Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

MÈO ĐI GUỐC và CHUỒN CHUỒN CẮN RỐN của Trần Mạnh Hảo với lời bình Vũ Nho


MÈO ĐI GUỐC
         Trần Mạnh Hảo

Con mèo bắt chuột
Nên đi giầy da
Thấy chó mang guốc
Mèo đòi mẹ mua

Chuột vẫn là chuột
Mèo hết là mèo
Từ khi đi  guốc
Chú mèo đói meo

Lời bình của Vũ Nho
Chú mèo đi giầy da là cách nói hình ảnh về những chiếc chân mèo có đệm thịt để đi lại êm nhẹ, không phát ra tiếng động. Nó thuận lợi giúp cho mèo không bị lộ khi rình bắt chuột. Nhưng mèo con thích đua đòi, thấy bạn mang guốc, thế là đòi mẹ mua guốc.
Những con chuột thì vẫn là chuột, nhanh nhẹn, tinh quái.
Nhưng mèo đi guốc, thì chẳng còn là mèo nữa. Vì không còn là mèo, nên chẳng thể bắt nổi chuột. Tất nhiên, không săn được mồi thì mèo đói meo. Tác hại của việc đua đòi là thế đấy. Câu chuyện là một bài học cho những ai thích đua đòi.
Chỉ có điều, chân chó cũng khá giống chân mèo, cũng có móng sắc và đệm thịt. Chỉ có trâu và bò mới là loài móng guốc thôi. Nên chăng mèo thấy bò hoặc trâu mang guốc  rồi đòi mẹ thì hợp lí hơn !


CHUỒN CHUỒN CẮN RỐN
          Trần Mạnh Hảo

Có một người đã lớn
Xui bé bắt chuồn ngô
- Cứ cho nó cắn rốn
Xuống nước bơi tha hồ

Ôi chuồn chuồn cắn rốn
Đau phát khóc bạn ơi
Bé tìm ao nhảy xuống
Tưởng mình là rái bơi


Bé chìm uống no nước
May có người vớt lên
Từ nay ai tin được
Bùa phép răng chuồn chuồn

Muốn bơi thì phải tập
Con chuồn chuồn kia ơi
Suốt đời bay trên cạn
Sao dạy người ta bơi?

Lời bình của Vũ Nho
Vùng đồng chiêm Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam đều truyền tụng một “mẹo” dân gian. Muốn chóng biết bơi thì bắt chuồn chuồn cho cắn rốn. Loài chuồn chuồn bay trên không trung, nhưng khi “chuồn chuồn đạp nước” chính là  lúc nó đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng sống trong nước. Khi đủ ngày đủ tháng, ấu trùng đó bò lên cọng súng hoặc chà rào nhô khỏi mặt nước, lột xác và biến thành chuồn chuồn. Có lẽ vì biết vòng đời đó của chuồn chuồn mà người ta nghĩ ra cái “mẹo” dân gian đó chăng? Chỉ biết rằng một chú bé tin người lớn cho chuồn ngô cắn rốn “ Đau phát khóc”. Khi tìm ao nhảy xuống thì không bơi được mà “uống no nước”, suýt bị chết đuối! Câu chuyện có thể kết thúc ngay ở khổ thơ thứ ba:
          Từ nay ai tin được/ Bùa phép răng chuồn chuồn
Nhưng tính các bé là hay quên. Bởi vậy có thêm khổ thơ thứ tư nữa để nhắc nhở điều quan trọng: Muốn bơi thì phải tập!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét