Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

THƯ VIỆN CŨ





Thư viện cũ
  (Tản văn)
                                
                                   Nguyễn Thị Lan
                                      Thân yêu tặng thư viện tỉnh Hải Dương

Bắt đầu từ ngày 4/9/2012, thư viện tỉnh Hải Dương chuyển ra địa điểm mới. Với diện tích đất 8000 mét vuông, diện tích sàn 8500 mét vuông, tòa nhà năm tầng kiến trúc theo lối tân cổ điển của Pháp này hiện nay là một thư viện cấp tỉnh lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Công trình văn hóa này là niềm tự hào của người dân xứ Đông.
          Tuy nhiên với nhiều thế hệ độc giả, thư viện cũ vẫn là một địa chỉ văn hóa, một “ người bạn” không thể nào quên. Bài viết của tác giả với nhiều hoài niệm như một lời giã biệt với “cố nhân” đó.


 
          Bây giờ thì cái thư viện nhỏ, xinh xắn ở số nhà 12 phố Nguyễn Du ấy đã và mãi mãi trở thành thư viện cũ, thư viện xưa, thư viện của ký ức. Vào một ngày đầu thu 2012, thư viện tỉnh quê tôi “chuyển nhà” chấm dứt hơn 50 năm tồn tại và phát triển của nó  ở cái phố nhỏ này. Thời khắc đó trở thành một điểm nhìn thời gian đáng nhớ với tâm hồn, trái tim của biết bao thế hệ độc giả tỉnh Đông từng gắn bó với thư viện trong suốt nửa thế kỷ qua.
          Những độc giả từ xa xưa còn nhớ thư viện tỉnh Hải Dương được thành lập từ tháng 12 năm 1956 đến năm 1958 thì chuyển hẳn về “đóng đô” ở phố Nguyễn Du, một con phố cổ nhỏ nhắn, yên bình. Cơ ngơi đầu tiên của thư viện là ngôi nhà một tầng, kiến trúc kiểu Pháp rất đẹp và râm mát, nằm im lìm dưới vòm cây cổ thụ. Nghe nói  thời Pháp thuộc đây là một câu lạc bộ khiêu vũ của các quan chức người Việt. Trước nhà là cái sân rộng có trồng một cây quéo. Cũng như những phòng đọc, phòng mượn sách, cây quéo trở thành một kỷ niệm đặc biệt với những ai từng lui tới nơi đây. Cây to lớn, uy nghi. Thân cây xù xì mốc thếch theo năm tháng. Tán cây xòe rộng tỏa bóng mát xuống một khoảng sân. Theo những bậc cao niên của thành phố, cây quéo này đã được trồng trên một trăm năm. Cây trở thành biểu tượng của thời gian, là “chứng nhân” của một thời một đi không trở lại của thư viện tỉnh quê tôi.

          Cuộc sống tỉnh nhỏ những năm 50, 60 của thế kỷ trước có chút đìu hiu buồn tẻ nhưng cũng thật êm đềm dễ chịu trong khung trời nhỏ hẹp thân thuộc cố hữu. Những buổi sáng, buổi chiều người ta có thể thả bộ chậm rãi đến thư viện. Hồi đó các phương tiện giải trí còn ít, văn hóa đọc còn được coi trọng, thư viện tỉnh trở thành trung tâm văn hóa, thông tin, giải trí của người dân thị xã. Những người thích đọc đến đây để mượn sách, đọc sách, báo, tạp chí…, đắm chìm trong thế giới của chữ nghĩa, thả hồn trong ngôi nhà trầm mặc, thâm nghiêm. Cũng có khi họ đến đây chỉ vì một lý do: trao đổi thông tin với một vài người bạn đọc hoặc nhớ dáng hình ai đó vẫn ngồi ở đây đọc sách. Từ đó đến nay, nhiều người đã thành đạt, nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia từng là độc giả “ruột” của thư viện. Đã có bao người coi thư viện là “ trường học” thứ hai của đời mình mà mỗi lần nhớ đến không thể không biết ơn.
          “Đâu những ngày xưa tôi nhớ tôi”… trong hành trình “đi tìm thời gian đã mất” tôi nhớ ở nơi đây mấy chục năm về trước có một cô bé gầy đen, những ngày nghỉ học vẫn thường đến đây đọc truyện. Nhớ có cô gái mới lớn thích đọc sách, khao khát một tình yêu có thể choán hết cả người, tâm hồn, trí tuệ nhưng chưa có ai để mà yêu, cô càng yêu sách nồng nàn hơn. Nhớ có cô giáo trẻ thỉnh thoảng bế con ra thư viện. Trong căn nhà thiếu ánh sáng và nóng bức, cô đã cặm cụi chép hàng trăm trang tư liệu lên những tập giấy rơm đen để phục vụ cho bài giảng của mình.
          Tôi nhớ những gương mặt từng quen và biết ở nơi đây. Họ - những độc giả thực sự coi thư viện như người bạn, người thầy thân thiết của mình. Với họ sách, báo đóng vai trò thật quan trọng. Sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Sách là vầng trán là trái tim của cộng đồng. Sách là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy cho ta biết yêu thương, biết hy sinh. Sách trò chuyện tâm tình khuyên bảo. Sách làm cho ta bớt cô đơn... Những người yêu sách ở đây có thể nói biết bao điều tốt đẹp về sách như khi ta nói về người ta yêu.
          Ôi, cái thư viện nhỏ bé này đã “mở” ra trong chúng tôi bao điều kỳ diệu. Nếu “hạnh phúc là thấy mình sung sướng tột cùng” thì ở nơi đây chúng tôi đã có những giây phút thật hạnh phúc.
          Hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, cái thư viện tỉnh ở nơi đây đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó. Cuộc sống hiện tại đòi hỏi tỉnh phải có một thư viện mới “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” có sức chứa lớn hơn, nhiều công năng hơn. Đổi mới là xu thế tất yếu, thư viện tỉnh Hải Dương đã đổi thay và dứt khoát phải đổi thay, đó không phải là điều mong muốn của riêng tôi.
          Một sáng mùa thu tôi trở về thư viện cũ. Cảnh vẫn yên ả như ngày nào. Trước cổng, tấm biển thông báo về việc chuyển thư viện đến địa điểm mới như một lời nhắc nhớ tôi rằng từ nay nơi đây mãi mãi chỉ là “chốn xưa”. Cảnh cũ còn đó, gần gũi nhưng cũng thật xa xôi. Tất cả như dần trôi vào dĩ vãng… Tôi thẫn thờ dưới gốc cây quéo cổ thụ. Ôi cây quéo năm xưa, mặc cho mưa nắng thời gian, mặc cho năm tháng đắp đổi với bao biến động của lịch sử, cây vẫn đứng sừng sững ở nơi đây như biểu tượng của sự trường tồn, như  “chứng nhân” của một thời. Có đến ba, bốn thế hệ bạn đọc đã đến đây, những ai còn, ai mất, ai hạnh phúc, ai khổ đau? Tôi bước chân  lên cái sân rộng, lên những dãy hành lang, sờ tay lên những ô cửa im ỉm khóa với một cảm giác thật thân thiết, yêu thương. Muốn nói lên những lời thì thầm yêu dấu, bỗng chốc thấy lòng mình trống rỗng như vừa mất đi một cái gì thật quý giá.
          Chúng tôi những thế hệ bạn đọc cũ của thư viện đã già rồi. Cái thư viện nhỏ bé, cũ kỹ của chúng tôi cũng đã trở lên lạc hậu rồi. Như tấm áo chật khoác lên một cơ thể cường tráng, nó cần phải thay đổi. Nghĩ thế nhưng sao vẫn thấy buồn bã, bâng khuâng...
          Hôm nay, tôi trở lại chốn xưa. Trở lại để hoài nhớ, để tìm lại hình bóng, nhiệt huyết tuổi trẻ của mình và của bao người khác. Để lại đánh thức trong tôi những kỷ niệm đẹp, mà kỷ niệm đẹp còn quý hơn cả kim cương, nó sưởi ấm những trái tim cô đơn và biết ơn.
          …Nhưng ký ức dù đẹp đến đâu cũng chỉ là ký ức, là những gì đã qua.  Con người không chỉ sống với ký ức. “Kỷ niệm chỉ có ý nghĩa sâu sắc khi nó hóa thành trầm tích nâng đỡ con người trong hành trình sống”. Trong bước đường đi tới phía trước, tôi sẽ lại đến với thư viện mới như tìm đến một người bạn, một người thầy. Để tôi lại được say mê, được sung sướng bất ngờ, được nghĩ suy và đau khổ… Để tôi lại có được những khoảnh khắc hạnh phúc khi lật từng trang sách.

          Hải Dương đầu thu 2012




2 nhận xét: