Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

XUÂN DIỆU VỚI TRẦN ĐĂNG KHOA



Nhân kỉ niệm 100 năm sinh nhà thơ lớn Xuân Diệu, VN đưa lại một bài viết chưa đăng báo, nhưng đã in trong sách Đi giữa miền thơ của mình



XUÂN DIỆU VỚI  TRẦN ĐĂNG KHOA
                                                V ũ Nho
                                     
          Có thể nói nhà thơ Xuân Diệu là người có công lớn góp phần phát hiện ra tài năng Trần Đăng Khoa, quảng bá và giới thiệu thơ Trần Đăng Khoa không chỉ ở trong nước, mà còn cả ở nước ngoài. Chính ông đưa đoàn vô tuyến truyền hình Pháp về làng quay phim Thế giới nhỏ của em Khoa năm 1968.Và cũng chính ông dịch một số bài thơ Khoa ra tiếng Pháp.
Xuân Diệu đã cùng Huy Cận về tận Hải Dương thăm nhà Khoa, thăm cái sân "cái thế giới đầu tiên của bé Khoa", xem xét tỉ mỉ các "nhân vật" trong thơ Khoa. Mẹ Trần Đăng Khoa kể ; " Bác nhà báo đã mượn cây đèn bão xách ra vườn, soi từng giàn trầu, gốc cau, luống mía và mấy cây bưởi". Chiều hôm sau, trong khi Huy Cận nói chuyện với mọi người thì Xuân Diệu đã kéo Khoa ra ngoài, thực hiện cuộc chuyện trò đầu tiên." Ông ngồi bệt xuống góc sân trước cửa chuồng gà và bắt đầu chất vấn tôi. Mồ hôi ông vã đầm đìa, ướt đẫm cả cái áo sơ mi kẻ sọc".
Nói về ảnh hưởng lớn lao của Xuân Diệu đối với đời thơ của mình, Trần Đăng Khoa viết: " Tôi đến với thơ hồn nhiên như em bé đến với trò chơi. Nhưng khi gặp Xuân Diệu thì tôi hiểu được rằng thơ ca không bao giờ là trò chơi cả. Nó là một công việc sáng tạo cực nhọc. Có thể nói may mắn cho đời tôi là tôi đã sớm gặp Xuân Diệu".

          Sau khi Xuân Diệu gặp Trần Đăng Khoa ở quê, trực tiếp kiểm tra và xem xét hiện tượng thơ của chú bé thần đồng, đặc biệt là sau buổi phát thanh tiếng thơ đêm 1 tháng 6 năm 1968," Xuân Diệu trở thành người thầy dạy nghề nghiêm khắc, gần gũi, thân thiết" của Trần Đăng Khoa. Kể cũng là một sự lạ. Huy Cận cũng gặp Trần Đăng Khoa, Chế Lan Viên cũng thế.Cả hai nhà thơ đều cảm tình, quý mến bé Khoa. Nhưng chỉ có Xuân Diệu là gắn bó thân thiết với Khoa suốt đời. Phải chăng có một duyên nợ riêng, tiền định giữa hai người ?
1.     Xuân Diệu với Trần Đăng Khoa
Xuân Diệu coi Trần Đăng Khoa như cháu, như  em, như đồng nghiệp và ông đã dành không ít tâm sức cho cậu học trò đặc biệt này. Ông có riêng một "bảo tàng" của Khoa- một thùng sắt" trông hao hao như cái tráp đồ lề của mấy ông thợ cạo nhà quê". Tất cả thư từ, bản thảo của Trần Đăng Khoa ông đều cất vào đó. Và ông đều đọc, đều có ý kiến nhận xét. Đây là  hồi ức của Trần Đăng Khoa :"…nhận thư và thơ tôi, bao giờ ông cũng trả lời, và trả lời ngay tắp lự. Trong thư ông nhận xét và góp ý rất cụ thể. Ông không phân tích, bình luận dông dài, mà chỉ đưa ra cái kết luận ngắn gọn có tính tổng quát".
          Chúng ta thử xem những ý kiến của Xuân Diệu đã tác động đến Trần Đăng Khoa như thế nào trong những trường hợp cụ thể. Qua đó, có thể thấy được nhiệt tình, sự tinh tế, có nghề của Xuân Diệu. Đồng thời, cũng thấy được người học trò của ông đã tiếp thu sự chỉ bảo từ vị sư phụ của mình ra sao.
1.1.Bài thơ  Hạt gạo làng ta
Trần Đăng Khoa viết  đoạn kết của bài thơ như sau:
                             Hạt gạo làng ta
                             Gửi ra tiền tuyến
                             Gửi về muôn phương
                             Làm nên chiến trường
                             Làm nên niềm vui
                             Các cô các bác
                             Đừng để gạo rơi
Khi Khoa đưa bài thơ này cho Xuân Diệu, ông đọc xong, trợn mắt bảo: "Các cô các bác không phải là trẻ con đâu nhé, không đợi cháu dạy khôn như thế. Cháu còn bé phải tránh cái lối dạy dỗ. Giáo huấn- đấy là cái nhược điểm, cái bệnh chung của nền thơ ta. Cháu phải tránh xa".
          Như vậy Xuân Diệu không chỉ chê nhược điểm của bài thơ cụ thể. Ông đã yêu cầu chú học trò tránh lối dạy dỗ đã đành. Xa hơn, ông còn chỉ ra cái nhược điểm của cả nền thơ ta lúc đó. Tiếp thu sự phê phán của Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa đã làm cho bài thơ có kết thúc thật cô đọng và hồn nhiên: Hạt gạo làng ta. Gửi ra tiền tuyến. Gửi về phương xa. Em vui em hát. Hạt vàng làng ta.
          1.2. Bài thơ Đêm Côn Sơn
Trần Đăng Khoa viết:
Mờ mờ ông Bụt ngồi nghiêm
Sợ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền
          Xuân Diệu đã thay hai chữ Sợ gì thành Nghĩ gì. Quả thật hai chữ Sợ gì làm cho câu thơ không thật liền mạch. Trần Đăng Khoa đã nhận xét về  trường hợp này:" Xuân Diệu chỉ thay một chữ Nghĩ, ông bụt đã hoá thành cơ thể sống, đã thành sự sống. Câu thơ bỗng sinh động có thần"
          Tôi có một cách nghĩ hơi khác. Đúng là thay như thế thì được cho ông bụt. Nhưng lại mất, lại thiệt cho bé Khoa. Cái cậu bé lần đầu ngủ đêm trong chùa, nhìn thấy bụt cũng hãi (Tất nhiên, ma thì càng hãi). Bởi thế cậu ta mới nói to lên Sợ gì, chính là để tự trấn an. Thay mất chữ  sợ, cũng mất luôn dấu vết sợ hãi rất là trẻ con, đặc biệt trẻ con. Chỉ còn chú Khoa ngắm nhìn bụt, ông bụt sống mà thôi. Điều này tôi đem trao đổi với các bạn học sinh trung học cơ sở yêu thơ. Các em đều nghiêng về ý muốn giữ lại cách viết đầu tiên của Trần Đăng Khoa để đúng tính chất trẻ con hơn.
          Lần in lại,Trần Đăng Khoa  chữa câu thơ Tỉnh ra em thấy trong đền đỏ hương thành Tỉnh ra em thấy sáng đèn đỏ hương. Khoa nghĩ :" Đây là đồ cải mả. Xuân Diệu đã đọc cả rồi, ông có thời gian đâu mà đọc lại nữa". Nhưng hoá ra Trần Đăng Khoa đã nhầm. Xuân Diệu vần đọc, đọc kĩ, lại còn mắng:" Cậu làm hỏng bài thơ rồi. Bài thơ đã toàn bích lại mang ra vặn vẹo. Cậu chữa lợn lành thành lợn què!".
          Chú bé Khoa đã suy nghĩ nhiều vì sao Xuân Diệu lại cho rằng  chú chữa chạy hỏng. Và rồi chú tự tìm ra kết luận : Hỏng trước hết là vô lí. Đèn đã sáng thì hương làm sao còn đỏ được. Thứ nữa là trong chùa, đèn chỉ vặn nhỏ đặt ở bệ thờ để giữ lửa, nó không sáng. Sau hết, bụt chỉ ngồi trong "cái quầng tối mờ mờ" thì các ngài mới linh thiêng, sống động.
          Trong ba cái lí do đó, xin được bàn góp ở lí do thứ nhất. Có phải khi mà đèn sáng thì hương không đỏ như Trần Đăng Khoa nói hay không? Hoàn toàn không phải thế. ánh sáng của đèn dầu, cả của đèn điện có thể có ảnh hưởng. Nhưng đèn cứ  sáng và hương cứ đỏ. Tất nhiên sắc đỏ trên đầu nén hương sẽ không giống như là sắc đỏ đó ánh lên trong bóng tối. Bởi thế mà chỉ có hai lí do sau là có thể tin được. Mà để thoả mãn ấn tượng đỏ hương trong đền, Trần Đăng Khoa cũng phải chấp nhận sự hi sinh nho nhỏ, phải lặp chữ đền.
1.3. Bài thơ Tiếng nói:
À uôm ếch nói ao chuôm
Rào rào, gió nói cái vườn rộng rênh
Âu âu, chó nói đêm thanh
Tẻ… te…, gà nói sáng banh ra rồi
           Xuân Diệu phê"bốn câu trên cọc cạch". Trần Đăng Khoa nghĩ mãi, không hiểu cọc cạch ở chỗ nào. Tất nhiên, ào ào, âu âu, tẻ te mô phỏng trực tiếp tiếng gió, tiếng chó, tiếng gà. Còn à uôm không thật rõ tiếng ếch. Nhưng cái tiếng ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước có trong tục ngữ cho phép chú bé Khoa  nghe ra à uôm và dịch ra thành ao chuôm, cũng như chú đã dịch các thứ tiếng còn lại. Cho đến tận bây giờ Khoa vẫn không hiểu được vì sao Xuân Diệu chê. Phải chăng vì giữa  tiếng của  các con vật, lại đặt tiếng gió vào, tạo ra sự không hệ thống? Và tiếng gío vi vu ở câu thứ năm lại là một tiếng bị lặp lại ?
          1.4. Bài thơ Thơ tình người lính biển
          Trần Đăng Khoa viết:
Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên
          Xuân Diệu không ưng ý. Ông bảo sao lại là vòm trời kia? Có nghĩa là Khoa chỉ yêu chim, hay yêu tàu bay. Chỉ có chúng mới ở trong vòm trời chứ có cô gái nào lên đấy.
          Rõ ràng, chỗ này Xuân Diệu đã chi li đến thái quá.
1.5. Bài thơ ở nghĩa trang Văn Điển
          Trần Đăng Khoa viết mở đầu:
          Người nổi tiếng và người không nổi tiếng
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
          Khoa đưa Xuân Diệu đọc. Đọc xong, nhà thơ ngồi lặng đi. Mãi sau mới nói:" Tại sao mấy câu đầu, cậu lại "đánh" người nổi tiếng? Ví dụ như mình ấy. Sự nổi tiếng có tội gì đâu? Theo mình nên đổi là người danh lợi và người không danh lợi.
Trần Đăng Khoa thấy quả thật  người nổi tiếng chỉ là số ít. Nổi tiếng hay vô danh không phải là sự khác biệt chủ yếu của mỗi phận người. Những năm tám mươi, trong tư duy thời ấy, sự khác biệt  rõ nhất là giàu- nghèo. Khoa nói buột ý nghĩ của mình với Xuân Diệu: " Người danh lợi và không danh lợi nghe buồn cười. Nó được ý nhưng không thơ chú ạ!". Ai ngờ Xuân Diệu quát: " Cái gì là thơ, không thơ hả? Không có cái gì là không thơ nếu đặt đúng chỗ. Vấn đề là phải đặt đúng chỗ. Khi đặt đúng chỗ thì cứt cũng thơ. Ví như câu ca dao của ông bà: Em như cục cứt trôi sông. Anh như con chó ngồi trông trên bờ. Đấy, có gì thay thế được cái của ấy". Xuân Diêụ tặc tặc lưỡi, mắt nhắm lại đầy khoái cảm.
          Dù vậy thì Trần Đăng Khoa vẫn không dùng khái niệm danh lợi và không danh lợi của thầy. Nhưng cũng không nói về người nổi tiếng và không nổi tiếng. Nhà thơ nói về hạnh phúc và đau khổ. Đó là sự chung nhất cho cả mọi loại người, giàu nghèo, sang hèn, già trẻ…
          Trên đây là một số trường hợp Xuân Diệu góp ý cụ thể cho thơ Trần Đăng Khoa. Phần nhiều ông chỉ đặt ra các câu hỏi. Đại loại:
- Sao cháu lại chọn thể thơ này, mà không phải là lục bát?
- Tại sao thế?
- Thế còn…sao cháu lại viết thế?
- Tại sao lại đội sấm, đội chớp? Ông sấm ông ấy đánh cái xoẹt. Thế cậu muốn bố cậu chết hay sao mà bắt ông ấy đội sấm?
- Vẫn mưa mà đất trước nhà vẫn khô. Khéo đất nhà cậu có ma chắc?
Những gợi ý, những câu hỏi như thế  làm cho Trần Đăng Khoa suy nghĩ, xem xét và tự hoàn thiện thơ mình.
          Tuy nhiên, sẽ là phiến diện khi chỉ tìm hiểu những gì Xuân Diệu chê Khoa, vặn hỏi Khoa. Một người thầy giỏi là người thầy biết chê, nhưng cũng phải biết khen đúng, biết động viên, khích lệ học trò của mình. Xuân Diệu đã rất công bằng và nghiêm túc khi biểu dương Khoa. Cần phải nhớ lại là ban đầu Xuân Diệu không thích nống lên các tên tuổi trẻ em. Xuân Diệu "không hoan nghênh, không đề cao. Cứ vài năm lại ồ à, đưa lên đào kép mới rồi lụi dần, mất dần".(Văn Hồng. Mười năm ghi nhận. Nxb Kim Đồng1997,tr.165). Xuân Diệu về gặp Khoa qua màn dàn dựng của các đồng chí huyện đoàn để tránh cho Khoa sự kiêu ngạo. Nhưng khi đã thẩm định, đã tin Khoa thì Xuân Diệu cũng không dè sẻn những lời khen.
          1.6. Bài thơ Bến đò
          Xuân Diệu dịch sang tiếng Pháp và khen gọn trong mấy chữ 'hay!sâu sắc!". Phải chăng hay, vì đây là bài thơ hoài cảm về một thời có những kỉ niệm ấu thơ gắn với bến đò. Sâu sắc vì Trần Đăng Khoa đã nói về tuổi thơ ai cũng chỉ có một lần, về tâm trạng của chú bé thành người lớn:
Gió thổi cồn cào mặt nước
Mất một nỗi gì không thể tìm lại được
Ta đi, lòng vẫn ở nơi đây
Ai cũng chỉ có một lần
                      Cái thuở thơ ngây…
1.7. Bài thơ Em dâng cô một vòng hoa
           Trần Đăng Khoa viết :
Trưa nay em đến thăm cô
Lúa chiêm chín rực đôi bờ phi lao
Sau đó, tự Khoa sửa lại thành Nắng chiêm chín rực đôi bờ phi lao. Viết lúa chiêm là viết kiểu thấy gì ghi nấy. Nắng chiêm là nắng vụ chiêm. Nắng đã từng ửng trong thơ Hàn Mặc Tử ( Trong làn nắng ửng, khói mơ tan - Mùa xuân chín). Nay thì nắng  chín trong thơ Trần Đăng Khoa. Hơn nữa lại là nắng chín rực, màu sắc thật chói lọi. Câu thơ bỗng ảo và thanh thoát hơn. Nhà thơ Xuân Diệu khen học trò là có sáng tạo.
          1.8. Bài thơ  Tiếng nói
          Xuân Diệu chê bốn câu đầu cọc cạch, ông khen" hai câu  cuối sáng tạo". Đáng chú ý là ông khen trước rồi mới chê sau. Hai câu sáng tạo đó là:
Vi vu gió nói mây trôi. Thào thào trời nói xa vời mặt trăng
Mây với gió, trăng với trời. Gió vi vu thì mây cũng trôi theo gió cuốn. Còn cái tiếng thào thào thì quả là mơ hồ và xa lăng lắc. Như là vọng về từ mãi tận cung trăng. Có phải Xuân Diệu khen vì thế chăng?
          1.9. Bài Côn Sơn chỉ c ó 4 câu:
     Sáng đứng đỉnh Côn Sơn
     Hương đồng thơm trong túi
     Chiều xay thóc góc nhà
     Tóc lại bay gió núi
          Xuân Diệu khen bài thơ có" niềm vui lí thú của người thơ" và "có những cánh cửa mở rộng ra như thế". Nhân đấy ông cũng khen ngợi những câu thơ trong bài Lời của than. Đó là những câu :
  Tôi biết từng đoàn sứa
  Giương ô đi trong hội lân tinh
Những câu tả bác công nhân:
Có cái mũ đội đầu
Ngồi lên không bẹp
Sớm sớm lên tầng
Măt trời mọc dưới chân như một giọt
phẩm đỏ
          1.10. Trong bài thơ Nhớ và nghĩ, Trần Đăng Khoa viết:
Tiếng cây lách chách đâm chồi
Tiếng người trò chuyện với người yêu thương
Xuân Diệu coi hai câu thơ này là"những câu thơ rất sinh động".
1.11. Bài thơ Tháng Ba
Sau làn mưa bụi tháng Ba
Lá tre bỗng đỏ như là lửa thiêu
Nền trời rừng rực ráng treo
Tưởng như ngựa sắt sớm chiều vẫn bay
          Xuân Diệu khen  bài thơ " tổng hợp nhiều vẻ của thiên nhiên, đưa đến một hình tượng, một ấn tượng đặc biệt; trên trời vẫn còn vệt ngựa, lửa sắt của Thánh Gióng".
1.12.    Xuân Diệu khen  chi tiết thơ
Bóng cau ngã xuống cây đàn
                             Lung lay
                             Như bàn tay
                             Xoá đi những âm thanh dơ bẩn
          Ông viết:"  Tôi nghĩ: làm thơ như nấu món ăn. Đúng vị, hợp vị thì ngon. Cái bóng cau đưa vào lúc này thật là đúng lúc, đúng chỗ; mà nó có hình nét, lại có tâm hồn".
1.13. Xuân Diệu còn khen Trần Đăng Khoa"không lìa gốc làng quê, các giác quan rất tinh" và "Lòng yêu ruộng đồng mọc rễ sâu chắc trong lòng Khoa". Điều ấy thể hiện trong bài thơ Hương đồng. Cụ thể là trong những câu thơ:
            Nắng nồng chiều nay
            Mùi bùn đang ngấu
            Mùi phân đang hoai
            Vôi chưa ta hẳn
            Còn hăng rãnh cày.
           
            Trời đất đêm nay
            Như chim mới hót
            Như rượu mới cất
            Như mật mới đông
            Đi trong ngào ngạt
            Niềm vui gieo trồng
            Thịt da ta cũng
            Toả hơi ruộng đồng
          1.14. Xuân Diệu khen, rất khen lời thơ của Trần Đăng Khoa. Có thể nói là những đánh giá rất cao của một ông thầy vốn khe khắt như đã thấy ở phần đầu bài naỳ. Xuân Diệu viết:" Thơ Khoa lời viết theo lối cổ điển, nghĩa là không dàn trải, mà gọn ghẽ, do biết chọn chữ đúng, chính xác, nên không rườm rà. Khoa biết dùng những lời khêu gợi".
          Khảo sát những  hiện tượng khen, chê của Xuân Diệu với Trần Đăng Khoa, chúng tôi muốn trước hết thấy được sự khen đúng, chê đúng của nhà thơ. Mặt khác muốn cùng nhau xem lại cách thức mà Xuân Diệu đã bồi dưỡng, dìu dắt Khoa, một chú bé thần đồng. Sự tinh tế của Xuân Diệu, kết hợp với sự cẩn trọng, hơn nữa vừa tràn đầy tình cảm yêu thương lại vừa nghiêm khắc, và đặc biệt là sự gần gũi, thân ái đã làm cho mối quan hệ thầy trò trở nên tri kỉ tri âm.
          Làm việc nhiều với Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa được Xuân Diệu chỉ bảo, khuyến khích. Nhưng cái được lớn nhất của Trần Đăng Khoa chính là Khoa đã học được cách  làm việc, cách lao động  nghệ thuật của thầy. Trần Đăng Khoa giãi bày:" Tôi thường sửa chữa lại, đánh vật với từng chữ, theo đúng cách lao động nghệ thuật của Xuân Diệu".
2. Trần Đăng Khoa với Xuân Diệu
          Nếu chỉ xem xét ảnh hưởng của ông thầy với người học trò bé nhỏ thì e rằng chưa thấy được mối quan hệ đặc biệt này của hai nhà thơ xuất phát cách nhau gần một nửa thế kỉ. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem Trần Đăng Khoa đã thụ giáo những điều chỉ dạy của thầy mình, đồng thời ảnh hưởng, chính xác hơn là tác động lại thầy mình như thế nào.
          Trước hết xét về mối quan hệ tình cảm. Hồi tưởng lại cách cư xử của Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa viết:" Trong quan hệ ông đối xử với tôi rất bình đẳng. Ông gọi tôi bằng cháu, đôi khi hứng lên bằng em. Nhưng trong sáng tác, ông coi tôi như một người bạn đồng nghiệp. Còn tôi thì luôn biết mình là một người học trò nhỏ bé của ông".
          Ban đầu, Trần Đăng Khoa rụt rè. Nhưng không có nghĩa là mặc cảm, thiếu tự tin. Ngay khi Xuân Diệu đang là ông Tây trong mắt dân làng, Xuân Diệu cưỡi ô tô về quê, chất vấn chú bé Khoa. Bé Khoa cũng đã chất vấn lại ông Tây khi chú trả lời:
          Xuân Diệu:- Thế còn ông trời mặc áo giáp đen. Sao cháu lại viết thế?
          Trần Đăng Khoa: - Vì cháu nghĩ đến Thánh Gióng. Ông Thánh Gióng ra trận. Thế bác có biết ông Thánh Gióng không?
          Tất nhiên là bằng sự nhạy bén, Khoa đã nhận ra sự ngớ ngẩn của mình. Song chính sự mạnh dạn này và thái độ dân chủ, tôn trọng của Xuân Diệu đã khuyến khích Trần Đăng Khoa hỏi lại và sau này là góp ý lại cho thầy mình.
          Trong những lần gặp Xuân Diệu, Khoa vốn nhạy cảm nên nhận ra ngay nhiều nét buồn xa xăm của ông. Khoa không biết nói gì hơn là những câu an ủi:" Ôi, chú cứ lo xa. Chứ chú khoẻ lắm. Cháu trông chú đang vượng đấy !". Hoặc phần nhiều thì Khoa cười. Cái cười xuế xoá trong một câu đùa. Nhưng câu nói đùa ấy lại làm Xuân Diệu rất vui. Phải chăng gặp Khoa còn trẻ, còn non, gặp sự hồn nhiên cũng làm cho Xuân Diệu vui. Nhất là chú bé lại là người chịu chuyện, biết lắng nghe. Cái chú bé nhà quê áo quần nhếch nhác nhưng có tài và thật thà, được Xuân Diệu mặc nhiên coi như "một quảng đại quần chúng" để ông diễn thuyết. Cậu ta" chỉ im lặng ngồi nghe rồi cười trừ". Rồi không nén được, cậu ta 'bật cười". Cái cười hồn nhiên và tự nhiên đã 'lây" sang Xuân Diệu."Ông cũng cười. Nụ cười làm gương mặt Xuân Diệu dịu hẳn lại". Nhưng Trần Đăng Khoa không chỉ nghe chú Diệu góp ý, tìm cách làm cho chú ấy vui. Nhiều khi, hồn nhiên, Khoa cũng làm cho Xuân Diệu ngớ ra, làm cho Xuân Diệu giật mình.
          Chuyện xoay quanh những trường ca của Trần Đăng Khoa và của người khác. Đầu tiên, Xuân Diệu im lặng, không ỏ ê gì, cứ như "một vách núi bí hiểm, không dội lại một tiếng vang nào". Rồi Xuân Diệu mượn lời Tố Hữu mà chê Trần Đăng Khoa:" Này, chú Tố Hữu gửi lời chê Khoa đấy nhé. Chú ấy bảo Khoa dạo này oai lắm. Khoa đang múa giáo giữa đường đấy!". Khi Xuân Diệu đang cao hứng giảng giải về trường ca, và tuyên bố dứt khoát"Xuân Diệu không có ca đâu nhé", thì Trần Đăng Khoa dẫn chứng:
- Nhưng chú cũng đã ca rồi đấy chứ. Hội nghị non sông, Ngọn quốc kì, Mị Châu Trọng Thuỷ.
          Xuân Diệu ngỡ ngàng."Ông ớ ra một thoáng". Rồi Xuân Diệu lấy lại thế chủ động:
- À cái đó tớ viết bằng hồn. Còn các cậu, các cậu viết bằng gì? Toàn là những sự kiện. Những thông tấn báo chí. Cái đó không phải là thơ đâu nhé! Tớ chẳng ngửi thấy gì cả.
          Trần Đăng Khoa không cãi. Nhưng rõ ràng ông thầy đã phải phần nào nguỵ biện và chống chế, khi ông trò tìm đúng gót chân A sin của thầy.
          Khi Trần Đăng Khoa thật thà khen Xuân Diệu, khen đúng, Xuân Diệu tặng lại người học trò lời cám ơn và ban khen"có con mắt xanh". Trên đà chân thật, Trần Đăng Khoa bộc bạch:
          Cháu rất thích tập thơ này. Nhưng không hiểu sao vẫn cứ tiêng tiếc. Cháu thấy có nhiều bài dở chú ạ.
          Xuân Diệu đã từng dạy Trần Đăng Khoa:" Cái gì hay thì khen. Không hay thì im lặng, lờ đi. Im lặng cũng là một lời chê đấy". Có lẽ Trần Đăng Khoa không muốn áp dụng cái qui tắc này với người thầy gần gũi của mình. Chỉ cần nói có nhiều bài trung bình, nhiều bài không hay thì đã gây xốc cho người viết. Đằng này, Trần Đăng Khoa lại thẳng tuồn tuột nhận xét"có nhiều bài dở". Có điều là Xuân Diệu không tranh cãi với Khoa. Ông lại đánh lảng bằng cách ví von với việc chạy đồ đạc khi nhà cháy. Cứ vứt ra rồi sau nhặt nhạnh, chọn lọc lại. Ngay lúc đó, Khoa mụ mị, Khoa im tịt, Khoa tự thấy mình ngu. Nhưng rồi Khoa ra khỏi mê cung Xuân Diệu và sực tỉnh:" in thơ tập và cháy nhà là hai việc rất khác nhau"
          Ta thấy rằng Trần Đăng Khoa không bao giờ tin ngay những điều thầy dạy. Bao giờ Khoa cũng trăn trở, cũng suy nghĩ xem liệu ông thầy có đúng thật không? Liệu bản thân Khoa có quá dở không khi tiếp thu những chỉ dạy của thầy? Chính cái thói quen làm việc như thế này với Xuân Diệu đã tạo cho Trần Đăng Khoa  tự tin, dám đối thoại hàng loạt vấn đề văn chương trong cuốn sách nổi tiếng"Chân dung và đối thoại " sau này.
          Trở lại quan hệ của Trần Đăng Khoa với Xuân Diệu. Khoa rất hồn nhiên góp ý cho thầy mình. Đó là khi đọc bài thơ Dấu nằm mà Xuân Diệu chép tay trong dạng bản thảo. Đọc xong, Trần Đăng Khoa đã chê người yêu của Xuân Diệu, chứ không phải chê trực tiếp thơ ông. Cũng là một sự láu cá của  chú bé Khoa.
- Thơ chú hay lắm, nhưng cái cô gái này rất dở. Không thể mê được.
- Và Xuân Diệu đang mê cô gái, đang mê thơ mình, bỗng kinh ngạc:
- Sao, cậu nói sao?
- Lí lẽ của chú bé nhà quê khá thẳng thắn và chắc chắn:
          -  Cháu nghĩ, con gái phải gọn ghẽ, kín đáo. Con gái mà nằm ngủ tênh hênh ra là hỏng rồi. Em gái cháu mà nhơ thế thì mẹ cháu giết. Cái cô gái này đã đi xa rổi, mà còn để nguyên dấu vết của mình bề bộn trên giường, thế là cô gái vô ý, là đoảng, chú ạ!
          -  Cậu chả hiểu gì cả. Yêu nhau rồi, say đắm nhau rồi thì còn gì là đoảng nữa. Đến cái mùi hôi nách của nó cũng thành hương nhài hương huệ(…)Mà cậu đã yêu chưa?
          Khi Khoa thú nhận chưa yêu, Xuân Diệu kết luận là anh chàng không thể nào hiểu được Xuân Diệu, cái người còn rất trẻ đã yêu nhiều, đã từng viết Yêu là chết ở trong lòng một ít.
          Khoa có cái lí của Khoa. Xuân Diệu cũng có cái lí của Xuân Diệu. Và rốt cuộc, ông thầy vẫn cứ in  Dấu nằm trong tập Thanh ca, mặc cho có cậu học trò chê người yêu của mình là đoảng.
          Cần phải lưu ý một điều, bản thân Trần Đăng Khoa thú nhận"không hiểu nhiều lắm về đời tư Xuân Diệu". Song, hình như Khoa cũng linh cảm về cái cô gái trong bài thơ kia chỉ là một cô do Xuân Diệu tưởng tượng ra, lập tứ ra từ câu ca dao Nam bộ: Ghe lui để lại dấu dằm. Người yêu đâu vắng, chỗ nằm còn đây. Câu ca dao nói chỗ nằm, chứ không nói dấu nằm. Xuân Diệu biến cải, khai thác dấu nằm, nên ngay từ đầu đã sơ hở, đã biến cô gái thành người đoảng. Mà Trần Đăng Khoa thì lại giỏi quan sát, nhạy cảm về chi tiết.
          Một lần nhìn Xuân Diệu lụi cụi nấu cơm, tâm trí chú bé vẳng lên những câu thơ thân thuộc:
Em ngồi ríu rít ở sau xe
Đời vui khi được có em kề
Em bóc anh múi cam
Em chăm anh miếng nước
Em có tài nấu nướng
Anh có tài ngợi khen
          Và đây là những câu hỏi:
-Người con gái ấy là ai? Và cái cảnh đầm ấm ríu rít ấy ở đâu? ở trong đời hay ở cõi mộng?
          Chính những câu hỏi không lời giải đáp này đã khiến cho Trần Đăng Khoa nghiêng về ý "trong cõi mộng". Và vì thế, mà thật thà chê cô gái trong bài thơ  Dấu nằm  chăng?
          Dẫu sao thì trong quan hệ chú cháu, trong quan hệ của hai nhà thơ đã có một sự chân tình, có một sự bình đẳng, có sự qua lại hai chiều chứ không phải một chiều. Nói theo cách nói dân gian thì đó là quan hệ có đi có lại. Chính mối quan hệ này đã làm cho mối cảm tình của hai người luôn luôn phát triển và ngày càng bền chặt.
          Tôi không được biết tình cảm của Trần Đăng Khoa khi Xuân Diệu mất. Nhưng đọc chân dung Xuân Diệu do Trần Đăng Khoa viết, thấy rõ sự biết ơn, sự ngưỡng mộ người thầy, người bạn lớn; thấy rõ tấm lòng của một nhà thơ với một nhà thơ. Chắc hẳn Xuân Diệu cũng cười  vui, nếu ông đọc những dòng Trần Đăng Khoa viết về mình. Và cả những dòng bàn thêm này nữa.

                                                                                                Tháng 3 năm 2001

-----------------
Những tư liệu dùng cho bài viết trích từ:
- Văn học và tuổi trẻ số 1.
- Chân dung và đối thoại.
- Thơ em Khoa của Xuân Diệu.
- Một số lời kể trực tiếp của Trần Đăng Khoa.



3 nhận xét: