Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

HOÀNG DÂN tán NGẤT - ĐƯỜNG VĂN!


Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân

NGẤT!...
Đường Văn
(Tặng Ngũ phụng tề phi & Thất tinh tụ hội!)

Cháo lòng ngất với tiết canh,
Sáng chơi, chiều ngỏm, sướng! thành… ma no!
Khạo khờ, vừa nhắm vừa lo?!
Sống chết có số!... lo bò trắng răng!
27. 11. 2014. ĐV
TS Đường Văn

TÁN:  HOÀNG DÂN

Chỉ một tiếng “ngất” cũng có thể nhập hộ khẩu vào cùng trường với vô số từ láy (láy đôi, láy tư), từ ghép, quen tai trong kho tàng từ vựng tiếng Việt: ngất ngây, ngất ngư, ngất ngưởng, ngất lịm, ngất xỉu, ngất nga ngất ngưởng, ngất ngất ngây ngây, ngất nga ngất ngư… Tôi cho rằng Đường Văn chọn từ này làm nhan đề bài thơ 4 câu lục bát thù tạc này là đích đáng.
     Tất nhiên!
- ngất ngây có thể là cảm giác run rẩy khi ta liều, mạo hiểm… hôn trộm ai đó…
- ngất ngưcảm giác cực khoái khi ta nâng cốc với những bạn… nhậu
- ngất ngưởng:  tư thế của quân tử hoặc tiểu nhân khi… đắc chí
- ngất lịm:  trạng thái khi chẳng may bị… ăn đòn hoặc cực sướng
- ngất xỉu:  tình trạng… chết lâm sàng
Vậy ở đây, “ngất” của Đường Văn là gì? Có thể thấp thoáng cài đan, ẩn hiện cả 5 nghĩa trên. Nhưng trội hơn cả, có lẽ là tâm trạng ngà ngà, thăng hoa, “cực khoái” với … bạn nhậu?! Ý này hiện ra khá rõ ở dòng thơ đầu tiên:

                                                 Cháo lòng ngất với tiết canh,
Bạn bè thân hữu tụ bạ để gầy cuộc tiểu ẩm, quần ẩm,“thăng hoa” bên mâm rượu - cháo lòng - tiết canh, kể cũng đã thú, đã vui – một thú vui dân dã, giản dị tự ngàn đời của xứ tiểu nông thâm căn cố đế Việt Nam mình.
Nhưng đến dòng thơ thứ hai:
                “Sáng chơi, chiều ngỏm, sướng! thành… ma no!”
Nhịp thơ đang từ câu 1: chẵn - chẵn, nhịp nhàng, êm ái: 2/4, bỗng chuyển nhịp bất thường, chẵn, lẻ dường như phá cách, chẳng theo quy luật nào (hay là chỉ theo quy luật của người say?!): chẵn – chẳn – lẻ - lẻ - chẵn: 2/2/1/1/2. Còn  tứ thơ đã cơ hồ quặt sang nẻo khác và phảng phất hơi hướng giễu nhại, tự trào. Bởi cái món tiết canh khoái khẩu (nhất là với cánh đàn ông, bất luận trẻ, già và… không chỉ lũ mày râu mê nghiện!) thì có… khoái khẩu thật, nhưng nó lại luôn tiềm ẩn một ổ bệnh chết người! Ai đã từng xem tivi chiếu cận cảnh mấy vị xơi tiết canh bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn thì có lẽ sẽ… cạch đến già cái món nhắm đo đỏ, vàng vàng, xanh xanh, nâu nâu cực kỳ hấp dẫn, nuốt đến đâu mát ruột đến đấy! Những bệnh nhân ấy sưng húp, tím đen như những cái xác chết trương! Thật kinh hãi! Thế nhưng, với không ít kẻ ham vui, tôn thờ chủ nghĩa ẩm thực với ông Thần Khẩu thì “sáng chơi, chiều ngỏm” chỉ là chuyện vặt, sá gì! Hơn nữa, “hi sinh” cho niềm vui chung của bạn bè để được thành “ma no”, dù sao cũng có hậu hơn “ma đói”…! Và biết đâu, điều đó chẳng lấp lánh một vẻ đẹp tận hiến, tử vì đạo?!
Tuy nhiên, trong sâu thẳm tâm can của những cái đầu đen tiểu nông cố hữu vẫn luôn thường trực một nỗi sợ hãi mơ hồ, sợ đến nỗi “vừa đéo vừa run”: Nhịp thơ lại 1 lần nữa chuyển thành chẵn – chẵn – chẵn: 2/2/2 với điệp từ vừa tả hành động và tâm trạng diễn ra cùng lúc:
“Khạo khờ, vừa nhắm vừa lo?!”.
Lo cái gì? Lo “quá khẩu thành tàn”, “miếng ăn - miếng nhục”, “chết vì ăn là cái chết đê hèn”!… Một đống cử nhân, thạc sĩ, tiến sỹ, PGS, GS, sỹ quan lớn nhỏ… chỉ vì hốc tiết canh mà thượng thổ hạ tả hoặc mặt mũi sưng vù như mặt lợn thì còn ra cái thể thống gì?! Thân thành bia miệng, đã đành! Nhưng còn vạ lây cho con cháu đến đời kiếp kiếp lai nào mới dứt?!
Song, giời ạ! Vừa đéo vừa run thì sao có thể thăng hoa trong cơn cực khoái âm dương chi giao, quỉ thần chi hội? Vừa nhậu vừa sợ chết thì cái thâm tình bạn hữu cũng chỉ là đầu môi chót lưỡi! Hỡi ôi! Trong bộ tứ khoái (ăn, ngủ, đụ, ỵ), thì phải chăng “ăn” và “đụ” là nhị khoái thượng thặng?!
Bởi thế, hỡi các ẩm giả lưu kỳ danh! hãy ngửa cổ cười to, mà rằng:
                                      Sống chết có số!... lo bò trắng răng!
Số chưa tận thì dù có bỏ vào cối giã bảy ngày, vẫn… sống nhăn! Số hết sống thì dù có đổ sâm nhung, quế phụ vào họng như đổ nước thải xuống cống thì vẫn cứ đứ đừ… xuôi cẳng sáo… như thường! Hai câu tục ngữ, thành ngữ quen thuộc ghép lại thành cặp tiểu đối (nhịp song song chẵn – chẵn: 4 /4) làm nên cái kết bài gọn, ráo như mấy bát tiết canh xâu lạt vừa thưởng thức xong. Lại như từng chuỗi cười ròn rã, sảng khoái vang trên mâm rượu, dưới tán lá hồng xiêm cổ thụ, vào một buổi sáng chủ nhật đầu đông năm con ngựa. Những trận cười có hơi men rượu quý ngâm bàn tay gấu càng uống, càng ngấm, bốc mà vẫn dịu, đằm khiến ngũ phụng U 70 đang ngây ngất tề phi, thong dong, bâng lâng bay tới những miền cao thẳm, vô thường mà thách thức với tuổi già, thời gian và bệnh tật song hành…
Gặp cơn nắng cực, chửa mưa tè thì cứ đ... tới bến! Đã hẹn cùng nhau vùi đầu vào cuộc vui thì cứ nhậu tẹt ga! Số mệnh của ta: chỉ có Trời mới biết, chứ ta có hay đâu mà… sợ? Việc gì mà phải “lo, lo cái con bò trắng răng”, vớ vẩn tất! Hỡi lũ dở hơi, đầu bạc răng long!
Hai cặp lục bát mang tên NGẤT của Đường Văn, mới đọc qua, ngỡ chỉ là 1 trò “vè hoá thơ”- thơ vè để góp vui, trợ hứng!... Rồi mãn tiệc, chia tay, phóng xe về nhà, ngất 1 giấc dài. Chiều muộn, tỉnh dậy, vẫn còn đà đưa, ngà ngà…! Mới đọc kỹ lại, thấy hoá ra lão già làng Trèm, phường Thụy, quận mới Bắc Từ Liêm cũng có ý tưởng, thi tứ thâm hậu, lành, khỏe và dí dỏm… đấy chứ?
                            Mệnh tại trời! tiếu tại nhân!
                                                                         
Thạch Bàn, Long Biên, 1. 12. 2014. HD


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét