Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

THƯ GIỚI THIỆU TÁC PHẨM BA VỈA HỒN NGẦM DỰ XÉT GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NĂM 2015





Triệu Lam Châu

THƯ GIỚI THIỆU TÁC PHẨM BA VỈA HỒN NGẦM
DỰ XÉT GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NĂM 2015

Kính gửi: Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam
                Số 9 -  Nguyễn Đình Chiểu -  Hà Nội

Triệu Lam Châu tôi đã nhận được thư mời gửi tác phẩm (Cần kèm theo thư giới thiệu tác phẩm) dự xét giải thưởng năm 2015, của Quý ban gửi tới từng Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm nay tôi có in và phát hành tập thơ Ba vỉa hồn ngầm. Do vậy tôi xin trân trọng gửi Quý ban hai bản thơ, kèm theo thư giới thiệu về tập thơ ấy theo quy định chung.

NỘI DUNG: Tập thơ phản ánh tình cảm, suy ngẫm và trải nghiệm của tác giả, một người con của dân tộc Tày về ba mảng hiện thực: Miền núi phía Bắc (Nơi tác giả sinh ra và lớn lên ở đó) – Nước Nga Xô Viết (Nơi tác giả từng học hành và rèn luyện những sáu năm ròng) và Miền Nam Trung Bộ (Nơi tác giả công tác và trưởng thành hơn ba chục năm qua).

NGHỆ THUẬT:
Ngôn ngữ: Tác giả sử dụng ngôn ngữ Việt và ngôn ngữ Tày thể hiện các nội dung trên. Bản thơ tiếng Việt và bản thơ tiếng Tày có giá trị như nhau.
Bút pháp thơ:
Tác giả sử dụng bút pháp Giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga để làm thơ. Bút pháp này là sáng tạo riêng của Triệu Lam Châu, được tìm ra năm 1992,  sau tám năm trời tìm tòi, nghiên cứu và lao động nghệ thuật công  phu, nghiêm túc.
Vậy bút pháp Giao thoa văn hoá Tày – Việt - Nga là gì? Đó là bút pháp sử dụng những giá trị tinh tuý nhất (Trong đó có ngôn ngữ) của ba nền văn hoá, bao gồm văn hoá Tày -  văn hoá Việt và văn hoá Nga,  để làm nên tác phẩm mới vừa mang hồn cốt Tày, hồn cốt Việt, lại vừa mang hồn cốt dân tộc Nga!

Bút pháp này được thể hiện trên hai bình diện Nội dung và Hình thức nghệ thuật như sau:
Trên bình diện nội dung:  Đã thể hiện những vấn đề chung được cả ba dân tộc Tày – Việt – Nga cùng quan tâm sâu sắc. Người đọc là dân tộc Tày – Việt hay Nga đọc vào tác phẩm loại này, đều thấy hình bóng của mình trong ấy. Hay nói cách khác Bút pháp Giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga, nhằm tạo ra những bài thơ có nội dung phục vụ cho đông đảo bạn đọc cả ba dân tộc Tày – Việt – Nga anh em.
Trên bình diện nghệ thuật: Tác giả sử dụng với liều lượng hợp lý những nét đặc thù của mỗi nền văn hoá Tày – Việt – Nga, cùng những tâm lý, tình cảm, phong tục tập quán… riêng của mỗi dân tộc cùng những cảnh sắc thiên nhiên đặc thù của mỗi vùng… trong mỗi tác phẩm thơ của mình.
Và như vậy trong mỗi tác phẩm thơ của Bút pháp Giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga này sẽ là sự giao thoa hài hoà, bình đẳng, hữu nghị và tuyệt đẹp của tính cách Tày, tính cách Việt và tính cách Nga anh em.

VÀI CHỨNG MINH CỤ THỂ CHO BÚT PHÁP GIAO THOA VĂN HOÁ TÀY – VIỆT – NGA TRONG THƠ TRIỆU LAM CHÂU:
Anh hùng Iuri Gagarin (1934 – 1968): Công dân Nga – Xô Viết, Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của loài người – là mối quan tâm của toàn nhân loại, trong đó có ba dân tộc Tày – Việt – Nga chúng ta.
Vậy cần gắn hình tượng văn hoá Gagarin của nước Nga với văn hoá Tày và văn hoá Việt ra sao?
Chúng ta đều đã biết một trong những nét đặc thù nhất về phương diện vật chất cũng như tinh thần của các nhà du hành vũ trụ - là sự trải nghiệm trạng thái KHÔNG TRỌNG LƯỢNG. Trạng thái này chỉ có ở trong vũ trụ khi phi thuyền bay thoát ra khỏi sức hút của trái đất.
Rồi ở miền núi Cao Bằng (Và các tỉnh miền cao khác nữa) – khi đi qua cầu treo dập dềnh và bồng bềnh, ta thường có cảm giác lâng lâng không trọng lượng.
Tứ thơ bùng phát ngay: Gagarin qua cầu treo sông Mãng. Anh hết sức ngỡ ngàng, sung sướng khi gặp lại cảm giác VŨ TRỤ bồng bềnh của mình trên một chiếc cầu treo heo hút của miền rừng Việt Nam, trong một không gian đẫm tiếng hát trữ tình lượn sli và giọng đàn tính nao nức đến mê hồn của dân tộc Tày.
Nhìn xuống lòng sông, Gagarin thấy mặt trời như một trái trái cam chín mẩy giống hệt như khi bay lên vũ trụ nhìn về trái đất vậy. Và anh bỗng cất lên tiếng hát những bản tình ca Nga say đắm hoà với tiếng lượn sli đằm thắm của Cao Bằng Việt Nam xa xăm mà gần gũi…Lòng Gagarin chan chứa nỗi niềm Nga – nỗi niềm Việt và nỗi niềm Tày.
Sự khám phá ra một không gian văn hoá Tày – Việt ở miền rừng Cao Bằng – đối với Gagarin cũng thật là quyến rũ như bao điều anh đã từng khám phá trên vũ trụ mênh mông trong các chuyến bay thần diệu của mình. Bài thơ được làm bằng song ngữ Tày – Việt. (Bài Gagarin qua cầu treo sông Mãng. Tập Thầm hát trên đồi – 2004).

A. Sêkhốp (1860 – 1904): Văn hào của nước Nga và thế giới. Những tuyện ngắn của ông được liệt vào hàng kinh điển và được dịch rộng rãi ra các thứ tiếng khắp các châu lục: Châu Á – Châu Âu – Châu Phi – Châu Mỹ. Di sản tinh thần quý báu của nhà văn Sêkhốp cũng là mối quan tâm chung của cả ba dân tộc Tày – Việt – Nga.
Sêkhốp có một truyện ngắn cực hay – Một chuyện đùa nho nhỏ. Mùa đông tuyết phủ trắng trời. Cô gái Nhina đến nhà bạn trai rủ đi ra ngoại ô để cùng trượt tuyết với mình. Khi trèo lên đỉnh ngọn đồi, nhìn xuống phía dưới thấy sâu hun hút, Nhina thấy rợn ngợp cả lòng mình. Song nàng cũng cố nhắm mắt ngồi vào chiếc xe trượt, để cùng chàng trượt xuống chân đồi.
Lúc mới khởi hành xe còn chạy từ từ, sau đó tốc độ nhanh dần và càng về cuối xe càng lao nhanh vun vút, đến nỗi Nhina nhắm mắt lại gần như mê man bất tỉnh.  Lựa vào lúc ấy chàng trai thầm nói vào tai nàng rất đỗi mơ hồ: Nhina, anh rất yêu em!
Sau khi xe trượt xuống chân đồi và khi đã hoàn hồn trở lại – Nhina có một cảm giác như là có một điều gì đó thật hệ trọng đã xảy ra với mình trong lúc xe trượt đang lao nhanh như chớp trên sườn đồi ấy. Rất mơ hồ… Nàng nhìn chàng dò xét… chàng vẫn bình thản như xưa … nào có gì khác đâu.
Hai người lại leo lên đỉnh đồi, lại trượt lần thứ hai. Và khi xe lao với tốc độ nhanh nhất, Nhina lại bất tỉnh, mê man – rồi anh chàng lại lặp lại những lời yêu dấu ấy vào tai nàng.
Thế rồi sau khi hoàn hồn trở lại lần hai, Nhina vẫn lại có giác mơ hồ về một điều gì đó rất quyến rũ mà không biết là điều gì cả. Thật là tò mò. Nàng chăm chú nhìn anh dò xét xem có điều khác không? Vẫn như xưa. Chàng vẫn không hề tỏ ra là có một điều gì khác thường cả….
Và cuối cùng kết thúc thiên truyện tuyệt vời ấy, Nhina vẫn không hề biết điều gì đã xảy ra – mà chỉ có một cảm giác rất đỗi mơ hồ về một điều thật  hệ trọng đối với lòng mình….
Từ cốt truyện độc đáo ấy, bằng tưởng tượng, Triệu Lam Châu cho nhà văn Sêkhốp đến Núi Nhạn, Tuy Hoà, Phú Yên rồi cùng trượt tuyết với mình. Và khi ngồi vào xe trượt, mỗi người lại nghĩ về người yêu của mình. Vậy là trong tâm thức của hai nhân vật Việt – Nga này sẽ là một cô Tấm Việt Nam mảnh mai hiền dịu và một Nàng Nga Lutmila đẹp như tiên.
Vậy là hồn Sêkhốp như bảng lảng bao trùm cả tâm hồn con người và cảnh sắc thiên nhiên miền Nam Trung Bộ của đất nước Việt Nam xa xăm này. (Bài Chào anh Sêkhốp. Tập Ba vỉa hồn ngầm – 2015).

Xecgây Êxênhin (1895 – 1925): Nhà thơ lớn trữ tình của đồng quê nước Nga. Thơ ông là tiếng hát nồng say của những trái tim trong trẻo thấm đượm tình người ở nơi những miền quê Nga thanh bình và hồn hậu. Những cảnh thiên nhiên quyến rũ, đẹp mê  hồn, nhất là mỗi độ thu về bạt ngàn rừng lá phong vàng – cũng hiện lên rực rỡ trong thơ ông….
Hay nói cách khác tâm hồn và thơ Êxênhin rất giàu chất dân gian Nga. Với phẩm chất tâm hồn ấy, khi đến thăm Việt Nam – thể nào Êxênhin cũng hăng hái đi thực tế vùng cao, để đắm mình vào trường văn hoá Tày – Nùng Việt Bắc. Đồng bào Tày – Nùng vốn có một tập quán lâu đời: Nếu khách đến bản là con trai – thì đêm ấy các thanh nữ của bản sẽ tập trung đến trước sân chủ nhà mà khách đang nghỉ nhờ - để hát lượn sli giao duyên. Ngược lại nếu là khách nữ đến bản – thì trai làng sẽ tụ tập hát giao duyên cùng khách quý.
Và khi nhà thơ Nga Êxênhin đến một bản Tày, đêm trăng ấy các cô gái Tày đã hát lượn sli chào và mời khách vào cuộc hát giao duyên. Khốn nỗi Êxênhin không biết hát lượn sli bằng tiếng Tày. Và họ đã đưa ra giải pháp: Êxênhin cứ hát những bài dân ca trữ tình bằng tiếng Nga đáp lại các cô gái Tày. Rồi các cô gái bản, dẫu nghe qua lời dịch từ tiếng Nga thôi, nhưng hẳn Êxênhin hát rất đắm say – nên mọi người nghe đều cảm thấy  thoả lòng.
 Êxênhin là một vầng sáng của văn hoá Nga, tiếp xúc, giao hoà với một phong tục tập quán trữ tình của người Tày qua âm hưởng dân gian lượn sli và ngôn ngữ Tày – Việt. Đây cũng là mối quan tâm của bạn đọc cả ba dân tộc Tày – Việt – Nga chúng ta.
Bài thơ được làm bằng tiếng Việt và tiếng Tày, chứa chan ba chất Tày – Việt – Nga trong ấy. (Bài Mách bảo Êxênhin. Tập Ba vỉa hồn ngầm – 2015).

A. X. Puskin (1799 – 1837): Nhà thơ vĩ đại của nước Nga và thế giới. Di sản thơ văn của ông được cả nhân loại quan tâm và khai thác. Năm 1999 kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà thơ.
Triệu Lam Châu nảy ra một tứ thơ: Một mình lên hang núi đêm trăng. Ở những nơi nào đó khắp thế gian người ta kỷ niệm ngày sinh của nhà thơ  Puskin bằng những cuộc hội thảo về Người, tổ chức đọc và trình diễn thơ của  Người.
Song chủ thể của bài thơ Một mình lên hang núi đêm trăng (Cao Bằng), lại có hình thức kỷ niệm sinh nhật nhà thơ mình yêu quý bằng cách riêng. Vào ngày kỷ niệm 200 năm sinh nhật của nhà thơ Nga Puskin, một mình anh đi lên hang núi giữa đêm trăng, để SỐNG LẠI CÁI CẢM GIÁC TINH KHÔI ĐẦU TIÊN NHẤT TRONG ĐỜI MÌNH KHI TIẾP XÚC VỚI HỒN THƠ CỦA NGƯỜI – qua lời bình giảng của thầy giáo hồi những năm các trường học phải sơ tán lên núi rừng, để tránh bom đạn của  giặc thời chống Mỹ xa xưa.
Bài thơ đã phần nào thể hiện được chiều sâu của sự ngưỡng mộ của bạn đọc Tày – Việt đối với di sản tinh thần quý báu của nhà thơ Nga vĩ đại Puskin – trong một bối cảnh riêng, rất đặc thù của miền núi vào thời điểm hào hùng của lịch sử Việt Nam xưa và nay. (Bài Một mình lên hang núi đêm trăng. Tập Ba vỉa hồn ngầm – 2015).

Một tứ thơ hư cấu đặc thù nữa của bút pháp giao thoa văn hoá: Bức thư tình Tanhia cháy bỏng trong tiểu thuyết thơ Epghenhi Ônheghin – được Puskin sáng tác vào một đêm trăng ảo huyền trên Núi Nhạn, Tuy Hoà (Nơi nhóm lên ngọn lửa Đêm thơ nguyên tiêu đầu tiên trong cả nước – 1981). (Bài Puskin trên Núi Nhạn đêm trăng. Tập Thầm hát trên đồi – 2004).

Bằng con mắt nhìn tinh tế, giàu cảm xúc của một tâm hồn Nga sâu lắng chứa chan, khi lên thăm Cao Bằng, lúc nhìn thấy chiếc cối nước giã gạo bên bờ suối, nhà văn Pauxtốpxky (1892 – 1968) cứ xuýt xoa mãi… giá như ở miền rừng Mêsôra rợp lá phong vàng quê ông cũng có những chiếc cối nước trữ tình như thế, thì văn hoá Nga sẽ càng giàu thêm lên biết mấy. (Bài Pauxtốpxky lặng nhìn cối nước. Tập Ngọn lửa rừng – 1999).

Bút pháp giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga còn sáng tạo thêm một hình tượng nữa: Vào một đêm trăng nhà thơ Nga – Xô Viết Maiacốpxky (1893 – 1930) đọc thơ trước các già làng ở Slấn (Nơi thờ cúng linh thiêng của dân tộc Tày, thường nằm trên đồi cao). (Bài Nơi vòm đa Slấn Thua Cáy bản tôi. Tập Ngọn lửa rừng – 1999).

CHÙM THƠ PHẢN ÁNH VỀ HIỆN THỰC ĐỊA CHẤT Ở MIỀN RỪNG NÚI NƯỚC NGA – ĐƯỢC SÁNG TÁC BẰNG TƯ DUY THƠ VIỆT VÀ NGÔN NGỮ VIỆT, CÓ KẾT HỢP VỚI TƯ DUY THƠ  TÀY VÀ NGÔN NGỮ TÀY. (Tập  Ba vỉa hồn ngầm – 2015)

ƯU ĐIỂM CỦA THI PHÁP THƠ GIAO THOA VĂN HOÁ TÀY – VIỆT -  NGA:
Một là: Bút pháp giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga (Hay còn gọi tắt là Bút pháp giao thoa văn hoá) thể hiện được những nét đặc thù ít nhất là của ba nền văn hoá song hành trong một tác phẩm thơ.

Hai là: Bút pháp này thể hiện được sự giao hoà trên bình diện nội dung và hình thức nghệ thuật – của những vấn đề chung của ba dân tộc anh em. Do đó những tác phẩm thơ dạng này (Nếu làm thành công) sẽ được đông đảo bạn đọc cả ba dân tộc đón nhận nhiệt thành.

Ba là: Đây là một trong nhiều hướng đi mới của thơ  trong thời đại Hội nhập toàn cầu. Nếu một số tác giả thơ nào đó tâm đắc làm thơ theo hướng này – thì sẽ nảy sinh ra những giao thoa mới như: Giao thoa văn hoá Êđê – Anh – Tây Ba Nha, Giao thoa văn hoá Mông – Nhật – Thuỵ Điển,  Giao thoa văn hoá Việt – Nhật - Ấn độ…

Bốn là: Bút pháp giao thoa văn hoá này có tính quốc tế. Mai sau nếu các nhà thơ quốc tế quan tâm đi theo hướng này, thì họ sẽ sáng tạo ra những giao thoa mới như: Giao thoa văn hoá Ấn Độ - Thuỵ Điển – Tây Ban Nha, Giao thoa văn hoá Nga – Inđônêxia – Chilê, Giao thoa văn hoá Trung Quốc – Đức – Braxin, Giao thoa văn hoá Mông Cổ - Anh - Angiêry, Giao thoa văn hoá Bungary – Hoa Kỳ - Hàn Quốc...

HẠN CHẾ CỦA BÚT PHÁP GIAO THOA VĂN HOÁ:
Để sử dụng thành công bút pháp giao thoa văn hoá khi làm thơ, người thực hiện phải đối mặt với những khó khăn cực lớn:

Một là: Phải am hiểu đến độ khả dĩ ba nền văn hoá cùng một lúc.

Hai là: Phải sử dụng thành thạo ba ngôn ngữ của ba nền văn hoá ấy.

Ba là: Phải am hiểu tương đối thấu đáo ba nền thi ca của ba dân tộc trong các nền văn hoá tương ứng ấy.

Bốn là: Phải đi thực tế sáng tác ở ba địa bàn khác nhau của ba nền văn hoá đặc thù. Do đó phải tốn kém nhiều về mặt tài chính.

TRIỆU LAM CHÂU TỰ ĐÁNH GIÁ VỀ TẬP THƠ
BA VỈA HỒN NGẦM  CỦA MÌNH:
Dẫu tập thơ Ba vỉa hồn ngầm của tôi chỉ đạt ở mức khiêm tốn cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Song nó đã được sáng tác bằng một bút pháp mới của riêng tôi – bút pháp Giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga.
Tâm lý chung của người dự giải bao giờ cũng muốn tác phẩm của mình lọt vào vòng chung khảo.
Song nếu không đạt được điều ấy, thì tôi vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng: Mình cần phải phấn đấu nhiều nữa, may ra thơ của mình mới với tới NGƯỠNG ẤY!
Xin trân trọng gửi Quý ban sáng tác thư giới thiệu này, như là một lời tâm sự về những điều tâm huyết của tôi trong vấn đề sáng tạo thi ca phục vụ bạn đọc yêu thơ chân chính của nước nhà!
Kính chúc Quý ban sức khoẻ và thắng lợi!
Tuy Hoà, ngày 6 tháng 9 năm 2015
Triệu Lam Châu
(Nhà thơ – Dịch giả - Nhạc sĩ) – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà, Phú Yên
Đường trời:  trieulamchau@gmail.com
Số nối:  0983 825502












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét