Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

LẬP MƯU LẤY CHỒNG



                                                        
 
     Nhà vănVũ Công Hoan

 LẬP MƯU LẤY CHỒNG

                                                                                          Tôn Phương Hữu

                                                                                         Vũ Công Hoan dịch

          Triệu Điện Thn sinh tại Chợ Nhỏ Vương Điếm nam Trần Châu năm cuối Quang Tự triềuThanh. Ông thanh bần cương trực, say mê thư pháp. Tác phẩm của ông chương phép nghiêm cẩn, bảng biển hùng hồn, khỏe khoắn, nét chữ thể khải nhỏ nhắn thanh tú, đẹp đẽ, ai sưu tầm cất giữ cũng coi là vật quý hiếm.
         
          Bố đẻ Triệu Điện Thần là ôngTriệu Ngọc Đường bán cám đậu trên Chợ Nhỏ mưu sinh. Bởi chịu nhiều nỗi khổ của kẻ mù chữ, nên ông quyết chí nuôi con ăn học. Ông chọn Trương Trấn Hoài làm thày cho con. Trương Trấn Hoài cũng người Vương Điếm, giỏi thư pháp, thấy Điện Thần có linh khí, liền khuyến khích cậu khổ luyện thành tài. Thời ấy, nhà họTriệu nghèo túng, nhưng để rèn cho Điện Thần học thư pháp, không bao giờ ông tỏ ra cò kè bủn xỉn. Ông mua về hàng bó giấy, yêu cầu mỗi buổi tối, con trai luyện viết mười sáu chữ to trên biển(bốn cái văn biển), cậu thường lấy  bùn nhão hoặc xanh chàm làm mực, cứ mười ngày lại treo lên một lần, đối chiếu cái trước với cái sau, tổng kết theo từng thẻ. Để đốc thúc con trai luyện chữ, ôngTriệu Ngọc Đường ngoài ba mươi tuổi bắt đầu hạ quyết tâm khổ công học chữ, đọc thiếp xem thẻ. Để nhận biết nhiều chữ, ngay ở chuồng xí trong nhà, ông cũng dán chữ. Khi ngồi đại tiện thường lấy que làm bút, lấy đất làm giấy viết phỏng theo. Đúng là dốc hết nỗi khổ tâm của người làm bố.

         
          Triệu Điện Thần có lòng yêu chuộng đặc biệt đối với thư pháp thể Âu, ngày ngày đêm đêm cậu đọc thiếp và viết phỏng theo, mùa rét cũng như mùa mùa nóng không mùa nào cậu bỏ học. Được bố đẻ khổ tâm rèn dũa, được thầy dạy nghiêm khắc chỉ dẫn đến nơi đến chốn, bản thân chịu khó cố gắng, mới mười mấy tuổi, cậu đã được làng xã biết đến tài năng thư pháp. Thầy dạy Trương Trấn Hoài thấy học trò ham học rất mừng, còn làm thơ động viến khuyến khích:
          “Dăng đầu tù kinh Âu dương thể. Hồng trạo thâm nguyên vệ phu nhân.
            Mạn vị vu ông dự tiểu tử, hoặc nghi dật thiểu thị tiền thân.”
         
          Năm mười sáu tuổi, thể chữ Âu do Triệu Điện Thần viết có thể lồng vào thiếp vừa khít, hoặc một chữ viết thành nhiều xếp lại trùng hợp không sai một ly, giống y như đúc từ một cỗ máy. Vì thế được thầy Trương Trấn Hoài rất yêu thích và coi trọng. Trương Trấn Hoài giới thiệu Triệu Điện Thần trở thành môn sinh của ngài Đoạn Lão Tuyền.
          Sau khi học ngài Đoạn Lão Tuyền, Triệu Điện Thần lại càng nổi tiếng, thường có người đến mời Triệu viết văn bia. Tác phẩm thư pháp của Triệu đã thịnh hành ở bảy tám huyện miền đông tỉnh Hà Nam.
          Cách Vương Điếm không xa có một thôn trang gọi là thôn Thích Lầu. Trong thôn có một nhà giầu ruộng sâu trâu nái,mái ngói sân gạch, chủ nhà là Thích Cảnh Tuyền, bố ông qua đời đã ba năm, cần phải dựng bia, liền mời Triệu Điện Thần viết văn bia.
         
         Thích Cảnh Tuyền có một cô con gái, tên là Thích Nhung Nhung vừa tròn mười chín tuổi, lúc ấy đang học trường cao trung Nữ tử Trần Châu,cũng rất mê thư pháp. Thấy Triệu Điện Thần không chỉ viết đẹp, lại cũng đẹp trai, cô liền xin bố dạm hỏi trước mặt. Ông Thích Cảnh Tuyền tuy cũng ưng ý Triệu Điện Thần, nhưng còn e hai nhà không môn đương hộ đối, chênh nhau quá lớn, nên không đồng ý. Thích Nhung Nhung sinh tính chanh chua. Vừa nghe bố không bằng lòng, liền sị mặt nói:
          - Bố nên đi hỏi anh ấy đã lấy vợ chưa cái đã. Nếu anh ấy đã đính hôn, coi như lời nói của con bằng không! Nhưng nếu anh ấy chưa lấy vợ, xin bố sửa đổi quan niệm cổ hủ  môn đương hộ đối của bố đi!

          Nghe con gái nói thế, ông Thích Cảnh Tuyền giận lắm. Ông bảo:
-         Sao lại đi hỏi trước mặt người ta chuyện này?
Thích Nhung Nhung đáp:
-         Thế thì nếu bố không hỏi, con sẽ tự đi hỏi.
Chưa dứt lời cô đã chạy ra sảnh lớn, hỏi Triệu Điện Thần.
-         Thầy Triệu đã lấy vợ chưa?
          Bởi giọng quá to, Triệu Điện Thần giật nảy mình, tay run run, con chữ dưới bút đã biến dạng. Triệu Điện Thần đang định nổi nóng, ngẩng đầu lên nhìn thấy cô gái lớn nhà họ Thích, hết sức ngạc nhiên, một lúc sau mới ngẩn người hỏi:
-         Tiểu thư nói gì vậy?
Thích Nhung Nhung đáp:
-         Tôi hỏi anh đã lấy vợ chưa?
Lúc này Triệu Điện Thần đã hiểu. Mặt đỏ tía tai lâu lắm mới ấp úng:
-         Vẫn...vẫn chưa!
          Vừa nghe Triệu Điện Thần nói chưa lấy vợ, Thích Nhung Nhung vui mừng ra mặt reo to:
-         Hay quá!
          Reo xong cô âu yếm nhìn Triệu Điện Thần một cái rồi vội lảng đi.
         
          Nhìn cái bóng lưng ong của Thích Nhung Nhung, Triệu Điện Thần bần thần như ngây dại, không rõ cô gái lớn chủ nhà đột nhiên đến hỏi việc lớn cả đời của mình là có ý gì. Đương nhiên, hình như anh dự cảm có điều gì đó, chỉ có điều không dám nghĩ sâu hơn. Bởi vì anh thừa biết, không môn đương hộ đối là một hố sâu, là bức chắn rất khó vượt qua. Nghĩ vậy, anh bỗng dưng thở dài một tiếng, cúi xuống nhìn con chữ bị Thích Nhung Nhung làm giật mình viết xẹo xọ. Anh gượng cười, cầm bút viết lại. Điều khiến Triệu Điện Thần bất ngờ hơn là anh vừa cầm bút định viết lại,chợt nghe ở sân sau tiếng cô hầu  hớt hải nói to:
-         Đại tiểu thư đã thắt cổ tự vẫn!

Sau đó là những tiếng bước chân chạy hỗn tạp.
          Triệu Điện Thần rất sửng sốt, cũng hổi hả chạy ra khỏi phòng khách, định xem  rút cuộc có chuyện gì xảy ra ở sân sau. Nhưng vừa bước khỏi phòng khách anh bỗng dừng chân, nghĩ bụng, Thích tiểu thư tự vẫn, chắc chắn là việc xấu trong gia đình, việc xâu xa trong nhà không được để loang ra bên ngoài. Mình là khách, nếu đi vào trong buồng người ta há chẳng thất lễ? Thế là anh chầm chậm trở vào phòng khách. Nhưng không biết tại sao anh lại rất lo lắng cho Thích tiểu thư, hơn nữa lòng dạ anh rối bời, đứng ngồi không yên, mấy lần cầm bút lên lại đặt xuống, anh không tài nào bình tĩnh nổi.

          Khoảng một giờ sau ông Thích Cảnh Tuyền bứơc vào phòng khách, sắc mặt khó đăm đăm. Ông  liếc nhìn Triệu Điện Thần nói:
- Có thể vừa nãy Triệu tiên sinh đã biết chuyện con gái tôi thắt cổ tự vẫn. Quả tình không thể nói giấu, việc này hoàn toàn tại lão phu. Con bé một lòng một dạ muốn cùng tiên sinh kết duyên Tấn Tần, nhưng lão phu cảm thấy hai nhà Thích, Triệu giầu nghèo khác hẳn, không môn đương hộ đối, không tán thành, nào ngờ con bé ương ngạnh, vào buồng thắt cổ tự vẫn. Tôi hối hận quá đi thôi!

Triệu Điện Thần vội vàng hỏi:
-         Thế, có cứu được tiểu thư không?
Ông Thích Cảnh Tuyền thở dài nói:
-         Cứu thì cứu được, nhưng mất tiếng nói, có lẽ sẽ thành tàn tật suốt đời!
Triệu Điện Thần ngạc nhiên trợn mắt, đột nhiên quỳ sụp xuống cầu xin ông Thích:
          - Thưa ông, Thích tiểu thư vì tôi không sợ sinh tử. Cô nhà không có tư tưởng môn đương hộ đối, không chê nhà con nghèo, lẽ nào con vô tình vô nghĩa? Đừng nói cô nhà chỉ là mất tiếng, cho dù cả đời cô nhà nằm liệt giường liệt chiếu, con cũng xin  nguyện hầu hạ cô nhà suốt đời thưa ông!

          Ông Thích Cảnh Tuyền vừa nghe nói thế, không kìm nổi nước mắt tràn trề, nghẹn ngào nói:
          - Triệu tiên sinh đã nói như vậy, con gái tôi đã không nhìn nhầm người! Nhưng suy cho cùng đây là việc lớn trọn đời của các con. Ngày mai tôi sẽ tôi sẽ nhờ người sang phủ xin làm thông gia, tiên sinh thấy thế nào?
         
           Ngàn lời biết ơn vạn điều cảm tạ, Triệu Điện Thần vội vàng viết lại văn bia, rồi về nhà báo tin vui với bố mẹ. Ông bà Triệu Ngọc Đường lẽ đương nhiên hớn hở trước cuộc dạm hỏi này. Chẳng bao lâu họ cưới nhau. giống như để bù lại nỗi ân hận đối với con gái, ông Thích Cảnh Tuyền không những cho đem theo rất nhiều của hồi môn, mà còn ấn vào hòm nhiều tiền bạc.

          Trong đêm tân hôn, Triệu Điện Thần mở khăn trùm đầu cô dâu, trước hết anh cúi chào Thích Nhung Nhung, âu yếm nói:
          - Tiểu thư có thể liều mình cho phép, khiến anh vô cùng cảm ơn.Tuy em đã mất giọng, nhưng anh quyết không chê bỏ, nguyện chúng mình từ nay về sau thấu hiểu lòng nhau!
          Không ngờ Thích Nhung Nhung lúc này lại hí hí cười thành tiếng. Cô nói:
          - Anh si thật hay si giả? Lẽ nào anh vẫn chưa nhận ra em đã dùng kế để san bằng cái hố ngăn cách môn đương hộ đối giữa hai nhà chúng ta?
         
          Triệu Điện Thần vừa nghe Thích Nhung Nhung mở mồm nói, đầu tiên là ngạc nhiên, sau đó anh mừng rỡ, tiếp theo anh vỗ bồm bộp vào đầu mình, nói rối rít:
          - Ôi, anh đần quá, sao anh không nghĩ đến điều này nhỉ? Chỉ có điều tại sao tiểu thư lại yêu anh? Có thể nói xưa nay chúng mình vốn không quen biết nhau?

          Thích Nhung Nhung cười bảo:
          - Chữ anh viết kết cấu chặt chẽ, chương pháp rõ ràng xác đáng, chứng tỏ anh là con người đức độ, làm việc biết giữ luật lệ, đáng được gửi gắm trọn đời.
         
          Quả nhiên, sau khi cưới hai người thương yêu thắm thiết, cuộc sống tốt lành, ăn nên làm ra. Dưới sự dẫn dắt của Triệu Điện Thần, trình độ thư pháp của Thích Nhung Nhung đã tiến bước dài, mấy năm sau danh tiếng cô đã lừng lẫy trong giới thư pháp Trần Châu. Tương truyền, mấy chữ “Trần Châu bách hóa đại lầu” trong năm dân quốc chính là do Thích Nhung Nhung viết lưu lại.

                                                          Vũ Công Hoan dịch ngày 19 tháng 2 năm 2013
                                                          (Theo Tiểu tiểu thuyết Trung Quốc năm 2011)  

4 nhận xét:

  1. Bu tui đọc sách dịch của Vũ Công Hoan nhiều lắm nhưng hôm nay mới biết ông là sĩ quan quân đội.
    Chắc em Nhung Nhung thông đồng với người ăn kẻ ở trong nhà mới nằm một chỗ chỗ mà vẫn sống được cho đến ngày cưới. hihi
    Mới hay có công mài sắt có ngày nên kim, Tình yêu mãnh liệt ở Nhung Nhung cảm hóa được ông bố cổ hủ "môn đương hộ đối"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà văn Vũ Công Hoan được đào tạo thông dịch, làm ở khu gang thép Thái Nguyên. Sau tham gia quân đội, đến chức Trung tá thì giải ngũ. Ông tự học rất nhiều để trở thành dịch giả. Các tác phẩm dịch rất đồ sộ gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn...VN có dự trại viết với ông hồi ở Việt Bắc. Sau này VN có phỏng vấn về ông và đăng 1 trang báo Văn Nghệ. Nhà văn Diêm Liên Khoa ( Trung Quốc) rất kính trọng ông và cho ông toàn quyền dịch sách của Diêm Liên Khoa ra tiếng Việt.

      Xóa
  2. Cảm ơn bác Vũ Nho đã giới thiệu câu chuyện và dịch giả Vũ Công Hoan.

    Trả lờiXóa