Triệu Lam Châu
TẬP CA KHÚC “NGƯỜI ĐẸP
VÀ ÁNH TRĂNG”
Triệu Lam Châu: Theo tôi hiểu cái duyên trong sáng tạo nghệ
thuật cực kỳ quan trọng. Nhờ nó mà những cá thể sáng tạo có thể hài hoà và ăn ý
với nhau. Nếu không có nó thì những loại hình nghệ thuật tổng hợp nhiều phương
diện như ca nhạc, sân khấu, điện ảnh…thật khó mà có được những tác phẩm khá và
hay.
Chẳng hạn như lĩnh vực ca nhạc, phải có sự hài hoà, ăn ý trong
sáng tạo nghệ thuật, bao gồm: Nhạc do nhạc sĩ đảm nhận, lời do nhà thơ đảm
nhận. Phần biểu diễn thì có người phối khí và ca sĩ hát.
Bốn khâu trên đồng hành sáng tạo và bổ sung cho nhau, hài hoà
với nhau… để có một ca khúc hay gửi đến công chúng yêu nhạc.
Nhờ duyên trời mà Triệu Lam Châu được làm quen với nhà thơ Hiền
Mặc Chất trên Sân Fây. Anh đã từng có hơn bảy mươi bài thơ được các nhạc sĩ phổ
nhạc và đã phát sóng trên Đài truyền hình và Đài phát thanh quốc gia. Thật là
đáng trân trọng và nể phục.
Tháng 4 năm 2016 nhà thơ Hiền Mặc Chất chủ động đề xuất với
Triệu Lam Châu: Hai anh em ta cùng làm một xêri âm nhạc, để in sách nhạc phổ
thơ.
Và Triệu Lam Châu đã vui vẻ nhận lời, bởi vì được một nhà thơ
nặng ký như anh Hiền Mặc Chất tin tưởng, gửi gắm… đó là một vinh dự quý hiếm
đối với tôi.
Vậy là tôi say sưa bay theo hồn thơ anh đến với hiện thực Tây
Bắc – Việt Bắc – Vùng Quan họ - Miền Trung du – Miền Đồng bằng Bắc Bộ - Hiện
thực Hàn Quốc. Tôi đã lao động nghệ thuật nghiêm túc theo khả năng của mình để
phổ nhạc cho thơ anh.
Trong quá trình ấy tôi cũng trưởng thành thêm. Chẳng hạn từ
trước tới nay tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm bài hát về Vùng Quan họ. Song
anh Hiền Mặc Chất có bài thơ về miền quê ấy… Vậy là tôi phải đắm mình vào dân
ca Quan họ… để tìm cảm xúc phổ nhạc cho bài thơ kia. Theo đà ấy, sau khi phổ
xong bài thơ của anh, tôi còn làm được thêm bài riêng của mình là Tình ca Quan
họ.
Rồi tôi cũng nghe nhiều dân ca Hàn Quốc, để cố gắng làm sao
trong bài nhạc phổ thơ anh… có phảng phất chất Hàn Quốc trong ấy. Miệt mài làm
việc ròng rã cả một năm trời… cuối cùng tháng 4 năm 2017 Triệu Lam Châu đã phổ
nhạc xong bốn mươi ba bài thơ của nhà thơ Hiền Mặc Chất. Anh còn đề nghị đưa
thêm mười bài (nhạc và lời Triệu Lam Châu) và hai bài thơ Nguyễn Tuyết Mai
(nhạc Triệu Lam Châu) – vào tập ca khúc Người đẹp và ánh trăng (Anh tự bỏ tiền
túi ra in ở Nhà xuất bản Thanh Niên. Sách dày 70 trang, khổ 18x24. In ba trăm
cuốn).
Giờ đây sách đã ra lò và phát hành. Xin cảm ơn anh Hiền Mặc Chất
rất nhiều ạ. Xin bạn bè gần xa cùng chia vui với chùng tôi! (Lúc hai giờ 02’
Sáng 18/10/2017)
Trân trọng mời Quý vị và bạn bè cùng đọc Lời giời thiệu sách
dười đây:
MỘT HOÀ ĐIỆU THƠ NHẠC
(Bài của nhạc sĩ, nhà
thơ Nguyễn Thuỵ Kha)
Có lẽ sau nhà thơ Tạ Hữu Yên, Hiền Mặc Chất là nhà thơ được phổ
nhạc khá nhiều. Thơ Hiền Mặc Chất thường có gì đó thảng thốt, mơ hồ và phiêu
diêu. Đấy chính là nguồn dinh dưỡng phồn thực cho âm nhạc. Thơ Hiền Mặc Chất cứ
ngỡ bâng quơ, nhưng ẩn giấu phía sau là những ngẫm ngợi sâu sắc. Đặc biệt anh
rất thạo thơ ngũ ngôn, bởi thế, người phổ thơ anh rất dễ lây cảm hứng từ hồn
nhạc vốn có trong thơ, từ nhịp nhạc đã nảy sinh trong nhịp thơ.
Nhưng năm nay, Hiền Mặc Chất có cuộc chơi đặc biệt với Triệu Lam
Châu. Bằng sự mến cảm nhau, hai anh đã có một hoà điệu thơ nhạc thật dày dạn,
thật hiếm có. Bốn mươi ba bài thơ Hiền Mặc Chất được Triệu Lam Châu phổ nhạc là
minh chứng của hoà điệu sang trọng này. Triệu Lam Châu không chỉ là một trí
thức từng du học ở Nga, mà còn là một nghệ sĩ đích thực. Anh làm thơ, dịch thơ
và làm nhạc nổi danh ở đất Phú Yên. Nghe nói giờ đây anh đã trở về Cao Bằng quê
hương với nhiều dự định mới. Nhưng dù dự định mới còn ở phía trước, thì 43 ca
khúc được anh phổ từ thơ Hiền Mặc Chất suốt gần một năm trời (từ tháng 4/2016
đến tháng 4/2017) đã là một dấu ấn không phai mờ trong sự nghiệp sáng tạo của
anh.
Thường khai thác những đề tài lãng mạn trong dân gian, thơ Hiền
Mặc Chất thổi vào dó một màn sương mờ huyền thoại để rồi từ đấy, nhắc tới người
thưởng thức những chắt lọc nhân bản.
Chính vì thế thơ Hiền Mặc Chất đã tìm được sự đồng điệu, sự cộng
hưởng của nhạc Triệu Lam Châu. Trong tập ca khúc “Người đẹp và ánh trăng” của
hai anh, ngay từ bài mở đầu “Kiệu vàng đón rước nàng tiên”, người thưởng thức
đã thấy rõ ý dịnh sáng tạo của người làm nhạc với chất liệu thơ. Đấy là một
cuộc chơi mang tính nghiêm cẩn cuả kinh viện. Nó thực sự kén người thưởng thức,
nhưng ai thưởng thức được sẽ thấy nhiều điều thú vị. Rất ít khi ta gặp ca khúc
của thời hôm nay lại được viết bằng điệu thức Rê giáng thứ (với bảy dấu giáng ở
hoá biểu). Thực ra về âm độ Rê giáng thứ, người ta thấy tác giả âm nhạc rất cẩn
trọng trong tính khác biệt của từng điệu thức. Khác biệt ở màu sắc hoà âm. Hình
như cũng là lửa, nhưng lửa trong “Kiệu vàng đón rước nàng tiên” có gì đó bập
bùng khác thường, bập bùng trong tâm tưởng.
Có người mang lửa đốt hồn tôi
Mắt em đấy, dáng hình em đấy
Em mang lửa sao em không cháy
Vừa gặp nơi này đã biến vào mây…
Thơ Hiền Mặc Chất lãng mạn đến hồn nhiên. Thật hiếm thấy điều
này giữa cái thời mà đồ vật che khuất tất cả. Triệu Lam Châu đã nhận ra điều
này, anh dùng âm nhạc lôi nó ra, hiện diện nó trước những gì che khuất nó. Chỉ
đọc riêng thơ đã thấy hay, lại còn nghe những con chữ cất cánh thành giai điệu
thì cuộc chơi này đã đi tới những cung bậc chất ngất tới tột đỉnh rồi:
Say em trong mê cung
Mơ em trong huyền sử
Em có là Tiên Dung
Anh có là Đồng Tử
Bãi sậy vẫn dửng dưng
Xa thiên cung mờ tỏ
Cát âm thầm nhắc nhở
Ngọc đậu trên sóng xô…
Cứ đọc lời ca, cứ nghe giai điệu ta như lạc vào miền núi rừng
phương Bắc, phương Nam trập trùng những cánh cung, thác dốc, suối sông vốn đã
bí ẩn, lại càng bí ẩn hơn qua 43 ca khúc ở “Người đẹp và ánh trăng” – có một ấn
phẩm độc đáo mà hai tác giả đã ưu ái dành tặng cho đời.
Ca khúc cuối tập “Ngày mai khi giã biệt” như một lời nhắc nhở
chia sẻ với cuộc đời mọi buồn vui mà kiếp người đã trải qua:
Sống viết thật nào dễ
Gửi nỗi niềm thẳm sâu…
Hà Nội, tháng 4 năm 2017
(Lời giới thiệu của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha cho tập
nhạc Triệu Lam Châu phổ thơ Hiền Mặc Chất “Người đẹp và ánh trăng”. Nhà xuất
bản Thanh Niên – 2017)
Chúc mừng Triệu Lam Châu và Hiền Mặc Chất!
Trả lờiXóaVũ Nho có niềm vui quen biết cả hai người!