Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

BÂY GIỜ LÀ LÚC của NGUYÊN KHOA ĐIỀM với lời bình NGUYỄN VŨ TIỀM

 


NGUYỄN KHOA ĐIỀM
 
BÂY GIỜ LÀ LÚC
Bây giờ lúc có thể chia tay với điện thoại để bàn, cac vi-dit, nắm đấm mi-crô
Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường
Một mình một ba-lô và xe đạp
Bây giờ gió gọi anh đi
Mặt trời đánh nhịp về tám hướng
Từ gĩa cà-vạt, giày đen, lời trịnh trọng
Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ
Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép
Thế giới thật rộng, những ngả đường độ lượng
Cho anh làm mới cuộc đời mình
Anh gọi đó là chuyến về không hạn định
Để là một người trong mọi người
Anh tham dự trận tấn công cuối cùng
Vào cái chết.
Hãy lộn ngược da anh
Và ghi lên đó mật khẩu:
-Không lùi bước !
(Báo Văn Nghệ, 5-8-2006)
 
Lời bình của NGUYỄN VŨ TIỀM
Một bài thơ đọc lên gợi ra nhiều cảm nhận và suy nghĩ về nhiều lẽ là một bài thơ đạt tới một thành công bước đầu. Bài thơ “Bây giờ là lúc” của Nguyễn Khoa Điềm trong trường hợp như thế. Bài thơ được in cách đây 3 tháng. Trong thời gian không nhiều nhưng tôi được đọc, được nghe nhiều ý kiến, chủ yếu là khen bài thơ này. Tôi cũng nhận thấy bài thơ có một số ưu điểm, tác giả dùng nhiều hình ảnh, từ ngữ giản dị, thậm chí cả tiếng lóng đường phố tổ chức thành những cụm kết hợp từ khá nhuần nhuyễn tạo nên sự mới lạ cho bài thơ:
“Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ”.
Hoặc những câu hàm súc, gợi nhiều liên tưởng sâu xa:
“…những ngả đường độ lượng
Cho anh làm mới cuộc đời mình”
Nhưng ưu điểm lớn nhất là sự chân thực trong bài thơ này. Từ đây, tôi muốn nêu lên một số cảm nhận và suy nghĩ ở cái lẽ khác. Chúng ta từng được chứng kiến nhiều cán bộ lãnh đạo phổ biến hay giảng giải, ta nghe, không khó khăn lắm, nhận ra một số điều vị cán bộ ấy không dám nói thật lòng mình. Chỉ khi thôi chức vụ, anh mới sống thực sự là “mình” hơn.
Vậy không biết từ khi nào nhỉ, người cán bộ lãnh đạo với thường dân lại có khỏang cách xa nhau đến thế? Một đằng thì:
“Cà vạt, giày đen, lời trịnh trọng”.
Một đằng thì:
“Khi là cây mác, cây chông
Khi là biển cả, khi không là gì”
(Thường dân - Nguyễn Long)
Là cán bộ lãnh đạo thì không được “tự do lên mạng” sao? Không thể “một mình một ba lô và xe đạp” để đi đây đi đó gặp gỡ bạn bè sao? Là cán bộ lãnh đạo thì không có điều kiện “làm mới cuộc đời mình” sao? Không làm mới mình được, thì làm sao lãnh đạo dân tiến hành “công cuộc đổi mới đất nước”? Khi là cán bộ lãnh đạo thì anh không thể “là một người trong mọi người”, mà phải chờ đến khi hưu trí rồi anh mới có điều kiện hòa mình được với quần chúng sao? Để lãnh đạo quần chúng, anh cứ phải đứng tách ra một khỏang cách, đứng cao hơn mọi người mới được sao?
Bài thơ nhìn rõ hơn thực trạng cán bộ lãnh đạo của chúng ta hiện nay có một số không nhỏ mắc những thói tật như thế thật. Đúng là anh Điềm ngồi ở vị trí cao nên anh nhìn rõ hơn chúng tôi và anh mới viết được hay như thế. Quả thật, hãy thử nhìn xem đội ngũ cán bộ hiện nay (2006), đã bao nhiêu người sử dụng được vi tính và vào mạng? Không vào mạng hàng ngày thì làm sao anh cập nhật được thông tin? Anh lạc hậu hơn quần chúng thì anh nói ai nghe? Anh lãnh đạo sao được? Bạn hãy quan sát mà xem, có đúng là khi các vị đã được bầu vào vị trí này nọ, đã ngồi vào chiếc xe hơi sang trọng rồi, thì có khi nào các vị đi xe máy hay xe đạp, đeo ba lô trên lưng như mọi người xung quanh nữa hay không? Bạn hãy để ý xem, có đúng là các vị quan chức “cà vạt, giày đen” nói “lời trịnh trọng” tại các hội nghị thì trong đó không ít là những lời sáo rỗng chung chung mà ai cũng biết từ lâu cả rồi hay không? Đã thế, họ lại rất thích mở hội nghị tổng kết, mừng công, đón huân chương bằng khen, ăn uống triền miên, phong bì quà cáp… Những việc ấy có mang lại hiệu quả gì hay không? Làm cán bộ lãnh đạo như thế thì bận thật, làm gì còn thời gian mà “đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép”!
Chính vì quan liêu xa rời quần chúng như thế, tệ tham nhũng ở nước ta mới trở thành quốc nạn như hiện nay mà mọi người đang phải khó khăn vất vả tẩy trừ nó đi. Tôi rất phục anh Điềm đã thẳng thắn nói ra những điều đó một cách ý nhị kín đáo nhưng cũng đủ để người đọc liên tưởng ra…
Thần thái của bài thơ thường được gửi gắm ở khúc kết:
“Hãy lộn ngược da anh
và ghi lên đó mật khẩu:
-Không lùi bước!”
Đọc đến khúc kết này, tôi bị bất ngờ, đang ở vị trí cao sang “lời trịnh trọng”, phải trở về với cuộc sống đời thường “không là gì” giống như những thường dân khác, cũng đâu có thoải mái dễ dàng! Phải quyết liệt lắm; “lộn ngược da anh”, phải dùng “mật khẩu” như hồi còn hoạt động bí mật và hạ quyết tâm “không lùi bước”! Một bài thơ hay hiếm hoi hiện nay.
(In tạp chí “Trí tuệ” 2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét