Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

CHÙA của Vũ Từ Trang với lời bình





CHÙA
                             Vũ Từ Trang
Thuở trước phá chùa, nay người xây chùa
Chỉ có Phật vẫn từ bi tịnh độ
sư sãi Chùa xưa tuổi cao, áo nâu sồng chân đất
trồng huệ trồng lan cho làng xóm tịnh quang
nay sư trẻ nói tiếng Anh như hát
Cà sa sa tanh, phóng vèo xe cúp
hoa loa kèn nở cùng hoa bưởi hoa ngâu.

Tuổi thơ tôi từng bám váy mẹ ra thăm cửa Phật
tôi không dám nhìn lên tam tòa, mà cúi mặt soi vào địa ngục
quỷ ác dạy tôi phải sống hiền lành
tôi lớn lên giữa bao điều bất trắc
Chùa quê đổi khác
đâu rồi sư già tựa ổi và na
ào một đám gió lạ, tóc vàng váy ngắn,
                                        i-phôn ầm ào rốc ráp

chúng cầu chi trong Chùa?

      ( Thơ Vũ Từ Trang-Tập ‘Cây chuyển mùa”-xb HNV-2016).


                        CHÙA-BIẾN CẢI VUI BUỒN
                                                   Trần Trung
  Thơ Vũ Từ Trang là thế : hay hoài niệm trong thương nhớ bao điều. Từ quê hương bản quán, đến tình bạn, tình đời; cho tới nhân tình thế thái... Đọc thơ anh, đến tập thứ sáu, mang tên “Cây chuyển mùa” (XB HNV,2016), hình như càng rõ ra thêm chân dung tinh thần của Trang qua tập thơ này. Nhà thơ buồn vui trước những biến động, đổi thay một cách quyết liệt. Chẳng phải chỉ từ sự hiện hữu của những  gì nhìn thấy. Mà, dường như có cả trong thế giới tâm linh-nơi cửa Chùa, cửa Phật cũng chấn động; chấn động từ chuyện phá đi, rồi xây lại: “Thủa trước phá Chùa, nay người xây lại”! Đem cái động của thực tại (xây) để hướng về một thời ấu trĩ, thời phê phán mê tín dị đoan: Chùa chiền, miếu mạo...trong tâm linh của ông bà ta, dưới thời này, bị phá bỏ, chối từ thẳng thừng. Tuy thế, nhà thơ vẫn nhận ra sự bao dung, độ lượng của Trời-Phật “chỉ có phật vẫn từ bi tịnh độ”. Nhận ra tấm lòng từ bi của Phật, cũng là cái cách nhà thơ hôm nay, nhận ra chính lòng mình-nhân ái, bao dung.


 
  Chuyện đời xây lại, lại đi kèm liền với những thay đổi chóng mặt của thế giới hiện sinh, hiện sinh quyết liệt ngay cửa Thiền: Từ vẻ tịnh tâm, chân chất trong diện mạo, áo quần: “áo nâu sồng chân đất”, cho tới thú vui thanh tao của những bậc “sư sãi Chùa tuổi cao” tìm đến “trồng huệ, trồng lan”-trồng cho mình thì ít, mà cho “ làng xóm tịnh quang” thì nhiều. Thay đổi là đây: diện mạo, áo quần; “cà sa sa tanh” cả phương tiện-cũng khác xưa nhiều lắm, với “phóng vèo xe cúp”; Lại nữa “Nay sư thày trẻ nói tiếng Anh như hát” ! Đem vẻ trầm tích, u huyền và thanh tịnh mà đối sánh với sôi động, ầm ào giữa xưa và nay, Vũ Từ Trang cứ lặng lẽ giãi bày tâm sự buồn vui của thời thế, giữa thời thế. Để rồi, nhà thơ cùng độc giả ngẫm ngợi, qua thứ ngôn ngữ đồng hành mà vô ngôn từ hoa : “hoa loa kèn nở cùng hoa bưởi hoa ngâu”...Tinh tế mà thâm trầm, lạ!
  Khổ thơ tiếp theo,Vũ Từ trang tự dắt lòng mình về quá khứ, về với hoài niệm-Chùa, trong hình ảnh chân thành mà xúc động : “Tuổi thơ tôi từng bám váy mẹ ra thăm cửa Phật”.
   Nhà thơ Trần Nhuận Mình, từng có bài thơ ngắn-hai câu, mà ám ảnh sự thật về nhân tình thế thái:
                      “Cái ác vỗ vai cái thiện,
                        Cả hai cùng cười...đi về tương lai.”
   Còn với Vũ Từ Trang, anh lại tìm hướng “cúi mặt soi vào địa ngục”. Để rồi, từ bóng tối mà vươn ra ánh sáng của sự sống “hiền lành”, vượt lên , vượt qua bao điều “bất trắc” bao điều trớ trêu mà dường như vẫn tồn tại, vẫn có lý của cuộc sống hiện sinh:
                  “tôi lớn lên giữa bao điều bất trắc
                    Chùa quê đổi khác
                     đâu rồi sư già tựa ổi và na
                     ào một đám gió lạ, tóc vàng váy ngắn,
                                                              i-phôn ầm ào rốc ráp”...
  Chấp nhận hay phê phán giữa cuộc sống xưa và nay? giữa chốn linh thiêng Chùa chiền vốn tĩnh lặng với thế sự ào ào lốc cuốn? Vũ Từ Trang đưa ra một lời  trong câu thơ kết bài:
                      “Chúng (lũ trẻ) cầu chi trong Chùa?
   Câu thơ co thắt lại (năm tiếng). Một câu hỏi-về hình thức ,mà không một lời hồi âm! Song, có lẽ chính vì thế lại lan tỏa đến khôn cùng suy tư cho người đọc. Bởi, đó dường như còn là lời cảnh báo, là lời dự cảm cho những tâm hồn còn lương tri, lương năng-nhất là khi ta đến với cửa Chùa, khi ta còn tụng kinh, niệm Phật.

                                            HÀ NỘI,26/10/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét