Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Mấy cảm nghĩ khi đọc tập thơ “Ma lực”




                                                               Tác giả Hoài Nam, thứ 2 trái sang, ngày ra mắt sách
Mấy cảm nghĩ khi đọc tập thơ “Ma lực”

                                                    Vũ Nho

Tôi gặp tác giả “Ma lực” lần đầu trong tiệc rượu mừng  ra mắt sách “Biển mặn” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Lần thứ hai ở trụ sở công ty Đất Việt, được anh tặng tập thơ “Trái tim bên phải”. Rồi kết bạn trên FB. Rồi thi thoảng có vào trang của anh, xem thơ, xem ảnh,  chủ yếu  là ảnh phái đẹp. Cảm nhận của tôi là Nguyễn Hoài Nam sinh ra để say đắm với phái đẹp, say đắm với thơ tình. Đắm đuối và đau khổ với tình nhân, với em  thì hầu như đó là căn bệnh thường ngày của thi sĩ. Nhưng chẳng có mấy ai làm như anh:

          Tôi vắt lòng tim…

Quặn chữ

              Gửi về em

Người kĩ tính, dè sẻn câu chữ có thể bảo chỉ cần vắt tim thôi! Nhưng tác giả không muốn nói tim chung chung, mà nói lòng tim là nói tim trong tim, nói cái cốt lõi, cái tinh túy trong sự vật. Và chữ nghĩa gửi về em đâu phải chữ nghĩa thường. Những con chữ sinh ra trong cơn quặn đau, dằn vặt, trong vật vã lựa chọn ngôn từ, như nhà thơ Lê Đạt ví công việc nặng nhọc vất vả của phu chữ, như Maiacovxki  ví với việc lọc hàng trăm tấn quặng ngôn từ để lấy vài gam chữ. Kết quả của công việc không chỉ phụ thuộc vào ý chí của người viết mà còn nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng ít nhất, người đọc tôn trọng sự chân thành, sự hết mình của tác giả.

          Có thể hình dung toàn bộ tập “Ma lực” là thơ tình. Vì bài thơ có nhan đề “Ma lực”  - cũng là tên chung cho tập- chỉ nói đến thế giới em, và rộng hơn là thế giới đàn ông đàn bà. Ma lực của ánh nhìn thật là dữ dội:


          Ma lực của ánh mắt lặng nhìn

          Khiến cả  trời  sao chết đuối

          Lúng liếng chảy dòng sông chật chội

          Đêm sóng sánh đêm

Nhưng có thể thấy  thơ tình của anh dành cho em, giữa anh với em chỉ là một phần nhỏ trong tập này. Tác giả  ít nói cụ thể về một mối tình, một nỗi đau, một lần chia xa vĩnh viễn. Ví như có thể gặp thấp thoáng:

          Biển Tuy Hòa nắng gắt bỏng lời ru

          Sóng vỡ trắng

          chết xanh vùi biển mặn

          Chầm chậm chiều buông

          Bãi bờ hoang vắng

          Biển không M…

                             Biển không em

Hoặc nữa:

          Con mắt chiều nay chết khát

          Giữa cơn mưa gió ngập ngừng

          Em dang dở người dưng […]

          Con mắt chiều nay ngập ngụa bão giông

          Em về bên ấy

          Tôi sang bên này

          Hai cặp mắt cay

          Bốn con mắt khát…

                   Con mắt chiều nay

Tình yêu ấy, tình yêu của anh và em,  ma lực của hai thỏi nam châm trái dấu ấy được thăng hoa và ẩn dụ trong tình cảm của  đàn ông với đàn bà,  của cây với rừng, của trăng với trời, của đêm với ngày,  của biển với bờ cát, của sông với  bờ, với bến. Bởi thế không ngạc nhiên khi ta gặp nhân vật em như một em phiếm định ( Em ơi mùa vẫn xanh,  Em thấy gì?,  Hóa thân vào Noọng đi em,  Em có thấy gì? Em ru gì?, Sao cứ phải là em? Dậy thì em,...). Và em thường kèm với đàn bà như một cái tên “kép” , hoặc chỉ nguyên là “đàn bà” thôi  ( Em đàn bà tự muôn thuở hồng hoang,  Đàn bà-em, Cái đàn bà). Có khi trong một tứ thơ bất chợt, em-đàn bà bỗng đột ngột hiện ra:

          Em-đàn bà

          Khát mỗi buổi sáng xanh

          Khát trưa hè bỏng nắng

          Khát từng đêm, từng đêm câm lặng

          Khát nẻ khô…vỡ ngực…đợi chờ anh…

                             Khát

Ma lực  không chỉ là sức cuốn hút mãnh liệt của em và anh, mà còn là sức hút  của hai giới đàn ông, đàn bà. Nó còn vượt ra xa, chi phối  trong  sức hút tình yêu của tạo vật. Ví như gió với mây, như trăng với trời, như sông với thuyền,  như ngã ba sông với tình yêu thầm lặng:

           Chợt sớm mai ngã ba sông thức dậy

          Thấy bờ hoang réo gọi nước sông trôi

          Ngã ba sông

đau

nhịp sóng đứng ngồi…

Ngã ba sông

buồn

nín lặng câm không nói

               Ngã ba sông

Với những bài thơ như vậy, cả tập thơ, hầu như bạn đọc luôn cảm thấy ma lực của tình yêu. Đêm không chỉ là đêm của khoảng thời gian từ khi tắt hoàng hôn cho tới khi bình minh vỡ ối. Đêm trong thơ Hoài Nam là người đàn bà sinh nở (Đêm trở dạ), là người  đàn bà  mất chồng (Đêm góa bụa), người đàn bà  bối rối (Đêm bối rối), là người khùng “Đêm hạ cuồng điên” (Đêm hạ) là một người trắng tay không ngủ “Nằm giữa lòng đêm…đêm vật vờ trốn ngủ […]  Đêm trắng tay…đêm không ngủ…giữa lòng đêm” (Đêm trắng tay). Rồi sen tháng Sáu đâu chỉ là sen, mà là một cô gái đang khao khát, mời gọi tình nhân:

Hương sen chơi vơi say trời thắp lửa

Gót sen in cỏ mướt mềm bờ hoang

Mắt sen mơ màng sẻ khoang đắm đuối

Tay sen mời gọi thuyền rời bến sang

                   Sen tháng sáu

 Lạc vào chốn yêu đương, sẽ dễ bị say tình. Mà chẳng biết ai là  đối tượng say , con người (mắt nai), chú nai,  hay con ong, cái bướm:

Tình đời

con bướm mê say

Con ong tìm mật

ngủ ngày thức đêm

 Tình say

ngực bỏng môi mềm…

Mắt nai

chết đuối…cả triền núi xanh

                   Tình say

Không chỉ gặp tình say, bạn sẽ còn gặp những trái ngang khi lí trí lấn át tình cảm, lúc con người ta cố  tỉnh táo, cô dối lòng để rồi chịu hậu quả:

-         Nửa đêm nước lũ ngập cầu vỡ đê

-         Cồn cào lửa đốt cháy quê vỡ làng

-         Thầm thương trộm nhớ võ vàng bến sông

                Dối lòng

Mà nỗi đau sau hậu quả lớn lao đó sẽ còn dai dẳng mãi:

Cái đêm con nước tràn bờ

Lòng đê vỡ …tận bây giờ còn đau

Và ám ảnh mãi:

          Mảnh trăng lưỡi hái…cứa đau đêm hè

                                                Dứt ruột

Có rất nhiều cung bậc và ẩn dụ tình yêu. Những ai say đắm thơ tình, thích tìm kỉ niệm xưa, thích chiêm nghiệm những đắm say khi được yêu, cay đắng khi thất tình, những phút giây đi hoang, nhưng sững sờ lầm lạc, những khao khát, những ước mơ, hy vọng và thất vọng; những lúc mình vượt ra mình để sống đời sống khác… tôi tin sẽ thích thú với “Ma lực”. Chắc rằng không nhiều thì ít,  bạn sẽ được sẻ chia, đồng vọng,  đồng cảm  của Nguyễn Hoài Nam.

                                                      Hà Nội, tháng 7/2016

2 nhận xét:

  1. Đã có MA LỰC,
    Còn kèm MA MEN
    Thì anh cũng đổ
    Đâu phải mình em?

    Nhưng phải leo bậc
    Già cũng hết thèm...!
    Thái A

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác Thái A!
    Thích Ma men ma lực.
    Nhưng mà còn ít sức
    Thèm cũng đành...kiêng khem!

    Trả lờiXóa