Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Viện bảo tàng BASHO ở Tokyo Nhật Bản





Viện Bảo tàng BASHO ở Tokyo-Nhật Bản
Phần I-  “Basho-an”
                                                                                                                              

           Trong tâm tưởng của những người đam mê Haiku bất cứ ở đâu trên thế giới, hình như ai cũng mong ước có dịp viếng thăm quê hương Basho- người đã phát kiến và tạo lập thể thơ cực ngắn từ Thế kỷ 17 ở đất nước Mặt trời mọc-có một không hai, hiện đã lưu hành trên hàng trăm quốc gia.

Quả thật, khung cảnh tuyệt đẹp, mơ màngcủa “Basho-An” với những bậc thềm đá xanh rêu phủ,có tượng  Ếch đá trên bờ, phía dưới là con suối quanh co róc rách, có mặt ao xưa văn vắt in bóng mây trời, phất phơ vòi dương xỉ, văng vẳng tiếng nước vọt ngày xưa…vẫn là giấc mơ của bao đời Haijin trên thế giới, chỉ ước đến chiêm ngưỡng một lần! Nhân dịp Kỷ niệm 373 năm ngày sinh của Người ( 1644-2017) rất vinh dự được trình bày nội dung văn bản do Viện Bảo tàng Basho cung cấp ấn hành năm 2017 . Xin chúc các bạn thơ Haiku muôn nẻo một lần trong đời,có dịp ghé thăm miền mơ ước ấy.


VÀI DÒNG LỊCH SỬ 

                        “Koto Ward” -Thành phố của” Tĩnh lặng-cây xanh-nước biếc” hiện diện thường trực trong suốt cuộc đời Matsuo Basho-người đã cống hiến lớn lao cho nền Văn học Nhật Bản. Năm 1680, Basho rời Nihonbashi ở Edo (nay là Tokyo) ngụ trong  túp lều tranh ở Fukugawa cách địa điểm trên không xa, ngay giữa trung tâm thành phố. Buổi ấy, Fukagawa còn là một vùng lầy lội, tĩnh mịch và cây chuối do đệ tử trồng làm cảnh bên túp lều thầy mọc xum xuê đến nỗi người ta gọi nơi này là “Basho-an” /”Am-cây -chuối” và Basho trở thành bút hiệu mà Cụ rất thích từ đó. Fukagawa vừa là nơi cư ngụ thường nhật cũng là chốn đi về sau những chuyến viễn hành dài ngày của Cụ, nơi thảo nên những tuyệt tác để đời. Chính nơi này đã hình thành thể thơ mà ngày nay có tên là Haiku.Tại đây, Cụ ngồi viết hầu hết những tập du ký, trong số đó có cuốn”Con đường hẹp lên miền Bắc sâu thẳm”. Chúng ta đã biết sau khi Cụ mất ,“ Basho -An” được gìn giữ như là địa danh lịch sử cùng với dinh cơ của Gia tộc Võ Sĩ Đạo đã nuôi dưỡng Cụ buổi thiếu thời.Tiếc thay, nơi này đã biến mất cuối Thế kỷ 19.Sau trận Đại Sóng Thần năm1917 cuốn sạch vùng này,tượng ẾCH đá to đẹp nghe nói người mến mộ đã tạc tặng Cụ  thời  còn ở đây  -mới được phát hiện , nay đặt ngay trước cửa vào Thư viện, rất may vẫn còn nguyên vẹn.Năm 1921 ,Chính quyền Thủ đô Tokyo đã phê duyệt vùng” Tokiwa 1-3” này là địa danh lịch sử của“Basho-An” Tuy nhiên chốn này quá nhỏ hẹp ,không đủ để tái tạo quang cảnh như xưa.Sau nhiều nỗ lực, khuôn viên đã được mở rộng hoàn thiện như hiện nay.Ngày 19 tháng 4 năm 1981-sau 287 năm kể từ ngày Cụ qua đời, tại đây đã khai trương Viện Bảo Tàng Basho – một trung tâm Nghiên cứu văn học quốc gia, nơi diễn ra những cuộc hội thảo quốc tế về thơ Haiku.

                                                                             ***

                Chúng tôi –dịch giả  Lê Thị Bình và tôi, người viết bài này -may mắn  được đến thăm địa danh lịch sử này mùa thu năm 2015 đúng ngày 2/9, nhân dịp dự Đại hội Haiku Quốc tế WHA lần thứ 8-Tokyo. Chúng tôi đã được vinh dự tặng Viện Bảo tàng này Tuyển tập Haiku Việt song ngữ Việt-Anh "Hoa Bốn Mùa”của Haiku Việt và tập ”Trăng Bùa” 4 ngữ (của ĐNH). Hai nhà thơ Minh Trí và Hải Quỳnh (Hải Phòng) cũng vinh dự được đến đây tháng 4 năm 2017.         

            “Koto Ward”- Tuyệt vời! Một lần hạnh ngộ, không thể nào quên. Ngay ngõ vào, xạc xào khóm chuối cảnh xanh tốt đang độ trổ hoa. Nơi đây có suối bốn mùa róc rách, có "Ao xưa" trong vắt, bóng dương xỉ rập rờn với mây trời soi bóng nước:

“Khóm chuối xạc xào

 chào mừng

 khách lạ”

 Và đây, hằng mơ ước-nơi xuất phát khúc thơ thần:

“ Ao xưa

 gương nước

 mây lộng bóng Người”

Rồi xúc động nhất là sau khi trèo lên mấy chục bậc đá rêu phong lên Basho-An:

“Bậc đá quanh co

 lối mòn

 Am cỏ”

  

Rồi soi mình lộng bóng mặt ao xưa -nơi chú ếch huyền thoại từng nhảy vào làm tia nước tóe-ta sẽ rất ngạc nhiên được chiêm ngưỡng” Basho-An” có tượng Cụ-vị Đại sư Basho ngồi ngay dưới đất,trước mặt là chiếc bát khất thực trống không–nét mặt dịu hiền thoát tục:

“Cụ ngồi ngay dưới đất

 bát khất thực

nắng vàng”

Tịnh không có bệ thờ, không đèn, hoa, hương khói, chuông trống,  phượng, rồng.

“Không

tượng đài

 hương khói”

Vâng, chỉ thanh bạch một ngôi thảo am 9m2 đơn sơ, mái rạ.Và mấy tảng đá hoa cương rêu phủ trong vườn khắc mấy khúc  Haiku nổi tiếng của Cụ bên rặng lệ- trúc la đà. Không tòa ngang, dẫy dọc đồ sộ, xa hoa. Chỉ khuôn mặt hiền từ, thánh thiện nhìn ta. Mình bỗng  lâng lâng niềm vui khó tả của cậu học trò nhỏ đến thăm Thầy, những thời xưa xa-xa lắm!

  bỗng thấy vô cùng hạnh phúc, lâng lâng tự hào như kẻ hành hương suốt đời mơ ước- chỉ một lần, thăm thánh địa Haiku…

Trích “Nhật ký Tokyo”2015.

 Hà Nội 2017

Ngõ bằng lăng, tiết Lập thu

 ĐINH NHẬT HẠNH

*******************

Tư liệu tham khảo: Basho Museum-Tokyo 2017

Mời xem tiếp “Biên Niên Sử Cuộc Đời và Sự nghiệp Basho”




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét