Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Thử nhắp chuột vào “Kiên lục bát”!



 

Thử nhắp chuột vào “Kiên lục bát”!

Nhà thơ Trần Quang Quý


C
ó một Nhà lý luận phê bình nhắc đến “Kiên lục bát” và hỏi tôi có đọc, có biết gì về cây bút này không? Quả thực, tôi cũng có loáng thoáng nghe... nhưng chưa đọc thơ của Nguyễn Thế Kiên, mà lại là “Kiên Lục bát”, một danh xưng (trên mạng) có vẻ hơi bị... liều, giữa thời buổi những thơ Tân hình thức, Hiện đại, Hậu hiện đại, Sắp đặt, Trình diễn... , thôi thì đủ “pháp” của thời hội nhập bung ra, nên cũng ngó lơ thế thôi. Cùng với mặc định về một thể thơ truyền thống đã được “cày bừa” quá kỹ qua thời gian, qua nhiều đại thụ lừng lững của thi ca Việt thì không hiểu còn tí thẹo đất nào cho “Kiên lục bát” canh tác không mà cây bút này tự tin thế?
Nhấp chuột vào facebook “kienlucbat” thì thấy “cái mặt lục bát” Kiên chường ra thế này:
“Nụ cười cũng thật hiếm hoi
Thơ văn ở cái thời tôi lằng nhằng
Mớ ba mớ bảy sang sông
Đẻ ra một lũ tồng ngồng... thơ tôi
.....
Thời tôi cả nước làm thơ
Nên câu chữ thiếu đến giờ đi vay...
Thời tôi điên giả để say
Câu thơ nhuốm đỏ cối chày thời tôi…”                      (Lục bát thời tôi sống)

Hóa ra tay này cũng láu, cũng “tếu”, cũng phóng đại, mà có duyên ra trò. Và bây giờ, tôi có trong tay tập thơ “Mãi tin vào những kiếp người” mà Nguyễn Thế Kiên nhờ thẩm định. Nó không phải là tập chuyên lục bát. Nhưng với 98 bài dài, ngắn trong tập thì phần thơ lục bát vẫn chiếm số đông, cái sự được của nó cũng lấp lánh hơn hẳn các thể loại khác. Và điều mừng trước tiên là, lục bát Nguyễn Thế Kiên có sức hút thật, bởi ngay từ những bài đầu tiên, cái cảm giác “ngó lơ” của tôi về Kiên lục bát đã có thể dẹp sang một bên để đọc tiếp giọng lục bát này.
Nguyễn Thế Kiên không theo cách xoay sở, thay đổi kết cấu lục bát thông thường, ngắt dòng, vắt dòng... mà nhiều cây bút hiện nay vẫn làm để cho có vẻ hiện đại, cho mới lục bát. Anh vẫn chủ yếu tuần tự câu 6, câu 8 như thủy tổ lục bát, nhưng cái hấp lực của nó ở chỗ, Kiên “lọc” được những từ đã quá quen tai, đưa được nhiều ngôn ngữ đời sống đương đại, ngôn ngữ dân gian hiện đại vào thơ; tính hài hước, giễu nhại với giọng tưng tửng... , đặc biệt là ngôn ngữ và đời sống quê làng gần gũi; chọn được những từ “đắc địa” để có thể neo người đọc vào những câu thơ, khổ thơ lục bát vốn rất dễ tuột trôi bởi vần điệu mượt mà, trơn tru thể loại: “Chiều còn một nhúm trời xanh/ Ta ngồi với gã phỗng sành tỉ tê... / Mắt này, phỗng tuổi bao nhiêu/ Mà sành sứ cả những điều dại khôn?” (Với phỗng sành). “Nhúm” là từ làm cho người đọc khó ngó lơ, “sành sứ cả những điều dại khôn?” là cách nói ẩn dụ những tâm sự có màu thế sự.
Một nét khắc khác về vùng quê thanh bình như cổ tích: “Lúa thì con gái mơn man/ Đàn trâu vẫn cứ nhênh nhang gặm chiều…/ Ừ, quê ơi, có đâu nghèo/ Lẫn vào đâu đấy cũng bèo bọt trôi/ Về thôi chú, cạn chiều rồi/ Vòng đê cổ tích hương vời vợi say” (Chuyện với Thần nông). “Nhênh nhang” không mới, thậm chí đã rất xưa, nó chỉ sự đủng đỉnh, kéo dài thời gian, cảnh nông nhàn... nhưng trong một buổi chiều quê, cái sự nhênh nhang của “Đàn trâu vẫn cứ nhênh nhang gặm chiều...” thì thật thú vị, thật bình yên. Nhiều từ cũ biết dùng trong một ngữ cảnh nào đấy bỗng có hồn, bỗng mới. Nó khác với những tính từ cũ sáo mà thơ trẻ hiện nay rất ít dùng: lunh linh, long lanh, xôn xao, mênh mông, bát ngát... Cái tài là biết làm cho chữ trở nên năng động, có hồn, có vị thế trong câu.
Nguyễn Thế Kiên nói về sự làm thơ bằng một giọng hài, mà lạ. Có lẽ đó là chiêm nghiệm việc làm thơ từ chính tác giả. Tứ thơ có thể chợt đến nhưng câu chữ, thi ảnh thì chưa “động binh” trong cảm xúc của nhà thơ, thành ra: “Tứ thơ bật cúc ra rồi/ Lạy hồn, câu chữ cứ ngồi tụng kinh” (Hâm). Chỉ là một cách nói mà tạo ra hiệu năng mới cho câu thơ. Cũng cái giọng “thích đùa” ấy mà người đọc có sự hưng phấn trong tiếp nhận, ở hoàn cảnh bài Lục bát yêu: “Trộn hờn dỗi với nghi ngờ/ Vài hôm tưởng bở thẫn thờ gọi: yêu/ Lời thì thật, ý thì điêu/ Mang đêm khoán trắng cho điều thị phi... / Duỗi ra một dải thơ tình/ Ta thành câu chữ đi rình gió yêu/ Phím đêm tanh tách gõ liều/ Văn chương rổn rảng quanh điều viển vông”. Ở tập thơ này, có một điều gây chú ý, Nguyễn Thế Kiên dành nhiều quan tâm về nghiệp thơ, anh có nhiều câu thơ, có khi là một cách tự giễu cái nghề “mài chữ” mà mình nhọc lòng theo đuổi, nhưng sau giọng tưng tửng là nỗi buồn lắng lại. Có khi lại là những câu thơ thật đắng đót về kiếp chữ phận người, những tâm sự có sức gợi vượt ngoài sự quan tâm cụ thể của nghĩa thực: “Bao nhiêu kiếp chữ bơ phờ/ Phận người dát mỏng lên thờ thẫn đêm/ Trăng khuya khuyết lửa ngọn đèn/ Câu thơ hắt bóng trên thềm bình minh” (Thơ).
Nhưng ngoài những tạt ngang, xẻ dọc giễu ghẹo, những hoạt ngôn “diễn chữ”, thì đời sống quê làng của một chàng lãng tử “Hồn nông dân vẫn chửa... vơi tẹo nào” luôn ám ảnh, vời vợi nỗi niềm quê kiểng mặn mòi, dân dã. Đây là nỗi niềm mẹ: “Gia tài óng những đắng cay/ Dầm chua xót muối nên ngày vô tư/ Ngược nhau về nẻo nhân từ/ Bao dầm dãi hóa chân tu dưới trời” (Mẹ). Hay, đằng sau cái gọi là nông thôn mới là một đời sống dường như bao đời vẫn vậy: “Rạ rơm ngán ngẩm phơi chiều/ Mắt quê mờ đục đọng heo hắt buồn/ Lặn vào cổ tích chín non/ Làng quê bạc giữa mỏi mòn đồng chiêm” (Nông thôn mới). Nói về dưa muối nhưng không phải nói về dưa, mà ở đó ướp muối cả nắng mưa, những mùa đông giá, ướp cả cánh đồng cực nhọc, trong cái phận gọi là dưa ấy: “Bao nhiêu mưa nắng lên ngồng/ Mẹ ta muối cả mùa đông nghẹn vàng/ Truân chuyên từ cánh đồng làng/ Nén cơ cực với phũ phàng... phận dưa” (Dưa).
Ấy là nói về lục bát, những mảng thơ khác của Nguyễn Thế Kiên trong những mối quan tâm tương tác: Kiếp và phận, một thoáng và hư vô, còn và mất, quê và phố, dân gian hiện đại và giễu nhại… thì quê làng, những thay đổi của xã hội nông thôn đương đại, những pha trộn phố với làng, những nét văn hóa quê từng “Mấy trăm năm… nghèo khó vẫn nết làng” thì nay: “Giờ trước ngõ giàu sang, dạm năm bè bảy mối/ Bê tông hóa mấy ngàn năm lụt lội/ Những trơn tru lấc cấc lên đời…”. Sau tất thảy thay đổi, cái còn cái mất, cái đang tha hóa… , làng trong tâm thức của Nguyễn Thế Kiên vẫn là: “Nỗi niềm nào chia hết được buồn vui/ Bao ẩn khuất rỗng làng đi cả/ Còn phía ấy, rưng rưng là nỗi mẹ/ Nén cô đơn thầm lặng mỗi trang đời”.
Ít nhất, lục bát Nguyễn Thế Kiên không gây cho người ta cảm giác “chán ăn” là do tác giả biết “khuấy” chữ, làm cho chữ năng động hơn, không có cảm giác đều tai, mượt nhĩ. Có những câu thơ neo được người đọc khó tính. Cái sự cù người đọc thật cần thiết trong dòng thơ nhiều nếp nhăn hoặc nỉ non, tuột chảy. Nhưng cũng cảnh giác với sự vụn vặt dưa góp, sự tỉa tót chữ hoặc lối phóng đại dai, sự lặp của chính mình…
Tôi quyết định ra mạng sau khi nán lại ít lâu ở những dòng này: “Lá tương tư rụng mỏng chiều/ Heo may trễ nải vòng eo cuối ngày/ Ước mơ/ úp ngược đêm đầy/ Mùa rơi xuống bóng chạm tay một mình”. Những câu thơ bảng lảng và tâm trạng này làm tôi tin có một Kiên lục bát.

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2015

2 nhận xét:

  1. Nhưng cũng cảnh giác với sự vụn vặt dưa góp, sự tỉa tót chữ hoặc lối phóng đại dai, sự lặp của chính mình… Một nhận xét chí lý!

    Trả lờiXóa