Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

ĐẶT LÀM



                                                            
                                                                             Nhà văn, dịch giả Vũ Công Hoan
 ĐẶT LÀM



                                                                               Lăng Đỉnh Niên



Trong số các ông chủ ở Lâu thành, ông chủ Tô không thuộc loại giẩu nhất, song  chí ít  cũng đứng hạng hai ba.

Ông chủ Tô thường nói: Phật cần mạ vàng, người cần ăn dịên, ba phần dáng người, bảy phần ăn mặc. Cho nên xưa nay ông chủ Tô rất coi trọng ăn dịên. Giầy da không quá năm, com lê không quá quí, áo ngoài không quá tháng, áo lót không mặc lại, có nghĩa là giầy da sang năm thứ hai không bao giờ dùng lại, com lê nhiều nhất mặc một quí là dứt khoát bỏ đi.Từ đó suy ra, áo ngoài sau một tháng loại bỏ, áo lót chỉ mặc một lần, quyết không giặt mặc lại. Ông cảm thấy như thế mới oách, mới có đẳng cấp.

Một hôm ông gặp ông chủ Ngưu trên thương trường, hai ông uống vài chén rươụ tán hươu tán vượn lung tung. Ông chủ Ngưu lại mượn chén châm chọc ông chủ Tô, ông nói: Kể ra ông cũng là ông chủ thân giá một hai tỉ, trông ông mặc trên người, đi trên chân đều là thứ mua ngoài cửa hàng, có xịn đến mấy cũng đều là hàng chợ. Ông nhìn tôi mà xem, từ đầu đến chân đều là loại đặt làm. Đặt làm ông hiểu không? Có nghĩa là toàn thế giới chỉ có chiếc này, chỉ có đôi này. Đây mới thật sự là đẳng cấp, thật sự có danh giá, có thân phận…

Ông chủ Tô vốn ngạo mạn xẹp xèm như quả bóng xì hơi, lại không nói một lời, uống liền mấy chén rượu buồn, suýt nữa thì say.


Hôm sau ông chủ Tô liền đánh xe lên Thượng Hải mời sư phụ Bồi La Mông đặt làm hai bộ com lê và đề nghị làm gấp, ông sẽ trả tiền làm gấp.

Quần áo đã đặt hàng làm xong, còn giầy da thì đặt làm ở đâu? Vừa dò hỏi ông được biết, trên bến Thượng Hải có cửa hiệu giày da lớn của ông Ngưu Lão Đại nhận đặt làm giầy da hảo hạng nhất, tay nghề của ông xếp vào loại nhất nhì của toàn  thành phố Thượng Hải, chỉ có điều là chém quá thể, giá cắt cổ. Ông chủ Tô nghĩ, tiền chẳng qua là mấy tờ  giấy hoa hoét, chỉ cần ông ta nói giá, không có chuyện ta không trả được.

Điện thoại gọi đi, nhưng Ngưu Lão Đại lại từ chối, ông Ngưu nói hôm nay khách đến đông quá, hẹn hôm khác.

Ông chủ Tô nghĩ, ông ta chẳng qua chỉ là một anh thợ giầy, có lên mặt đến mấy cũng không  thể tỉnh bơ được số tiền của ta, nhiều nhất thì trả thêm vài đồng chứ mấy, nghĩ thế ông chủ Tô bất chấp hẹn hay không hẹn phóng xe đến thẳng cửa hiệu của Ngưu Lão Đại.

Ông chủ Tô vừa đến, nhân viên tiếp đón dẫn ông vào phòng nghỉ, bước vào ông liền trông thấy,  quái lạ, có đến mười người đang xếp hàng chờ đến lượt.

Ông chủ Tô không làm sao được, đành phải bứt rứt ngồi chờ, chờ chán chờ chê, ông liền  quay sang ngắm nghía những khách hàng đến đặt làm giầy da. Ngắm rồi ông đâm ra ngạc nhiên, có ba người tàn tật ngồi trên ghế quay, ai cũng chỉ còn một chân, còn có hai người chống gậy, chắc là lắp chân giả, có một ngừơi bàn chân hình thù quái dị,không thể đi được giầy da bình thường, còn có một vị thấp bé, bàn chân nhỏ một cách lạ lùng, ngoài giầy da trẻ con, các loại giầy da khác chắc chắn không đi được, cũng có một người chân to, chí ít cũng phải đi cỡ  bốn tám năm mươi. Ông chủ Tô năm nay bốn mươi tám tuổi chưa bao giờ ông thấy ai có bàn chân to như vậy. Đấy còn chưa kể, điều khiến ông mở rộng tầm mắt là đã nhìn thấy một người đàn bà béo tốt vục vịch, chân bà ta to phè, y như một cục thịt. Làm sao bà có thể xỏ được  loại giầy da thông thường…

Ông chủ Tô đột nhiên cảm thấy, mình cũng trở thành kẻ tàn tật. Ngồi không yên, ông lẳng lặng lẻn ra ngoài. Trên đường về Lâu thành, trong đầu ông cứ quay cuồng toàn là những  tiếng : Đặt làm, đặt làm, đặt làm lặp đi lặp lại.



                                                         Vũ Công Hoan dịch

                                       (TheoVăn nhệ Giang Môn số 3 năm 2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét