Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

LÊ HƯỚNG QUỲ “GIỮA KHÔNG GIAN BA CHIỀU”





LÊ HƯỚNG QUỲ “GIỮA KHÔNG GIAN BA CHIỀU”
(Đọc tập thơ “Giữa không gian ba chiều” –
Lê Hướng Quỳ NXB Văn học 2004)

Nguyễn Thị Lan
Với 60 tuổi đời và ngót 40 năm vẽ tranh, làm thơ, mùa xuân 2004 này họa sĩ Lê Hướng Quỳ “trình làng” đứa con tinh thần của mình: tập thơ “Giữa không gian ba chiều”
Tập thơ có phụ đề “Thơ tình”. Ở tập thơ này Lê Hướng Quỳ đã tuyển chọn được 46 bài thơ tình tâm đắc nhất của anh. Thi phẩm gồm 2 phần: phần I “Trăng và em”; phần II “Giữa không gian ba chiều”. Dù các bài thơ được viết trong một không gian nghệ thuật nào, người đọc cũng dễ dàng nhận thấy “Em” là nhân vật trung tâm, “Em” là tiêu điểm khơi gợi cảm xúc, thi hứng cho nhà thơ.
Có mâu thuẫn không khi một người đã bước sang “tuổi thu” mà vẫn viết thơ tình? Nữ thi sĩ đương đại lớn nhất của Đức Eva Strittmatter, sinh năm 1930 hiện đang sống và sáng tác đã tâm sự: “Năm nay tôi đã ngoài bảy mươi tuổi rồi. Nhưng nhà thơ đâu có tuổi (…) tôi cảm thấy trái tim mình vẫn dào dạt, náo nức lắm. Tôi vẫn yêu. Không thế thì còn đâu là thi sĩ”. Và vì vậy, như tất cả những thi sĩ, nhà thơ Lê Hướng Quỳ vẫn viết thơ tình như một lẽ đương nhiên.
Là một họa sĩ Lê Hướng Quỳ làm thơ như vẽ tranh. Có khác chăng đây là những “bức tranh” được “vẽ” bằng ngôn từ.
Ở Lê Hướng Quỳ vừa có tố chất của một họa sĩ, vừa có sự đa cảm của một thi sĩ. Bởi vậy, những gì khiến anh rung động đều được anh vẽ ra như một bức tranh thơ. Đọc Lê Hướng Quỳ hầu như bài nào cũng có dấu ấn của tâm hồn họa sĩ, điều đó thể hiện qua thi tứ, thi ảnh, thi tự của nhà thơ.
Ta hãy đọc bốn câu thơ mở đầu bài “Đêm sông Thương” của anh:
“Em ơi! Đừng khua động
Trăng chín vàng sông Thương
Bồng bềnh mây tĩnh lặng
Thuyền ta trôi trong sương”
Mỗi câu thơ là một nét vẽ: một nét vẽ thuyền, một nét vẽ sông, một nét vẽ mây, một nét vẽ sương. Đúng là “thi trung hữu họa”.
Gam màu chủ đạo trong “tranh” thơ Lê Hướng Quỳ là gam màu trầm và ấm. Tất cả đều dịu nhẹ, mơ hồ như hồn người làm thơ: nồng nàn đấy nhưng lặng lẽ, lắng sâu.
Tỏa sáng từ bức “tranh” thơ “Đêm sông Thương” có màu vàng chín của sông Thương, màu vàng của hoa dại, của hoa mai, của vầng trăng. Rồi màu xanh của bờ bãi, của lá biếc, của dòng sông, của vạt cỏ, của thời gian. Và bao phủ vạn vật là màu xanh của hồn người.
Thế giới thơ của Lê Hướng Quỳ là một thế giới man mác buồn, một nỗi buồn không se sắt ruột gan mà bâng khuâng, u hoài. Chỉ với người đa cảm mới có nỗi buồn như thế. Cũng vì thế, khi đụng đến một màu nóng, chói, gắt anh lập tức điều tiết lại:
“Nụ cười vương hoa đỏ
Tóc xanh cài trăng tơ”
(Sóng xuân)
Hay:
“…phượng bừng hoa lửa
Tóc xoã vai mềm bồng bềnh trước gió”
                                                 (Suối tóc)
Và một “giọt nắng” trong thơ Lê Hướng Quỳ cũng “đìu hiu”.
Cảnh trong thơ Lê Hướng Quỳ thường không rõ đường nét, hình khối, nó êm dịu, huyền ảo, có độ “nhòe”; cảnh như trong mộng. Đây là cảnh trong bài “Đêm sông Thương” của anh:
“Thuyền ta bơi trong hương
Hai triền sông gió thổi”
“Đôi ta bơi giữa trời
Đôi ta bơi giữa đời”
“Gặp em rồi đã gặp
Trong khơi vơi không gian
Lòng tràn trăng tháng tám
Tình vạn kiếp mênh mang”
Trong thơ anh ta thường gặp một “cánh chim trời xa hút”, một “xóm chài gió thổi tiêu điều”, một “dòng sông vỗ sóng thời gian”, một “lối mòn xưa vạt cỏ thiếu hơi người”, một ngọn gió thổi “hoa vàng dại lả tả” hoặc một “dây diều run rẩy mỏng manh” khi thi sĩ chợt thấy trong buổi chiều thu.

Nếu không gian nghệ thuật là “trường nhìn” mở ra từ một “điểm nhìn”, một “cách nhìn”, là bầu “không quyển” tinh thần bao bọc cảm thức con người thì không gian nghệ thuật trong thơ Lê Hướng Quỳ chủ yếu là không gian vũ trụ, một không gian mênh mông, bao la, bát ngát, nó cao viễn, vô hạn. Tâm hồn người làm thơ thật tinh tế. Anh nhạy cảm với vẻ đẹp của tự nhiên, với những biến chuyển của tự nhiên. Đó là mây, là gió, là sương, là cỏ cây ngút ngàn, là bờ bãi xanh non, là nhịp cầu ô thước…Rồi giọt nắng, rồi sương sớm nắng chiều, rồi bốn mùa thay đổi.
Quả thật thơ Lê Hướng Quỳ đậm chất Á Đông. Thơ anh giàu thiên nhiên. Thiên nhiên đó đôi khi mang phong vị triết học chứ chưa phải hoàn toàn là một thiên nhiên cụ thể với những đường nét và màu sắc có thực. Thiên nhiên ấy nhiều lúc nhuốm màu tâm trạng và thế sự. Nó là tâm cảnh chứ không hoàn toàn là phong cảnh.
Trong thế giới thiên nhiên ấy của Lê Hướng Quỳ “Trăng” xuất hiện với tần số cao. Lê Hướng Quỳ rất yêu trăng. Đã bao lần trăng đi vào thơ anh. Đọc cả tập thơ ta thấy rất rõ “ăng ten” thơ của anh bắt rất nhạy vẻ đẹp của trăng. Thơ Lê Hướng Quỳ dường như có sự thâm nhập quá lớn của ánh trăng. Có cả một dòng “sông trăng” (tên một bài thơ) trong thơ của thi sĩ.
“Trăng vú mộng muôn đời của thi sĩ” (Xuân Diệu). Người đi trước đã nhìn trăng, ca ngợi trăng, Lê Hướng Quỳ tiếp tục phát hiện, hoàn mỹ nó.
Trăng trong thơ Lê Hướng Quỳ trước hết hiện ra trong vẻ đẹp có thực của thiên nhiên.
Đi dọc thời gian của tháng, năm trong thơ anh có:
“Trăng đầu tuần cười nụ
Khơi gợi nhiều tâm tư”
“Trăng giữa tuần vời vợi
Như gần mà kiêu sa”
“Trăng cuối tuần đơn lạnh”
Rồi trăng tròn, trăng khuyết.
Rồi trăng xuân: “gợi nhớ về bến cũ”, “gợi nhớ về nỗi nhớ”
Rồi trăng thu: “Dòng trăng cuốn cả nhụy hoàng hoa”
Trăng trải rộng khắp không gian đất nước. Anh đã từng say đắm trăng trong một đêm sông Thương, một đêm chân quê, một đêm bên Tây Hồ, một đêm bên bờ hồ Bán Nguyệt, một đêm Cửa Cấm và một đêm Thành Đông.
Trăng đẹp, đương nhiên. Nhưng trăng còn tượng trưng cho cái gì đẹp đẽ, trong sáng, vĩnh hằng mà nhà thơ vươn tới. Chính vì vậy đã hơn một lần vầng trăng với Lê Hướng Quỳ là “vầng thánh thiện” (Trăng và em), là “vầng chân thiện” (Phiền), là “bao huyền diệu” (Trăng quê), là “ảo huyền” “vĩnh hằng” (Vầng trăng đơn côi).
Trăng không chỉ là một thực thể của vũ trụ, trăng trong thơ Lê Hướng Quỳ cũng có hồn như con người. Vì vậy ở thơ anh trăng cũng chua cũng chát như thể vị đời, cũng đơn côi, khao khát, cũng thao thức, buồn bã, kiêu sa…
Yêu trăng thế nên với Lê Hướng Quỳ trăng gắn liền với “em”. Vầng trăng gợi nhớ “em” từ nụ cười, ánh mắt đến tình em. Từ hình tượng sóng đôi “Trăng” và “Em” trong thơ Lê Hướng Quỳ đôi khi có những liên tưởng bất ngờ và đẹp:
“Ngân hà một dải sóng mênh mông

Đồng hành trăng cũng ngược trên sông
Thiếu em - Đôi mắt - hai thuyền mộng
Chở nhớ nhung về, em biết không!”
                                                             (Đôi mắt)
Ví đôi mắt em như “hai thuyền mộng” “chở nhớ nhung” thì thật là vừa gợi hình, vừa gợi cảm.
Cũng từ hình tượng sóng đôi ấy, trong câu thơ:
“Em như trăng muộn nhẩn nha
Thuyền anh chở ánh trăng tà mênh mông”
                                                         (Sông trăng)
Thì “em” cũng như “trăng” tỏa ánh sáng trong mát xuống đời anh.
Có thể nói nhà thơ Lê Hướng Quỳ đã không hề dè sẻn ngôn từ của mình để ca ngợi trăng. Và cao hơn cả khi anh đã coi trăng là hiện thân của tình yêu cao đẹp, vĩnh hằng mà suốt đời anh mơ ước. Trong bài “Tình yêu là vầng trăng em ơi”, anh đã đặt ngang hàng “Tình yêu” với “Vầng trăng”, cả hai đều cao đẹp - cái đẹp vĩnh hằng - nhưng cảẩii đều xa xôi, không bao giờ nắm bắt được. Với Lê Hướng Quỳ tình yêu cũng mang vẻ đẹp lý tưởng để anh tôn thờ, ngưỡng vọng. Đó là một tình yêu không “chiếm lĩnh” và mãi mãi không bao giờ “chiếm lĩnh” được. Phải chăng đây là nét riêng và cũng là vẻ đẹp của thơ tình Lê Hướng Quỳ?
Đọc thơ tình của Lê Hướng Quỳ, độc giả như được đọc cả một “lịch sử” tình yêu của người làm thơ. Có cái thuở ban đầu lưu luyến ấy với “nụ hôn đầu run rẩy” (Men say).
Có mối tình thoáng qua nhưng suốt đời vẫn nhớ:
“Em đến như là gió rất mau
Ai ngờ để lại sóng trong nhau”
… “Ai sinh con sóng dồi ngây dại
Mới lọt lòng thôi đã bạc đầu”
                                                          (Sóng)
Có mối tình đẹp đẽ, thơ mộng nhưng giờ đây chỉ còn trong hoài niệm:
“Trăng xuân về bến cũ
Em chỉ còn trong mơ”
                         (Sóng xuân)
Có tình yêu đã nở hoa, kết trái:
“Căn hộ nhỏ vẫn ấm lòng con trẻ
Thỏ thẻ bi bô mơ truyện tiên rồng”
                                   (Quê em Thành Đông)
Thơ Lê Hướng Quỳ là con người Lê Hướng Quỳ. Anh ưa nhu hơn cương, ưa chừng mực hơn cực đoan, ưa hướng nội hơn hướng ngoại. Tình trong thơ anh không phơi phới bốc men say, nó trầm lặng, đằm sâu, kín đáo và phảng phất buồn.
Lê Hướng Quỳ là người khá lịch lãm trong nghề thơ. Anh “biên tập” thơ mình khá cẩn trọng. Vì vậy chất lượng tập thơ khá đều, ít có những bài non, lép.
Kết cấu thơ anh nhìn chung khá chặt chẽ. Có cảm giác mỗi bài thơ đều có sự kết dính từ đầu đến cuối và chính tứ thơ tạo nên sự kết dính đó. Tập thơ ít có những bài tản mạn, không cô đúc hoặc ý thơ dễ dãi.
Lê Hướng Quỳ sử dụng nhiều thể thơ trong đó có lẽ thể thơ tứ tuyệt phát huy được nhiều nhất mọi sở trường của anh. Thơ tứ tuyệt của anh dồn nén, cô đúc vì vậy lời chật, ý rộng và có dư ba. Đó là những bài: Trăng quê, Hoàng hôn, Vô đề… Có những bài gồm nhiều khổ thơ, mỗi khổ bốn dòng cắt ra đẹp trọn vẹn như một bài tứ tuyệt (Sóng xuân).
Lê Hướng Quỳ rất chú ý tính nhạc của câu thơ. “Nhạc” và “Thơ” anh đôi khi như hai người bạn tri kỷ trong cái nghĩa “đồng thạnh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Ở "Giữa không gian ba chiều”, ta bất chợt gặp những câu thơ toàn thanh bằng như thế này:
“Tình yêu là vầng trăng em ơi”
“Thuyền ta trôi trong sương
Thuyền ta bơi trong hương”
“Trong khơi vơi không gian”…
Để diễn tả cái mộng, cái chơi vơi không gì bằng những câu thơ như thế.
Ai đó đã từng nói: “Hãy cho tôi biết anh yêu như thế nào, tôi sẽ cho anh biết anh là ai”. Với mỗi người, tình yêu sẽ là nơi bộc lộ nhân cách văn hóa của người đó.
Đọc thơ tình Lê Hướng Quỳ chắc mỗi người sẽ có một cảm nhận tốt đẹp về tác giả.
Lê Hướng Quỳ đã có một câu thơ (đồng thời cũng là tên một bài thơ của anh):
“Tình yêu là vầng trăng em ơi”
Anh đã có trong hồn thơ mình vầng trăng đó - vầng trăng mang ánh sáng vàng kỳ diệu. Vầng trăng ấy cũng tỏa ánh sáng xuống tâm hồn bạn đọc yêu thơ.
Hải Dương, đầu Hè 2004










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét