Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

NGÀY ĐẦU Ở LÀNG ĐIỀM

 


NGÀY ĐẦU Ở LÀNG ĐIỀM

                  TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI                                                                  

 


Nhấc chiếc nón kết khỏi đầu cho làn gió sớm mai dào dạt tự Sông Nguồn mặc sức thổi tung mái tóc, tôi nhẩn nha từng bước ngắn giữa mặt đê cao lừng lững. Tới một ngã ba áng chừng dẫn vào làng Điềm, tôi đổ dốc đi tiếp theo con đường bê tông rộng chừng ba mét. Dưới chân dốc gặp hai cô gái ngược chiều tay cầm liềm, vai quảy đôi quang không, tôi đoán họ ra bờ sông cắt cỏ. Một cô cố ý để đầu đòn gánh khẽ quệt vào ba lô tôi rồi cất tiếng líu lo như chim hót, có vẻ muốn tôi nghe được:

- Con giai Sài Gòn ngon thơm như múi mít, tao xí phần rồi đấy mày.

Chà chà, con gái làng Điềm bạo ghê. Vậy là họ đã biết tôi. Cái tin tôi về làng Diễm hôm qua chả hiểu bằng cách nào đã lan sang làng Điềm nhanh vậy.

Tôi nhận ra cây đa cổ thụ đầu làng Điềm. Bà tôi bảo ngày xưa cổng làng xây bằng đá tổ ong cạnh gốc đa, đến thời hợp tác xã, máy cày ra vào không tiện, nên phá bằng địa rồi. Trông thấy tôi từ xa, một ông già đang ngồi bên gốc đa đi vội ra đón. Ông xưng là chú rồi giang rộng hai cánh tay run run cảm động xiết chặt  lấy vai tôi. Tự nhiên hai mắt tôi rưng rưng dâng đầy nước mắt. Những giọt nước mắt ấm nóng đầu tiên tôi rỏ xuống mặt đất quê hương. Chú họ tôi mặt rỗ hoa, trạc tuổi cha tôi, dáng người xương xương trong bộ quần áo màu nâu may kiểu thời các cụ ngày xưa. Trên đường về nhà, chú hỏi:

- Bố cháu gọi điện báo cho chú cả nửa tháng nay, sao giờ cháu mới về đến quê?

- Dạ, cháu muốn lang thang cho biết đó biết đây ạ!

- Thời bằng tuổi các cháu bây giờ, chúng tôi cũng đi từ bắc vào nam, từ nam lại ngược lên biên giới phía bắc với cây súng trong tay. Mắt căng ra cảnh giác nhìn bụi rậm, nhìn bầu trời luôn xen xẹt những đường đạn lửa. Chớp mắt là bị nó đòm liền. Nó chớp mắt thì mình đòm nó. Sống chết cách nhau chưa đầy gang tay cháu ạ.

Dẫn tôi chui qua cái cổng tường vôi lở lói, chú bảo: Nhà chú đấy, vẫn y nguyên như ngày bà cháu bỏ làng vào Nam ở cùng bố cháu. Tôi thoáng nhận thấy cơ ngơi của chú, ngôi nhà cổ năm gian lợp ngói mũi hài thâm mốc. Phía đầu hồi quay ra vườn yên vị một bể nước mưa khum khum vòm nắp bán nguyệt che lá rụng. Hai cây cau đứng hai đầu bể thân mốc meo trắng phếch. Căn bếp nhỏ vuông góc với đầu hồi bên này, cửa mở toang, trong đó bừa bộn rơm rác lẫn đàn gà choai choai đang chen nhau bới tung lên, chẳng biết chúng kiếm được những gì. Tất cả đều cũ kỹ in dấu thời gian xa lắc. Cả khu vườn nhà chú cũng thật cổ kính với nhiều cây ăn trái già nua rậm rì cành lá xanh, vàng xếp tầng tầng đổ bóng mát  rượi và thinh lặng. Văng vẳng tiếng chim cu cườm ngân nga từng hồi từ nẻo vườn ai. Được sống ở nơi này thật vô cùng thú vị. Một thoáng bâng khuâng hoài niệm, tôi thấm thía thương bà tôi phải theo con cháu sống những năm cuối đời bức bối giữa bốn bức tường ồn ào phố xá. Chú tôi tự tay múc nước mưa trong bể bằng chiếc gáo dừa đổ đầy chiếc thau đồng vàng óng bảo tôi rửa mặt. Tôi thỏa thích khum hai bàn tay vã từng vốc nước mát lạnh vào gáy, vào mặt mình. Mùi hương hoa cau thơm thoảng hòa tan trong nước thấm dần dần vào da mặt, vào chân tóc tôi. Có phải đấy là mùi vị quê nhà xao xuyến năm xưa bà tôi từng mỗi ngày thổi vào hồn tôi mỗi lần trò chuyện?

Khi hai chú cháu đã ngồi đối diện trên hai chiếc trường kỷ đen bóng nước thời gian, chú nhỏ nhẹ tâm sư: Thím cháu mất đã mươi năm rồi. Thằng cả nhà chú đóng quân ngoài hải đảo chả biết ngày nào được về đất liền. Vợ nó dạy học, nhà ở riêng gần trường trong xã. Thằng hai, là cái thằng Phương đã vào thăm nhà cháu mấy lần ấy, nó đang học năm thứ ba đại học. Còn thằng út, hết chiến tranh biên giới phía Bắc, chú phục viên mấy năm sau mới tòi ra nó. Nhưng mà khổ lắm cháu ơi, nó bị nhiễm chất độc da cam từ chú. Hai chục tuổi rồi mà ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng ra hồn người.

- Mẹ thằng mặt rỗ tổ gan, mẹ thằng mặt rỗ tổ gan. Tôi nghe âm vang tiếng người mà sao oe óe như tiếng con chim nhồng dấm dẳn từ ngoài cổng vọng vào. Chú tôi thiểu não đứng vội lên: Đấy nó đấy cháu ạ. Mờ sáng đã đi đâu, giờ mới mò về. Cháu thấy chú có khốn khổ không? Đã đến nông nỗi này mà có đứa còn độc ác dạy thằng bé câu chửi bất nhân ấy. Tôi theo chân chú, giật mình thấy môt thằng người to xác, quần áo lấm lem bùn đất, mặt mũi trắng trẻo nhưng hai con mắt mở trừng trừng như hai con ốc nhồi lồi quá nửa ra ngoài hốc mắt, tưởng như cử động mạnh một chút là rớt cái  bộp . Nhưng mà nó gần như bất động, cả hai  lòng trắng và hai con ngươi đen nhánh thô lố vô hồn trừng trừng chẳng hướng vào đâu. Chú tôi coi bộ chân tay khẳng khiu vậy mà lấy ở đâu ra hơi sức lôi nó sềnh sệch ra ngoài giếng. Tôi phụ múc nước, ông đổ ào ào kì cọ cho nó như kì cọ con lợn cạo lông béo núc. Thay quần áo rồi, nó ra ngôi thu lu đầu hè, hiền khô, môi chúm chúm liên tục xịt ra từng miếng nước bọt mạnh như súng đồ chơi trẻ con bắn nước. Có con thạch sùng xớ rớ bò bò trên cành mãng cầu trước mặt, nó xịt một phát trúng đầu ngã lăn quay, cuống cuồng lật mình chạy biến vào đám cỏ. Nó chố mắt hướng theo, bất thần đạp choi choi hai bàn chân xuống nền gạch rồi vô tư cười nghiêng ngả. Cười mà nghe giống tiếng con nhồng oe óe nhại tiếng người cười . Tôi đến ngồi bên rồi quàng tay ôm vai nó. Nó chẳng có chút phản ứng gì. Thật là đau xót. Cùng anh em ruột thịt mà chẳng biết tỏ một cử chỉ thân tình. Ở Làng Điềm này có bao nhiêu đứa trẻ con lớn xác tội tình như nó?

Mươi năm trước chú tôi dốc hết vốn liếng mua chiếc máy cày loại nhỏ. Một năm ba vụ chú lái máy làm thuê trên những mảnh ruộng con con một hai sào cho nhiều hộ trong làng. Hết vụ cày bừa, chú kẽo kẹt chở thuê đủ thứ. Thu nhập chẳng nhiều nhặn gì  nhưng thêm khoản lương hưu với chế độ phụ cấp chất độc da cam, cũng tạm đủ cho thằng Phương ăn học và thằng út tật nguyền có được cuộc sống no đủ. Nhưng vài năm nay chú không còn sức cho chiếc đầu máy ấy hằng ngày vật vã sóc sóc nẩy nẩy nữa rồi. Bây giờ, mỗi kỳ nghỉ hè, hoặc nhà trường cho nghỉ dăm ba bữa, thằng Phương về nhà tranh thủ thay bố nổ máy pằm pằm rong ruổi kiếm tiền. Chiều muộn tôi mới nghe pằm pằm ngoài ngõ, biết nó đã về. Đã gặp nó mấy lần trong Nam, hôm nay, ngay phút đầu tiên, tôi  hết sức ngỡ ngàng trước một thanh niên cường tráng, đậm vẻ lam lũ nắng mưa, riêng đôi mắt có vẻ như già trước tuổi, chưa đủ thâm trầm nhưng trăn trở ưu tư lộ rõ. Đặt nó đứng giữa các bạn học, chắc chả mấy ai nghĩ nó đang tuổi sinh viên. Bữa cơm chiều của bốn người đàn ông trôi qua chóng vánh. Không có bàn tay đàn bà nội trợ, mâm cơm nhà chú tôi đơn giản đến nao lòng. Thằng út bê một tô đầy tú ụ dùng thìa lùa cơm như sợ ai ăn mất. Chú tôi gắng lắm mới được hai lưng chén. Ăn xong ông khoác lên tấm thân gày gò chiếc áo bộ đội cũ nói rằng đi họp cựu chiến binh. Thằng Phương và tôi ngồi ngoài thềm hè uống nước trà giữa vũng trăng vàng đang lên lênh loang. Nó rù rì: Làng mình bây giờ buồn tẻ lắm anh ạ! Cứ qua tết mấy ngày là số ít thanh niên đi học xa, số nhiều khoác ba lô lên tầu tỏa vào các thành phố lớn sáng sáng xếp hàng đứng đợi ở những chợ lao động, một số số may mắn được làm công nhân cho các ông chủ nước ngoài. Mà không vậy thì mỗi hộ được mấy sào ruộng tí hin, quơ tay nửa tháng đã hết việc đồng, ở nhà để chết đói cả lũ sao? Bây giờ ra đường chỉ gặp không ông bà già lẩy bẩy thì bầy trẻ nhỏ nhếch nhác đến trường. Chiều chiều, các mụ sồn sồn có chồng đi Đài Loan, Hàn Quốc trong túi xột xoạt mấy đồng Uôn, đồng Tệ tí tởn gọi nhau tụ họp đú đởn, gai mắt lắm. Anh nên ở quê lâu lâu một chút, sẽ thấy ra nhiều vấn đề cần phải đổi thay, không thì… Thôi để sau này anh em mình bàn bạc, còn bây giờ đi với em ra nhà văn hóa làng xem chiếu phim miễn phí đội lưu động về phục vụ. Nói rồi nó nẹt thằng em: Bỏ nhà đi đâu, bố về đánh chết. Tuy vậy nó vẫn không quên khóa cổng cận thận trong lúc thằng em đứng lấp ló bên trong, hai con mắt thao láo nhìn theo và cái miệng chum chúm không ngớt eo éo tiếng con nhồng: Mẹ thằng mặt rổ tổ gan.

Tới ngang cửa căn quán thâm thấp mập mờ chăng đầy dây dèn xanh đỏ nhấp nháy, Phương bảo: Anh em mình vào làm ly cà phê đã. Quán cũng có mấy em tiếp viên mặt bự phấn, môi chon chót đỏ như ở thành phố. Cà phê thì chả thấy mùi thơm, nhấp một ngụm đắng nghét vị bắp rang cháy khét. Tới lúc anh em tôi nhấp nhổm định đi tiếp, một anh mặc bộ đồ bộ đội nhàu nhĩ ngồi cách mấy bàn tiến đến, miệng hỏi: Ê Phương! có phải đây là thằng nhóc con ông tướng nổi tiếng làng mình không? Quay sang tôi, anh tiếp: Xin giới thiệu tớ là thằng Đó con lão Nơm chết tiệt, cháu ông Hiếng thọt ngày xưa cũng nổi tiếng một vùng ra phết đấy. Nói rồi anh vung cánh tay cụt lủn chỗ khớp xương cổ tay dứ dứ vào khoảng không trước mặt. Gặp ánh mắt tôi dò hỏi, anh giải thích: Đếch phải thương binh đâu chú em ạ. Bị cái máy tuốt lúa cổ lỗ thời hợp tác nghiến nát đấy. Nó nghiến chỉ một bàn tay thôi nhưng chẳng khác gì đã nghiền nát một đời tao. Buông ra câu đầy vẻ chán đời giận dữ ấy xong, anh xuôi xụm hai vai, bàn tay còn lại nhẹ nhàng đặt lên vai tôi giọng chùng hẳn xuống: Phương, mày đi với con bồ bí thư xã đoàn của mày đi, nó đang nóng đít chờ mày đấy. Còn thằng em này để đấy cho tao. Nếu gia đình nó năm ấy không chuyển vào nam thì chúng tao đã là anh em thân thiết nhau tự lâu rồi. Thằng Phương đi rồi, anh Đó kéo tôi sang ngồi cùng bàn với mấy thằng choai choai tóc nhuộm hoe hoe xanh đỏ. Chúng gọi anh Đó là đại ca. Một đứa thì thầm: Đại ca, có phải chiêu đãi người anh em này không, đệ theo dõi con oắc oắc nhà lão kiểm soát vừa đủ sáu bát đang thì ngon chảy nước miếng. Anh Phương phảy tay: Để dành đấy. Chúng mày phắn đi, tao có chuyện riêng với chú em tao.

Còn lại hai anh em, anh Đó hạ giọng: Tao bị tàn phế, hợp tác chả cho một xu trợ cấp. Mọi cơ hội vào đời mất sạch. Bạn tao đứa học lên cấp ba rồi vào đại học, đứa công nhân lương tháng chục triệu. Đến con đường vào bộ đội rồi kiếm tí công nhân quốc phòng để thoát cái đời thằng nông dân chân đất mắt toét cũng không có cửa. Tay cụt lủn thế này, lại học vấn lớp ba quáng gà hỏi làm được việc gì cho ra dáng đàn ông một tí? Ba mưới mấy tuổi đầu rồi vẫn trơ cái thân cụ trên răng dưới dái, đám con gái làng đứa sứt môi lồi rốn  cũng chê tao, cả làng chửi tao bụi đời. Phải, tao chưa cầm dao ăn cướp là may đấy. Ờ mà thôi nói chuyện này buồn lắm. Chú mày còn ở quê lâu lâu, anh còn hé cho biết nhiều chuyện làng này có lắm cái hay vô cùng. Thôi anh em mình đi ra nhà văn hóa làng đi, đi để biết làng mình đang sống như thế nào em ạ.

Chúng tôi đến chỗ gọi là để sinh hoạt cộng đồng. Hai bên cổng, hai ngọn đèn cao áp treo đầu cột sắt đủ tỏa ánh sáng khắp cái sân đất rộng vừa phải. Trong sân đã đứng ngồi lố nhố khoảng vài trăm người. Đa phần trẻ con, thanh niên trai tráng rất ít. Chiếm số đông vẫn là thanh nữ. Họ đi từng toán vài ba người, bá vai bá cổ chuyện trò líu tíu. Chưa chọn được chỗ đứng đã có cô gái hai mắt long lanh phản chiếu ánh đèn sán đến bên anh Đó nói tỉnh bơ:

- Anh Đó có cục cưng mì chính cánh ở đâu mới tậu được vậy, giới thiệu cho em đi?

- Sì… của này không đến lượt em đâu. Có đăng ký nhận anh Đó làm chồng thì xong ngay?

Cô ta rười ré bỏ đi, sau khi bỏ lại một câu kéo dài từng âm tiết: Chả dám đâu, có mà chị Ló xé xác em ra, sợ lắm. Cô gái bạo dạn này vừa lẩn vào đám đông, ngay tức thì, mấy chị vào loại cưng cứng tuổi, nhưng mà coi bộ hơi bị mỡ màng, nhún nhảy  kéo tới vây tròn quanh anh em tôi. Tôi cảm thấy mấy luồng hơi thở nóng hổi nhột nhạt ngay sau gáy.  Một chị eo lưng tròn lẳn đứng sát bên hông anh Đó. Anh tỉnh bơ đưa bàn tay lành lặn xoa xoa mấy vòng vào đôi mông nây nẩy của chị ta chìm trong vũng tối mờ mờ. Tôi chả thấy chị phản ứng gì, lại còn rướn người cho đôi môi ghé sát tai anh Đó thì thào: Khỉ gió cái anh này, không sợ người ta trông thấy hay sao? 

Chương trình chiếu phim chẳng có gì hấp dẫn, hai chúng tôi ra bỏ ra về. Dừng  trước cổng nhà chú tôi, anh bảo: Con mẻng lúc nãy là con Ló nổi đình đám làng Điềm đấy. Chồng nó đi Hàn Quốc làm thuê trên tầu đánh cá, bị chết đuối đã hai năm rồi. Được món tiền bồi thường nhân mạng kha khá. Giờ coi bộ nóng máy lắm.

Đêm đầu tiên tôi được ngủ giữa ngôi làng quê cha đất tổ. Cảm giác cứ lâng lâng như nằm trên sóng Sông Nguồn. Chung quanh yên tĩnh đến lặng tờ. Bên nhà hàng xóm, có ai tắm khuya, tiếng dội nước và tiếng gầu va vào thành giếng lanh canh nghe vang xa. Chú tôi thở đều đều, nhưng mà ông trở mình liên tục, tấm rải giường khẽ kêu ràn rạt. Giường bên kia, thằng Út thi thỏang lại ré lên: Mẹ thằng mặt rỗ tổ gan. Tôi mở mắt nhìn đình màn, càng khua bóng tối càng đặc quánh. Tới khi chìm được vào giấc ngủ thì lại lạc vào những cơn mơ có những hình ảnh mơ hồ chen chúc nhau chẳng gợi nên ý niệm gì rõ rệt. Lúc giật mình thức dậy bởi tứ phía tiếng gà ó o thi nhau rộn rã, tôi nhìn đồng hồ mới bốn giò rưỡi. Vẫn bên nhà hàng xóm đang chu lên những tiếng kêu ằng ặc của con chó bị xích cổ lẫn trong tiếng cụ già vừa ho vừa khàn khàn đe nẹt: Còn sớm, đòi thả ra cho bọn chúng bắn súng điện lôi đi à. Chó thì ban đêm phải thả rông cho nó coi nhà chứ, tôi thắc mắc. Mãi mấy ngày sau, theo chú tôi vào thăm mấy nhà anh em, thấy con chó nào cũng bị cột vào một góc rất kín, cả những con mèo cũng bị xích cổ, hỏi mới biết trong làng có bọn trộm chó trộm mèo nhanh như chớp. Trông giữ kỹ vậy mà hơi xểnh một chút đã bị bọn gian manh hô biến nằm trên bàn mổ của mấy quán tiểu hổ rồi.

Tôi khẽ lách qua cánh cổng rồi khóa kỹ như thằng Phương khóa buổi tối qua. Quay mặt hướng bờ đê chầm chậm chạy. Đường làng chưa có bóng người. Sương buổi sớm mong mỏng êm ái sượt qua người tôi lành lạnh. Bên tai tiếng gió Sông Nguồn nhè nhẹ tạo cảm giác vô cùng sảng khoái. Sắp ra khỏi luỹ tre cuối xóm, nghe không gian dâng đầy điệu nhạc sóng xô nhau rào rạt thì tôi bắt gặp một bóng người luồn êm từ hai cánh cổng sắt khép hờ bước ra. Người ấy lắp nhắp chạy từng bước ngắn trước tôi, hai tay ve vảy. Tôi nhận ra một cánh tay cụt lủn giơ cao như muốn đấm ai. Tôi chạy rướn lên đuổi kịp anh Đó. Nhận ra tôi, anh khẽ huých vào hông, nhếch mép: Nhà mẻng Ló tối qua mày biết rồi đấy, coi như chẳng thấy gì nhá, chú em.

Chúng tôi cùng chạy lên mặt đê. Trước mắt tôi, Sông Nguồn trong buổi sớm mai đẹp một cách trang nghiêm, nguyên thủy. Sương như sữa loãng không dày không mỏng bay là là trên mặt sóng. Một đoạn mặt sông ưỡn cong, trăng trắng, mờ mờ như người con gái ngái ngủ, trễ nải phủ hờ tấm khăn voan lên tâm thân kiều diễm ngọc ngà. Bao giờ đứng trước những dòng sông mênh mang, thâm tâm tôi cũng dâng lên niềm thành kính gần như sợ hãi. Tự đáy lòng cứ len vào ý nghĩ mơ hồ tiếc nuối một cái gì đấy đang mất đi không gọi được nên lời. Như sáng sớm nay, tôi trầm tư nuối nhìn cánh buồm xa tít đàng kia đang dần khuất dạng, dường như nó đang mang đi bao điều bí ẩn muôn đời để cất vào một miền cổ tích xa khơi nào đấy. Tôi lại nao nao, lại vô cớ buồn buồn.

Ôi! Sông Nguồn, niềm thương nhớ đau đáu của tôi! Vị thần hộ mệnh của tôi! Tôi xin kính cẩn cúi lạy Người.

                                                19/11/2015

product2531506759683

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét