Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

GÓP PHẦN DẠY TỐT ĐOẠN TRÍCH “CHÍ KHÍ ANH HÙNG” Ở LỚP 10 THPT





GÓP PHẦN DẠY TỐT ĐOẠN TRÍCH “CHÍ KHÍ ANH HÙNG” Ở LỚP 10 THPT



                                                         PGS.TS   Vũ Nho



Đoạn trích “Chí khí anh hùng” trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 cả bộ sách nâng cao và không nâng cao đều trích 18 câu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Để góp phần dạy tốt đoạn này, chúng tôi  cho rằng giáo viên cần biết được nguyên văn đoạn này trong “Kim Vân Kiều” ( KVK) của Thanh Tâm Tài Tử, so sánh với 18 câu trong “Truyện Kiều” (TK) của Nguyễn Du. Từ đó thấy được sáng tạo của Nguyễn Du. Không phải ai cũng có  sách KVK, bởi vậy chúng tôi cung cấp kết quả so sánh.



1. So sánh giữa hai đoạn

 Như đã nói, đoạn này trong sách giáo khoa hiện hành, các soạn giả lấy tên là “ Chí khí anh hùng”.

Thật ra, trong KVK, Từ Hải từ biệt Thúy Kiều ra đi chỉ vỏn vẹn  có hơn một dòng gồm 2 câu ngắn : “ Từ bèn mua riêng một sở để cùng ăn ở với nàng. Được hơn 5 tháng thì Từ dứt áo ra đi” ( Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 352)*. Nếu tính chi li ra, câu văn xuôi thứ nhất bên trên đã được Nguyễn Du viết  thành 4 câu lục bát tương ứng:

          Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn

          Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên

          Trai anh hùng, gái thuyền quyên

          Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

Như vậy cả đoạn chỉ còn có một câu ngắn  thứ hai mà thôi.

         

Thế mà trong TK, Nguyễn Du đã viết thành một đoạn thơ dài gồm 18 câu lục bát với bao nhiêu điều khác biệt.

          Nửa năm hương lửa đang nồng

          Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

          Trông vời trời bể mênh mang

          Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng rong

          Nàng rằng “ Phận gái chữ tòng

          “ Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

          Từ rằng : “ Tâm phúc tương tri

          Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

          “ Bao giờ mười vạn tinh binh

          Tiếng loa dậy đất , bóng tinh rợp đường,

          Làm cho rõ mặt phi thường

          Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia

          Bằng nay bốn bể không nhà

          Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?

          Đành lòng chờ đó ít lâu

          Chầy chăng là nửa năm sau vội gì”

          Quyết lòng dứt áo ra đi

          Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Đối sánh hai đoạn , chúng ta sẽ thấy Nguyễn Du đã hoàn toàn sáng tạo ra đoạn này chỉ căn cứ vào một câu  ngắn trong KVK. Chúng ta hãy cùng xem xét Nguyễn Du đã sáng tạo thêm những gì.

          - Thứ nhất, nhà thơ Việt Nam đã coi nguyên nhân Từ Hải từ biệt Thúy Kiều ra đi là một sự “ động lòng bốn phương”. Việc ra đi này  rất hệ trọng, cho nên dù “hương lửa đang nồng”, tình cảm vợ chồng nồng nàn, say đắm, nhưng không thể không “ dứt áo” ra đi.


          - Thứ hai, Nguyễn Du đã để Từ  Hải ra đi với tư cách một người anh hùng một người một ngựa, một thanh gươm. Điều không thể có trong KVK.

          Trông vời trời bể  mênh mang

          Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng rong

          - Thứ ba, Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều đòi đi theo Từ Hải với lí do “phận gái  chữ tòng” ( người phụ nữ lấy chồng thì phải theo chồng).

          - Thứ tư, Nguyễn Du để cho Từ Hải từ chối  không để Kiều đi theo. Lí do Từ Hải đưa ra là Kiều cần phải thoát khỏi “ nữ nhi thường tình” và “ theo càng thêm bận”. Đưa vợ theo sẽ bận rộn, vướng víu, khó tự do hành động vì việc lớn.

          - Thứ năm, Nguyễn Du đã đưa nội dung câu trả lời của Từ Hải cho Thúy Kiều khi nàng hỏi ở đoạn trước đó “ Tại sao lang quân  lại không đưa thiếp về nhà, mà còn lập riêng một cái bếp núc cho thêm tổn phí?” (  Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, sách đã dẫn,  trang 351) .  Nội dung câu trả lời đó nguyên văn : “ Nhưng riêng phần tôi thì buổi nghinh hôn phải có 10 vạn giáp binh đi đón mới được. Vậy nàng hãy ở tạm đây, dẫu có chậm nữa thì cũng không quá ba năm, tôi sẽ rước nàng vu quy, có đủ gươm giáo, cung tên, tiền hô hậu ủng, muôn ngựa ngàn binh, tức là cái ngày của Từ Hải này đã đắc chí vậy. Hôm ấy thì hiền thê sẽ vung vãi rượu khắp mặt đông nam để ăn mừng đó. Còn như ngày nay thì ta trơ trọi một thân, đem nàng về đâu cho tiện” ( Phạm Đan Quế, sách đã dẫn, tr 351-352). Như vậy, câu nói ở đoạn trước của Từ Hải được Nguyễn Du chuyển xuống đoạn này, có thêm bớt một số chi tiết như “tiếng loa dậy đất, bóng tinh rợp đường”, rút ngắn khoảng thời gian chờ đợi ( từ 3 năm xuống còn nửa năm); bỏ chi tiết “hiền thê sẽ vung vãi rượu khắp mặt đông nam để ăn mừng”. Chuyển đổi như vậy mà không gây cảm giác thay đổi, lại thấy tính chất hợp lí khi Kiều đòi đi theo  thì Từ Hải từ chối nhưng nêu lí do,  an ủi và hứa hẹn.

          Thứ sáu, Nguyễn Du vẫn trung thành với  chi tiết “ dứt áo ra đi” trong KVK, nhưng nhà thơ nhấn mạnh sự ra đi này là “Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 giải thích : “thiên Tiêu dao du trong sách Trang Tử ( Nam Hoa kinh) có truyện ngụ ngôn kể rằng chim bằng là giống chim rất lớn, đập cánh làm động nước trong ba ngàn dặm, cưỡi gió mà bay lên chín ngàn dặm. Chim bằng trong thơ văn thường tượng trưng cho khát vọng của những người anh hùng có bản lĩnh phi thường, khao khát làm nên sự nghiệp lớn. Ý cả câu:Đã đến lúc chim bằng bay lên cùng gió mây” **

Rõ ràng một bên Từ Hải ra đi chỉ “dứt áo ra đi” mà thôi, Còn Từ Hải của Nguyễn Du, dứt áo ra đi, nhưng đó là lúc “Chim bằng bay lên cùng gió mây”. Đó là lúc người anh hùng “bản lĩnh phi thường, khao khát làm nên sự nghiệp lớn”. Một lời bình luận, một đánh giá rất cao của nhà thơ.

          Nói tóm lại, chỉ một câu văn ngắn trong KVK, Nguyễn Du đã viết thành 18 câu thơ lục bát cho thấy chí khí của người anh hùng Từ Hải. Có đối đáp,  có nguyện vọng và từ chối, có hứa hẹn          an ủi, và có cả bình luận của người viết. Tất cả đều nhằm khắc họa sâu thêm, rõ thêm chí khí, khát vọng của người anh hùng Từ Hải. Đó chẳng phải là một sáng tạo tuyệt vời của Nguyễn Du hay sao?



2. Mấy điều gợi ý dạy học

          - Chúng ta biết Từ Hải là một nhân vật mà Nguyễn Du dụng công miêu tả và gửi gắm những mơ ước về thực thi công lí. Năm 1943, nhà phê bình xuất sắc Hoài Thanh đã viết một bài dài, kĩ lưỡng “ Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải”. Ông đã so sánh Từ Hải trong KVK với Từ Hải của Nguyễn Du và  đưa ra những kết luận hết sức quan trọng, trong đó có đánh giá : “Nói tóm lại, hoặc bớt những đoạn vô ích, hoặc thêm vào một hai chi tiết, hoặc chỉ lấy lại ý của Thanh Tâm tài nhân, Nguyễn Du đã thực hiện được một cách hoàn toàn cái mộng của Thanh Tâm tài nhân, cái mộng biến Từ Hải thành một bậc anh hùng xuất chúng. So với Từ Hải của Nguyễn Du, Từ Hải của Thanh Tâm tài nhân chỉ là một đứa trẻ hung hăng và dại dột ».  (Hoài Thanh - Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải, trong sách “Tranh luận về Truyện Kiều”, nhà xuất bản Văn Học, 2009, trang 386)



          -  Cũng chính tác giả Hoài Thanh đã phân tích khá kĩ và thú vị về việc “động lòng bốn phương” của Từ Hải, điều mà cả hai bộ sách đều lưu ý cả người dạy lẫn người học. Hoài Thanh viết : “ Từ Hải ở với Kiều năm tháng rồi biệt Kiều mà đi. Thanh Tâm tài nhân chỉ nói thế. Nguyễn Du kĩ hơn:

          Nửa năm hương lửa đương nồng

          Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

“Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”. Con người này quả không phải là người của một nhà, một họ, một xóm hay một làng. Con người này là của trời đất, của bốn phương. Một người như thế, lúc ra đi  ắt cũng không thể ra đi một cách tầm thường như Thanh Tâm tài nhân tưởng. Ta hãy xem Nguyễn Du tả lúc Từ Hải ra đi :

          Trông vời trời bể mênh mang

          Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng dong”

                             ( Bài đã dẫn, trang 383)

          - Cần nghiên cứu kĩ đoạn so sánh bên trên để có những giải pháp hợp lí cho tiết dạy. Vấn đề cần lưu ý là việc ra đi của Từ Hải chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ tính cách anh hùng của nhân vật này. Lời Từ Hải nói với Kiều, cách Nguyễn Du  lí tưởng hóa nhân vật anh hùng đều là sáng tạo có chủ ý của tác giả.



                                                  Hà Nội, 30/10/2015





 *) Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu ( bản dịch Kim Vân Kiều – Thanh Tâm Tài Tử của Tô Nam- Nguyễn Đình Diệm, Bản phiên Truyện Kiều - Nguyễn Du của Đào Duy Anh), nhà xuất bản Hải Phòng, 1999, tái bản lần thứ nhất.



**) Ngữ văn 10, tập 2, Phan Trọng Luận chủ biên, nhà xuất bản Giáo dục, 2009, trang 113.

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, nhà xuất bản Hải Phòng, 1999
  2. Hoài Thanh - Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải, trong sách “Tranh luận về Truyện Kiều”, nhà xuất bản Văn Học, 2009
  3. Ngữ văn 10 tập 2, bộ sách nâng cao do GSTS Trần Đình Sử làm Tổng chủ biên và bộ không nâng cao do GS Phan Trọng Luận làm Tổng chủ biên, nxb Giáo Dục, 2009

Tóm tắt nội dung

Tác giả bài viết so sánh đoạn trích “Chí khí anh hùng” trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 với đoạn văn trong Kim Vân Kiều của Thanh Tâm tài nhân để xác định những sáng tạo của Nguyên Du, đồng thời gợi ý cách dạy đoạn trích này  đạt kết quả mong muốn.

Từ khóa : Nguyễn Du, Truyện Kiều, Từ Hải, so sánh, gợi ý dạy học.

Bài đăng trên tạp chí Giáo Dục, số...   năm 2016

3 nhận xét:

  1. như vậy qua bài này của VK , học sinh sẽ yêu thích TK của ND hơn

    Trả lờiXóa
  2. như vậy qua bài này của VK , học sinh sẽ yêu thích TK của ND hơn

    Trả lờiXóa