Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

BẠN CÙNG THỜI ĐẠI HỌC - VŨ NHO

BẠN CÙNG THỜI ĐẠI HỌC - VŨ NHO

                                                      GS.TS. Lộc Phương Thủy

lc_p._thy

Tôi và PGS-TS Vũ Nho là bạn Đại học cùng khóa, có cùng một xuất phát điểm thuộc diện “ngang ngửa”: nếu như tôi là một đứa người rừng, từ đất Sơn La “âm u, núi khuất trong sương mù” xuống phố nhập học, thì anh từ tỉnh “đồng quê” vào Đại học, có nghĩa cả hai chẳng phải “con nhà nòi”, con ông này bà nọ, cũng chẳng phải từng là học sinh các trường phổ thông lừng lẫy…Thuộc những sinh viên khóa đầu tiên (1966-1970) của Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc đóng tại Thái Nguyên, chúng tôi đã trải qua bốn năm Đại học“chẳng giống ai”! Khi chúng tôi nhập học, không hề có cái gọi là “trường”, “lớp”. Khoa Văn của chúng tôi có hơn 100 người, số nữ chỉ có 23 người, không đông áp đảo như ở Khoa Văn thuộc các trường Đại học Sư phạm về sau này. Từ những ngày đầu tiên, thầy trò được xếp về ở trong các nhà dân, công việc của sinh viên chưa phải là học hành, sách vở mà là lao động, vào rừng chặt cây, tre, lá về làm lớp để học, đào hầm tránh bom, làm nhà để ở, phá đất trồng rau để tự túc… Khi chúng tôi học xong năm thứ nhất thì công việc làm nhà, đào hầm lại được tiếp tục, để đón các em sinh viên Khóa thứ hai, rồi Khóa ba…vào nhập học. Đời sinh viên cứ như vậy trôi qua bốn năm trong khó khăn, thiếu thốn, nhọc nhằn, nhưng rất nhiều kỷ niệm ấm áp, khó quên…Rồi cũng đến ngày tốt nghiệp Đại học, tôi và Vũ Nho cùng hai anh nữa (Bàn Tiến Tân và Bùi Phú Hảo) được giữ lại làm Cán bộ giảng dạy của Khoa.

Những năm đầu tiên làm cán bộ giảng dạy trẻ tại Khoa văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc của chúng tôi chỉ chiếm một khoảng thời gian không dài, nhưng lại là một điểm tựa vững vàng để chúng tôi có cơ hội tiến xa hơn trong cuộc đời. Cả tôi và Vũ Nho đều thầm biết ơn và cũng nhân cơ hội này xin được gửi lời tri ân sâu sắc và chân thành tới những thầy cô đi trước ở Khoa Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc, Ban lãnh đạo Khoa đã tạo điều kiện cho những người trẻ chúng tôi thửa ấy có dịp bay xa. Tôi và Vũ Nho, người trước, người sau đã vượt kỳ thi cho các nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài và cùng có những năm “oánh nhau” với luận án Phó tiến sĩ ở Liên  Xô (về Việt Nam sau một thời gian, chúng tôi thành Tiến sĩ). Cũng nhân dịp này chắc Vũ Nho sẽ đồng ý với tôi là cả hai phải xin “tạ tội” trước Khoa và Trường về việc chúng tôi đã không có điều kiện phục vụ Khoa, Trường lâu dài, bởi hoàn cảnh gia đình nên đã “can tội” rút về xuôi!

Xin được tiếp tục câu chuyện nhỏ của hai tên bạn đồng môn. Tôi sang Liên Xô trước, suýt bị đuổi về vì không biết tiếng Pháp, tiếng Nga chỉ được đào tạo cấp tốc 1 năm ở Trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân (mặc dù học rất chăm, kết quả luôn được xếp vào tốp đầu của lớp), thế mà cũng “đòi” làm luận án Phó tiến sĩ về Văn học Pháp! Thế rồi, trong không khí tình hữu nghị thắm thiết Việt Xô thời ấy, thầy hướng dẫn tôi về sau này đã tìm cách để có thể giữ tôi lại, một “con bé Việt Nam” (lúc ấy tôi 28 tuổi) từ  một đất nước còn đang có chiến tranh, chồng là bộ đội, phải đểlại con nhỏ ở Việt Nam sang Liên Xô học hành! Tôi đã không phụ lòng ông, một Giáo sư già với tấm lòng đôn hậu đặc trưng cho dân Liên Xô thời ấy, một người đã từng trải qua chiến tranh, nên rất hiểu cho những hoàn cảnh của các gia đình bộ đội! Tôi đã bảo vệ luận án trước hạn 5 tháng cùng với sự hài lòng của thầy hướng dẫn. Vũ Nho cùng bạn bèđã động viên, chúc mừng tôi rất nhiều và tôi rất biết ơn các bạn vì điều đó.

Vũ Nho về nước sau tôi (tôi về nước năm 1981), nhưng vẫn vào thời kỳ đất nước khó khăn vô cùng. Chuyện cái ăn, cái mặc với mọi người, với các gia đình là chuyện nhọc nhằn, đau đầu nhức óc. Tôi còn nhớ, về nước được một thời gian, khi đã ổn định công việc tại Hà Nội, tôi đến thăm gia đình một người bạn. Chị từng dạy Đại học, khi về Hà Nội xin được vào Trường Thăng Long nổi tiếng, anh chồng cũng thuộc diện trí thức xịn (dạy Đại học), cả hai vợ chồng đều là dân Hà Nội gốc, thế mà hôm tôi đến chơi, vừa vào cổng nhà chị đã thấy chị vội vàng, lật đật chạy ra cất hết quần áo phơi ở sân. Bạn bè lâu ngày gặp nhau nên chuyện này chuyện nọ cứ đan xen, nối tiếp, tôi cũng không để ý chuyện đó. Mãi về sau này nhiều năm, chị bạn mới “khai” thật là hôm ấy chỉ sợ tôi (là dân mới đi nước ngoài về (!) nhìn thấy cảnh đau lòng và xấu hổ của cuộc sống người Hà Nội những năm 80 của thế kỷ XX, đó là những chiếc quần đùi vá chằng chịt trên dây phơi! Vào những năm khó khăn ấy, tôi và Vũ Nho thỉnh thoảng có gặp nhau, chính xác hơn là anh đến nhà tôi chơi ở Khu tập thể Bách Khoa, vì thời ấy tôi đã có một chỗ ở, “nhà riêng” hẳn hoi, một căn hộ 26m2 trên tầng 4, còn Vũ Nho vẫn thuộc dân “nằm bàn”! Chắc những người cùng thế hệ thất thập như chúng tôi đều biết khái niệm “nằm bàn” để dành cho các cán bộ Nhà nước chưa có nhà sẽ được “nằm tạm” trên bàn làm việc ở cơ quan khi đêm về, nhiều khi cái thời gian “tạm” ấy kéo dài đến vô tận…Chắc là những người có thời gian “nằm bàn” sẽ có nhiều kỷ niệm “khó phai” và là đề tài cho những câu chuyện khác. Còn câu chuyện của chúng tôi đọng lại ở một khoảnh khắc cũng “khó phai”, đó là sau một lần đến chơi nhà tôi ở Khu tập thể Bách Khoa, khi Vũ Nho về tôi tặng anh “hẳn” một chai nước mắm. Món quà “đáng nhớ” ấy đã được Vũ Nho nhắc đi nhắc lại hơn một lần để nhớ lại một thời khó khăn thiếu thốn!

Suốt mấy chục năm quen biết nhau (nếu tính từ năm 1966, chúng tôi là sinh viên năm đầu tiên cho đến nay là 55 năm) tuy cùng học, nhưng sau này mỗi người một cơ quan, công việc khác nhau. Thật ra, công việc của tôi và Vũ Nho gần giống nhau là “ngâm cứu”, viết sách và dạy học. Chỉ có điều anh khác tôi bởi sự chăm chỉ, chuyên cần, chịu khó “ra” sách thường xuyên, rất “mắn”! Bạn đọc các thế hệ cảm ơn anh, một tác giả đam mê với chữ nghĩa, sách vở, say mê với nghề chữ khó khăn nhọc nhằn, nhưng lại có thể mang đến những nỗi sung sướng, những niềm vui, những cảm nhận sâu sắc về con người, về nghề nghiệp, về cuộc sống quanh ta.

Riêng cá nhân tôi, nhân dịp này cũng xin cảm ơn anh, vì anh đã dành cho tôi những lời viết chân tình và nồng ấm trong một bài báo nhỏ, từ năm 2002 với nhan đề gây tò mò “Người đành bà Tày chiếm lĩnh văn Tây”.

Đối với chúng tôi, những người bạn già đã từng cùng là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc ngày xưa, cuộc sống giờ đây đã theo một nhịp khác, sống chậm hơn, nhưng thời gian dường như lại đi nhanh hơn. Mỗi năm, chúng tôi cố gắng gặp nhau một đôi lần, để hỏi chuyện nay, để ôn chuyện xưa và cầu mong chúc nhau mọi sự tốt lành. Nhân dịp này, chúc ông bạn đồng môn Vũ Nho luôn mạnh khỏe, luôn yêu đời và hạnh phúc!

                                                     Hà Nội, 2021

Trích từ cuốn “ Vũ Nho – Trên sóng & Trong lòng bè bạn”, đang in.

hoa-sen-phat

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét