Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

MỘT MÌNH DẠO CHƠI TÌM HOA VEN SÔNG (Giang bạn đọc bộ tầm hoa) Đỗ Phủ





                                                                         Vũ Nho chủ trang


(Giang bạn đọc bộ tầm hoa)

                                  Đỗ Phủ



Hoàng Tứ nương gia hoa mãn khê

Thiên đoá vạn đoá áp chi đê

Lưu liên hí điệp thời thời vũ

Tự tại kiều oanh kháp kháp đề

Dịch nghĩa:

Hoa nở đầy suối nhà cô Hoàng Tứ

Ngàn đoá vạn đoá ép cành lá trĩu xuống thấp

Bươm bướm vui sướng lưu luyến bay quanh mãi

Chim oanh duyên dáng thánh thót hót ung dung.

Dịch thơ:

Nhà cô Hoàng Tứ hoa đầy suối

Ngàn đoá vạn bông níu trĩu cành

Bươm bướm vui mừng bay quấn quýt

Ung dung thánh thót hót kiều oanh

                                                   V. N. dịch



Lời bình của Vũ Nho

Tính con người thường là kì lạ, mà kì lạ hơn tất cả có lẽ là người thơ:

Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười

                                 (Nguyễn Công Trứ)

Niềm vui nỗi buồn nhiều khi đan quyện vào nhau. Mới đấy còn khóc lóc khổ đau, nhưng cũng lại có thể “tiêu sầu” mà hát ca phơi phới. Tâm trạng biến đổi chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi của thời gian, hoặc ngày trước, ngày sau. Cũng có thể lâu hơn mùa trước mùa sau, năm trước năm sau. Điều xảy ra với Đỗ Phủ là trường hợp như thế.

Ta vừa gặp nhà thơ rầu rĩ, cuồng ca trong cảnh nhà tranh bị gió thu phá nát “Trời thu mù mịt đêm đen đặc”. Những tưởng đời ông rồi sẽ cứ tăm tối ảm đạm mãi cho đến khi vào bóng tối vĩnh hằng. Vậy mà không. Lòng ham sống, yêu đời đã tạo ra một Đỗ Phủ khác- Đỗ Phủ yêu thiên nhiên, say đắm với vẻ đẹp bình dị mà đằm thắm đến nao lòng của tự nhiên.

Nhà cô Hoàng Tứ hoa đầy suối.

Ngàn đoá vạn bông…

Thật là một cảnh tượng lộng lẫy: ngàn, vạn đoá hoa nở bừng đến nỗi cành hoa mà trĩu như cành quả. Hoa đầy cành, cành xum xuê in bóng nước làm cho suối cũng đầy hoa. Hoa đầy suối, hoa đầy không gian, nhưng tất cả những đoá hoa ấy chỉ là nền, chỉ làm nhiệm vụ điểm trang cho bông hoa người, cô gái chắc xinh tươi và trẻ trung có cái tên rất gợi Hoàng Tứ. Hoa đã nở, nở tưng bừng, nở rộ hàng ngàn, hàng vạn đoá như thế hẳn cũng chẳng phải hiếm hoi để mà phải kiếm tìm. Vậy thì “độc bộ tầm hoa” cũng còn có thể là một mình tìm Hoàng Tứ cô nương lắm chứ. Bao giờ người đẹp chẳng là nguồn cảm hứng của thi nhân.


Vì em thơ tạo nên lời

Lại vì em suốt đêm ngồi chép thơ

                                                   (Xuân Diệu)

Cái hay ở đây là hoa thiên nhiên, đối tượng đi tìm của nhà thơ đang rực rỡ, đang độ viên mãn nhất. Mặt khác, không có “Hoàng Tứ nương gia” thì hoa có đẹp đến mấy cũng là hoa dại, hoa vô chủ. Thành ra cô gái không xuất hiện nhưng bức tranh hoa vẫn ấm áp hơi người. Cái tên đẹp như thêm sắc, thêm hương cho hoa đầy suối.

Nhà thơ không tả sắc hoa, hương hoa, nhưng bướm bay lưu luyến quấn quýt chắc hoa phải đầy hương sắc. Hoa thơm bướm lượn là luật tự nhiên. Khung cảnh càng lung linh thêm khi những âm thanh thánh thót của kiều oanh cất lên…

Lưu luyến, quấn quýt, thánh thót, ung dung, đó là trạng thái của kiều oanh, của hí điệp. Còn con người thi nhân ở đâu? Hẳn là người mượn đôi cánh bướm để chấp chới như Trang Sinh không nỡ rời và mượn tiếng hót của kiều oanh để mà ngợi ca: hoa đẹp lắm, Hoàng Tứ nương gia, hay chính chủ nhà đẹp lắm và cuộc đời này còn đáng yêu lắm lắm./.



Hà Nội, 2000




2 nhận xét:

  1. Em đã đọc, thơ hay, lời bình rất hay. " Lòng ham sống, yêu đời đã tạo ra một Đỗ Phủ khác - Đỗ Phủ yêu thiên nhiên, say đắm với vẻ đẹp bình dị mà đằm thắm đến nao lòng của tự nhiên." Vâng, đúng thế ạ. Thì ra Đỗ Phủ không phải như trước đây em vẫn hình dung. Nhà thơ chính là một cây đàn huyền diệu của muôn đời.

    Trả lờiXóa