Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

NGƯỜI NGỒI TRƯỚC MỘ MÌNH





MỘT BÀI THƠ XÚC ĐỘNG VỀ ĐỀ TÀI THƯƠNG BINH LIỆT SĨ

NGƯỜI NGỒI TRƯỚC MỘ MÌNH
                       Nguyễn Đức Mậu
Sau bốn mươi năm báo tử. Ông về
Thấy ảnh mình trên bàn thờ
Thấy ảnh mình trên bia mộ
Có phải ông một thời trai trẻ
Phải ông người trong ảnh ngày xưa?
Bốn mươi năm
Mẹ cha ông lúc xuôi tay nhắm mắt
Mong nằm cạnh con mình
Mộ ông: chiếc tiểu sành không hài cốt
Ông trở về trước mộ cha, cúi mặt
Trước mộ mẹ khấn thầm
Hình hài vẹo xiêu
Tuổi chiều nắng tắt
Nấm mộ ông đắp bằng nước mắt
Hương khói tỏ mờ mỗi đận thanh minh
Trước bia đá cỏ xanh
Người phế binh dại ngây khuôn mặt
Ông nhẩm nhớ những người đã mất
Một con thuyền trong đêm chiến tranh
Bom rơi đặc trời, máu loang mặt nước
Bao người chết. Chết không tìm thấy xác…
Bao người chết. Chỉ mình ông sống sót
Hơn bốn mươi năm ốm đau, lưu lạc
Người phế binh ngồi trước mộ mình.

Lời bình của Vũ Nho
Có rất nhiều bài thơ ở nước ta  viết về nỗi tiếc thương, tưởng nhớ sự hi sinh của các liệt sĩ là chuyện tự nhiên. Bởi vì  các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ, chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc  biết bao người chiến sĩ đã ngã xuống. Tuy vậy viết trực tiếp về chuyện viếng mộ thì số lượng bài thơ lại không nhiều. Có  thể kể trên đầu ngón tay : “Viếng bạn” của Hoàng Lộc, “Mồ anh hoa nở” của Thanh Hải, “Nấm mộ và cây trầm”, “Người ngồi trước mộ mình” của Nguyễn Đức Mậu.
          Bài thơ “Người ngồi trước mộ mình” không rõ thời điểm sáng tác. Nhưng chi tiết “sau bốn mươi năm báo tử” cho chúng ta biết bài thơ được viết trong thời điểm gần đây. Chàng trai trẻ ngày nào tuổi hai mươi ra đi.  Sau bốn mươi năm báo tử, bây giờ trở về quê hương đã trở thành người hơn  sáu  mươi, thành “Ông” “hình hài vẹo xiêu, tuổi chiều nắng tắt”. Người ngoài đời và người trong ảnh khác hẳn nhau. Đến nỗi chính người trong cuộc cũng thấy ngờ ngợ, hoài nghi:

          Có phải ông một thời trai trẻ
          Phải ông người trong ảnh ngày xưa?
“Báo tử”. Tờ giấy chỉ thông tin được cho cha mẹ  người chiến sĩ và người thân mấy dòng vắn tắt:  đồng chí hi sinh  ngày… tháng… năm…, ở mặt trận …, trong trường hợp Chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, được xác nhận là Liệt sĩ. Thi hài mai táng tại nghĩa trang mặt trận.
Ông có “mộ” vì cha mẹ muốn nằm xuống cạnh con trai mình. Mộ của ông  chỉ đơn giản là “chiếc tiểu sành không hài cốt”. Nấm mộ ấy, gợi nhớ những “mộ gió” của các chiến binh trên biển  triều Nguyễn mà Trịnh Công Lộc đã viết. Thì ra, không phải ở đảo, không phải chỉ những chiến sĩ trên tàu không số thời đánh Mĩ, mà khắp nới trên đất nước này, có biết bao nhiêu ngôi mộ “ không hài cốt”. Và đau xót hơn, còn bao nhiêu hài cốt không có mộ. Hồi tưởng của người sống sót về một thời điểm hi sinh của đồng đội:
          Một con thuyền trong đêm chiến tranh
          Bom rơi đặc trời, máu loang mặt nước
          Bao người chết. Chết không tìm thấy xác…
Cuộc chiến ác liệt biết chừng nào.
          Mẹ cha người lính - người phế binh đã cạn dòng nước mắt đắp mộ con. Họ đã vĩnh biệt cõi đời này khi mà nấm mộ con trai vẫn chỉ là “chiếc tiểu sành không hài cốt”. Và bây giờ người được “báo tử” trở về. Ông đã  trở về lạy mẹ, lạy cha và “khấn thầm”. Không biết lời khấn của người lính già là  những gì. Chỉ biết người trở về sau lời khấn đó “dại ngây khuôn mặt”. Ông đau nỗi đau mẹ cha khi nhắm mắt? Ông đau nỗi đau đồng đội hi sinh?  Ông đau nỗi đau một mình sống sót? Có lẽ là  tất cả.
          Bài thơ kết thúc bằng một thông tin và hình ảnh người trở về như hóa đá trước mộ mình:
          Hơn bốn mươi năm ốm đau, lưu lạc
          Người phế binh ngồi trước mộ mình
Nếu để ý sẽ thấy có vẻ như có mâu thuẫn chút ít khi có hai con số:
Sau bốn mươi năm báo tử. Bốn mươi năm. Con số tròn bốn mươi.
Hơn bốn mươi năm ốm đau lưu lạc. Con số lớn hơn bốn mươi.
Không, nhà thơ không nhầm lẫn. Việc báo tử bao giờ cũng chậm hơn do hoàn cảnh chiến tranh. Phải có thì giờ xác minh, tìm kiếm. Phải có thông tin chính xác… Và ngay cả thời gian thông tin từ Nam ra Bắc cũng không thể dễ dàng.
          Người chiến sĩ sống sót duy nhất trong đêm định mệnh ấy sau ốm đau, lưu lạc đã trở về. Cũng có đồng đội anh trở về  gặp bao nhiêu thủ tục phức tạp để xác minh, để chứng nhận làm một “người còn sống” như người thường.
          Nguyễn Đức Mậu khi 22 tuổi đã viết bài thơ “Nấm mộ và cây trầm”, một bài thơ bi tráng ca ngợi người đồng đội hy sinh. Khi nhiều tuổi hơn, tác giả quay lại đề tài này và cách viết, không giống như xưa. Trước đây  là tình cảm gắn bó với người đồng đội hi sinh có tên cụ thể. Những cảm thán trực tiếp khi đắp mộ cho người bạn. Bây giờ là sự ghi chép  có vẻ như khách quan, kìm nén về một đồng đội vô danh.
       Bài thơ là một trong những bài thơ hay viết về đề tài thương binh liệt sĩ, về sự hi sinh thầm lặng của bao người con ưu tú của đất nước trong cuộc chiến tranh.
                                                        Hà Nội, tháng 5 năm 2017

In trên Diễn Đàn Văn Nghệ Việt Nam, số tháng 7/2017
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét