Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

KHI THƠ - TÂM HỒN LÊN TIẾNG,...




KHI THƠ - TÂM HỒN LÊN TIẾNG,...

                        

                              (Đọc tập thơ “Về lại triền sông” - Nguyễn Thế Kỉ)



NGUYỄN HIẾU



Cầm trong tay và chỉ mới xem, ngắm thoáng qua đã có thể khẳng định: Tập thơ “Về lại triền sông” của Nguyễn Thế Kỉ là một ấn phẩm văn hóa tinh thần rất đẹp, rất hoành tráng! Chỉ riêng mặt hình thức, đã đủ thấy tác giả trân trọng như thế nào đối với tác phẩm của mình, nhất là tác phẩm ấy là một tập thơ! Một tập hợp, đúc kết, gom nhặt những bài thơ viết sau bao nặng trĩu tâm tư, trong suốt hành trình thơ vài chục năm - gần trọn hai phần ba cuộc đời. Mà thơ là một thể loại văn chương đầy ắp tố chất trữ tình, thánh thiện, kiêu sa. “Về lại triền sông” đẹp và sang trọng một cách hiện đại, trang nhã không chỉ từ mầu sắc bắt mắt, phù hợp với thơ, sự trang trí, cách làm bìa, dàn trang, bố cục, cấu trúc các phần mà còn ở những minh họa – những phiên bản tác phẩm hội họa đích thực - phù hợp, hòa đồng, gợi cảm, duy mỹ của họa sĩ tài hoa Thành Chương.

Đọc tròn 50 thi phẩm trong “Về lại triền sông”, tôi bất chợt nhớ đến 2 định nghĩa cơ bản về thơ trong từ điển Bách khoa mở (Wikipedia):Thơ là thể loại lấy cảm xúc, trí tuệ  xúc tích được diễn theo hình thức có vần điệu hoặc tự do (không vần điệu)”.Từ điển thuật ngữ văn chương“ (nhóm biên soạn Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi) cũng viết rõ ”: Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm xúc giầu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”. Có thể nói “Về lại triền sông” thể hiện cụ thể, đủ đầy nhất hai khái niệm về thơ vừa dẫn.

Cảm nhận đầu tiên ở tập thơ này là sự đi nhiều của tác giả. Chỉ cần đọc qua đầu đề các bài thơ đã biết tác giả từng đặt chân đến Khau Vai, Cao Bằng, Cần Thơ, Đà Lạt, Trường Sa, Hải Vân, Sìn Hồ, Thụy Điển...Điều này ghi đậm dấu nghề nghiệp làm báo của anh. Tuy đi nhiều, dừng chân trong thời gian không lâu, nhưng dường như ở chỗ nào Nguyễn Thế Kỉ, với sự đa cảm, nhanh nhậy cảm xúc cũng thực sự rung động trước cảnh, tình, thực trạng nơi đó để tìm ra những nét riêng của nơi đến và viết nên những câu thơ hay, đẹp, tạo xúc cảm cho người đọc.
                                                                 Nhà văn Nguyễn Hiếu



-         Đêm qua trong giấc chiêm bao

Có anh lính trẻ giục trâu ra đồng

Luống cầy thao thiết bên sông

Và tung sóng trắng điệp trùng Trường Sa       (Trường Sa)

-         Núi vẫn chon von ngàn năm trước

Hải Vân giờ bỗng hóa cô liêu                   (Qua Hải Vân)

-         Gom nhặt cả điều lầm lỡ

Thành men kỉ niệm chiều nay                     (Khâu Vai)

Tôi có may mắn được không ít nhà thơ và người làm thơ tặng tác phẩm. Đọc họ, tôi mới thấy rõ câu ngạn ngữ nổi tiếng trong văn chương“Văn là người”. Có những tập thơ chất nặng niềm u sầu với những dằn vặt riêng tư; có những tập ắp đầy phản kháng thực tại, trăn trở, nghĩ suy; có tập thơ làm duyên trước tình yêu, sự sống; hay có tập thơ lại nặng suy tư, đúc rút và sám hối... Còn Nguyễn Thế Kỉ trở về những đề tài kinh điển mà dường như nhà thơ nào cũng từng chạm đến. Những đề tài này đã từng làm nên những thi phẩm nổi tiếng. Đó là các đề tài quen thuộc: Tổ quốc, quê hương và những người thân.

Đề tài về Tổ quốc: gần 20 bài. Về vùng quê xứ Nghệ: gần 10 bài, còn về những người thân, là thơ viết về cháu nội, cháu ngoại, chiếm tới 14 bài.

Cảm hứng về Tổ quốc bao trùm ở không ít các nhà thơ và có một nét chung khi đọc các bài thơ thể hiện đề tài này là chất công dân hòa vào tình yêu tha thiết đối với non sông đất nước. Nguyễn Trung Ngạn đời Trần đi sứ sang Trung Quốc, giữa kinh thành Bắc Kinh tráng lệ mà vẫn nhớ đến vị canh cua đồng quê Việt. Puskin, Lecmôntốp giữa chiến trận, nhớ hàng thùy dương bình yên nơi thôn dã nước Nga...Còn Nguyễn Thế Kỉ, ở bài thơ trực diện viết về “Tổ quốc” lại day dứt trước những nguy cơ tiềm ẩn đến sự bình yên của đất nước:

Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc,

Đem quặn lòng máu thịt Hoàng Sa.

Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão

Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà.

Ngay ở những bài thơ “tức cảnh” ghi rõ những nơi tác giả đã đặt chân đến thì những phác họa, những câu thơ làm nổi lên đặc trưng vùng miền thêm một lần khẳng định tấm lòng nhà thơ đối với Tổ quốc. Phải yêu đến độ nào mới viết lên những câu thơ ghi gần hết là địa danh mà người đọc vẫn cảm nhận rõ tình cảm sâu đậm ở người viết:

Rẽ mây lên với Sìn Hồ

Đã nghe Hạn Khuống chín chờ mười mong.

Pu San Cáp cổng Thiên Đừơng,

Bao nhiêu nhũ đá vấn vương tơ trời.

Từ cảm hứng công dân, Nguyễn Thế Kỉ khỏa bút, chạm đến cảm hứng của con người bình thường trong các quan hệ mật thiết với quê hương, với những người thân yêu quanh mình. Đọc nhiều tập thơ, nhưng có lẽ “Về lại triền sông “là tập thơ đặc biệt có dung lượng viết về quê hương, về những người ruột thịt, và nhiều nhất là những đứa cháu nội, cháu ngoại khá tập trung.

Về bút pháp:  nếu đề tài Tổ quốc nổi lên chất trữ tình xen với chất tráng ca, qua những câu thơ hào sảng thì ở đề tài quê hương, thấy nổi lên chất trữ tình pha tự sự, từ những chi tiết đặc trưng, chọn lọc nói lên tình yêu nồng nàn mảnh đất chôn nhau:

Những em gái nồng nàn hơn bếp lửa

Ông đồ tráp đen lắm chữ thánh Hiền.

Nơi những chiếc áo tơi sờn rách...

Quả cà mặn nuôi bao ước vọng

Ấm chè xanh đượm nghĩa xóm làng.               (Xứ Nghệ)

Viết về những người thân, thơ Nguyễn Thế Kỉ đậm đà trữ tình với những chi tiết gạn lọc, khắc họa đau đáu, da diết:

Buổi sáng mẹ thợ cấy

Buổi chiều mẹ thợ cầy

Cha tiếng là “quan huyện”

Nhà hết gạo chạy quanh

Nhở mấy lần say sắn

Ói mặt xanh,mặt vàng...                                 (Mẹ)

Viết về những đứa cháu nội, ngoại không những thi tứ tràn trề dường như không cạn mà còn nổi lên đặc điểm ở chùm tác phẩm này là chất trữ tình thanh thoát, bay bổng lồng vào bút pháp hài hước, hóm hỉnh.

-         Bà nội gọi cháu là Thiên thần!

Bà ngoại: Cục cưng; mẹ Hằng: Na.

Ba Quang Nhật: Chưa tên nào thật thích!

Ông nội cũng vò đầu, cấu tóc!                  (Cháu rượu)

-         Na chẳng hiểu gì cả!

Lại buồn ngủ bỏ xừ!

Ngúc ngắc tìm ti mẹ:

Họ uống, ta cũng tu!                             
     (Lễ chẵn tháng)

Với tập thơ đầu tay, khá dầy dặn như một sự tổng kết con đường thơ sau hơn 30 năm, bên cạnh những kịch bản, lý luận, báo chí... “Về lại triền sông” thể hiện rõ sự đa thanh trong dòng chảy cảm xúc. Dòng chảy đó đã vọt ra từ một tâm hồn nhậy cảm, yêu thươngtrách nhiệm với xã hội, cuộc sống trên hai bình diện công dân và cá nhân con người tác giả. Xin nói thêm: như bộc bạch của Nguyễn Thế Kỉ: khá nhiều bài thơ được sáng tác trên điện thoại, giữa những chuyến xê dịch... Điều này một lần khẳng định phản xạ nhanh nhậy trong cảm xúc chỉ có ở những người dồi dào thi hứng và tràn đầy tình yêu.

Thơ cất tiếng nói hộ tâm hồn là... vậy!



Quỳnh Mai, trung tuần tháng 9/2017. NVNGH.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét