Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

TÔ NHI NÔ TÀNG HÌNH

                                                                        Vũ Nho chủ trang

TÔ NHI NÔ TÀNG HÌNH
          R. Rô-đa-ri ( Ytalia)
          Vũ Nho dịch qua bản tiếng Nga

Một hôm chú bé Tô-nhi-nô không thuộc bài. Trên đường đến trường, chú rất lo sẽ bị gọi lên bảng. “ Ồ! Giá mà mình biến đi được!...” – chú nghĩ thầm.
          Như thường lệ, bài học bắt đầu, thầy giáo điểm danh. Khi thầy gọi đến  tên Tô-nhi-nô, chú đáp : “Có”, nhưng chẳng ai nghe thấy. Thầy giáo nói:
          - Đáng tiếc là Tô-nhi-nô không đến. Hôm nay thầy muốn hỏi bài em ấy. Nếu như em ấy bị ốm, chúng ta hi vọng là chỉ ốm nhẹ thôi.
          Lập tức Tô-nhi-nô hiểu rằng mong muốn của chú đã được thực hiện, chú đã thành người tàng hình. Sung sướng quá, chú  bay vụt ra khỏi bàn như một cái nút chai, lao thẳng vào cái sọt chứa đầy giấy vụn. Ra khỏi sọt, chú lại phóng vào lớp, giật chỏm tóc các bạn và làm đổ tung tóe các lọ mực. Cả lớp bỗng trở nên om sòm, huyên náo. Các bạn cãi cọ, hờn giận nhau, và tất cả đều nghĩ rằng một người nào đó có lỗi trong những trò nghịch ngợm này. Dĩ nhiên, không ai nghĩ đến Tô-nhi-nô tàng hình.
          Cuối cùng, Tô-nhi-nô cũng chán trò tiêu khiển đó. Chú rời khỏi trường và chui vào ô tô. Chú ngồi vào một ghế trống. Còn chuyện lấy vé, tất nhiên chú không nghĩ đến. Vì người soát vé không thể nhìn thấy chú. Đến bến sau, một xi-nho-ra lên ô tô mang theo một cái túi nặng trịch. Bà ta nhìn thấy một chỗ trống – chỗ Tô-nhi-nô đang ngồi, không đắn đo, bà ta đặt ngay cái túi của mình lên người Tô-nhi-nô. Chú bé đáng thương của chúng ta suýt ngạt thở, còn xi-nho-ra kêu lên:
          - Thế này là thế nào? Thật là một sự bịp bợm. Có lẽ bây giờ không nên đi ô tô nữa chăng? Các ông bà xem đây, tôi đặt cái túi xuống, thế mà nó cứ treo lơ lửng thế này!
          Hành khách trò chuyện, cãi cọ nhau, ai cũng chửi mắng sở giao thông thành phố.
          Đến trung tâm, Tô-nhi-nô chui ra khỏi ô tô, đoạn luồn ngay vào cửa hàng kẹo bánh và chén liền! Đầu tiên chú thọc tay vào hộp bánh sữa phủ kín nho khô, sau đó chén thả cửa các loại sô cô la và đủ thứ bánh kẹo khác. Người bán hàng khi nhìn thấy quầy hàng vợi hẳn đi bèn nghi ngờ ngay cho một xi-nho oai vệ, người mua kẹo ca ra men cho bà thím  già của mình. Xi-nho tất nhiên là phản đối.
          - Thế nào! Tôi mà ăn trộm ư? Bà có biết là bà đang nói  chuyện với ai không? Bà có biết bố tôi là ai không? Bà biết ông tôi là ai không?
          - Tôi không biết và không cần biết – bà bán hàng cắt ngang.

          - Thế nào! Bà dám cho phép mình xúc phạm đến ông tôi ư?
          Và thế là bắt đầu nổ ra cuộc cãi lộn om sòm, thật là khiếp. Cảnh sát ập đến. Tô-nhi-nô tàng hình nhảy tọt qua háng ông thiếu úy và chạy thẳng về trường xem các bạn của mình tan học chưa. Cánh cửa vừa mở, các cô cậu đi ra, không, ồ không phải đi ra mà là tràn ra hệt như một thác tuyết đổ xuống cầu thang. Tô-nhi-nô nhìn thấy tất cả các bạn, nhìn rõ từng người, nhưng không ai nhìn thấy chú. Chú uổng công chạy từ người nọ đến người kia, uổng công  giật chỏm tóc cậu bạn thân Rô bec tô, uổng công mời anh bạn Gui ca đô  ăn đường phèn. Những người bạn không trông thấy chú, hoàn toàn không nhận thấy chú có mặt. Tất cả nhìn xuyên qua người chú, hệt như chú là người bằng kính trong suốt.
          Mỏi mệt và chán nản, Tô-nhi-nô lê bước về nhà. Mẹ đang đợi chú. Bà đứng trên ban công và nhìn xuống dưới.
-         Mẹ ơi, con đây! - Tô-nhi-nô kêu lên.
Nhưng mẹ không nhìn thấy chú. Không nhìn thấy và không nghe thấy. Bà lo âu nhìn dọc theo đường phố, lướt qua đầu chú, cứ như chẳng hề có chú trên đời.
- Con đây bố ơi! - Tô-nhi-nô thốt lên khi chú ngồi vào chỗ hàng ngày của mình bên bàn ăn.
Nhưng bố nhìn ra cửa sổ và lẩm bẩm:
-         Sao lâu quá mà Tô-nhi-nô không về nhỉ? Hay là con nó gặp chuyện gì chăng?
-         Con đây cơ mà, con đây! Mẹ ơi! Bố ơi! - Tô-nhi-nô kêu lên.
Nhưng bố mẹ không nghe thấy tiếng chú.
Thế là chú rơm rớm nước mắt, rồi òa khóc đau xót. Nhưng có ý nghĩa gì đâu nếu như chẳng có ai nhìn thấy?
          Tôi chẳng muốn làm người tàng hình nữa! - Tô-nhi-nô buồn rầu than vãn và tim chú như muốn vỡ ra vì buồn chán – Tôi muốn bố nhìn thấy tôi, mẹ quở mắng tôi, tôi muốn các thầy cô giáo hỏi bài tôi! Tôi muốn chơi với các bạn mình! Ôi, làm người tàng hình chán lắm! Ôi, ở một mình chán lắm!
          Chú lê bước ra khỏi phòng, đi xuống cầu thang và thong thả ra sân.
-         Làm sao cháu khóc? – Một cụ già ngồi sưởi nắng gần đấy hỏi chú.
Tô-nhi-nô suýt nghẹt thở:
-         Thế ông nhìn thấy cháu à? – chú hỏi.
-         Tất nhiên, lão thấy. Ngày nào lão cũng thấy cháu khi cháu ở trường về.
-         Sao cháu chẳng bao giờ nhìn thấy ông cả?
-         Ê, lão biết. Chẳng ai nhận thấy lão đâu. Một ông già về hưu, một mình lủi thủi…Có chú bé nào trong đám trẻ lại nghĩ đến chuyện nhìn vào lão? Đối với các cháu, lão cũng giống như kẻ tàng hình.
Đúng lúc đó từ ban công tiếng mẹ vọng ra:
-         Tô-nhi-nô!
-         Mẹ ơi, mẹ nhìn thấy con chứ?
-         Ôi, thà rằng mẹ không nhìn thấy con còn hơn! Nào nhanh chân lên về nhà! Bây giờ thì bố sẽ không lơ mơ với “anh” đâu…
-         Con về đây, mẹ ơi, con về đây ! - Tô-nhi-nô sướng rơn kêu lên.
-         Nghĩa là cháu không sợ ăn roi chứ? – cụ già mỉm cười.
Tô-nhi-nô ôm choàng lấy cổ ông, hôn vào đôi má nhăn nheo của ông và thì thầm:
-         Ông đã cứu con.
-         Ờ, mà cháu ở đây thế là đủ lắm lắm rồi đấy – cụ già nói.

In trong Truyện cổ tích kể qua điện thoại, nxb Kim Đồng, 1987.


8 nhận xét:

  1. Em kính bác.
    Bây giờ những người dịch từ tiếng Nga sao cứ dần dần đi đâu cả... Buồn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã ghé chơi và để lại nhận xét.
      Biết làm sao được. Bây giờ người ta học tiếng Anh. Tôi cũng phải học thêm tiếng Anh để giao tiếp.
      Chẳng qua vì yêu thích mà dịch. Mấy ai sống được bằng nghề dịch đâu? Chả nên buồn bạn ạ!

      Xóa
  2. Một câu chuyện về bài học làm người rất hay. Cám ơn trang chủ

    Trả lờiXóa
  3. Con người ta không thể sống thiếu cộng đồng được.
    Bác chữa lại mất chỗ: - Đẳng tiếc là, thọc tay vào nhộp bánh sữa, nhảy tọt qua hang ông thiếu úy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác BU. Tôi sẽ sửa lại ngay lỗi vi tính mà bác đã chỉ!

      Xóa
  4. Mình mê nhà văn R. Rô-đa-ri từ hồi có bản dich ở Việt Nam. Mãi sau này mới biết bản mình đọc là bản dịch của bạn thân quý Vũ Nho của mình. Mình nhớ có chuyện như sau: Có hai chú bé trẻ bảo nhau "Mình phải tạo ra một ngôn ngữ mới và chúng nói chuyện với nhau bằng ngữ ngôn ngữ đó, rất thú vị. Có bà già ngồi đan nói với ông già "Bọn trẻ hiện nay sắp ...điên cả hay sao? chúng nói gì mà tôi ko hiểu?. Ông già thì cười rất thích và nói "Chúng rất thông minh đấy". Bà già trố mắt: "Ông hiểu hả?". Ông già : "Tất nhiên rồi?" Bà: "Vây chúng nó vừa nói "Ki ki la la" là gì". Ông già : "Là Tất nhiên rồi" Bà già: "Vậy chúng vừa nói "Ta la tô lô" là nghĩa gì"?" . Ông già "Là Cuộc đời thật tươi đẹp". Bà la lên "Cuộc đời mà tươi đẹp á?" Ông già "Ki ki la la" . Ôi gần bốn chục năm đọc chuyện này rùi mình chỉ ghi lại trong trí nhớ thôi đấy Vũ Nho nha, bạn post chuyện này lên nha. Cảm ơn bạn nhiều lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã chia sẻ. Về nhà văn Ý này, khi còn ở Nga, tôi đã dịch hai truyện ngắn in hai trang báo Văn Nghệ số Tết (1982) ở Việt Nam. Tôi biết thì đấy là lần đầu tiên, chúng ta tiếp xúc với truyện có 3 kết thúc khác nhau. Sau tôi còn dịch và in Giữa trời chiếc bánh ga tô, ( in hai lần) và Truyện cổ tích kể qua điện thoại. Nhưng phải thành thật nói với bạn là nội dung truyện bạn đọc của Rooddari kể ở trên chắc là do người khác dịch.

      Xóa