Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

TIẾT LẬP ĐÔNG

TS. Đường Văn

TIẾT LẬP ĐÔNG
                                              
                                                        HOÀNG GIA CƯƠNG

Vậy là tạm biệt mùa thu,
Lập đông
chợt đến giữa mù mịt mưa.
Lây nhây mấy đợt gió mùa,
Thương thay tán lá, khi chưa kịp vàng!

Đâu ngờ mình cũng đa mang,
Lo chùm khế rụng, lo bàng đỏ rơi.
Thoảng nghe ai đó ru hời,
Lo em bé khóc, khi trời trở cơn ...

Đã qua bảy chục mùa đông,
Dẫu quen, nhưng vẫn thấy lòng nôn nao.
Co ro trong tiếng gió gào,
Xót thời lận đận non cao, suối dài ...
Chẳng chênh ai! chẳng kém ai!
Nổi nênh như chiếc thuyền chài gió đưa…
Sóng xô, gió giật, mây mù,
Bao nhiêu trải nghiệm chát chua cuộc đời!

Lập đông trong tiết mưa rơi,
Ngồi lo, ngồi nhớ, lại ngồi trầm ngâm!

* Đăng: nguyennguyenbay.com.                        
16 – 11 – 2014. HGC

 LỜI BÌNH  ĐƯỜNG VĂN

TRẦM NGÂM… VỚI  LẬP ĐÔNG

Đọc trọn 1 lần Tiết lập đông - bài lục bát 18 câu (9 cặp) nuột nà, man mác buồn, thương, lo, ngẫm… của Hoàng Gia Cương, thấy cũng muốn ngẫm, muốn thương, buồn, lo, xót… cùng người thơ chưa một lần gặp mặt. Lại chăm chú đọc chậm vài lần nữa, bỗng nghe trong lòng mình nỗi niềm ấy vơi dần, vợi dần và cứ dâng lên mong muốn mới: giá bây giờ được cùng tác giả và mấy ông bạn thơ làng ve viên lạc rang nóng ròn, cụng chén men quê mà tứ ẩm, ngũ ẩm. Vừa ngắm làn mưa rét lây nhây đầu mùa vưà trò chuyện, tán bàn về Tiết lập đông thì lý thú biết mấy! Nhưng khi tiệc tiểu ẩm ấy chưa thành sự thực thì tôi hãy cứ thử động bút trải đôi dòng bình tán dông dài, chủ quan của riêng mình cho tiêu nỗi sầu lẻ bạn sáng thứ hai đầu tuần… mà thôi!


Thoạt đầu, trong cảm nhận và ngẫm ngợi của tôi: về ý, tứ, tư tưởng, tình cảm, bài thơ này không có gì thật sự khám phá, mới mẻ. Cũng vẫn là thơ của người hưu, bô lão nhân vịnh cảnh thời tiết chảy trôi, thay đổi mà ngẫm ngợi sự đời, sự mình, trong tâm trạng hiu hiu hoài cổ; thể lục bát quen thuộc, nhịp, vần cũng quen thuộc, lời văn, từ ngữ, thi ảnh… cũng xêm xêm, vầy vậy! Tôi ngờ rằng còn có 1 vài câu, vài từ không tránh khỏi sự cũ kỹ, sáo mòn. Thậm chí ngay cái nhan đề, tôi cũng e rằng khô và thừa chữ tiết. Nếu tôi viết, tôi sẽ thay bằng Trầm ngâm… lập đông!
Vậy thì cái hay, vẻ đẹp và sự cuốn hút lập tức nơi bài thơ của Hoàng quân, mà ngay khi đọc lần đầu, tôi đã không thể dứt ra nổi, là ở đâu? Và có thật không? Để kiểm tra cái tâm hồn và tư duy thẩm thơ già cỗi của mình, tôi đành lần lần đọc lại, từng câu, từng khổ.
Khổ 1:
Vậy là tạm biệt mùa thu,
Lập đông chợt đến với mù mịt mưa.
2 câu đầu thuần tả, kể sự chuyển mùa. Mùa thu thực sự đã qua, mùa đông thực sự đã về. Thông báo thời tiết trở nên cụ thể và ấn tượng hơn 1 chút bởi từ láy gợi hình: mù mịt (mưa rét giăng màn che khuất tầm nhìn). Ngữ vậy là mở đầu câu trên kết hợp với động từ chợt ở câu dưới hé mở tâm trạng thoáng ngạc nhiên, nuối tiếc vì phải tạm xa mùa thu dịu dàng, mùa thơ, mùa nhớ… mà phải 1 năm nữa mới lại trở về.
Nhưng nhìn chung, 2 câu này chưa thực sự có gì để bàn sâu.
2 câu tiếp:
Lây nhây mấy đợt gió mùa,
Thương thay tán lá, khi chưa kịp vàng.
Tôi rất thích từ láy gợi hình lây nhây, được sử dụng rất trúng để tả sự dai dẳng, kéo dài mãi không dứt, chưa dứt đợt nọ đã đến đợt tiếp theo thứ gió đặc chủng của mùa rét: gió mùa đông bắc. Lây nhây gió, lây nhây rét lạnh và lây nhây, ẩm ỉu cả con người! Thương tán lá chưa kịp vàng mà đã phải lìa cành là kết quả của quan sát và suy ngẫm tinh tế. Có lẽ đâu chỉ những chiếc lá bé bỏng, mong manh mà phải chăng là ẩn dụ về những kiếp người bất hạnh trong đời: Lá vàng còn ở trên cây/Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời?! Thơ xưa từng nói về những quy luật, nghịch lý nhân sinh éo le, tàn nhẫn khó lường và khó cưỡng!
Cụm từ chưa kịp vàng nói lên cái bất công, vô lý rất đáng xót thương của những chiếc lá xanh suốt mùa thu, tưởng rằng lá sẽ còn xanh qua cả mùa đông để đến được với xuân hồng năm mới. Nhưng hỡi ôi, lá đã vội rụng về cội, đã đành phải khuất phục trước làn mưa mù mịt và những cơn gió bấc thổi vô hạn vô hồi, khi mùa động thực sự bắt đầu!
Thế là, hóa ra ngay từ khổ thơ đầu, Hoàng Gia Cương đâu chỉ kể, tả mà song hành với tả kể, đan cài vào kể tả, đã thấy nổi dần dòng tâm trạng, nghĩ suy mà những biểu hiện của cảnh vật, thời tiết bên ngoài chỉ là cái cớ gợi thức cả một miền thi cảm đang chuẩn bị trào tuôn… đó thôi!
Khổ 2:
Đâu ngờ mình cũng đa mang:
Lo chùm khế rụng, lo bàng đỏ rơi…
Thoảng nghe ai đó ru hời,
Lo em bé khóc, khi trời trở cơn!
Thật ra, cái sự đa mang của người thơ đã phát lộ từ câu thơ thương lá xanh rụng bên trên rồi. Khổ này chỉ là sự nối tiếp ở mức độ sâu rộng hơn. Từ thương sang lo thể hiện diễn tiến tâm lý, tâm trạng có lý và có thật. Đây đích là cái thương vay nghệ sỹ vu vơ, không đâu và nhân ái, cảm động mà Xuân Diệu từng tả rất hay trong truyện ngắn lãng mạn Tỏa nhị Kiều (Phấn thông vàng, (1938). Tuy nhiên, cách diễn đạt của khổ này nặng về biểu ý bằng những từ ngữ, hình ảnh và kiểu câu trung tính nên có phần chung chung: Lo khế rụng, lo bàng rơi, lo bé khóc. Ngay cả câu thoảng nghe ai đó ru hời cũng đã là cách nói quen thuộc bao lần vang trên thi đàn Việt, từ lâu!
Khổ 3:
Khác với 2 khổ đầu: chủ yếu là lo, thương cho người khác, tâm tư hướng ra bên ngoài.
Từ đây đến hết bài, tác giả quay về với lòng mình, hướng nội mà ngẫm ngợi về cuộc đời dài ngoài bảy chục mùa đông của mình. Thơ trữ tình đích thực, xét cho cùng, trước sau, đều quay về với bản thể, với cái tôi trữ tình để giãi bày, biểu hiện thế giới tâm hồn bên trong muôn vẻ muôn màu của người thơ.
Đã qua bảy chục mùa đông,
Dẫu quen, nhưng vẫn thấy lòng nôn nao…
Co ro trong tiếng gió gào,
Xót thời lận đận, non cao, suối dài.
Theo tôi, khổ này có 2 từ láy nôn nao và co ro rất đáng chú ý. Từ nôn nao (chứ không phải xôn xao!) thể hiện tâm trạng quen mà lạ của con người mỗi khi phải đối mặt với hoàn cảnh thiên nhiên thay đổi, dù đã qua nhiều chu trình tuần hoàn lặp lại. Hơn 70 lần chứng kiến và trải qua tiết lập đông chứ ít đâu! Vậy mà vẫn nôn nao trong dạ sau mấy trận mưa rây và gió mùa? Vẫn rất khó chịu! vẫn thật khó quen!
Hình ảnh con người co ro trong tiếng gió gào  khiến tôi hình dung một lão già ngoại thất thập xo ro, cố thu mình cho nhỏ đi trước những trận gió hàn rát mặt. Con người và tuổi tác mới nhỏ nhoi, yếu đuối xiết bao trước thiên nhiên khắc nghiệt! Nhưng đọc tiếp câu sau, lại khiến tôi ngỡ ngàng bởi sự chuyển ý đột ngột của tác giả. Tưởng chừng co ro rồi sẽ than thở, kể kể tiếp về cái cảm giác rét buốt, khổ sở từ trong ra ngoài ấy. Nhưng không! ông không dừng ở hiện tại mà ngoảnh về quá khứ thời trai trẻ, tráng niên mà xót thương 1 thuở hào hùng của chính bản thân mình:
Xót thời lận đận, non cao, suối dài. Hình anh non cao, suối dài hoàn toàn chỉ mang tính tượng trưng chứ không còn chở nghĩa thực, nối 1 cách tự nhiên với khổ 4:
Chẳng chênh ai! Chẳng kém ai!
Nổi nênh như chiếc thuyền chài gió đưa…
Sóng xô, gió giật, mây mù,
Bao nhiêu trải nghiệm, chát chua  cuộc đời….
Vẫn toàn là những hình ảnh biểu trưng quen thuộc: con thuyền cuộc đời, giữa sóng xô, mây mù, vượt lên gió giật, nổi nênh mà trải nghiệm đắng cay, chua chát vị đời, trong hồi ức tự hào, rằng mình cũng chẳng chênh lệch lắm với ai, càng chẳng kém ai trong cuộc sống hoạt động và công tác, hoàn thành nhiệm vụ vì dân vì nước.  Nhưng đây không phải là cái tự hào mang dáng vẻ bốc đồng, hiếu thắng, khoe khoang, hoặc công thần kiêu mạn mà là cái tự hào, bình tĩnh của người đã từng trải, lão thực ngẫm nghĩ, tự đánh giá về mình trên cả hai mặt: thành  công và thất bại, mà phần đắng cay, chua chát lại ngấm sâu hơn những ngọt bùi thắng lợi vẻ vang!
Hai câu kết bài đến vừa đúng lúc.
Câu trên trở lại với hình ảnh ban đầu và xuyên suốt cảm hứng đưa tới câu cuối cùng chồng tiếp 3 điệp từ ngồi để chỉ cái tư thế một mình, trong tuổi già yếu mỏi, cô đơn mà lo, nhớ, mà trầm ngâm ngẫm ngợi sự đời và bản thân từ hiện tại ngảnh về quá khứ xa xưa; lại từ quá khứ xưa xa quay lại hiện tại. Và tất nhiên, không thể không tưởng hướng tới tương lai, một tương lai dù ngắn ngủi và đã rõ kết cục trọn 1 vòng đời trong 1 thời gian chỉ có thể tính bằng tháng nữa… mà thôi (sáu mươi tính năm, bảy mươi tính tháng, tám mươi tính ngày, chín mươi tính khắc… (Tục ngữ)! Tâm trạng được xếp theo thứ tự: 1. lo 2. nhớ. 3. trầm ngâm… Những gì ông lo, ông nhớ, ta đã rõ ở những khổ trên. Còn ông đang trầm ngâm, nghiền ngẫm về những điều gì? ngoài những ám ảnh ấy, có lẽ chỉ có Hoàng Gia Cương mới tỏ! Chúng ta – bạn đọc, cũng chỉ có thể đoán phỏng từ những kinh nghiệm riêng của mình thì cũng chỉ có tác giả mới biết nó sẽ đồng cảm, chia sẻ được bao nhiêu?!
Như vậy, đó cũng là 1 cái kết gợi mở, trĩu nặng tâm tư buồn. Nỗi buồn tuổi già thêm 1 lần được định vị và ngân nga cùng với tiết lập đông năm Giáp Ngọ (2014); nỗi buồn sáng trong và nhân hậu…/.


Đêm 17 – 11 – 2014. ĐV
 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét