Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

THƠ Raxun Gamzatov trong bản dịch của TRIỆU LAM CHÂU


                   Nhà thơ Raxun Gamzatov

THƠ Raxun Gamzatov trong bản dịch của TRIỆU LAM CHÂU 

Trước đây, trên Blog Yahoo, tôi đã giới thiệu tập thơ " Cây Tiêu huyền nghe mưa" của R.Gamzatov do nhà thơ  Triệu Lam Châu dịch. Blog cũ bị đóng cửa, nay giới thiệu lại trên Blog này cho những ai quan tâm. Cám ơn bạn Triệu Lam Châu đã tin cậy gửi toàn bộ bản dịch cho chủ trang!


ĐÔI LỜI VỀ NHÀ THƠ RAXUN GAMZATỐP

  Nhà thơ Raxun Gamzatốp sinh năm 1923, người dân tộc thiểu số Avar, nước Cộng hoà tự trị Đaghextan, thuộc Liên bang Nga. Ông được tặng danh hiệu nhà thơ nhân dân Liên Xô (1959), Nhà hoạt động xã hội, Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa Liên Xô (1974).Năm 1963 Raxun Gamzatốp đoạt Giải thưởng Lênin về văn học, với tập thơ Những ngôi sao trên cao. Bạn đọc Nga say mê phong cách thơ độc đáo của Raxun Gamzatốp, phản ánh mảng hiện thực miền núi Đaghextan với một loạt tập thơ và trường ca đặc sắc: Mảnh đất của tôi, Tổ quốc của người sơn cước, Trái tim tôi trên núi, Bên bếp lửa, Và trò truyện cùng sao, Chuỗi hạt tháng năm, , Cô sơn nữ, Cái giá cuối cùng, Trò truyện với người cha, Hãy phán xét tôi theo đạo luật của tình yêu, Hãy bảo vệ các bà mẹ, Hòn đảo của phụ nữ… Đặc biệt là hai tập văn xuôi trữ tình Đaghextan của tôi (đã được dịch sang tiếng Việt) càng thể hiện rực rỡ phong cách sáng tác độc đáo của ông.
  Nét nổi bật nhất trong phong cách thơ Raxun Gamzatốp là sự giản dị giàu chất dân gian, nhưng thấm đượm một trí tuệ thâm trầm, sâu sắc, đôi lúc có pha chút hóm hỉnh rất giàu chất dân dã của miền Đaghextan xứ núi. Nó thể hiện thành công tâm hồn mộc mạc, đôn hậu, giàu nghĩa khí của người miền núi quê ông, cùng những giá trị thăm thẳm của lịch sử và chiều sâu văn hoá của miền Đaghextan xa xôi mà gần gũi với chúng ta.
  Thơ Raxun Gamzatốp là sự giao thoa đẹp đẽ giữa hai nền văn hoá Nga và Đaghextan.

 Trước kia, thơ Raxun Gamzatốp là tiếng ca lạc quan, là sự suy ngẫm và trải nghiệm sâu xa về tình yêu, cuộc đời, về dân tộc, thời đại, về Tổ quốc, lịch sử, về tình đoàn kết các dân tộc xây dựng cuộc sống mới trong Liên bang Xô Viết.
  Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, một nhà thơ giàu ý thức công dân như Raxun Gamzatốp, hẳn ông cảm thấy đau đớn vô cùng. Chính vì vậy thơ của ông sáng tác thời kỳ sau này nhuốm một nỗi buồn thế sự rất sâu xa. Mỗi vần thơ của ông chính là máu thịt của ông giữa cuộc đời này.
  Thơ Raxun Gamzatốp đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
  Đồng cảm với tâm hồn Raxun Gamzatốp, tôi chọn dịch những vần thơ tứ tuyệt của ông từ tiếng Nga và tập hợp thành tập “Cây tiêu huyền nghe mưa”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa…
   
                                                     Triệu Lam Châu





1.      Chào bạn! Hãy nhìn ngoài cửa sổ kia: ngựa trắng  đang chờ  - Nếu can đảm, hãy thắng  yên lên mình nó -  Cầu trời cho anh đừng buồn vì ý nghĩ: “Có thể thắng yên cương, nhưng chưa kịp làm thôi”

2.      Bạn ước mong gì dưới mái lều số phận?
Ước mong mình cũng như bạn thôi:
            Mong chiếc bánh mì nhẹ đi và thêm rẻ
           Nhưng ngôn từ phải đắt giá hơn và thêm nặng ký nay mai


      
       3. “Bạn ơi, trên đời này, điều gì đáng khinh nhất?”
            “Đó là người đàn ông hèn nhát!”
            “Còn gì đáng khinh hơn anh ta nữa không?”
            “Đó là đàn ông vừa hèn và cứ mãi lặng thinh! ”
            
4.      “Lạnh nhạt ơi, ngươi từ chối điều chi?”-“say đắm!”
“Say đắm ruồng bỏ ai?” –“Chúng tôi, loài lạnh nhạt!”
         “Lệ thuộc ơi, ai sinh ra ngài thế?” –“Uy quyền”
         “Ai sinh ra uy quyền vậy ?” –“Là chúng tôi đây,  những tay lệ thuộc”

 
 5.    Sao bạn bè không mời anh đến nhà chơi nữa?
        -Vì tôi tự hiểu, không thèm đến, lúc bạn bè mời
        -Sao anh như kẻ lãng du buồn nhìn ra cửa sổ?
        -Vì tôi muốn đến với bạn bè, ngồi quanh ngọn lửa.

6.  “Ta đang đang mơ đàn bà trước ngưỡng cửa của ngày,
       Gà trống ơi, sao ngươi đánh thức ta đây ?”
       “Tốt nhất, ngài cứ nên cầu nguyện
        Cho chúng tôi luôn đánh thức được ngài”.
      
 7.    Bản núi Akhungô nồng nàn
        An lành muôn thuở.
        Rồi nền chuyên chế làm rối tung hết cả
         Đó là điên cuồng hay tự do?

8.       Ngày xưa trái đất như trăng
Không ai quản lúa, hồ xanh, cánh rừng…
Không hề tự  khóc thương mình
Ta mong trở lại sống cùng ngày xưa…
  
9.       Chúng tôi cảm thấy mình có lỗi
Bởi đã cho tình yêu và lý trí hoá thành hoang
Không phải thơ và bản Xô nát ánh trăng
Mà là đạn bắn vào mạch máu hồng, nổ cháy.




2 nhận xét:

  1. Những bài thơ này làm bu nhớ lại cái ấn tượng đọc "Đaghextan của tôi " cách nay đã lâu lắm. Gamdatôp thường nhắc đến tên Abutalip, một nhà thơ tiền bối của Đaghextan với lòng ngưỡng mộ sâu sắc...Có lẽ phải tìm đọc lại Gamdatôp...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cuốn ách đó do dịch giả Phan Hồng Giang dịch. Đó là một cuốn sách hay. Đọc nhâm nhi cũng thú vị bác Bu à!

      Xóa