Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

CÔNG SỨC SÁNG TẠO QUA MỘT TẬP TIỂU LUẬN - PHÊ BÌNH VĂN HỌC





                                                         PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện ở vườn nhà quê

CÔNG SỨC SÁNG TẠO QUA MỘT
TẬP TIỂU LUẬN - PHÊ BÌNH VĂN HỌC

          =GS. VS. Hồ Sĩ Vịnh=

Có bao nhiêu nhà nghiên cứu văn học là có bấy nhiêu phong cách, nhất là những ai có bề dày thâm niên, học vấn, quá trình trải nghiệm một đời văn. Với năm cuốn sách về tiểu luận - phê bình được xuất bản từ những năm 90, hai mươi mốt công trình về văn hóa - nghệ thuật, trong vai trò chủ biên của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện, cho phép chúng tôi có một nhận định về con đường học thuật của ông suốt gần 40 năm qua: đó là một nhà nghiên cứu cần mẫn, điềm tĩnh, được đào tạo có bài bản tại các trường Đại học danh tiếng ở trong và ngoài nước, lại được làm việc tại các địa chỉ sang trọng ở các Viện, Trường đại học và các cơ quan báo chí ở Trung ương. Ngay từ đầu khởi nghiệp ông đã xác định: làm nghiên cứu - phê bình mà thiếu tư liêu học, nhân chứng, vật chứng thì dễ sa vào những nhận định vu vơ, thiếu căn cứ khoa học, nên ông đã cùng với các đồng nghiệp ở Viện Văn học làm nên những bộ sách nhiều tập, trong vai trò người tổ chức khoa học. Tuy nhiên, nghiên cứu - lý luận, tiền đề cho sự thành công là “tư liệu phải cao như núi” (V.I. Lênin), khi ấy mới nói đến ý tưởng, luận điểm của công trình khảo cứu; mới giúp nhà văn biến hiện thực đời sống thành hiện thực nghệ thuật của các tác phẩm, biến nước thành rượu tức là đi tìm cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

Đọc tập tiểu luận Văn chương - nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận của Nguyễn Ngọc Thiện (Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam, 2015), tôi có mấy nhận xét sau: Trong phần đầu của tập tiểu luận - phê bình tôi tâm đắc ba nội dung: Vấn đề tài năng trong nghệ thuật; Phê bình văn học - bạn đồng hành của nhà văn, bạn đọc; Vấn đề thẩm mỹ tiếp nhận của người đọc. Dẫn lại lời của Marx: … Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà văn không được sống và viết để kiếm tiền, tác giả tập tiểu luận - phê bình nghĩ ngay tài năng và thi pháp sáng tạo. Bất cứ nhà văn nào, dù lớn đến đâu thì phân số giữa tài năng và sự lao động vật chất chỉ tính tỷ lệ 1/10. Ngoài ra, nhà văn cần có học vấn, thậm chí có học vấn cao, có ngoại ngữ (như lời của nhà văn lớn Phạm Văn Đồng), có phông văn hóa rộng, có tri thức triết - mỹ sâu, có phương pháp luận duy lý - thực tiễn. Đây là công cụ của nhiều ngành khoa học do R. Descartes (1596 - 1650) đề xướng cách đây 3 thế kỷ vẫn ảnh hưởng lớn cả châu Âu, cho đến nay, vẫn hữu ích đối với chúng ta, nghĩa là phải biết tìm kiếm lý luận cả tâm và vật mở đường cho “triết học thực tiễn”, biết ứng dụng chúng vào thực tiễn và năng lực tổ chức thực tiễn. Lý luận phê bình văn học là bạn đồng hành của nhà văn, chứ không phải “ăn theo” sáng tác của họ, đó chỉ là câu nói vụng. Nghiên cứu văn học có nhiều chuyện phải làm, phạm vi bao quát rộng, kể cả phương pháp nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành, thẩm định các luận án cấp sau đại học, các công trình khoa học cấp Nhà nước về khoa học xã hội và nhân văn. Có khi lý luận đi trước sáng tác, tác động hữu hiệu đến một đội ngũ như trường hợp Đề cương văn hóa 1943 với nhiều nhà văn lớn của chủ nghĩa hiện thực phê phán, các triết thuyết của nhà văn hóa Trường Chinh và gần đây là đường lối đổi mới trong văn hóa.
Còn chuyện thẩm mỹ tiếp nhận của người đời từ trước đến nay chúng ta ít bàn. Thực ra, đây là vấn đề học thuật hữu ích. Trong tập tiểu luận - phê bình, Nguyễn Ngọc Thiện đã nói đến nhiều dòng, nhiều ý hay và đúng. Nhưng bản chất mối quan hệ giữa nhà văn - tác phẩm - bạn đọc (mà phê bình là đại diện) là gì? Đó là tâm lý học nghệ thuật. Nó là khoa học nghiên cứu tác phẩm nghệ thuật trên cơ sở tâm - sinh lý học của người sáng tác và người thưởng thức bằng tri thức, mỹ cảm khi ngồi trước tác phẩm. Trong văn hóa phê bình không có chuyện đúng - sai, mà chỉ có chuyện hay - dở, đẹp - xấu. Đó là hai mặt của một mệnh đề thống nhất: hiện thực và siêu thực.
Trong bài Phê bình văn học - bạn đồng hành cùng người đọc và nhà văn, Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận sự đóng góp của các nhà phê bình vào những năm 1933 - 1943, trong buổi đầu xây dựng nền văn học trẻ đã có những kiến giải mới xung quanh ý tưởng như: “nhà phê bình là kẻ đọc sách giúp cho người khác” (Thiếu Sơn); bài viết phê bình không chỉ phải nói cho đúng và trúng, mà còn phải nói cho hay nữa… (Hoài Thanh), hoặc nêu bảy liệt điểm của phê bình văn học (Hoa Bằng), v.v… Dẫu vậy ở họ vẫn tồn tại nhiều hạt nhân bất hợp lý, còn ở dạng cảm tính cá nhân, thiếu sự hỗ trợ của tư duy lý tính.
Phê phán một công trình khoa học lệch lạc về tư tưởng học thuật - luận văn của thạc sĩ ngữ văn Đỗ Thị Thoan, Nguyễn Ngọc Thiện có những kiến giải vừa giữ vững nguyên tắc, vừa thiện tâm trong đánh giá, nhằm vực dậy những thiếu sót của một người, đủ sức thuyết phục nhiều người. Ông viết: “Sự lựa chọn của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) nhằm vào đối tượng nghiên cứu - thơ của nhóm Mở miệng là việc làm khiên cưỡng, có ý đồ biện minh cho sự tồn tại của nhóm với những sản phẩm tự nhận là “thơ dở”, “thơ rác”, “thơ nghĩa địa” nhằm tôn vinh sự lệch chuẩn, chống đối lại thể chế và trật tự xã hội, bêu riếu những điều cao cả, thiêng liêng đối với toàn dân tộc” (tr. 100). Tránh sự phê phán cực đoan, cường điệu của một bài viết về hiện tượng này, nhưng cái bản lĩnh cần thiết và lâu dài, nhằm thuyết phục số đông là không để cho những ngụy thuyết làm mờ mắt nhà nghiên cứu, đua đòi bắt chước “cái mới” của bên ngoài mà thực ra sao chép nóng vội. Ở đây nên nhớ những câu của V.I. Lênin: “Những ngụy thuyết thường sống rất dai”.
Với phần hai của tập tiểu luận - phê bình, Nguyễn Ngọc Thiện để giành trên 100 trang viết về đời người và nghiệp văn của Ma Văn Kháng. Từ những giai thoại tên khai sinh Đinh Trọng Đoàn đến bút danh Ma Văn Kháng, ông cho chúng ta biết Kháng là người Hà Nội chính gốc, trong quá trình hoạt động văn hóa, giáo dục, làm báo ở miền núi, nhà văn đã kết thân với Ma Văn Nho, người quê Phú Thọ và lấy làm hãnh diện khi được lấy họ Ma làm danh tộc của mình trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn ở các tỉnh miền núi, chung sống với đồng bào miền núi, kết bạn với cán bộ vùng biên ải. Qua 12 bài viết về Ma Văn Kháng, Nguyễn Ngọc Thiện đã tôn vinh đúng mức nhà văn họ Ma là người tài danh, là tác giả văn học lực lưỡng, là cây bút văn xuôi sung sức và đa tài. Chừng ấy câu chữ vinh danh một tài năng lớn trong van học hiện đại, có thể dần dần Mà Văn Kháng đã “vượt thoát khỏi những cái bóng đầy uy lực của các đàn anh đáng kính” (tr. 263).
Phần cuối của cuốn tiểu luận - phê bình, Nguyễn Ngọc Thiện để giành nhiều trang để bàn về hai chủ điểm, mà ông là một trong những người có trách nhiệm với tạp chí Diễn đàn văn nghệ - một tạp chí có truyền thống từ năm 1948 của Hội văn nghệ Việt Nam. Đó là những giải pháp nâng cao chất lượng báo chí văn nghệ nói chung và tính chuyên nghiệp của người viết trên báo chí có trang văn chương, nghệ thuật.
Tôi đồng tình với nội dung trên, khi tác giả tuyển tập hối thúc tính chuyên nghiệp của phê bình, chất lượng của các bài viết trên các tờ báo có trang văn nghệ. Đồng thời xin đoán định viết thêm vài dòng về ý tưởng nói trên: Phê bình văn nghệ là công việc xã hội. Nó chưa bao giờ là của một cá nhân, dù là nhà phê bình có hạng. Tiếp nhận tác phẩm văn nghệ không phải là quan niệm bất biến, nó phụ thuộc vào lịch sử - xã hội, tâm - sinh lý của người đọc, sự hữu ích của văn phẩm với cuộc sống, cho nên nhà phê bình tiếp nhận tác phẩm là khả biến: đạo đức học, tâm lý học, chính trị học. Trong văn nghệ thế giới đều có những hiện tượng lạ lẫm: Nghi án văn chương, thực ra là quy luật cua tiến hóa. L. Tolstoi phê phán gay gắt những vở kịch của Shakespeare, coi sân khấu của nhà viết kịch Anh là hỗn mang, máu me, gươm giáo, v.v… M.Gorki, sau khi xem xong vở kịch Thây ma sống của L. Tolstoi, thì văn hào thề thốt không bao giờ đi xem lại, vì nó không giúp gì cho cuộc sống hiện đại. Còn ở nước ta, các bậc chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng tiếp cận Truyện Kiều từ đạo đức học, nên Truyện Kiều không được các vị thiện cảm, trái lại phê phán gay gắt những ai tán dương những điều bất chính, bất tà của một số nhân vật chính trong truyện, phê phán những thiên vị vô lối đối với Nguyễn Du. Chất lượng nghệ thuật là vấn đề học thuật muôn thuở, cũ như vũ trụ. Vấn đề còn lại trong sáng tạo và thưởng thức văn nghệ chỉ còn là tài năng và môi trường nuôi dưỡng tài năng nhằm khỏa lấp những thiếu hụt trống trải bằng những kiến thức học thuật, mỹ cảm trong thưởng thức và sự trải nghiệm đời sống cá nhân.
Tuyển tập tiểu luận - phê bình: Văn chương, nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận, không tránh khỏi yếu điểm như: lối hành văn ở một vài bài viết về chân dung văn hóa chưa thật hàm súc. Câu nói của văn hào M.Gorki giúp ta kinh nghiệm viết phê bình và chân dung văn hóa: “Phải viết sao cho lời thì chặt mà ý thì rộng”. Tập tiểu luận - phê bình công phu, có những đóng góp về phong khí học thuật, có tâm với những đồng sự, đồng nghiệp, với các nhà văn hóa hiện đại có tên trong cuối tiểu luận - phê bình này./.

Kỷ niệm 70 năm thành lập Nước
Ất Dậu - Ất Mùi
Tháng 8/2015
H.S.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét