Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

CHÂN DUNG NHÀ VĂN CỦA XUÂN SÁCH (2)

CHÂN DUNG NHÀ VĂN CỦA XUÂN SÁCH (2)

Xuân Sách
Thứ năm ngày 28 tháng 5 năm 2015 10:27 AM
Chân dung 100 nhà văn qua cái nhìn của Xuân Sách (21-40)

21. Nguyễn Thành Long
Thao thức năm canh nghĩ chẳng ra
Trò chơi nguy hiểm đấy thôi mà
Lặng lẽ giữa khoảng trong xanh ấy
Để mối đùn lên đến lúc già.
22. Đào Vũ
Trời thí cho ông vụ lúa chiêm
Ông xây sân gạch với xây thềm
Con đường mòn ấy ông đi mãi
Lưu lạc đâu rồi mất cả tên
23. Nguyễn Bính
Hai lần lỡ bước sang ngang
Thương con bướm đậu trên giàn mồng tơi
Trăm hoa thân rã cành rời
Thôi đành lấy đáy giếng thơi làm mồ.
24. Nguyễn Văn Bổng
Nhọc nhằn theo bước con trâu
Hỡi người áo trắng nông sâu đã từng
Mỗi bước đi một bước dừng
Mà sao vẫn lạc giữa rừng U minh.
25. Nguyên Ngọc
Mấy lần đất nước đứng lên
Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm
Hại thay một mạch nước ngầm
Cuốn trôi đất Quảng lẫn rừng Xà nu
26. Vũ Thị Thường
Vợ chồng nhà thơ Chế Lan Viên - Vũ Thị Thường và hai con gái của họ: Thắm, Vàng Anh (được cha bế)
Từ trong hom giỏ chui ra
Đã toan gánh vác sơn hà chị ơi
Định đem cái lạt buộc người
Khổ thay ông lão vịt trời phải chăn

27. Quang Dũng
"Sông Mã xa rồi tây tiến ơi"
Về làm xiếc khỉ với đời thôi
Nhà đồi một nóc chênh vênh lắm
Sống tạm cho qua một kiếp người
Áo sờn thay chiếu anh về đất
Mây đầu ô trắng, Ba vì xanh
Gửi hồn theo mộng về tây tiến
"Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
28. Mai Ngữ
Tưởng chuyện như đùa hoá ra thật
Biết ông sòng phẳng tự bao giờ
Cái con thò lò quay sáu mặt
Vồ hụt mấy lần ông vẫn trơ
29. Nguyễn Khải
Cha và con và... họ hàng và...
Hết bay mùa thóc lẫn mùa lạc
Cho nên chiến sĩ thiếu lương ăn
Họ sống chiến đấu càng khó khăn
Tháng Ba ở Tây nguyên đỏ lửa
Tháng tư lại đi xa hơn nữa
Đường đi ra đảo đường trong mây
Những người trở về mấy ai hay
Xung đột mỗi ngày thêm gay gắt
Muốn làm cách mạng nhưng lại dát.
30. Hoàng Trung Thông
Đường chúng ta đi trong gió lửa
Còn mơ chi tới những cánh buồm
Từ thuở tóc xanh đi vỡ đất
Đến bạc đầu sỏi đá chửa thành cơm
31. Chính Hữu
Tấm áo hào hoa bạc gió mưa
Anh thành đồng chí tự bao giờ
Trăng còn một mảnh treo đầu súng
Cái ghế quan trường giết chết thơ.
32. Thanh Tịnh
Bao năm ngậm ngải tìm trầm
Giã từ quê mẹ xa dòng Hương giang
Bạc đầu mới biết lạc đường
Tay không nay lại vẫn hoàn tay không
Mộng làm giọt nước ôm sông
Ôm sông chẳng được, tơ lòng gió bay.
33. Chu Văn
Một con trâu bạc già nua
Nhờ cơn bão biển thổi lùa lên mây

Trâu ơi ta bảo trâu này
Quay về đất mới kéo cày cho xong.

34. Ngô Tất Tố
Tài ba thằng mõ cỡ chuyên viên
Chia xôi chia thịt lại chia quyền
Việc làng việc nước là như vậy
Lộn xộn cho nên phải tắt đèn.
35. Nam Cao
Anh còn đôi mắt ngây thơ
Sống mòn sao vẫn đợi chờ tương lai
Thương cho Thị Nở ngày nay
Kiếm không đủ rượu làm say Chí Phèo.
36. Xuân Thủy
Xoắn mãi dây tình thơ bật ra
Paris thì thích hơn ở nhà
Đông y ắt hẳn hơn tây dược
Xe tải không bằng xe Vonga
Trên đời kim cương là quý nhất
Thứ đến tình thương dân nghèo ta
Em chớ chê anh già lẩm cẩm
Còn hơn thằng trẻ lượn Honđa.
37. Lưu Trọng Lư

Em không nghe mùa thu
Mùa thu chỉ có lá
Em không nghe rừng thu
Rừng mưa to gió cả
Em thích nghe mùa xuân
Con nai vờ ngơ ngác
Nó ca bài cải lương.
38. Nguyễn Khoa Điềm

Một mặt đường khát vọng
Cuộc chiến tranh đi qua
Rồi trở lại ngôi nhà
Cất lên ngọn lửa ấm
Ngủ ngon a Kai ơi
Ngủ ngon a Kai à...
39. Nguyễn Kiên
Anh Keng cưới vợ tháng mười
Những đứa con lại ra đời tháng năm
Trong làng kháo chuyện rì rầm
Vụ mùa chưa gặt thóc đã nằm đày kho.
40. Anh Thơ
Ấy bức tranh quê đẹp một thời
Má hồng đến quá nửa pha phôi
Bên sông vải chín mùa tu hú
Khắc khoải kêu chi suốt một đời.
(Còn nữa)
Chép lại từ trang Trần Nhương.

7 nhận xét:

  1. 1- Theo bu tui trong đời văn Xuân Sách thì CHÂN DUNG NHÀ VĂN là tác phẩm số 1 được nhiều người ưa thích. Những người bị Xuân Sách chọc khe ngán lắm, nhưng phải phục ông này tài.
    2- Cách nay trên 10 năm bu tui cao hứng bày ra thi NHẬN DIỆN NHÀ VĂN. Cứ mỗi kì bu đưa lên 5 bài, qua cuộc thi này mới thấy văn hóa đọc xứ ta có vấn đề.
    3- Đến kì thứ 50 có bài thơ số 46
    Thơ ông tang tính tang tình
    Cây đa bến nước mái đình vườn dâu
    Thân ông mấy lượt lấm đầu
    Miếng mồi danh lợi mắc câu vẫn thèm
    Người bày cuộc thi là bu tui chịu thua, không đoán ra là ai, bèn gọi vào Vũng Tàu hỏi ông Xuân Sách, sau khoảng 15 giây suy nghĩ ông bảo “Xuân Thiêm mày ạ, cha này chưa có tập sách nào được in, chỉ có thơ đăng báo thôi. Mày hỏi đột ngột tao không nhớ ra được ngay…”
    4- Bu tui chắc mẫm không ai trả lời được bèn lớn tiếng đặt giải thưởng một triệu đồng (bằng sách) cho ai nói đúng tên nhà văn. Không ngờ một cô giáo rất trẻ trả lời đúng: “Nhà thơ Xuân Thiêm”. Cho đến nay bu chưa hiểu tại sao cô giáo trẻ này là trả lời được trong khi Xuân Sách phải suy nghĩ hoài mới nhớ ra hihi

    Bác đưa bài này lên làm bu tui nhớ lại kỉ niệm một thời…

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã ghé trang và cung cấp những chi tiết thú vị.
      Trước tôi cũng có một bản Chân dung các nhà văn của bác Xuân Sách. Công nhận là cách vẽ khá giỏi, độc đáo. Các nhà văn phản ứng khá dữ vì ở ta chỉ quen nhìn chiều thuận, nhìn cái tốt. Trong khi chân dung lại vè nhiều cái dở, nhiều mặt trái.

      Xóa
  2. Bây giờ bình tĩnh, đọc kĩ lại thì thấy bác Xuân Sách tài thì có tài, nhưng đánh giá bạn viết, đồng nghiệp như thế là thiên lệch, không công bằng. Nhân vô thập toàn. Nhà văn, nhà thơ cũng là người. Là người, thì ta nhìn họ, nhìn ta với sự cảm thông và công bằng. Một số bức vẽ thiên về biếm họa. Thật không phải lắm!

    Trả lờiXóa
  3. 1- Người chủ trương in Chân Dung nhà văn là nhà văn Hoàng Lại Giang. Năm 1977-1998, Giang làm trưởng chi nhánh NXB Văn học tại TP.HCM. Sách in xong đem bỏ kho, bạn bè xin, không hiểu sao Giang ta vẫn lấy cho được. Bu tui được Giang ưu ái cho hai quyển hihi. Câu chuyện Hoàng Lại Giang - Xuân Sách trong vụ Chân dung nhà văn li kì hồi hộp lắm.
    2- Hôm nói chuyện với Xuân Sách qua điện thoại, bu hỏi ông về bài thơ số 36 – Xuân Thủy: “Bác ơi kim cương này có phải là nữ nghệ sĩ Kim Cương không, ông cười khà khà, chuyện này dài lắm không nói qua điện thoại được rồi tớ sẽ viết …tiếc là ông về thiên cổ mất rồi

    Xoắn mãi dây tình thơ bật ra
    Paris thì thích hơn ở nhà
    Đông y ắt hẳn hơn tây dược
    Xe tải không bằng xe Von ga
    Trên đời kim cương là quý nhất
    Thứ đến tình thương dân nghèo ta
    Em chớ chê anh già lẩm cẩm
    Còn hơn thằng trẻ lượn hon da

    3- Theo chỗ bu biết thì khá nhiều nhà văn trong tập sách này có vấn đề về nhân cách và cơ hội. Ông nào phản ứng mạnh là do ông điểm quá đúng huyệt mà thôi. Những nhà văn tài năng bị vui dập ông cảm thông lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tất nhiên, một số ít nhà văn có vấn đề về nhân cách, bị chê thẳng thì phản ứng dữ dội. Có những người còn đòi KIỆN! Bác Bu nói Xuân Sách cảm thông tài năng bị vùi dập. Thật ra chả có bao người được "cảm thông". Tôi đọc kĩ thì thấy bác Xuân Sách vẫn thiên về BIẾM họa. Mà khi vẽ biếm thì thường phóng đại nét xấu, nét dở... Với những người biết được điều này thì chuyện cũng chả có gì to tát. Nhưng bình thường, nhìn một nhà văn, một con người mà chỉ nhìn thấy nét xấu, nét dở, trong khi anh ta có điều không xấu, thậm chí không dở...thì đó là thiếu công bằng, thiếu công tâm và thiếu sự bao dung,.... Cá nhân tôi không thích cái nhìn thiên lệch, mặc dù vẫn thấy bác XS có tài!

      Xóa
  4. Hay quá. Hay quá. Em vỗ tay nhá. Ngày trước em đã đọc loáng thoáng "chân dung các nhà văn" của Xuân Sách. Bây giờ đọc lại (mới có 20 người), lại được nghe bác Vũ Nho và bác Bulukhin Nguyễn ( không biết tên thật của bác là gì ) trao đổi, luận bàn rất thú vị. Từ cái vụ 100 chân dung này tên tuổi Xuân Sách rộn ràng thêm, và cũng nhiều nhà văn được nhìn thêm ở góc độ khác - Xuân Thuỷ thích kim cương chẳng hạn... Thẩm bình của bác Vũ Nho rất đúng, nhân vô thập toàn. Vâng, nhiều vị chắc sẽ ngán ngẩm lắm khi bị (hoặc được) vẽ biếm hoạ bút sắt. Hì hì. Nhưng cũng không sao ạ. Không sao đâu. Thế mới là Xuân Sách! Giỏi thật! Nhờ vậy em mới biết Xuân Thuỷ thích "Kim Cương". Hì. Một phát hiện nho nhỏ thú vị ! Kể ra Biếm mà chọc giận thì cũng hơi... đùa quá. Lại in thành sách, định xuất bản, một cách làm nghiêm túc, đàng hoàng, thì...cũng khó thật. Thôi, cứ truyền tay, truyền miệng thành giai thoại cũng được. Mà chỉ có các cụ mới hiểu chân tơ kẽ tóc được thôi. Trần Đăng Khoa cũng "chân dung và đối thoại", hì hì. Rất hay đấy các bác ạ. Cho em góp lời một chút nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã góp lời bình. Cuốn sách ấy đã được in và truyền rộng rãi. VN cũng được cho một cuốn. Vì làm nhà không biết để lẫn đâu. Bây giờ trang bác Trần Nhương đưa, lại có ảnh kèm. Nên chép về làm tư liệu và phục vụ khách của quán VN.

      Xóa