Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

NHỮNG VẦN THƠ GIEO MIỀN NHÂN GIAN

 


NHỮNG VẦN THƠ GIEO MIỀN NHÂN GIAN Sửa

GIỚI THIỆU THƠ TRƯƠNG LAN ANH
([1])

                      TS. BÙI NHƯ HẢI

  1. Tập thơ Người đàn bà mặc chiếc áo choàng(*) mà bạn đọc có trên tay, là kết quả của một cuộc hành trình sáng tạo đầy lặng lẽ của Trương Lan Anh sau những tháng năm trải nghiệm từ hiện thực cuộc sống vui buồn, ân nghĩa cuộc đời, góp nhặt để gieo những vần thơ tươi sáng nơi miền nhân gian lặng thầm một cõi đi - về. Vốn là người sống rất giản đơn, chân mộc, nhân hậu, giàu nội cảm, nên thơ chị không ồn ào như chốn phồn hoa thị thành, không điệu đà kiểu cách, không chơi trò chơi vô tăm tích với giễu nhại, mà đậm chất trữ tình, với những rung cảm bắt nguồn từ tận thẳm sâu tâm hồn vốn bén rễ với tình yêu quê nhà, đất nước, người thân, với những địa danh còn vẹn nguyên hoang sơ, quyến rũ, đậm dấu ấn Trương Lan Anh, sáng trong như dòng nước xanh Ô Lâu huyền thoại, như mùi rơm rạ mùa vàng bát ngát đưa hương.
  2. Chiến tranh và người lính là một trong những đề tài được Trương Lan Anh thể hiện, quan tâm nhiều nhất. Từ trong ngổn ngang, đổ nát của chiến tranh với nỗi đau không lời kết, nhà thơ Trương Lan Anh cũng như những nhà thơ khác, đã cất lên những vần thơ tái hiện lại khúc tráng ca với một thời đau thương của dân tộc. Nhiều bài thơ của chị ra đời, mênh mông như sông trời vô tận - vô tận cả nỗi đau với những Khúc tráng ca trên dòng sông Thạch Hãn, Hoa nở giữa lòng sông, Cánh diều Thành Cổ, Nỗi nhớ, Chiều hành quân, Đồng Lộc ơi,… Hầu như, tên của các bài thơ viết về đề tài này đều gắn liền với tên đất, tên người, với những địa danh một thời máu lửa đã đi vào thơ Trương Lan Anh một cách tự nhiên, kết nên những miền văn hóa tâm linh huyền thoại. Đồng Lộc ơi là một trong những bài thơ tạo nên ấn tượng lớn đối với bạn đọc khi Trương Lan Anh viết về mảnh đất Hà Tĩnh - nơi chị từng sinh ra và lớn lên. Mảnh đất ấy, vốn giàu truyền thống yêu nước, giàu nhân văn đã sinh ra những cô gái Đồng Lộc hồn hậu, anh dũng, chiến đấu đến cùng, không ngại hy sinh tuổi thanh xuân và cả máu xương để quyết giữ non sông đất nước, quê hương:

Bom rơi quanh mình mặc cứ bom rơi

Pháo sáng quân thù soi cho em mở lối

Xe thông đường niềm vui thắng lợi

Em nở nụ cười xanh mãi tuổi đôi mươi

Hình ảnh những cô gái Đồng Lộc mãi sáng soi trong lòng dân tộc, làm hồi sinh sự sống của một đất nước thoát thai từ nô lệ. Các chị như những bông hoa ngát thơm giữa đất trời Tổ quốc yêu thương, mãi đón nhận sự ngưỡng vọng của thế hệ trẻ mai hậu, mãi là niềm tin yêu cuộc sống hôm qua và hôm nay: 

Em mang cho đời niềm tin yêu rất thật

Em mang cho đời sự sống hồi sinh

Em mang cho đời nắng ấm bình minh

Mỗi buổi mai trên quê mình Đồng Lộc

Bài thơ thực sự chạm vào từ tế bào, từng vi mạch khiến tâm hồn ta ngân lên, thức tỉnh như một tiếng chuông chùa vọng về trong khoảnh khắc đốn ngộ, trở thành bản hòa tấu, hun đúc nên giá trị của cuộc sống thanh bình hôm nay.

Hình ảnh người lính, bà mẹ anh hùng,… cũng được Trương Lan Anh khắc họa chân thật, giàu tính nhân văn. Đó là hình ảnh những người lính hành quân nơi núi rừng hoang vu, hẻo lánh đến từ những miền quê khác nhau nhưng cùng chung lý tưởng: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trương Lan Anh đã neo giữ tâm trạng chung của người lính khi phải xa quê hương, gia đình, người yêu và bè bạn. Là nỗi nhớ quê nhà - nơi có bờ tre mái rạ, có giếng nước trong xanh tắm mát buổi trưa hè:

Nỗi nhớ quê nhà bờ tre mái rạ

Giếng nước trong xanh tươi mát ngọt lành

Ôi mạch nước như dòng sữa mẹ

Nuôi tuổi thơ con lớn tự bao giờ

Nhớ những tháng ngày đời lính vất vả, gian lao đã kết thành kỷ niệm khó quên: 

Nhớ lắm những ngày ngụp lặn

Trong ruộng lầy bắt con cá con đam

Trông mặt mũi đứa nào cũng

đen nhem đen nhẻm

Nhoẻn miệng cười hàm răng toát trắng tinh

Nhớ về người mẹ nơi chốn quê chẳng quản lòng, một nắng hai sương, tần tảo sớm hôm trên đồng ruộng, nương khoai: 

     Nhớ về mẹ hai sương một nắng

     Cái nhọc nhằn trên hai vai gánh nặng

     Mẹ chẳng quản lòng

Nhớ bóng dáng người em gái nhỏ thân thương “nghiêng nghiêng vành nón trắng”: 

Và trong nắng nghiêng nghiêng vành nón trắng

Bóng người em gái nhỏ quê hương

                                                     (Chiều hành quân)

Hình ảnh những người lính ra đi mãi không về, nằm lại nơi đất mẹ yêu thương để đất nước được thanh bình, ấm no, hạnh phúc. Các anh, các chị dành cả cuộc đời cho quê hương, đất nước được nở hoa. Những cánh hoa thơm ngát thả xuống dưới dòng sông Thạch Hãn như một sự tri ân: 

Tháng bảy mùa hoa nở giữa lòng sông

Đèn hoa đăng sáng rực dòng lấp lánh

Con nước về cho đôi bờ sóng sánh

Cánh hoa nào cũng gửi gió đưa hương

                                         (Hoa nở giữa lòng sông)

Đó là hình ảnh của những người mẹ Việt Nam anh hùng, âm thầm lặng lẽ hy sinh trọn cả cuộc đời cho quê hương, đất nước. Dẫu chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi lăm năm qua, đất nước đã liền da thắm thịt, nhưng những mất mát đau thương của mẹ thì không bao giờ xóa nhòa, khỏa lấp: 

          Chiều nay về Thành Cổ

          Thăm chiến trường năm xưa

          Nơi con đang yên nghỉ

          Mẹ đón con trở về

          Hương trầm bay trong gió

          Đâu đây chốn con nằm

          Con có nghe tiếng mẹ

          Gọi con cháy khô dòng

                                         (Cánh diều Thành Cổ)

Đó là hình ảnh quê hương Quảng Trị đang từng ngày “thay da đổi thịt”, cùng với những miền quê khác trên khắp đất nước đã/đang vững bước tiến vào kỷ nguyên mới: 

Đất nước ba mươi năm trọn vẹn niềm vui

Giờ quê hương đang từng ngày đổi mới

Con đi giữa niềm vui thắng lợi

Vẫn quặn lòng nhớ đồng đội không nguôi

     (Khúc tráng ca trên dòng sông Thạch Hãn)

Thế nhưng, trong niềm vui hôm nay còn lắm những nỗi đau âm ỉ, thầm lặng, xốn xang ở cõi lòng của người. Tất cả vẫn còn đó khúc tráng ca xen lẫn điệu bi ca, những vui buồn, mà dễ mấy ai đã gọi thành tên! Thơ Trương Lan Anh như một miền nhân gian đi - về giữa niềm tự hào và nỗi đau, giữa một thời đã qua và một thời đang tới.

  1. Thơ Trương Lan Anh còn là những miền kí ức chảy tuôn trong thẳm sâu tâm hồn. Những kỷ niệm của một thời cứ ùa về, níu giữ lấy chị, trở thành máu thịt, thành “nết ăn nết ở” không thể nhòa nhạt trước thời gian với bao cơn biến động nhân tình. Ký ức về quê hương Hà Tĩnh - nơi chôn nhau cắt rốn, được chị dành một vị trí rất trân trọng, với những bài thơ nẩy nầm từ ruột gan, từ trái tim thổn thức của một người con gái tha hương. Bài thơ Ơi sông La như chiếc cầu tre bắc ngược, dẫn dắt chị trở về thời thơ ấu, về miền quê yêu dấu luôn đau đáu, luôn ẩn sâu trong góc khuất trái tim mình! Ký ức ngày xưa vọng về, trở lại tuổi thơ “Nơi dòng quê tắm mát thời con gái” với “Ngọt mía đường xanh bãi tít xa xăm”. Nơi “Chiếc cầu bắc qua dòng sông La xanh thắm/Nơi mẹ cha về hò hẹn ngày xưa”, xứ ấy có lời ru thao thiết trong “nhịp nhàng cánh tay ngoại hát đưa nôi” để “Cho con lớn lên hồng hào sức trẻ”,... Hiện tại cuộc sống của chị với bao bộn bề, lo toan cho mái ấm gia đình, nhưng chị vẫn không nguôi khát vọng hướng về quê hương, bởi với chị “Trong giọt máu đào có nguồn mạch sông La”. Trương Lan Anh lưu cửu được hình bóng quê hương, đất nước, hình ảnh mẹ, người thân trong trong trái tin của bạn đọc.
  2. Cảm thức về quê hương khi Xuân về cũng là miền kí ức – như một nguồn mạch chảy tuôn ào ạt trong thơ Trương Lan Anh. Mùa Xuân ấy cũng là sự cảm nhận văn hóa phương Đông trong những ngày Tết với tình người, tình quê, giao cảm với tình yêu thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá: 

Mai nở xuân vui đón nắng hồng

Đào khoe sắc thắm thỏa chờ mong

                                                                 (Xuân về)

Trương Lan Anh tỏ ra tinh tế trong cảm nhận trước sự chuyển giao của đất trời khi mùa Xuân đến: 

    

     Ta nghe trong tiếng heo mây

     Mùa xuân đang chuyển trên cây lá cành

     Nụ mầm mắt biếc chồi xanh

     Liếc nhìn âu yếm nàng xuân đang về

                                                     (Xuân nở)

Và còn đắm say trước vẻ đẹp lung linh, huyền diệu của nàng Xuân đang khoe sắc thắm: 

Xa trong sương sớm dáng nàng xuân

Rẽ lối vườn ai giục nảy mầm

Nàng xuân vẫy cánh đùa trong gió

Nở nụ cười xanh biếc lá cành

                                                     (Nàng xuân)

Đôi khi, cái hồn nhiên trong thơ viết về Xuân của Trương Lan Anh được thay bằng nỗi lòng trĩu nặng, có tính dự báo về cuộc đời: 

Mùa xuân năm ấy vào cõi nhớ

Em đã sang ngang một bến bờ

                                          (Xuân xưa)

  1. Tâm hồn Trương Lan Anh cũng thật nhạy cảm, bay bổng và sâu lắng trước những hiện tượng của thiên nhiên. Mưa tràn ngập trong thơ Lan Anh, từ “Đêm trà cổ mưa vương/Ướt lòng người viễn xứ” (Đêm trà cổ mưa vương), đến những lúc buồn, cô đơn: “Cơn mưa làm ướt áo ai/Để cho có kẻ thương hoài không thôi/Chút tình chia sẻ đôi nơi/Gửi em ở chốn phương trời không anh!”(Cơn mưa). Những cơn mưa có lúc cũng hững hờ, nhòa nhạt: “Mưa khó hiểu, Mưa ơi đừng thầm lặng/Để mi dài thấm lệ chảy bờ vai” (Mưa nỗi niềm). Và có lúc mưa cũng trở thành nỗi nhớ, niềm thương đến ám ảnh, lèn chặt không nguôi:

Trời đêm nay 

                      không mưa

                                  sao lòng rả rích

                                              rả rích 

                                                   mưa lòng

(Mưa lòng)

  1. Trương Lan Anh không chỉ gieo những miền thơ nơi bạn đọc với những bài thơ ngân rung, xúc cảm, giàu hiện thực về quê hương đất nước, về chiến tranh và người lính,… mà còn dụ dẫn bạn đọc với những bài thơ tình yêu giàu mẫn tuệ. Sự dụ dẫn ấy cũng có lý của nó, bởi tình yêu không bao giờ thiếu vắng và mất đi ở cõi nhân sinh. Gớt - thi sĩ nổi tiếng của Đức và nhân loại đã từng khái luận tình yêu có ma lực ghê gớm, khi mà: “Con người ta sinh ra trong tình yêu, lớn lên trong tình yêu và chết đi trong tình yêu”. Cung bậc tình yêu trong thơ Trương Lan Anh không vút cao như Xuân Diệu, không cuồng quay, điên loạn như Hàn Mặc Tử, mà tình yêu luôn sáng trong, hiền dịu, giàu thủy chung, hy sinh như “núi thẳm mây trôi về ngàn”, như “biển xanh cho hải âu cánh trắng”, như “sông vẫn chảy ra biển khơi thầm lặng”, bởi “Em làm non xanh/Anh làm miền biển sóng/Núi nghiêng mình/Mây cuộn trắng giăng giăng”(Biển xanh núi thẳm). Những cung bậc tình yêu trong thơ của chị đều hóa thân thành người con trai để tỏ lòng, giãi bày những cơn sóng trào của tình yêu như Tìm em, Tơ lòng, Nhớ, Em về, Biển xanh núi thẳm, Đi đâu, Tò he, Sao anh nỡ,...

     Sắc màu tình yêu trong Trương Lan Anh chứa đầy nỗi nhớ, niềm thương và cả những ước mơ đơn sơ, những băn khoăn nhẹ nhàng, sâu kín. Cảm giác lơ lửng của nỗi nhớ ấy vẫn le lói xuất hiện, dẫu tình yêu của tuổi trẻ đã tàn phai theo năm tháng. Vọng từ cõi đi/về là nỗi “khát khao trở lại đôi mươi” để “nhặt cành hoa tím một thời mộng mơ”. Có lẽ vì thế, mà chàng trai (nhà thơ hóa thân) bâng khuâng nỗi nhớ đến nao lòng: 

          Nhớ ai chiều tím câu thề

          Nhớ ai một thời đi về cùng Xuân

                                                                 (Nhớ)

Câu hỏi không cần được đáp trả, vì có thể thực tế đã trả lời và cũng có thể khó tìm nổi câu trả lời xác đáng! Trong từng giây phút, trong từng đổi thay của cuộc sống, hình như chàng trai cảm thấy mình bị vây hãm bởi những ký ức của một thời áo trắng mộng mơ xa vắng nhưng thực ra vẫn chưa hề xa: 

Em ơi trở lại ngày xưa

Cùng nhau đi hái trái mua trên đồi

Tình em nhuộm tím hồn tôi những chiều

                                                                 (Hoa mua)

Tình yêu trong thơ Trương Lan Anh là sắc màu của tuổi hai mươi, là những rung động đầu đời, nhưng không nhuốm sắc màu của tình yêu thiên đàng, không là hạnh phúc ái ân, mà chìm ngập trong ly cách, trong mất mát, cô đơn và xa xót:       

Em về mang nửa mùa hè

Để cho anh nửa tiếng ve gọi sầu

Thổn thức không em mùa nắng vàng?

Phượng hồng nhức nhối một màu nhớ thương

(Nỗi nhớ nghiêng về bên em)

Trương Lan Anh đã đem đến bạn đọc tập thơ đầu tay với chất giọng chân thành, thật thà, đầy thiên tính nữ, đúng bản chất con người nơi vùng đất khô khốc và rát bỏng gió Lào. Tôi trộm nghĩ, thi ca chỉ cần hỗ trợ cho con người làm một việc duy nhất, nhưng lại có giá trị vĩnh tồn, đó là hướng con người truy tìm đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Với ý nghĩa đó, Người đàn bà mặc chiếc áo choàng đứng được và sẽ đọng lại nơi bạn đọc không phải ở sự kiến tạo, mà ở hồn thơ, tình thơ đầy nồng nàn, thao thiết trong nét đẹp giản dị, chân mộc nhưng không kém tinh tế, tuệ cảm. Đó chính là điều quý giá nhất, mà bạn đọc yêu mến, trân trọng nơi miền thơ Trương Lan Anh. Tôi không chúc Trương Lan Anh thành công quá sớm, bởi nẻo đường thơ còn ở chân trời rộng mở, vả lại sự khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, gập ghềnh. Tôi và bạn đọc hy vọng những nỗ lực của Trương Lan Anh trong tương lai sẽ làm một “cú nhảy mèo hoang” đầy ngoạn mục. 

                                                Hà Nội, tháng 1/2012

Tạp chí Cửa Việt, số 210/2012

 

([1]) Nhân đọc tập thơ Người đàn bà mặc chiếc áo choàng của Trương Lan Anh, Nxb. Hội Nhà văn, 2014.

sinh__hot___thng_ba__2019_320

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét