trực tiếp đến người Việt mà nhắm đến người nước ngoài nhưng lại bị phần lớn những thành phần được nhắm tới đó làm lơ đi.
Hồ Chí Minh từ vùng đồi núi Bắc Bộ tới Hà Nội trước đó chỉ một tuần, được che dấu kỹ lưỡng và được nhanh chóng chuyển tới chỗ ở bí mật ở phố Hàng Ngang để đề phòng những đòn tấn công phủ đầu của nhiều phe đối thủ. Việt Minh đã kiểm soát hầu hết các toà nhà chính phủ từ ngày 19 tháng Tám, và có nhiều bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của quần chúng đối với chính quyền mới chớm, tuy vậy không thể loại trừ sự phản công của quân đội Nhật hoặc của lực lượng an ninh Pháp, chưa nói đến việc có thể có sát thủ đơn độc người Việt nào đó. Ngoài những khả năng xấu như vậy, ông Hồ có thể nhận ra rằng bằng cách ẩn mình tới lúc xuất hiện chung cuộc trước bàn dân thiên hạ thì ông sẽ làm tăng hiệu ứng kịch tính cũng như vầng hào quang của sự tò mò và các phỏng đoán đầy hào hứng vốn đã vây xung quanh ông.
Suốt những tháng ngày cao trào trong năm 1945, Hồ Chí Minh chọn cách không lộ thân phận ra trước công chúng, hay thậm chí trước hầu hết những thành viên thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương. Có lẽ không tới 500 người biết được chắc chắn ông chính là nhân vật Nguyễn Ái Quốc huyền thoại, người đã cố gắng trình bản thỉnh nguyện của người yêu nước lên Hội nghị Versailles năm 1919, trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, làm việc cần mẫn cho Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc và Đông Nam Á, và sau đó được báo tử tại nhà tù Hồng Kông. Nguyên do chính cho việc không phục hồi lại cái tên Nguyễn Ái Quốc (cũng là bút danh) có liên quan đến mong muốn của Đảng nhằm loại bỏ hình ảnh trước 1941 của việc đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa quốc tế vô sản, nhằm ủng hộ đoàn kết các giai cấp, tinh thần yêu nước bất diệt, và sự thăng hoa trong mặt trận thống nhất dân tộc Việt Minh. Cho dù Ái Quốc nghĩa là “yêu nước”, nhưng người sở hữu biệt danh này đã được nhận dạng công khai là một người theo đường lối vũ trang kiểu Lê-nin-nít. Cái tên Chí Minh, nghĩa là “ý chí vươn tới sự khai minh”, nghe có âm hưởng truyền thống nhiều hơn. Trong một thời gian, ông Hồ có vẻ chần chừ trong việc cho cái tên Nguyễn Ái Quốc đi vào quên lãng hoàn toàn, bởi ông đã dùng tên đó để kí hai bản kêu gọi gây xúc cảm hồi năm 1941 và giữa tháng Tám 1945. Tin tức nhanh chóng lan khắp hàng ngũ Đảng cho biết hai người ấy thực chất là một. Sau một hai năm, hầu hết người dân cũng đều nghe nói đến điều này, tuy thế mối kết nối vẫn chưa được đưa ra chính thức đến tận nhiều năm sau đó. Một bầu không khí bí ẩn nhất định luôn bao quanh ông Hồ, là thứ mà ông không bao giờ ngăn lại.
Cuối tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh lo chuyện tác động đến các lãnh đạo của phe Đồng Minh theo hướng công nhận nền độc lập của Việt Nam, cũng như chuyện ông phải nắm quyền lực nhà nước hoặc phải tự thể hiện bản thân như là biểu tượng dân tộc của sự thống nhất và tự quyết. Trong suốt Thế chiến II, ông nhiều lần tìm đến các viên chức của Mỹ và Trung Quốc, và dùng nhiều kẻ trung gian đáng tin cậy nhằm tiếp cận được tổ chức “Nước Pháp Tự do”. Ở tổng hành dinh tại Kim Long/Tân Trào thuộc vùng đồi núi Bắc Bộ trong suốt mùa hè năm 1945, ông Hồ đã đều đặn nghe đài tin tức ở tần số ngắn của phe Đồng Minh và lấy được thêm thông tin mật từ những nhân viên tình báo Mỹ. Toan tính của ông trong việc gửi thông điệp cá nhân đến các lãnh đạo phe Đồng Minh gặp thất bại, nhưng các sĩ quan tham mưu ở cấp chiến trường và các đặc vụ tình báo thì không làm lơ ông. Ông Hồ có một số ý tưởng và cụm từ mà rốt cuộc sẽ đi vào bản Tuyên ngôn Độc lập và ông dường như đã đọc thử chúng cho Thiếu tá Allison Thomas cùng những thành viên khác trong đội OSS [Cơ quan Dịch vụ Chiến lược] tại Tân Trào, và có lẽ ông đã thất vọng với sự thiếu sâu sắc của họ đối với tình hình chính trị ở thời điểm quyết định này trong lịch sử thế giới, cũng như lịch sử Việt Nam.
Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp nội các đầu tiên vào ngày 27 tháng Tám, tại đó họ ấn định Chủ nhật, ngày 2 tháng Chín, sẽ là Ngày lễ Độc lập Dân tộc, với những nhóm chính thức theo dõi buổi lễ được tổ chức ở càng nhiều địa điểm càng tốt.[1] Vào ngày 27 hoặc 28, ông Hồ ngồi trong một căn phòng ở 48 phố Hàng Ngang để thảo nên bản Tuyên ngôn, có lẽ dựa vào những ghi chép mà trước đó ông mang theo từ Tân Trào. Một bức hoạ được tạo ra nhiều năm sau sự kiện đã cho thấy ông ngồi ở chiếc bàn tròn theo phong cách deco, với điếu thuốc luôn xuất hiện ở tay trái, tay phải cầm cây viết mực có ngòi thép, đang chăm chú ghi ra những dòng đầu tiên.[2] Cảnh này trông bất thường, khi mà bình thường ông Hồ thích soạn văn bản bằng một trong những món tài sản quý giá của mình, một chiếc máy đánh chữ cũ mòn hiệu Hermes.
Dẫu sao, vào ngày 29 cũng có một bản đánh máy, “với nhiều chữ bị gạch bỏ và được viết đè lên bằng mực cùng với nhiều ghi chú bên lề”, theo trí nhớ của Archimedes Patti, sĩ quan cao cấp đại diện cho OSS tại Hà Nội, là người được ông Hồ đưa văn bản tận tay cho đọc đến khi chợt nhận ra Patti không hiểu tiếng Việt. Sau khi ông Hồ kêu một thanh niên dịch tại chỗ, Patti “nổi gai” khi nghe bản Tuyên ngôn Độc lập của chính đất nước mình năm 1776 được trích dẫn. Patti nhanh chóng hồi tâm lại để chỉ ra lỗi dịch thuật trong đoạn trích đó, nhưng khi cố gắng đáp lại những câu hỏi tiếp theo của ông Hồ, thì lại không thể nhớ thêm bản gốc của nước Mỹ. Đến thời điểm này, Patti bảo rằng ông ấy “thấy khó chịu khi nhận ra” việc mình can dự vào “chuyện hình thành nên một thực thể chính trị”, một ấn tượng mà ông ấy không muốn tạo ra.[3]
Ông Hồ muốn dựa vào những loại tiền lệ nào khi quyết định xuất hiện trước một nhóm quần chúng đông đảo và đọc lời tuyên ngôn chính thức? Các vua chúa Việt Nam, vốn làm theo châm ngôn “thân quá hoá nhờn”, thường muốn tránh khỏi tầm mắt của dân thường ngoại trừ những dịp nghi lễ đặc biệt, hoặc khi thân chinh đi xuống các miền quê. Và hiếm có thần dân nào từng nghe được giọng nói của bậc quân vương. Thậm chí khi thiết triều thì bậc quân vương thường không nói trực tiếp với quần thần, mà dựa vào những kẻ trung gian để ban những sắc dụ bằng giọng đọc trang trọng nhất. Một ngoại lệ đáng chú ý có lẽ là những buổi lễ ăn thề nhất định nào đó. Ví dụ vào năm 1119, Lý Nhân Tông dường như đã đích thân nói chuyện với binh sĩ tại một hội thề, nhằm chuẩn bị cho chiến dịch chinh phạt chống lại một lãnh chúa địa phương vốn từ chối thần phục nhà vua.[4]  Như ta sẽ thấy, buổi lễ ngày 2 tháng Chín bao gồm cả những lời thề được nói ra theo cả hai hướng.
Chính quyền Việt Nam được người Nhật cho phép thiết lập nên hồi tháng Tư năm 1945 rõ ràng không nghĩ tới chuyện triệu tập một buổi tụ họp quần chúng để ra mắt đất nước. Tuyên bố chính sách đầu tiên của nội các được thủ tướng Trần Trọng Kim đọc tại một buổi họp nhỏ gồm các thành viên chủ chốt vào ngày 8 tháng Năm. Phải thừa nhận là có rủi ro quân Đồng minh sẽ bất thần oanh tạc vào bất kì đám đông nào được cho là thân Nhật, nhưng điều này không ngăn được người bộ trưởng trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết, Phan Anh, người đã bỏ ba tháng tiếp sau đó để đi từ thị xã này sang thị xã nọ, hô hào thúc giục người dân tại các cuộc mít-tinh lớn nhỏ. Đối với Hoàng đế Bảo Đại, ông dường như không được mời nói chuyện trước công chúng cho đến lúc đọc lời tuyên bố thoái vị đầy cảm xúc trước đám đông ở cổng Ngọ Môn tại Huế vào ngày 30 tháng Tám.
Gần như chắc chắn Hồ Chí Minh lấy nguồn cảm hứng chủ yếu cho ngày 2 tháng Chín không phải từ những nguồn tài liệu bản xứ, mà từ các buổi lễ chính trị lộng lẫy và hoành tráng mà ông quan sát được ở Tây Âu và khối Xô-viết. Điều cần thiết hơn hết là phải chọn không gian rộng rãi không bị các chướng ngại vật che khuất tầm nhìn nhằm đủ chỗ chứa lượng khán thính giả càng nhiều càng tốt dù chỉ có vài ngày thông báo. Quảng trường Puginier, nằm cạnh Phủ Toàn quyền, đã đáp ứng được yêu cầu này, và nó còn có lợi thế là cột cờ cao trên đó có thể treo ngọn cờ Việt Minh, là thứ sớm trở thành quốc kì. Sân khấu được làm vội vã từ gỗ và được trang hoàng bằng lớp vải trang trí trắng và đỏ, do đó cho phép hầu hết khán thính giả có thể thấy được những vị lãnh đạo mới của mình, dù chỉ như những chấm li ti, không khác gì Quảng trường Đỏ tại Moskva khi Stalin chọn lăng Lenin làm chỗ diễn thuyết trước đám đông.
Buổi diễn thuyết trước công chúng được sắp đặt, cực kì quan trọng nếu những lời của Hồ Chí Minh có thể đến với không chỉ đám đông nhỏ bé. Người ta cũng lên kế hoạch phát bài nói chuyện của ông Hồ trực tiếp đến cả nước, nhưng điều này gặp phải nhiều vấn đề. Những kĩ thuật viên không thể nối micrô của khán đài diễn thuyết với đường dây điện thoại nối với Đài phát thanh Hà Nội, là nơi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi quyền kiểm soát của Nhật. Một máy phát lưu động, trước đây được dùng để liên lạc giữa các khu mỏ của Pháp, được trưng dụng với sự giúp đỡ từ người con trai của Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), một nhà báo nổi tiếng, một dịch giả, và là người thông cảm với các chính sách thuộc địa của Pháp. Tuy vậy vào buổi sáng ngày mồng 2, những rào chắn của Nhật đã ngăn xe chở thiết bị máy phát tới vườn bách thảo.[5]
Hồ Chí Minh ít khả năng bị mất bình tĩnh khi đứng trên sân khấu ở sự kiện lịch sử này, khi mà ông đã tham dự rất nhiều buổi gặp gỡ công chúng và các hội nghị lúc ở hải ngoại. Cách dùng tiếng Việt của ông vẫn còn mạnh mẽ và tự tin, mặc dù trước năm 1941 đã ở nước ngoài 30 năm. Nếu ông có lo ngại điều gì thì đó là việc làm sao thiết lập quan hệ thân ái với đám đông, vốn là những người không biết gì về thân thế cá nhân của ông và cũng sẽ không biết được thêm gì về ông qua sự kiện này. Dù một số người ắt là đã tham dự những buổi mít-tinh quần chúng hợp pháp vào cuối thập niên 1930, hay tham gia những buổi họp trong suốt nhiều tuần trước ngày 2 tháng Chín, do vậy biết khi nào thì giữ im lặng và tập trung chú ý và khi nào thì vỗ tay, reo hò hay lặp đi lặp lại những khẩu hiệu một cách hồ hởi, nhưng còn có những người khác tới quảng trường mà có thể hoàn toàn lạ lẫm với những hình thức tương tác chính trị kiểu Tây phương thế này. Có lẽ đây là một trong những lí do tại sao ông Hồ giữ cho bài diễn thuyết của mình được ngắn gọn, và trong chừng mực chúng ta biết được thì ông không cố gắng “nhử” khán giả vào những làn sóng vỗ tay hay reo hò sau mỗi cử chỉ hùng biện.
Khi mặt trời lên cao vào ngày 2 tháng Chín ở Hà Nội, thời tiết lúc đó quang đãng và nóng, với cơn gió hiu hiu thổi từ phía tây. Nhiều người xem buổi sáng ấy như ngày lễ Tết, họ đảm bảo nhà cửa sạch sẽ, đốt nhang trên bàn thờ gia đình, đốt pháo. Các cửa tiệm giảm giá và hứa quyên một nửa lợi nhuận để giúp đỡ Quân Giải phóng.[6] Trùng hợp là ngày Chủ nhật này còn là “Lễ hội những người tử vì đạo Việt Nam” của Công giáo, tưởng niệm những người đã chết vì đức tin của mình, đặc biệt vào thế kỉ 19, nên các nhà thờ ở Hà Nội buổi sáng đó tràn ngập người tham dự thánh lễ. Trong một động thái được cố tình thiết kế nhằm nối kết Giáo hội Việt Nam với chính quyền mới, các linh mục sau đó đã dẫn đoàn con chiên của mình băng qua các con phố để tới quảng trường.[7] Những nhà sư trụ trì ở mấy ngôi chùa cũng làm tương tự vậy. Các giáo viên trang bị còi hay loa dẫn đầu đám trẻ con hát những bài ca cách mạng. Đám thanh niên đặc biệt chú ý đến cách những lá quốc kì đỏ rực mà những nhóm thiếu nữ đang cầm tương phản với những chiếc áo dài trắng tinh khôi.
Vào ngày 19 tháng Tám, trước đó hai tuần, có rất nhiều nhóm người ở nông thôn đi thành từng đoàn tới Hà Nội để tham dự, nhưng lần này nhiều người trong số họ đến với tư cách đại diện những cộng đồng thôn làng, được dẫn dắt bởi những bậc cao niên hay những người tổ chức bên Việt Minh, họ mặc áo dài khăn đóng theo truyền thống, đôi khi hãnh diện mang theo những thanh kiếm nghi lễ và những cây gậy bằng đồng từ mấy miếu thờ và nhà chùa địa phương. Những nhóm người dân tộc thiểu số từ vùng đồi núi cũng hiện diện, họ đội mũ, đeo khăn có màu sắc sặc sỡ, mặc váy và đeo khăn quàng vai.[8] Từ cái “lồng vàng” Phủ Toàn quyền, Jean Sainteny, viên chức cao cấp của nước Pháp Tự do (Free French) có mặt ở Hà Nội, đã quan sát hàng chục ngàn người Việt Nam đi thành từng hàng băng qua đại lộ Brière-de-l’Isle để tiến vào quảng trường. Ông ngạc nhiên trước sự tham gia công khai của giới Công giáo và sửng sốt trước sự trật tự của đám đông, không có bất kì hành vi gây rối nào. Không ai có cử chỉ thù địch đối với ông ta hay đối với tòa nhà phủ Toàn quyền.[9]
Lá cờ Việt Minh khổ lớn được treo lên cột cờ cao vút, vốn là nguyên nhân nó có tên Việt Nam thông dụng là Cột cờ.  Trước đó vài tháng khu quãng trường đã được Đốc lí Hà Nội Trần Văn Lai đổi tên lại thành Quảng trường Ba Đình, nhằm tưởng nhớ cuộc phòng vệ ngoan cường chống lại thực dân Pháp hồi năm 1886-1887. Người ta đặt một cái cồng và một cái trống lớn bên dưới khán đài. Vấn đề an ninh cũng được suy xét đáng kể, với đội quân danh dự của Quân Giải phóng đảm bảo không ai trong số khán thính giả có thể tới gần khán đài trong phạm vi 20 mét, những công nhân và sinh viên có vũ trang cũng được xếp đặt tại mọi góc của mấy khu vườn, và một đơn vị tự vệ cảnh giác trước bất kì sự quấy rối nào từ hướng Thành [Hà Nội] nơi quân Pháp vẫn còn bị Nhật giam giữ. Trước cuộc mít-tinh, lính Nhật ở khu đất thuộc Phủ Toàn quyền đã thiết lập mấy khẩu súng máy chĩa về quảng trường, làm những nhà tổ chức phải dựng lên một bức màn người gồm những dân quân tự vệ với chỉ thị thà chết còn hơn rút lui.[10]
Mặc dù chương trình được mong đợi bắt đầu vào đúng 2 giờ chiều, nhưng xe hơi chở các thành viên trong nội các Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đến trễ hai mươi lăm phút khi phải đi xuyên qua các đám đông. Hồ Chí Minh dẫn đầu những người còn lại bước nhanh lên khán đài, điều làm ngạc nhiên nhiều người đứng xem vì họ mong chờ những người cầm quyền sẽ di chuyển với phong thái từ tốn và trang nghiêm. Trong khi hầu hết các đồng sự của ông trên khán đài đều mặc đồ vét Tây và thắt cà-vạt, nhưng ông Hồ cố ý chọn mặc bộ đồ kaki phai màu với cổ cao và mang đôi dép cao su trắng – những biểu tượng của ông trong vai trò người đứng đầu nhà nước trong 24 năm tiếp theo.[11] Mặc dù loại áo cổ cao bắt nguồn từ những quan cai trị thực dân ở châu Á, nhưng nó còn mang biểu tượng cách mạng ở Trung Quốc từ đầu những năm 1920. Có lẽ ông Hồ xem nó là một giải pháp thoả hiệp thích hợp giữa bộ đồ Tây với bộ áo dài đen, khăn đóng của giới nho sĩ Việt Nam, vốn được xem là quá truyền thống trong những trường hợp thế này (và hình như ông Hồ chưa bao giờ mặc chúng kể từ năm 1911).
Sau lễ chào cờ và hát quốc ca, Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng nội vụ, bước tới micrô giới thiệu Hồ Chí Minh, người được chào mừng bằng những tiếng hô vang dội được sắp xếp trước, “Độc lập! Độc lập!” Ông Hồ vẫy tay trước khán thính giả trong vài phút, đoạn nâng hai bàn tay lên để kêu mọi người im lặng. Bằng giọng Nghệ Tĩnh đặc trưng, ông Hồ lúc đó bắt đầu đọc Tuyên ngôn Độc lập.[12] Sau vài câu ông ngừng lại chốc lát và hỏi người nghe, “Đồng bào có nghe rõ không?” Đám đông đồng thanh hô vang “Rõ!”, và từ thời điểm đó trở đi có một mối liên kết đặc biệt được hình thành.[13] Ông Giáp không hề bóp méo câu chuyện khi nhiều năm sau đó ông viết rằng “Bác [Hồ] cùng với cả biển người đã hoà làm một”.[14] Trần Trung Thành, một cán bộ tự vệ trẻ tuổi có nhiệm vụ canh chừng mấy tay súng máy người Nhật, nhớ lại rằng mặc dù chưa biết Hồ Chí Minh chính xác là ai, nhưng những câu nói giản dị đó đã làm ông xúc động rớt nước mắt, và khiến ông tạo chọn cho mình một khẩu hiệu đặc biệt trên tấm biểu ngữ làm cam kết của bản thân: “Độc lập hay là chết!”.[15] Phần ghi âm của bài diễn văn này, được cho là do ông Hồ thực hiện một thập niên sau đó trong bối cảnh không có khán giả, đã cho thấy một giọng nói chắc nịch, vang rền với tài hùng biện rõ ràng, ví dụ nhấn mạnh vào những từ đặc biệt hoặc tận dụng những khoảng ngừng để tạo hiệu ứng kịch tính.[16]

(Còn tiếp phần 2, xuất bản ngày 2/9/2015)
——————–
[1] Ngày 1 tháng Chín, 1945. Nghị Định của Bộ Nội vụ, nằm trong Archives Nationales de France (Kho lưu trữ Quốc gia Pháp), Phần Outre-Mer (Hải ngoại), Aix-en-Provence (viết là AOM từ chỗ này), INF, GF71. Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 36 (Hà Nội, 1980), trang 82, không đề cập đến buổi họp nội các, thay vào đó khẳng định rằng Uỷ ban Thường trực thuộc Uỷ ban Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương gặp lần đầu tiên tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Hồ Chí Minh, quyết định tổ chức buổi lễ giới thiệu chính quyền mới cho người dân và trang trọng tuyên bố nền độc lập quốc gia. Tôi hồ nghi “buổi họp” này chẳng qua chỉ là một chuỗi những cuộc hội đàm vội vã giữa ông Hồ, Trường Chinh, và vài thành viên cao cấp khác của Đảng, vốn không có tác động gì tới hành động của ông Hồ.
[2] Do hoạ sĩ Văn Giáo vẽ, hoàn thành vào tháng Một năm 1973, được in trong Tổng tập, đối diện trang 12, Nguyễn Khánh Toàn chủ biên.
[3] Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam? Prelude to America’s Albatross (Berkeley, University of California Press, 1980), trang 223-24. Tuy nhiên, những đoạn văn khác trong hồi kí của Patti cho thấy ông thích làm người tham dự trong những sự kiện cuồng nhiệt hồi cuối tháng Tám và tháng Chín tại Hà Nội; điều đó chắc chắn là ấn tượng người Pháp có được, và gây nên sự tức giận ở họ.
[4] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Tokyo, Tokyo Daigaku Toyo Bunka Kenkyujo Fuzoku Toyogaku Bunken Senta, 1985), tập 1, trang 260. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1983),  tập 1, trang 305. Thậm chí ở đây thì nhà vua không thể nói trực tiếp với quân lính được, như văn bản đề cập nhà vua “xuống chiếu”.
[5] Thảo luận với Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu lâu năm của Viện Sử học, Hà Nội, ngày 12 tháng Ba, 1990.
[6] Tung Hiệp, “Hôm nay là ngày Độc Lập!”, Trung Bắc Chủ Nhật 261 (ngày 9 tháng Chín, 1945): 5-6.
[7] Nguyễn Mạnh Hà, trong Đoàn Kết (Paris) 373 (tháng Chín, 1985): 20. Patti, Why Viet Nam?, trang 248.
[8] Đoàn Kết 370 (tháng Năm năm 1985): 35. Võ Nguyên Giáp, Những Năm Tháng Không thể nào quên(Hà Nội: Quân đội Nhân dân, 1970), trang 25-26.
[9] Jean Sainteny, Histoire d’une paix manquée: Indochine 1945-1947 (Paris: Amiot-Dumont, 1953), trang 92-93.
[10] Trần Trung Thành, và những người khác, Hà Nội Chiến Đấu (Hà Nội: Quân đội Nhân dân, 1964), trang 17-19. Nguyễn Quyết, Hà Nội Tháng Tám (Hà Nội, Quân đội Nhân dân, 1980), trang 185.
[11] Tung Hiệp, “Hôm nay là ngày Độc Lập”, trang 23. Những bức hình cũng cho biết ông Hồ đội mũ cam bạc, không như cái áo và đôi dép, ông chọn cách thay đổi mũ đội trong hơn hai thập niên sau.
[12] Từ bức ảnh trong Bùi Hữu Khánh, Hà Nội trong thời kỳ Cách Mạng Tháng 8 (Hà Nội, 1960). Nó cho thấy có người cầm dù che trên đầu ông Hồ trong lúc ông ấy đọc bản Tuyên ngôn, có lẽ là một sự tiếp nối vô thức của truyền thống vương quyền.
[13] Nguyễn Quyết, Hà Nội Tháng Tám, trang 187. Patti, Why Viet Nam?, trang 250.
[14] Võ Nguyên Giáp, Những Năm Tháng, trang 28.
[15] Trần Trung Thành, Hà Nội Chiến Đấu, trang 20.
[16] Bản ghi âm này, hoàn tất tại các phòng thu thuộc Đài Phát thanh Hà Nội, được đưa vào trong cuộn băng cassette kèm theo ấn bản sau: Từ Điển Hồ Chí Minh: Sơ Giản (Thành phố Hồ Chí Minh, 1990). Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết có một người nước ngoài đã cố thực hiện phần thu âm bài nói nguyên gốc, sau đó bản thu âm này rốt cuộc xuất hiện tại Luân-đôn. Những người có thẩm quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nỗ lực mua lại nó vào năm 1954, nhưng lại thấy giá quá cao.

http://nghiencuuquocte.net/2015/09/01/tuyen-ngon-doc-lap-ho-chi-minh-p1/














By The Observer02/09/2015
tuyen ngon doc lap
Nguồn: David G. Marr, “Hồ Chí Minh’s Independence Declaration”, Essays into Vietnamese Pasts,  K. W. Taylor & John K. Whitmore chủ biên (New York: Cornell University Southeast Asia Program, 1995), trang 221-231.

Biên dịch: Duy Đoàn | Hiệu đính: Nguyễn Tiến Văn


Chính bản Tuyên ngôn, chỉ dài 760 chữ, được thiết kế để thể hiện lập trường chung của chính quyền gửi tới người dân trong nước lẫn quốc tế.[1] Do muốn liên kết hiện tại của Việt Nam với những truyền thống cách mạng thế giới trong quá khứ, và để thể hiện sự tôn trọng ngoại giao với Washington và Paris, Hồ Chí Minh mở đầu bằng câu trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776, như đã đề cập trước đó, và tiếp theo là đoạn văn trích từ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp 1791. Những lí tưởng về cuộc sống, tự do, hạnh phúc, và bình đẳng khi đó được so sánh với các hành vi trong hơn 80 năm cai trị của thực dân Pháp – ông Hồ đặc biệt đề cập đến chuyện Việt Nam bị phân chia thành ba hệ thống hành chính, việc giết hại hay cầm tù những người yêu nước, bán thuốc phiện và rượu để “làm cho nòi giống ta suy nhược”, cưỡng đoạt đất đai và các nguyên liệu thô, và đặt ra “hàng trăm thứ thuế vô lí”. Những lời lẽ này gợi nhớ tới bản thỉnh nguyện ở Versailles năm 1919, cũng như bài luận Le procès de la colonisation française (Bản án chế độ thực dân Pháp) của ông Hồ năm 1925, những văn bản mà một số rất ít người có thể đã biết tới.
Về những sự kiện cụ thể gần đó hơn, Hồ Chí Minh khẳng định Pháp đã “bán” lãnh thổ Việt Nam cho Nhật hai lần trong vòng 5 năm qua, mặc dù Pháp đã đảm nhận trách nhiệm “bảo hộ”. Dân chúng trở nên nghèo khổ hơn, dẫn đến nạn đói khủng khiếp hồi đầu năm đó khi mà “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, “nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.[2] Cùng với việc Bảo Đại thoái vị, người dân còn làm được chuyện lật đổ chế độ quân chủ tồn tại hàng mấy ngàn năm.
Sau khi dành hơn hai phần ba bản Tuyên ngôn cho các bài học lịch sử súc tích mà đầy màu sắc, Hồ Chí Minh trong những đoạn văn cuối cùng đã chuyển sang những hoàn cảnh ngoại giao trước mắt. Ông tuyên bố rằng Chính phủ lâm thời đã huỷ bỏ hết mọi hiệp ước do Pháp kí trong quan hệ với Việt Nam và bãi bỏ hết mọi đặc quyền của người Pháp. Ông cảnh báo rằng người Việt “kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”. Có phần nào ai oán, ông Hồ kêu gọi phe Đồng minh công nhận quyền của người Việt được hưởng độc lập trên tinh thần của những hội nghị Teheran và San Francisco. Tuy nhiên, nếu họ không công nhận, thì những lời cuối cùng của ông Hồ đã loan báo cho thế giới biết rằng trong bất kì trường hợp nào thì:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Khi tiếng vỗ tay và reo hò lắng xuống, Hồ Chí Minh giới thiệu từng bộ trưởng, và tất cả đều làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Võ Nguyên Giáp khi đó bước tới và đọc một diễn văn dài đầy vẻ nghiêm trang để tô điểm thêm cho bản Tuyên ngôn của vị chủ tịch.[3] Sau đó, Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ thông tin và tuyên truyền, báo cáo trước khán thính giả về buổi lễ thoái vị của Bảo Đại ở Huế ba ngày trước đó, và rồi trao thanh kiếm hoàng gia và ấn cho Hồ Chí Minh. Là một người có khả năng ăn nói thiên bẩm, Trần Huy Liệu dường như đã làm cho đám đông cười ồ lên và vỗ tay khi mô tả sự cáo chung của chế độ quân chủ. Hòa vào bối cảnh đó, ông Hồ tuyên bố rằng thanh kiếm, trước đây được dùng để đàn áp dân chúng, giờ đây sẽ được dùng để “chặt đầu kẻ phản bội”.[4] Đại diện cho Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng sau đó nói ngắn gọn về nhu cầu cần thống nhất và đấu tranh, phát biểu thẳng thừng rằng đánh Pháp là chuyện cần thiết.[5] Vào một thời điểm nào đó giữa buổi lễ lúc chiều, hai chiếc máy bay Tia chớp P-38 của Mỹ sà xuống thấp ngay trên đám đông, một sự kiện được tuyên bố ngay tức thì và ai cũng tin là đại diện cho lời chào mừng của Mỹ dành cho chính quyền non trẻ của Việt Nam.[6]
Mục cuối của chương trình liên quan đến việc người dân lặp lại lời tuyên thệ long trọng cho việc trung thành với Chính phủ lâm thời và với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lời thề bảo toàn nền độc lập của tổ quốc, “thậm chí có dẫn đến hi sinh mạng sống của chúng ta”, một lời hứa không giúp đỡ Pháp nếu họ quay trở lại xâm lược.[7] Trong một cảnh báo cuối cùng, ông Hồ cầm micrô và tiên đoán:[8]
Chúng ta sẽ phải trải qua nhiều khốn khó và đau khổ hơn nhiều. Đồng bào phải ủng hộ chính quyền, để sau này có thêm nhiều buổi ăn mừng và thắng lợi!
Những nhóm người có tổ chức ở quảng trường sau đó diễu hành ra phố, giải tán ở hồ Hoàn Kiếm, và gia nhập vào bầu không khí vui chung cho đến giờ giới nghiêm.[9]
Trở lại bản Tuyên ngôn của Hồ Chí Minh, chúng ta có thể nói gì về vị thế của nó như một “văn bản” khác biệt với buổi lễ ngày 2 tháng Chín tại Hà Nội? Điều tôi thấy đáng chú ý nhất là tính sắc sảo của bài văn, kết cấu chặt chẽ, không giả tạo. Gần như không từ nào có thể được coi là thừa. Ví dụ điển hình nhất cho tính súc tích là câu: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo đại thoái vị”. Nhiều sự kiện chính trị đương thời, chất chứa nhiều ý nghĩa chính trị, được gói gọn trong chín từ. Thực ra ông Hồ có thể giảm câu đó xuống còn tám từ, nhưng lại chọn cách cho Bảo Đại có được danh tước bình dân bằng cách dùng từ vua, mặc dù không phải tước hiệu chính thức là Hoàng đế. Lối nói cô đọng này ngay lập tức gợi lại những tác phẩm kinh điển Trung Hoa thời Chiến quốc, vốn là thứ rất quen thuộc với nhiều người Việt những năm 1940, tương tự như cách mà nhiều người Mỹ nhận ra nhiều đoạn trích ngắn từ Kinh Cựu ước. Dĩ nhiên ông Hồ thời trẻ có đọc kinh điển Trung Hoa, và từ đầu thập niên 1940 ông đã thấy sẽ hữu ích nếu đóng vai trò một trí thức Khổng giáo trong một số dịp nhất định.
Dù vậy, ấn tượng phong cách nói chung của Tuyên ngôn Độc lập là nó mang tính đương đại, chứ không truyền thống. Hồ Chí Minh không chêm vào bất kì dòng thi ca nào, vốn là điều thường được người ta mong chờ ở các Nho gia. Những câu chữ gọn gàng của ông có thể phần nhiều nhờ vào ba thập niên tiếp xúc với các bản văn xuôi hiện đại của Pháp, Anh, và Nga, và nhờ vào sự nghiệp hoạt động chính trị bí mật và dạy học, hơn là nhờ vào Tuân tử hay Mặc tử. Ông không rắc vào bài diễn văn của mình những thuật ngữ ngoại lai, vốn là điều thường thấy ở giới trí thức Việt Nam ngày đó. Thay vì vậy, người ta cảm thấy ảnh hưởng Tây phương ít trực tiếp hơn, thể hiện ở việc tránh dùng các câu văn biền ngẫu, lối phát triển logic rõ ràng, hay tính chất thẳng thừng. Khi ông Hồ chọn cách tăng chất hùng biện bằng cách dành ra một phần tư toàn bộ bản tuyên ngôn để công kích những đặc điểm cụ thể của chế độ thực dân Pháp, từ “chúng” mang tính miệt thị được sử dụng 14 lần liên tục để gọi những kẻ thực dân. Ở đây, ông rõ ràng lấy cảm hứng từ các bản cáo trạng tư pháp kiểu Tây phương hoặc cụ thể hơn là từ những lời cáo buộc chống lại Vua George III trong bản Tuyên ngôn Mỹ, chứ không phải lối công kích kẻ thù của các vị vua nước Việt, lối tranh cãi giữa các già làng, hay lối cãi nhau giữa chợ.
Cách tiếp cận Tây phương này ít khả năng sẽ làm khó chịu người nghe ở buổi mít-tinh ngày 2 tháng Chín hay những người đọc sau đó, bởi hai lẽ. Thứ nhất, tiếng Việt đã trải qua những thay đổi quan trọng hồi thập niên 1920 và 1930, trong lúc Hồ Chí Minh đang ở hải ngoại. Đã có sự giảm dần những lối nói hoa mỹ, văn vẻ, ít chú tâm hơn đến những nhịp điệu và lối hoà âm, hiệp vận. Ở chừng mực nào đó những thuộc tính truyền thống này đã nhường lối cho tính chuẩn xác trong cách biểu đạt và cú pháp logic.[10] Chúng ta không biết ông Hồ có dịp đọc nhiều văn liệu tiếng Việt thời đó trong lúc sống ở Liên Xô và Trung Quốc hay không, nhưng ông quả có tương tác với những thanh niên lưu vong người Việt, và ông luôn nhanh nhạy khi lưu ý những sắc thái trong ngôn ngữ. Ngoài việc đó ra thì có lẽ tất cả chỉ là sự tình cờ khi có sự hội tụ giữa những trải nghiệm ngôn ngữ của ông Hồ ở hải ngoại với những đổi thay bên trong đất nước.
Thứ nhì, Hồ Chí Minh có sự lựa chọn thẳng thắn về từ ngữ, không cố gắng giới thiệu thuật ngữ lạ cũng như không có dấu hiệu gì cho thấy lên giọng kẻ cả với người nghe. Phải thừa nhận là những từ như bình đẳng và lâm thời, hay ngay cả từ độc lập và tự do, tất cả đều không phải cách diễn đạt truyền thống của người Việt, nhưng chúng đã bắt đầu được giới trí thức sử dụng lác đác từ hồi thập niên đầu tiên của thế kỉ 20, và cho đến thập niên 1940 thì đạt được mức thịnh hành.
Khi quyết định mở đầu bản Tuyên ngôn bằng những trích dẫn từ các bản văn 1776 và 1789, Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sự tôn trọng Washington và Paris, mà quan trọng hơn là đặt Việt Nam ngang hàng trong dòng cách mạng thế giới nối tiếp nhau. Mặc dù nếu đề cập đến cách mạng Bolshevik 1917 sẽ không thuận lợi về mặt chính trị, nhưng các thính giả có học có thể tự mình rút ra kết luận.
Những đoạn dẫn từ văn bản 1776 và 1789 cho phép ông Hồ có được cơ sở triết học và tư cách luân lí về “các quyền tự nhiên” (của con người), hoàn toàn tương phản với tính dã man và chế độ nô lệ của thực dân Pháp. “Quyền tự nhiên” chỉ được tranh luận công khai giữa những trí thức Việt từ cuối thập niên 1920, và ý tưởng này chưa bén rễ sâu. Chính ông Hồ cũng không theo đuổi chủ đề quyền tự do cá nhân bên ngoài những trích dẫn này, thay vào đó lại chuyển tức thì sang quyền tự nhiên dành cho các dân tộc. Tồn tại giả định mặc nhiên rằng những quyền tự do cá nhân cần được trì hoãn lại cho đến khi đất nước Việt Nam lớn mạnh và an toàn trước những mối đe doạ của nước ngoài. Trong lúc đó, mặc dù ông Hồ không nói ra điều này, nhưng toàn thể người Việt đều rơi vào một trong hai loại: yêu nước hoặc phản bội. Từ khoảng năm 1951, người dân càng lúc càng bị phân chia theo nguồn gốc giai cấp cũng như theo mối quan hệ. Với tư cách một người hết lòng theo Lenin, Hồ Chí Minh ủng hộ những phân loại giai cấp như thế, mâu thuẫn trực tiếp với những khẳng định hồi năm 1945 của ông.
Những người đọc cẩn trọng của bản Tuyên ngôn độc lập hẳn chú ý đến khác biệt tinh tế giữa những điều Hồ Chí Minh nói dành cho người trong nước so với những điều dành cho người ngoại quốc. Với người Việt, nền độc lập là một sự kiện đã xong xuôi, phải được bảo vệ hoàn toàn, không thoả hiệp. Đối với quân Đồng minh, bởi vì nền độc lập của Việt Nam tương ứng với những gì các lãnh đạo Đồng minh đã cam kết tại các hội nghị quốc tế, nên nó phải được công nhận. Nhấn mạnh của ông Hồ về tính chất lâm thời của chính quyền của ông do vậy không chỉ liên quan tới nhu cầu cần tổ chức bầu cử quốc gia và soạn thảo hiến pháp, mà nó còn ra hiệu cho các chính quyền ngoại quốc biết rằng ông sẵn sang thương thảo những thoả thuận dài hạn.
Hồ Chí Minh đã mời thiếu tá Patti xuất hiện trên khán đài ở buổi lễ Độc lập chính thức, nhưng Patti quyết định chọn cách tới cùng ba đồng đội OSS khác với tư cách người quan sát, họ tự chọn chỗ đứng giữa những chức sắc địa phương ở trước khán đài. Trong khi lắng nghe người thông ngôn liên lạc của Việt Minh cung cấp phần dịch tại chỗ về diễn văn của ông Hồ, Patti quan sát phản ứng của đám đông, nhanh chóng kết luận rằng ông Hồ “đã chạm được tới họ”. Khi được cung cấp bản Tuyên ngôn tiếng Việt sau đó vào buổi chiều, Patti đảm bảo rằng nó sẽ được dịch và truyền đi theo sóng radio tới Côn Minh. Qua sóng radio, Patti bổ sung vào những lí giải sống động của chính mình, ví dụ như mô tả bề ngoài ông Hồ là “trán cao, mớ râu tóc bị cơn gió nhẹ thổi phất phơ, và ông ấy dùng lối truyền tải mạnh mẽ đầy cảm xúc…”.[11] Dù tới thời điểm đó một số cấp trên hẳn đã nghĩ Patti đã “thành dân bản xứ” rồi, nhưng họ vẫn chuyển lại một cách chính xác những báo cáo của ông về cho giám đốc OSS tại Washington. Giám đốc OSS đã tóm lược lại chúng thành những bản báo cáo nội bộ ngắn để trình lên Ngoại trưởng, người vì có quá nhiều thứ để đọc nên có thể đã hoàn toàn không hề để ý tới chúng.[12]
Khi Jean Sainteny có được những báo cáo chi tiết về những phát biểu tại buổi mít-tinh, ông đã chú ý tới cách Hồ Chí Minh giữ được đường lối ôn hoà hơn so với những đồng chí của ông.[13] Ngày kế tiếp, một trong những trợ lí của Sainteny bước hùng hổ vào tổng hành dinh của chính quyền lâm thời, nói chuyện với ông Hồ và phụ tá của ông về những vấn đề ngoại giao, và sau đó tỏ ra bị thuyết phục rằng có thể đạt được thương lượng.[14] Sainteny tha thiết mong muốn mở ra những cuộc thương lượng với ông Hồ, nhưng không thể nhận được chỉ dẫn nào từ Paris. Khi các văn bản các bài phát biểu trong ngày lễ Độc lập tới được Paris, thì dường như người ta đã làm ngơ chúng. Vài tháng sau, một phân tích tình báo đã mô tả phần nội dung một cách chế nhạo:
… một sự kết hợp lai tạp giữa chủ nghĩa quốc tế theo sách vở với chủ nghĩa yêu nước kiểu sô-vanh, một sự pha trộn giữa chủ nghĩa Marx trí thức với các nhu cầu xã hội nguyên thuỷ, tương ứng chính xác với những khát vọng của một thành phần dân chúng lạc hậu ở những vùng châu thổ Á châu này.[15]
Thực tế thì Paris rất ít lưu tâm đến các ý tưởng của Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp so với việc lưu tâm đến chuyện một lần nữa giành lấy ưu thế quyền lực ở Đông Dương, sau chuyện đó mới có thể bắt đầu những thương thảo với những thành phần bản địa tự nhận là đại diện cho thứ này hay thứ khác.
Một khi thương lượng bắt đầu giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Pháp thì những bản cáo trạng sống động, đầy cảm xúc của Hồ Chí Minh dành cho chế độ thực dân Pháp, chẳng hạn như bản cáo trạng được trình bày trong Tuyên ngôn Độc lập, đã khiến cho thậm chí những người theo tư tưởng tự do ở Pháp như Sainteny cũng phải nổi giận. Nghiêm trọng hơn, thứ ngôn ngữ cứng rắn như vậy đã hợp pháp hóa thái độ thù địch của quần chúng Việt Nam đối với binh lính và thường dân Pháp, những người quay lại theo những hiệp ước mà ông Hồ là một bên tham gia thoả thuận. Ông Hồ cố gắng giải quyết chuyện này bằng cách phân biệt công khai giữa “những kẻ đế quốc cũ” và những người đại diện cho chính quyền Pháp hiện tại, nhưng những phân biệt này thật khó để duy trì trên thực tế. Tới tháng Mười một năm 1946, cả hai bên đều trở thành tù nhân của những cuộc đấu khẩu hàng ngày và luận điệu của mình. Xung đột toàn diện là điều không tránh khỏi.
Suốt nhiều thập niên kể từ lúc Hồ Chí Minh đứng trên khán đài gỗ tạm tại Hà Nội, bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành một biểu tượng quốc gia, với việc những em học sinh ghi nhớ những đoạn văn trong đó, các nhà chính trị dùng nó liên tục như một cái neo cung cấp thẩm quyền cho các công bố chính sách của mình, và các sử gia dẫn nó ra như là điểm bản lề giữa chế độ nô lệ thực dân và sự giải phóng thắng lợi. Ngày nay bản Tuyên ngôn có thể là văn bản mang lại tính chính danh quan trọng nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, giúp giải thích tại sao hệ thống chính trị này đến nay vẫn vượt qua được mọi cơn chấn động phát xuất từ Moskva. Dù vậy, rất ít người Việt có thể đọc lại được bản Tuyên ngôn nếu được hỏi tới (không như Truyện Kiều hay những bài thơ có độ dài đáng kể). Nó hiếm khi được xuất bản trọn vẹn, và các viên chức Đảng Cộng sản đã cực kì phóng túng khi biên tập lại hay thậm chí sửa đổi bản văn, đó là chưa kể tới việc diễn giải nó theo cách làm sao phục vụ được cho bản thân nhiều nhất.[16] Cho đến gần đây những điểm nhấn mạnh của bản Tuyên ngôn về quyền được sống, tự do, hạnh phúc, và bình đẳng, cùng với nền độc lập quốc gia, hiếm khi được chú ý một cách chi tiết, ngay cả với những cây bút phi Cộng sản. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi khi giới trí thức tìm cách hình thành nên những lí tưởng cho một xã hội mà trong đó chủ nghĩa Marx-Lenin đã chết chỉ còn lại cái tên. Tuy nhiên vẫn còn phải chờ xem thử bản Tuyên ngôn có phai nhạt đi cùng với ý thức hệ thống trị hiện nay hay không, hay vẫn giữ được vị thế trong đài tưởng niệm của chủ nghĩa ái quốc, cùng với những áng văn cổ xưa của Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, và Nguyễn Trãi./.
———————-
[1] Văn bản của Tuyên ngôn được in thành bản luận bốn trang vào ngày 3 tháng Chín, sau đó in trên tờ Cứu Quốc (Hà Nội)  6 (ngày 5 tháng Chín, 1945), và Cờ Giải Phóng (Hà Nội) 16 (ngày 12 tháng Chín, 1945). Như được đề cập, những bản in sau này và dễ tiếp cận hơn thì lại kém chính xác hơn. Các văn bản năm 1945 viết thêm vào tên toàn bộ mười lăm thành niên nội các, cho thấy sự đồng thuận của chính quyền chính thức, nhưng không nghi ngờ gì về việc Hồ Chí Minh là tác giả của bản Tuyên ngôn. Bản dịch Anh ngữ đầu tiên được kèm vào cuốn sách nhỏ của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cuối năm 1945 có nhan đề Documents, với bìa đỏ tươi cộng ngôi sao vàng; bản sao có thể tìm thấy ở AOM, INF, GF 46. Đối với mắt người nước ngoài, thì đất nước này có tên “Việt Nam Cộng hoà”, trừ đi từ “Dân chủ”. Các bản dịch khác có thể tìm thấy ở: Harold R. Isaacs, chủ biên, New Cycle in Asia (New York, 1947), trang 163-165; C. Kiriloff, dịch giả, Documents of the August 1945 Revolution in Vietnam(Canberra, 1963), trang 66-70; Gareth Porter, chủ biên, Vietnam: The Definitive Documentation of Human Decisions, (New York, 1979), tập 1, trang 64-66; và tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam (Hà Nội) 3 (1985): 145-147.
[2] Nó vẫn còn phải được chứng minh chắc chắn rằng Hồ Chí Minh đã dùng từ “Dân chủ” trong bài nói chuyện, mặc dù những bản in lại sau này có chứa từ đó. Trong bản dịch Anh ngữ trong cuốn Documents như được dẫn ra bên trên, trong đoạn văn này ông ấy đề cập đến “Chính quyền Cộng hoà hiện tại”.
[3] Porter, Definitive Documentation, trang 660-71. Tập sách Documents, ở AOM, INF, GF 46.
[4] Trần Trung Thành, Hà Nội Chiến Đấu, trang 20-21. Độc Lập (Hà Nội) số 1 như được trích trong Vũ Ngự Chiêu, “Political and Social Changes in Viet Nam between 1940 and 1946” (luận văn tiến sĩ, University of Wisconsin, 1984), trang 380-81.
[5] Nguyễn Văn Tố, chủ biên, Chặt Xiềng (Hà Nội, 1960), trang 96-98.
[6] Sainteny, Histoire d’une paix manquée, trang 93. Patti không đề cập đến sự kiện này trong cuốn sách của mình nhưng nhớ lại nó rõ ràng khi được phỏng vấn trên đài phát thanh, nhấn mạnh rằng việc bay ngang qua đó hoàn toàn là tình cờ. Xem Michael Charlton và Anthony Moncrieff, Many Reasons Why: The American Involvement in Vietnam (Middlesex, 1979), trang 13-14.
[7] Võ Nguyên Giáp, Những Năm Tháng, trang 28-29. Trần Trung Thành, Hà Nội Chiến Đấu, trang 21.Vũ Ngự Chiêu, “Political and Social Changes”, trang 381.
[8] Tung Hiệp, “Hôm nay là ngày Độc Lập!”, trang 23.
[9] Patti, Why Viet Nam?, trang 253. Tung Hiệp, “Hôm nay là ngày Độc Lập!”, trang 23-24.
[10] Điểm này được nêu ra trong cuốn Hoàng Tuế, “Về Văn Bản Tuyên Ngôn Độc Lập”, trong Hồ Chí Minh: Anh Hùng Giải Phóng Dân Tộc Danh Nhân Văn Hoá, chủ biên Vũ Khiêu (Hà Nội, 1990), trang 324-25.
[11] Patti, Why Viet Nam?, trang 249-52.
[12] Porter, Definitive Documentation, trang 71-72.
[13] Sainteny, Histoire d’une paix manquée, trang 92-93.
[14] François Missoffe, Duel Rouge (Paris, 1977), trang 24-27. Sainteny, Histoire d’une paix manquée, trang 96-97.
[15] “Le Viet Minh”, báo cáo SDECE ngày 25 tháng Sáu, 1946, trang 40, trong AOM, INF, thùng carton 138-139, tập tài liệu 1247.
[16] Trong một bài viết gần đây, cựu giám đốc của Viện bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội, Nguyễn Thành, chỉ ra các bản in lại chính thức của bản Tuyên ngôn chứa đựng nhiều lỗi khác nhau như thế nào, cũng có thể được thực hiện thông qua bản dịch tiếng nước ngoài. Có lẽ điểm đáng kể nhất là sự thay đổi “Mọi người đều sinh ra bình đẳng” thành “Mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”, và khuynh hướng bỏ tên những thành viên nội các được liệt kê bên dưới bản Tuyên ngôn. Nguyễn Thành, “Tìm lại bản chính Tuyên Ngôn Độc Lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945”, Tạp chí Cộng Sản (Hà Nội) 9 (1990): 73-76. Xin cám ơn Frank Proschan mang lại bài viết này để tôi có thể chú ý đến.

http://nghiencuuquocte.net/2015/09/02/tuyen-ngon-doc-lap-ho-chi-minh-p2/
Chép lại từ  Giao Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét