Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

CANH RAU ĐẬU ĐEN MÙA DỊCH

 

CANH RAU ĐU ĐEN MÙA DCH

 

Tản văn của Phạm Tâm Dung

 


Nhìn bát canh nấu bằng rau đậu đen dịu dàng tỏa mùi thơm ngọt ngào, nồng nàn của xứ đồng nội, cháu gái tôi háo hức như sắp được thưởng thức một món ẩm thực lạ.

Khác với sự biếng lười trong ăn uống thường khi, con bé săm se dọn mâm bát.

Ái chà!

Nó chu mỏ nếm một chút và thốt lên.

- Thế nào con?

- Lạ và cũng rất ngon nữa, bà nhỉ! Mà sao bây giờ con mới được ăn, và ở chợ không thấy bán ạ!

- Đây là thứ rau quê xưa của nhà nghèo con ạ!

Cách đây tầm một tháng, thấy tình hình dịch bệnh covid có vẻ căng thẳng. Thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Việc chợ búa hạn chế. Hai bà cháu bàn nhau trổ tài tăng gia sản xuất.

Cháu gái tôi xăng xái tìm hiểu trên mạng cách làm giá đậu xanh, cách trồng mầm rau sạch... Chúng tôi dọn bớt các chậu cây cảnh đã cằn cỗi, tận dụng các chậu cũ, những vật dụng bỏ đi để “triển khai” khu vườn rau tự túc trên cao.

Hì hục mấy buổi, cũng đã cho ra đời “mảnh vườn” con xinh xắn.

Cháu gái cứ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì cái vốn “canh nông” thuần thục của bà. Nó tròn mắt khi tôi đem gieo hạt đậu đen vào mấy cái chậu to, giải thích là: trồng lấy rau ăn...

Không phải chỉ cháu gái tôi, mà cả các cô bác, cùng thời với tôi - những người sinh ra và lớn lên ở thành phố, xuất phát từ những hoàn cảnh gia đình có điều kiện, thì không mấy ai nghĩ tới điều này. Trong nhận thức của họ, đậu đen chỉ là loài ngũ cốc, được trồng mục đích lấy hạt để nấu chè, ăn mát bổ và giải nhiệt. Vâng, dân thành phố có khi chỉ nhìn thấy đậu đen ở dạng hạt đựng trong các túi ni lông, hay rá rổ bằng tre, bằng nhựa. Trong ký ức của họ, đậu đen có thể chỉ là một thứ nguyên liệu nấu chè. Khi những buổi chiều mùa hè nóng nực, các cô cậu học trò, sau buổi tan trường, tách ra khỏi nhóm bạn bè, một cặp đôi nào đó... tạt vào quán chè quen, gọi cốc chè đỗ đen đá, có nêm chút hạt sen, hạt trân châu, dừa và chút đậu xanh với thơm lừng vị vani, vừa ăn vừa hít hà thưởng thức và đánh mắt... nhìn nhau!

Hay hình ảnh hai anh chị công nhân tan ca, mồ hôi ướt đầm lưng áo, tranh thủ làm cốc chè đậu đen giải mệt, cho tỉnh táo hẳn người, tạo năng lượng để rồi tiếp tục cuộc đối mặt với những bát mồ hôi mưu sinh...

Thảng hoặc, ở đâu đó, tôi cũng bắt gặp hình ảnh một người đi bộ lang thang, dường như chẳng biết nên đi đâu, đôi lúc xao xác thèm một vị đồng quê, trong bước chân bùi ngùi giữa nơi viễn xứ, mà tạt vào quán chè nào đó ven Hồ Tây, gọi bát chè đỗ đen nguyên chất như ngày xưa mẹ nấu, không cần các phụ gia, ăn mà rưng rưng, khắc khoải, hoài vọng ngày trở về...

Thấy tôi, tay gieo hạt mà mắt mũi, hồn vía cứ như để tận đâu đâu, cháu gái bèn hỏi:

- Nhà còn nhiều đậu đen, đã dùng đến đâu mà bà gieo hạt bảo để “làm rau”...chống dịch, không lẽ...

Tôi giật mình, như thể từ miền xa xôi lắm trở về. Không trả lời thắc mắc của cháu gái, tôi cầm tay con bé như muốn truyền cho cái núm ruột nhỏ bé, hồn nhiên của tôi một cảm xúc đang ẩn sâu và thầm nghĩ cháu còn quá nhỏ để hiểu được nỗi lòng của người lớn tuổi!

Con nhỏ thấy tôi lặng lẽ thì nó không hỏi nữa. Nó vẫn biết, khi chạm vào những cảm xúc thẳm sâu, tôi thường không hay nói năng gì...

Chiều muộn hôm đó, trời lất phất mưa, gió Hồ Tây thổi mát lạnh qua “khu vườn” của chúng tôi. Tôi bắt đầu kể cho cháu nghe về một thời thơ ấu xa xưa.

Ngay từ khi còn là cô học trò lớp hai, bà và các bạn đã thuộc làu câu ca:

“Tháng Một là tháng giồng khoai

Tháng Giêng giồng đậu tháng Hai giồng cà"...

Băt đầu từ tầm mùng năm, mùng sáu Tết là người ta đã rục rịch đi gieo đậu. Cánh đồng bát ngát làng tôi, nhộn nhịp bất thường. Trời vẫn còn “rét đài”, các nhà đã chuẩn bị hạt giống tốt, và những “ông” bù nhìn rơm kích cỡ, hình thù to nhỏ khác nhau. Các “ông” đội nón rách, tay cầm “cờ” bằng lá chuối hay mảnh dù, để hù doạ bầy chim ngói, chim sẻ tinh ranh nhổ trộm mầm đậu. Các “ông” chỉ huy những giàn dây chăng được mắc những chùm vỏ ốc biêu, cho nó kêu lóc cóc khi gió thổi, nghe vui tai nhưng làm cho lũ chim đáo để kia, chỉ bay lượn mà tịnh vô không đứa nào dám sà xuống phá đám.

Quê tôi đất chật người đông. Người làng tôi chi chút từng tấc đất. Bên cạnh chỗ khe vệ đất trống của những luống khoai, bà tôi thường “dắt” những hạt đậu đen để lấy hạt nấu chè, thổi cơm nếp và lấy lá non nấu canh.

Rau đậu đen là món no lòng mát dạ và cứu đói khi những củ khoai và đọt bí đã hết cả rồi. Đậu là giống cây “khôn ngoan” và có nghĩa, có tình bậc nhất trong các loài sinh vật. Cây đậu trồng không bị hại màu đất, mà nó còn có “tài” hút chất đạm, chất bổ béo trong khí giời, nuôi cây, nuôi lá, nuôi quả, rồi còn qua bộ rễ, trả ơn đất mẹ bằng chất đạm chắt ra từ cơ thể mình, giống y hệt nàng Thoại Khanh trong câu chuyện nôm khuyết danh “Thoại Khanh Châu Tuấn” sả cánh tay nuôi mẹ qua cơn đói khát, sầu bi.

Tiết “Tháng Hai cán mai nảy lộc”. Cây đậu được gieo ké luống khoai, được hưởng chút phân chuồng, phân bắc, phân xanh mà bà ưu tiên chăm chút, nó lớn vùn vụt, xanh tươi mỡ màng từng lùm mát mắt.

Đậu đen, sau khi gieo hạt, tầm một tuần trăng là “cấm ngọn” và hái lá cho nhựa cây tập trung nuôi hoa và quả. Tôi và lũ bạn mục đồng, thường lội lép nhép dưới đất dẻo quánh và bệt dính ở các rãnh khoai để hái rau đâụ.

Sau những cơn mưa rào, búp lá đâm non mơn mởn, hái không xuể. Xen lẫn những ngọn lá xanh, là những bông như muôn vàn cảnh bướm màu tím nhạt, rung rinh như áp đảo, như thách thức với những nàng bướm vốn là chúa tể của chốn vườn xuân.

Trước lúc nấu cơm tầm dăm bảy phút, các bà mẹ có thể xách rổ ra vườn. Ngọn và lá bánh tẻ bao giờ cũng ngon. Rau tươi còn nguyên nhựa, thơm man man mùi cỏ, đem rửa sạch và vo cho thật mềm để nấu canh. Chờ cho nước sôi, cho rau vào, đun sôi đều là bắc ra. Chỉ cần một muỗng mắm, không cần mỳ chính, nồi canh đã ngọt lịm tự nhiên. Hôm nào tiện tay, bắt được mớ cua đồng hay mớ tép mà nấu cùng thì tuyệt. Gạch cua màu nâu hồng, nổi lên trên bát canh xanh ngằn ngặt, thơm ngào ngạt. Nhìn đã ứa nước miếng! Người đa cảm đã cảm thấy sự bình yên và nghe râm ran lồng ngực, vỗ về bao nắng sương dầm dãi đêm ngày của các đấng cần lao.

Canh rau tươi vườn nhà, chan với cơm trắng, thêm vài quả cà muối giòn tan thì đúng là... “đại tiệc” của bọn trẻ làng quê. Có những khi, nồi còn nóng mà cơm chia đã hết lượt, ăn vã thêm vài lưng canh rau đậu cũng thấy mát ruột, no lòng mà lành dạ, không bị ngái hay đầy bụng như rau lang, không đắng nhặng như rau tầm bóp...!

Có những buổi, do muốn “đổi bữa”, rau đậu đen có thể mang luộc nhanh, vắt ráo nước, chấm nước mắm tỏi, ăn giòn và ngọt đậm, ngọt đà. Cũng có thể đem xào tỏi cho bố đưa vài chén rượu cay cay cùng chú Dần với chuyện làng chuyện xóm...

Thương biết bao nhiêu, những bữa cơm với rau đậu, rau lang, rau tập tàng, tầm bóp quê tôi!

Bữa cơm quê nhà, mẹ thường ngồi, lặng ngắm những đứa con lao nhao như tằm ăn rỗi. Hạnh phúc của mẹ là được tảo tần, nấu bữa cơm ngọt bùi, thảo thơm cho đàn con mãi bé bỏng trong mắt của người.

Có ai biết rằng đậu đen là một loại cây tuy giá trị dinh dưỡng rất cao, nhưng không được vinh hạnh tham gia vào các cuộc tế lễ, đình đám long trọng! Không phải nó có màu sắc không bắt mắt, mà nó có một lịch sử khá ly kỳ.

Chuyện kể rằng có một vị quan nước ta đi sứ Phương Bắc. Thấy bên xứ người có loại đậu, dễ trồng, cho năng suất cao và lại no lòng, mát bổ. Vị quan có tâm ấy rất muốn lấy giống cây quý đó về cho đồng bào xứ mình trồng trọt. Song nơi cửa ải khó mà qua được sự kiểm soát của lính canh. Nghĩ mãi, cuối cùng ngài tìm ra sáng kiến giấu nó vào... bao tử để qua mắt các vị canh giữ biên ải. Và kỳ diệu thay, trong số hạt đó đã có một hạt nảy mầm!

Ôi! Những cây đậu đen, được sinh ra và duy trì đến ngày nay từ nặng sâu tình nghĩa!

Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến hạt đậu, một loại hạt quý của nhà nông. Khi quả đậu già, người ta hái về phơi nắng cho thật khô. Chỉ cần vò nhẹ là những hạt đậu đã tách khỏi vỏ. Những quả đậu to, mẩy đều được tách phơi riêng và hạt đổ vào hũ hay chai lọ, nút bằng lá chuối khô, cất kĩ để làm giống. Còn phần lớn để làm nguyên liệu nấu chè, đồ xôi. Tháng năm oi bức, thiếu đường, không nấu được chè thì cho đậu đen vào nồi ninh nhừ lấy nước uống. Gánh lúa nặng về nhà, nóng nực, nhọc thắt ruột gan, có bát nước đậu uống thật mát lành, tiêu tan mệt nhọc. Và món xôi hay cơm nếp đậu đen thì thật tuyệt. Ăn rất lành. Có nắm xôi nếp đậu đen hay đậu xanh thì thật là một món quà sang trọng ngày ấy của lũ chúng tôi. Có lẽ cũng vì say sưa với đậu đen mà người ta mới nghĩ ra đôi câu đối rất hay về chữ nghĩa:

Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu

Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò

Mâm xôi đậu liên quan đến con ruồi đậu chắc hẳn là một thầy giáo làng hay chữ mới nghĩ ra được!

Nhân chuyện về đậu, cháu gái tôi còn vui vui hỏi chuyện tâm lý các bậc phụ huynh và học trò thi cử xưa nay. Khi đi thi tốt nghiệp hay thi Đại học... thường tránh... ăn chuối, và nhất định ăn xôi đậu đỏ, đậu xanh để chắc... đỗ! Và dĩ nhiên đậu đen, rất tiếc, không được làm "cổ động viên "!

Những ngày có dịch cúm Tàu giãn cách xã hội, ta lại có dịp để trở về với bát canh xưa. Chỉ cần ăn một bữa cũng đủ khiến lòng mình xoa dịu những chông chênh, khiến cho ta có cơ hội được sống chậm hơn, kỹ hơn với những điều giản dị, những kỉ niệm xưa mà ngày thường bị nhịp sống hiện đại cuốn phăng đi!

30- 8- 2021

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét