Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

KHI CON TU HÚ của TỐ HỮU với lời bình Vũ Nho





                                                   Tố Hữu
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đương chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi
Ngột làm sao chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu
Lời bình của Vũ Nho
Khi con tu hú gọi bầy. Cũng là một tiếng chim, nhưng tiếng gọi bầy của con chim tu hú gợi lên sự tưởng tượng phong phú về bức tranh thiên nhiên rộng lớn và tinh tế. Từ thế giới vĩ mô đến thế giới vi mô, từ cánh đồng, bầu trời, khu vườn, vạt sân đến hạt bắp, trái cây. Còn nhớ những tiếng chim độc đáo trong thơ: 
- Một tiếng chim kêu sáng cả rừng (Khương Hữu Dụng)
- Tiếng chim tha nắng rải đồng vàng thơm (Định Hải)
- Tiếng chim nghe thánh thót
- Văng vẳng khắp cánh đồng (Trần Hữu Thung)
Ở bài thơ này, chim tu hú gọi bầy thức dậy trong tâm tưởng nhà thơ bao nhiêu hình ảnh, âm thanh, màu sắc, hương vị của mùa hè. Sắc màu thật là rực rỡ và lộng lẫy : 
Cánh đồng lúa chín ửng vàng
Vườn cây râm mát xanh
Nắng đỏ tươi
Ngô vàng
Trời xanh thăm thẳm

Những âm thanh thật là náo nức, rạo rực. Tiếng chim tu hú lảnh lót trên nền nhạc rộn rã của những tiếng ve ngân. Trên cao xanh điệp vào đó là tiếng sáo diều réo rắt. Cùng với sự đầy ắp âm thanh, màu sắc là hương thơm. Hương của đồng lúa chín, hương của những trái cây ngọt ngào từ những khu vườn, hương từ những vạt ngô đang rây vàng hạt mẩy. Cảnh vật rất sống động, chúng như đang phát triển, đang cựa quậy một cách hết sức tự nhiên, mạnh mẽ. Tiếng ve "dậy", nắng đào "đầy", trời xanh bát ngát như căng ra - "càng rộng càng cao". Đến cả những cánh diều vô tri vô giác cũng biến thành vật sống - con diều sáo - bay lượn thoải mái tự do trong bầu trời khoáng đãng.
Tuy nhiên, đặc sắc của bức tranh không phải chỉ là chất liệu, mặc dù chúng làm nên vẻ đẹp bề bộn, rậm rạp của Huế lúc vào hè. Đặc sắc là bức tranh này được vẽ bằng sự tưởng tượng, vẽ trong tưởng tượng. Nó là mùa hè, nhưng mùa hè "dậy" lên qua tiếng chim lọt vào buồng giam, mùa hè "nghe" thấy "cảm" thấy trong tiếng chim tu hú và xa xa là tiếng ve, tiếng sáo diều.
Thiên nhiên tự do phóng khoáng bên ngoài được dành cho nhiều dòng thơ. Trong khi đó cuộc sống mùa hè của người bị giam chỉ được viết trong một dòng thơ ngắn ngủi vỏn vẹn sáu tiếng: 
Ngột làm sao chết uất thôi
Sự tương phản không chỉ là cảnh vật mà thậm chí đến ngay cả cấu tứ và diễn đạt. Không cần nói nhiều về tình trạng đối lập bên trong và bên ngoài phòng giam, mà vẫn cứ ngồn ngộn sự đối lập. Bởi vì rằng cảnh vật tự nó gợi lên sự đối lập. Bên ngoài là thiên nhiên phóng khoáng, dịu mát, thơm hương tràn đầy sức sống. Thế mà, cũng là mùa hè, nhưng trong phòng giam là sự ngột ngạt - và chết uất. Thế giới tù tội và thế giới tự do vốn là đối lập, nhưng nếu như không đặt chúng cạnh nhau, không so sánh bởi cùng một thước đo thì sự đối lập và tương phản ấy sẽ không có được tính chất gay gắt mãnh liệt. Tiếng chim tu hú cứ như khoan vào trong phòng giam để cho thế giới bên ngoài tràn vào ào ạt. Mà như vậy càng khiến cho sự ngột ngạt càng trở nên ngột ngạt, sự khao khát càng thêm khao khát, sự bức bối càng thêm bức bối. Đến nỗi người trong tù phải kêu lên, phải khao khát hành động đập phá, tháo cũi, sổ lồng.
Người tù muốn đạp tan phòng để ôm lấy mùa hè tự do.
Người tù cảm thấy không thể sống nổi cuộc sống tù tội.
Trong khi đó tiếng chim tu hú vẫn cứ giục giã, giục giã...
Ban đầu tiếng chim tu hú chỉ là tiếng chim hiền lành gọi bầy, nhưng đến đây nó thấm đầy tâm trạng cho nên thành tiếng KÊU. Nó KÊU ở ngoài trời, nó KÊU ở nơi tự do, nó KÊU ở trong lòng người. Nó khắc khoải, giục giã, thiêu đốt.
Bài thơ kết thúc ở tiếng chim cứ kêu cứ kêu... Người tù có đạp tan phòng giam, có bị chết vì ngột, vì uất ở trong đó hay không bài thơ không nói rõ. Nhưng người đọc thì rõ điều này:  Người thanh niên mười chín tuổi ấy "gân đang săn và thớ thịt căng da" khao khát tự do, căm thù sự giam cầm trói buộc. Cuộc đấu tranh của anh cực kỳ quyết liệt :
- Hoặc là phá tan tù ngục -  giành tự do
- Hoặc sẽ bị nhà tù tiêu diệt - chết ngột, chết uất.
Chỉ có một cách lựa chọn duy nhất giữa hai khả năng đó. Con chim tu hú cứ kêu hay đó là tiếng đời, tiếng gọi tự do như thúc giục, như khích lệ đập tan cái xà lim nhốt người, và tiến tới đập tan cái chế độ dã man đang cầm tù cả một dân tộc, một đất nước.
1990

10 nhận xét:

  1. Cảm ơn thầy ạ. Mỗi bài Bình của thầy lại cho em mở mang, hiểu biết thêm những điều mới mẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Nắng Xuân!
      Dù chỉ một chút gợi mở có ích cho các bạn, tôi cũng thấy rất vui!
      Chúc bạn nhiều sáng tạo trong công việc và nhiều may mắn, niềm vui trong cuộc sống!

      Xóa
  2. Salam ghé chơi đọc bài bình của Bác có mấy thắc mắc nhỏ
    1 - Cả bài thơ đều toát lên cảnh thanh bình của mùa hè ở tất cả các làng quê Việt Nam , sao đây lại biết là khu vườn ở Huế ?
    2 - Hiện tại bây giờ mùa hè mà mất điện , mất nước thì ai cũng bức bối trong lòng đều muốn nổi loạn , ví dụ như vụ bể đường ống nước lần thứ 13 ở Hà Nội , mọi người đều muốn điên lên , sao ở đáy biết là tác giả đang ở trong nhà giam ? Vì đọc bài thơ Salam không thấy nhắc đến nhà giam

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn thắc mắc của Sa lam.
      Đây là bài thơ trong sách Ngữ văn 8. tập 2. Tố Hữu ghi rõ dưới bài là Huế, tháng 7 -1939. Nhà thơ bị bắt giam từ tháng 4 năm đó. lúc này vẫn trong nhà giam ở Huế. Sách giáo khoa đã nói rồi, người bình không nhắc lại. Đó cũng là nguyên tắc bình thơ của tôi. Cái gì mọi người đã biết, miễn nói lại!

      Xóa
  3. Bác đừng giận Salam nha
    Bài thơ này Salam đã học chách đây mấy chục năm , chỉ nhớ mang máng thôi . Bác trả lời Comemnt của Salam thấy không ổn rôif . ( Cái gì mọi người đã biết miễn nói lại ) , thế hỏi Bác những thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài không học ngữ văn 8 của Việt Nam , thì họ nghĩ sao khi đọc bài thơ và bài bình này ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là bài viết về văn học trong nhà trường.
      Sa lam cứ nói quá lên. Bài thơ tưởng tượng cảnh mùa hè thanh bình ở Huế, và nói sự ngột ngạt của phòng giam. Cần gì phải nói tiểu sử nhà thơ và những điều khác được mặc định là "mọi người đã biết". Ai muốn biết thì họ tìm đọc Tố Hữu, tìm đọc SGK lớp 8, và đọc nhiều...tài liệu liên quan. Ở nước ngoài hay ở đâu thì cũng chả khó khăn gì khi dùng công nghệ, vào Google, đánh mấy kí tự, bấm một nhát là...có cả!
      Có thể bạn vẫn không bằng lòng với sự giải đáp của tôi. Nhưng bạn không bằng lòng thì đó là việc của...riêng bạn thôi!

      Xóa
  4. Cháu ưa và thuận với lịch sử hơn chú Vn a.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta không thuận với Lịch sử thì cũng không thể "đảo ngược" LS được đâu bạn à!
      Cám ơn đã ghé trang và chia sẻ!

      Xóa
  5. 19/12/2018 Con tìm đến bài bình. Thật sự rất hay. Cảm ơn thầy!

    Trả lờiXóa
  6. Là đầy sân nắng đào s lại thành nắng đỏ tươi rr tr🤔

    Trả lờiXóa