Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Người Trung Quốc móc túi giỏi!


 NGƯỜI TRUNG QUỐC  MÓC TÚI  GIỎI!
                                               
Vũ Nho

Khi nhóm nhà văn Hà Nội đi tìm hiểu thực tế bằng chuyến du lịch Nam Ninh, chúng tôi đề nghị mỗi người viết một thu hoạch ấn tượng nhất. Đối với tôi, ấn tượng nhất là người Trung Quốc móc túi giỏi. Tôi sẽ nói có sách, mách có chứng đàng hoàng. Nhưng đừng nghĩ rằng như vậy là tôi nói xấu người nước bạn láng  giềng. Tôi chỉ phản ánh đúng thực tế mà mình nhìn thấy rõ ràng, xác thực.
Qua cửa Hữu nghị quan đến Nam Ninh, hướng dẫn viên du lịch nhắc nhở rằng mọi thứ tiền nong, nhất là giấy tờ phải giữ gìn hết sức cẩn thận, tránh mất mát. Đặc biệt là giấy tờ. Ngày quay về, giấy tờ vẫn còn nguyên, không ai bị mất cả, nên đoàn đi  bao nhiêu về  bấy nhiêu. Có thể kết luận người và giấy tờ “nguyên đai nguyên kiện”! Nhưng kiểm tiền thì than ôi!  Hầu như tất cả các thành viên trong đoàn đều bị mất. Người ít thì khoảng dăm chục đến một hai trăm tệ. Người nhiều thì lên đến gần ngàn tệ. Có điều lạ là việc móc túi đã được thông báo trước để đề phòng. Nhưng  vẫn bị móc hàng loạt.




Cái nơi đầu tiên mất tiền hàng loạt ấy là cửa hàng Ngọc và Đá quý ở ngay Nam Ninh. Buổi sáng đi tham quan. Ô tô dừng, mỗi người được phát một tấm thẻ đeo vào trước ngực và được các cô gái người dân tộc ăn mặc trang phục như các công nương, cách cách chào đón. Có ghế cho mọi người an tọa. Đại diện cửa hàng nói lời chào mừng và giới thiệu văn hóa trà Trung Hoa. Các loại trà quý và tác dụng của trà. Hai cô pha trà. Hai cô mang khay trà thơm phức đưa tận tay quý khách. Thưởng trà xong, các vị khách xem quy trình chế tác đá quý, các sản phẩm từ ngọc, từ đá và đồ gốm sứ mỹ nghệ với bộ ấm, chén đổi màu khi rót trà. Thật lạ lùng, các ví cất kĩ giấy tờ và tiền bạc đều được móc ra. Người thì mua đôi tì hưu giữ gìn bản mệnh, người mua chiếc nhẫn, người lấy cái vòng, người mua cái ấm, người cầm bộ chén đổi màu. Cũng vẫn là các cô gái pha trà, mời nước bây giờ thoăn thoắt lấy các hàng hóa cho khách xem. Hầu như vị khách nào cũng bị móc túi.
Khi rời công viên Nam Hồ đến thăm hiệu thuốc, nhiều người đã tỏ ra không hài lòng vì hiệu thuốc thì chỉ bán thuốc, có cái gì để mà thăm với nom! Nhưng hóa ra là bé cái nhầm. Chính ở trong cái hiệu thuốc ấy, chúng tôi được thưởng thức cái gọi là “văn hóa Trung y độc đáo của Trung Quốc”. Ghế ngồi thoải mái, trước mặt là người đại diện công ty dược nói tiếng Việt thành thạo còn hơn người Việt. Người Việt mình vốn có câu tục ngữ : “Trăm nghe không bằng một thấy; trăm thấy không bằng một sờ” đề cao tinh thần kiểm chứng thực tế. Thì đây, thuốc chữa phong thấp có tác dụng như thế nào. Các vị xem nhé. Một con gà mái tơ được mang vào. Vị bác sĩ cắt da chân nó,  làm đứt gân, bẻ lặt ra. Sau đó tán thuốc và buộc vào chỗ vết thương. Các vị không phải đợi lâu đâu. Chỉ lát nữa thuốc ngấm, chú gà sẽ đi lại một cách bình thường! Trong khi chờ đợi, chủ nhân giới thiệu thuốc chữa bỏng. Một dây xích sắt nung đỏ được mang lên. Chủ nhân châm tờ giấy vào xích, tờ giấy cháy bùng lên. Chủ nhân hỏi có ai muốn thử thí nghiệm không? Chẳng ai dại gì chịu đau. Sau khi cho một số vị khách kiểm tra tay, chủ nhân dí tay mình vào thanh sắt đỏ. Mùi khét da thịt cháy bốc lên. Thuốc chữa bỏng được bôi ngay vào. Rồi chủ nhân giới thiệu sang món mật gấu. Một cốc nước uống  ( chủ nhân uống thử) được hòa với máu sóc khô. Cốc  nước có màu đỏ tươi. Sau đó chất ni cô tin trong đầu lọc của điếu thuốc được cho vào. Cốc nước chuyển màu thành đen. Rồi cứ như là có phép thuật, mật gấu của cửa hàng được nhỏ vào. Cốc nước lại trở lại màu đỏ như ban đầu. Đấy, mật gấu thật là thế đó! Rồi chủ nhân giới thiệu vị võ sư y-ô-ga biểu diễn. Ông vận khí và quát to một tiếng, khói bốc nghi ngút trên đầu ngón tay. Ông vận khí để chữa đau ngay tại chỗ cho vị nào  đau lưng, mỏi gối. Rồi thì bây giờ chú gà mái được cởi dây trói chân đi lại bình thường. Đúng vậy! Rồi thì thuốc chữa bỏng được lau đi, bàn tay chủ nhân không một vết  xước nào nuột nà như cũ. Tuyệt vời! Một vài vị lương y lúc này mới xuất hiện để xem mạch. Thế là các ví tiền lại bị móc ào ào…


Ngày trở về, đến Bằng Tường lại có một cuộc móc ví tuyệt hảo. Lần này chủ nhân cửa hàng là một người đàn ông trung tuổi. Sau màn chào hỏi, ông nhờ một vị khách lấy ở ngăn bàn lên một bộ sản phẩm. Và lập tức thưởng luôn một con dao cho vị khách. Chủ nhân bắt đầu giới thiệu bộ đồ nhà bếp. Đầu tiên là cái nạo đa năng. Thật tuyệt vời. Cái nạo gọt vỏ, nạo thành sợi làm nộm, lấy mắt dứa, cắt bỏ chỗ hư của củ, quả. Nó chắc đến nỗi rơi không sao, lấy chân dẫm mạnh lên cũng không suy suyển. Rồi các con dao quá sắc. Dao để gọt, dao để thái, dao để chặt. Lưỡi dao thái sắc đến nỗi thái tờ giấy không cần kê mà đứt đều tăm tắp. Rồi dao chặt xương. Chủ nhân chặt dao vào ống thép, ống bẹp đi mà dao không hề mẻ. Một vị khách cũng được hướng dẫn chặt hết sức. Dao vẫn không làm sao.  Cái liếc dao bán kèm để ba năm sau khi dao không sắc nữa thì đem ra liếc! Kéo cắt thịt gà vịt thì cực sắc, đến nỗi cắt sắt như cắt giấy…
Các ví lại lần lượt bị móc. Những đồng nhân dân tệ cuối cùng được chi ra. Một vài bác chủ quan mang đi ít tiền thì mượn tạm anh em. Để được tự mình có những sản phẩm tuyệt hảo.
Tôi có thể lấy đầu mà cam đoan rằng nếu cứ thả cả đoàn chúng tôi vào các cửa hàng bày bán những thứ ngọc ngủng, thuốc men, dao kéo…thì giỏi lắm cũng chỉ mấy người mua  một vài thứ. Nhưng người Trung Quốc biết cho vào cửa hàng, biết mời uống trà, biết làm “thí nghiệm” đầy sức thuyết phục, vì vậy họ móc túi hầu như tất cả đoàn. Cái nghệ thuật móc túi đàng hoàng, lịch sự như vậy chẳng đáng để cho người Việt mình học tập lắm sao!

                                                Hà Nội 14/3/2010

4 nhận xét:

  1. Nghe tên giật gân vậy thôi! Viết thế để nhắc những người làm Du Lịch Việt Nam là khỏi đi đâu xa, sang họ mà học cách tiếp thị, bán hàng!

    Trả lờiXóa
  2. Vũ tiên sinh ơi, vậy phải nói là người TQ ảo thuật giỏi chứ. Tiên sinh xem ảo thuật đó mà, đáng đồng tiền bát gạo. Còn bị moc túi thì tiền mất mà tien sinh chẳng có gì

    Trả lờiXóa
  3. Móc túi là hiểu theo nghĩa bóng, mất tiền mua những đồ vật, có khi chẳng như ý muốn. Có một phần ảo thuật. Nhưng đúng là các vị khách bị "móc" nhẵn túi. Cám ơn sự chia sẻ. Tôi không khen họ làm ảo thuật! Bị móc túi theo kiểu ăn cắp, lưu manh thì đó là chuyện khác không bàn ở đây, ông ( hay bà) PROMETE ạ!

    Trả lờiXóa