Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

ĐI TÌM “HẠT VÀNG CUỐI MÙA” VỚI TRỊNH DŨNG


ĐI TÌM “HẠT VÀNG CUỐI MÙA”
VỚI TRỊNH DŨNG
(Tập thơ - Truyện ngắn - Hạt vàng cuối mùa –
Trịnh Dũng- NXB Văn học, Hà Nội 2003)

Nguyễn Thị Lan

“Hạt vàng cuối mùa” là tên bài thơ sáng tác tháng 6/2003 trong tập thơ cùng tên của Trịnh Dũng. Có những câu thơ tựa như kiểm kê “nửa đời nhìn lại”
“Tôi đi tìm hạt cuối mùa
Nắng trưa quá nắng - chiều chưa hết chiều!
Ngẫm mình, tóc đã muối tiêu
Chấp chơ sóng đổ, bờ liêu xiêu bờ!
......
Mải mê tìm hạt thóc sau
Qua thì mưa nắng, thấm màu mặn chua…”
“Đi” và “tìm” gắn liền với quá trình sống, quá trình “hiểu biết, khám phá và sáng tạo” của người nghệ sĩ đồng thời cũng có nét riêng của Trịnh Dũng. Đó là trưa, chiều, mưa, nắng mặn, chua, một cảm giác thường thấy ở thơ Trịnh Dũng.
Cũng bài thơ trên, khổ thơ sau đã hé mở cho người đọc thấy phần nào cuộc đời không mấy suôn sẻ, bình lặng của người làm thơ.
“Bâng khuâng nắng đổ ngọn cây
Nửa đời xuôi ngược, tháng ngày lửng lơ
Nửa nào thực, nửa nào mơ
Giữa đường trăm ngả, bao giờ gặp nhau”
Như vậy có thể xem phần thơ trong “Hạt vàng cuối mùa” là nhật ký tâm sự của Trịnh Dũng. Đúng như lời tác giả đã nói cũng bạn đọc: “… cùng với những tháng năm biến động, đầy ắp những kỷ niệm buồn vui trăn trở, tôi gửi vào thơ văn tình cảm của mình với mọi miền quê thiết tha, với cuộc sống đa cảnh sắc, với tình yêu đôi lứa cùng gia đình bạn bè thân thương”.
“Hạt vàng cuối mùa” trước hết là bức chân dung tinh thần tự họa của chính tác giả.

Đây là hình ảnh: “con thuyền cuộc đời” nhà thơ:
“Ngả nghiêng bên đục, bên trong
Con thuyền trôi, mái chèo trầm lòng sông!”
Đời Trịnh Dũng buồn nhiều hơn vui. Anh đã phải vượt qua những nỗi buồn đau âm thầm không thể nói. Đã hơn một lần trong thơ anh nói về trái tim tan nát của mình - trái tim mất một nữa. Mất nửa trái tim là mất nửa cuộc đời.
“Đành chôn nửa trái tim hồng”
Nhưng Trịnh Dũng đã vượt lên một cách cứng cỏi
“Nén vồng ngực để xương rồng mọc lên”
Cố gồng mình lên để chống chọi với mất mát, đau buồn đấy là về lý trí, còn trong tâm hồn bị tổn thương ấy vẫn khát khao, ước mong.
Trịnh Dũng có cả một bài thơ nói về nỗi khao khát - bài “Khát”. Người làm thơ ví mình như một cồn hoang, một đảo xa sóng bốn bề, một con đường vắng dấu chân người qua lại.
Anh “khát” cảnh:
“Đêm hè khát một vầng trăng”
Anh “khát” người:
“Trăm năm khát với trăm năm cùng mình”
Anh “khát” tình:
“Hoàng hôn ơi, khát mối tình”…
“Ta cồn hoang - sóng bốn bề
Khát lòng tìm lại lời thề năm xưa”
Bài thơ “Khát” đã phác thảo gần đúng chân dung tinh thần và tâm hồn của Trịnh Dũng.
Trong cuộc đời, Trịnh Dũng đã từng nếm trải những mất mát, đổ vỡ. Hơn ai hết, anh thấm thía niềm hạnh phúc đôi lứa. Trong thơ Trịnh Dũng thường có hình ảnh sóng đôi “anh”, “em” đầy hạnh phúc:
“Cầm tay nhau đến tận cùng
Anh chèo, em chống, thác ghềnh cũng qua”
(Không đề)
Chỉ những ai đã từng sống cô đơn trong cảnh một mình, một bóng mới cảm thông và thấm thía những hạnh phúc bình dị, đời thường mà xiết bao đầm ấm, đáng quý trong thơ anh:
“Bát cơm nóng với canh cua dân dã
Lửa lại hồng, không bóng lẻ lui cui!”
“Người không xa lạ” là một bài thơ giàu tình nghĩa. Trịnh Dũng đã mượn lời con gái để cảm ơn người đàn bà đã mang lại hạnh phúc cho mình. Trong cái gia đình mới này chị đâu có “xa lạ” mà ngược lại chị là người “chung đường” “thân thiết”; chị là tia nắng ấm, là người “gánh đỡ” cho bố con anh.
Bước sang tuổi thu, dẫu vẫn còn tha thiết với chữ “tình” nhưng Trịnh Dũng cũng hay nói về chữ “nghĩa”. Anh trọng chữ “nghĩa”:
“Thương nhau cho trọn nghĩa tình
Chăn đời dẫu hẹp, ta mình đắp chung”
(Không đề)
“Đôi ta trót nặng nghĩa tình
Xôn xao sóng vỗ trắng ghềnh chiều hôm”…
(Xôn xao sóng vỗ)
Phải chăng sau bao năm mất mát, đổ vỡ, con người đến tuổi “tri thiên mệnh” đó đã thấm thía nỗi đời: trong quan hệ giữa “tình” và “nghĩa”, “nghĩa” là phần cốt; “nghĩa” lâu bền hơn “tình”. Đấy cũng là đạo lý làm người trong những tâm hồn Việt.
Hoài niệm là một nét đặc biệt trong tâm cảm Trịnh Dũng. Khi đã bước sang cái dốc bên kia của cuộc đời, anh thường nhớ. Và nhớ lại buồn, buồn dai dẳng. Nhớ lại thương, không khi nào nguôi ngoai.
Anh lại nhớ tuổi xuân đầy mộng ước:
“Đâu còn xanh những ngày xưa
Con đò mộng mơ tìm bến”
(Với thời gian)
Anh hòai nhớ một mối tình đã trở thành kỷ niệm. Đã hai mươi chín mùa phượng đỏ nhưng tất cả vẫn tươi rói như mới ngày hôm qua:
“Hai chín năm rồi! Em ơi có nhớ
Ngày ta bên nhau - phượng nở hết mình!
Anh nắm tay em, bồi hồi bỡ ngỡ
Đôi mắt em cười… Sao ánh lung linh…”
... “Phượng đỏ thế, mong manh cánh nở
Một thoáng cháy trời, sao dễ phôi pha?
Chiều trở gió, cánh bay miền đất lạ…
Để cánh mềm buông ngơ ngác chạm vai!
(Một thời hoa đỏ)
Anh hoài nhớ cố hương. Một buổi trưa như bao buổi trưa khác nỗi nhớ cố hương lại bất chợt hiện về:
“Đâu đây tao tác tiếng gà
Bâng khuâng như tiếng quê xa vọng về!
Rạn vai mưa nắng bộn bề
Tháng năm lỗi hẹn đường về cố hương”
Nhưng Trịnh Dũng nhớ về, ngoảnh lại không chỉ vì nuối tiếc, ngậm ngùi hay ân hận mà ngoảnh lại những kỷ niệm đó để tâm hồn thêm giàu có. Bởi người làm thơ tự ý thức sâu sắc rằng: kỷ niệm đẹp đẽ còn quý hơn cả kim cương, nó làm nên một giá trị trong đời sống tâm linh của cõi đời người.
Làm thơ về mình nhiều nhưng những bài thơ hay nhất của tập thơ “Hạt vàng cuối mùa” và của đời thơ Trịnh Dũng là những bài thơ viết về mẹ. “Bóng mây chiều” là một bài tiêu biểu.
Suốt bốn mươi năm viết truyện, làm thơ, Trịnh Dũng luôn ước ao “Biết đâu trời lại thương cho hạt vàng”. Người đọc yêu mến thơ anh đều hiểu rằng: mỗi bài, mỗi ý, mỗi dòng, mỗi chữ trong tuyển tập đầu tay này đều là khó nhọc và bay bổng của anh. Chỉ có thăng hoa của lao động trí óc ngày đêm, làm gì có thăng hoa của may rủi? “Trời thương” cho anh một hạt lóe sáng nhưng phải có mảnh đất trí óc, tâm hồn và cả kinh nghiệm nghề nghiệp, hạt lóe sáng đó được chăm sóc chu đáo thì mới mong nảy nở hoa trái ngọt lành. Những “hạt vàng” mà Trịnh Dũng có được ẩn giấu sức lao động và khả năng của người nghệ sĩ, nó thấm đượm mồ hôi và nước mắt của tác giả.
Khép lại thơ Trịnh Dũng thấy việc đời và tâm tư anh sâu nặng. Thơ anh có một vài bài khá hay. Một số bài còn non lép vì cái sự…định làm thơ của anh. Bài vô thưởng vô phạt vẫn còn (nhất là những bài tức cảnh). Người viết bài này cứ ao ước, giá kể ở tuyển tập thơ này Trịnh Dũng dũng cảm gạt bỏ một phần là những bài thơ trung bình thậm chí là yếu thì tập thơ sẽ chững chạc lên nhiều.
Hải Dương, hè 2005

Trích trong sách  : Nguyễn Thị Lan - VĂN CHƯƠNG HẢI DƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI, nxb Hội nhà văn, 2015




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét